Đội tuyển bóng đá quốc gia pháp
Đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp (tiếng Pháp: “Équipe de France de football”) là đội bóng đá đại diện cho nước Pháp tham dự các giải thi đấu quốc tế và là một trong những đội tuyển hàng đầu thế giới với hai lần vô địch thế giới vào các năm 1998, 2018 và 2 lần vô địch châu Âu các năm 1984, 2000. Ngoài ra, đội tuyển Pháp vô địch Olympic 1 lần vào năm 1984 tại Los Angeles và FIFA Confederations Cup 2 lần liên tiếp các năm 2001, 2003. Đội được Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) quản lý.
Pháp là một trong 4 đội châu Âu tham dự kỳ World Cup đầu tiên tổ chức năm 1930 và là một trong 8 đội bóng từng bước lên ngôi vị cao nhất của bóng đá thế giới. Trong phòng truyền thống của đội còn có 2 chức vô địch châu Âu và cộng thêm 2 chức vô địch Confederation Cup các năm 2001, 2003. Đội cùng với tuyển Argentina và tuyển Brasil là 3 đội tuyển giành được 3 chức vô địch bóng đá nam quan trọng nhất trong hệ thống thi đấu của FIFA: gồm World Cup, Cúp Liên đoàn các châu lục và Huy chương vàng Thế vận hội.
Trong hơn một thế kỷ qua, đội tuyển Pháp đã vượt qua những thất thường trong giai đoạn đầu tiên của mình để ổn định và thành công. Họ đã sản sinh ra 3 thế hệ vàng lớn vào những năm 1950, 1980 và 1990, kết quả là đã thu được rất nhiều danh hiệu lớn. Năm 1958, dưới tầm ảnh hưởng của một vài cầu thủ, đặc biệt là Raymond Kopa, Just Fontaine, Pháp đã kết thúc ở vị trí thứ 3 tại World Cup. Năm 1984, đội tuyển Pháp do Michel Platini làm đội trưởng đã giành chiến thắng tại Euro 1984. Họ lại thực hiện điều này thêm một lần nữa vào năm 2000, lần này dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Didier Deschamps và danh thủ kiệt xuất Zinedine Zidane. Pháp trở thành đội tuyển quốc gia thứ bảy vô địch World Cup vào năm 1998 khi họ làm chủ nhà. Pháp đánh bại Brasil 3–0 trong trận chung kết. Năm 2018, tức 20 năm sau đó, họ đã lần thứ hai vô địch, bằng số lần vô địch của Uruguay và Argentina, sau khi đánh bại Croatia trong trận chung kết với tỉ số 4–2. Pháp đứng đầu bảng xếp hạng FIFA lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2001.
Sau thất bại của đội tại World Cup 2010, một cuộc tái thiết chính thức diễn ra trong liên đoàn, kết quả là Chủ tịch FFF Jean-Pierre Escalettes phải từ chức và Laurent Blanc được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng. Trong triều đại 2 năm của Blanc, lực lượng tuyển Pháp đã được thay máu mạnh mẽ với sự xuất hiện của một thế hệ vàng mới, là tiền đề quan trọng cho triều đại của huấn luyện viên Didier Deschamps gặt hái thành công sau này.
Pháp thường chọn Stade de France ở ngoại ô Paris làm sân nhà từ năm 1998. Đối thủ truyền kiếp của Pháp là nước láng giềng Ý, nhưng họ cũng có nhiều cạnh tranh trong quá khứ với Bỉ và Anh vào thời kì đầu và với Đức vào những năm 1980.
Lịch sử
Những năm đầu tiên
Sự ra đời của đội tuyển bóng đá Pháp gắn liền với sự ra đời của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vào năm 1904. Tính từ thời điểm đó, các trận đấu quốc tế được tổ chức dưới sự điều hành của FIFA. Trước thời điểm năm 1904, một số trận đấu tập hợp các cầu thủ Pháp xuất sắc nhất cũng được tổ chức, đa phần dưới phiên hiệu của Liên hiệp các hiệp hội thể thao Pháp (Union des sociétés françaises de sports athlétiques – USFSA). Năm trận đấu quốc tế giữa tuyển USFSA với các đội tuyển Bỉ và Anh nghiệp dư đã được tổ chức từ năm 1900 cho đến năm 1904, với chiến thắng 6-2 trước tuyển Bỉ và 4 thất bại trước đội bóng Anh Quốc. Đại diện cho Pháp tại Thế vận hội Mùa hè 1900, là tuyển USFSA gồm các cầu thủ thuộc câu lạc bộ Club français. Đội giành huy chương bạc.
Đội tuyển bóng đá Pháp thi đấu trận đấu chính thức đầu tiên vào ngày mùng 1 tháng 5 năm 1904 và thủ hòa 3 – 3 với đội tuyển Bỉ[3]. Ba cầu thủ ghi bàn đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Pháp là Louis Mesnier, Marius Royet và Gaston Cyprès. Năm 1905, đội thi đấu trận đầu tiên trên sân nhà trước tuyển Thụy Sĩ, và giành chiến thắng đầu tiên. Những năm tiếp sau đó đội có những thành tích ít vẻ vang hơn, đặc biệt với hai trận đại bại trước tuyển Đan Mạch cách nhau có 3 ngày (0-9 rồi 1-17) tại Thế vận hội Luân Đôn. Dù không được FIFA công nhận chính thức từ ngày mùng 7 tháng 6 năm 1908, USFSA vẫn còn được phép tổ chức đội tuyển chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 1908. Hội cử hai đội Pháp A và B sang London. Luật khi đó cho phép mỗi quốc gia cử hai đội đại diện, nhưng chỉ có Pháp dùng tới quyền này. 44 cầu thủ Pháp tới London trong tình trạng mệt mỏi sau chuyến đi dài bằng tàu hỏa và tàu thủy và tới đúng sáng ngày thi đấu mới tới nơi. Kết quả là hai trận thảm hại (được tính là trận đấu thứ 11 và 12 trong lịch sử đội tuyển Pháp). Kể từ trận gặp Bỉ ngày 9 tháng 5 năm 1908, Ủy ban liên hiệp hội Pháp (Comité français interfédéral – CFI) quản lý đội tuyển và là tổ chức duy nhất được FIFA công nhận. Những năm tiếp theo CFI không thống nhất được với USFSA, tổ chức vốn là một trong những thành viên sáng lập của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), để cử một đội tuyển Pháp đi dự Thế vận hội năm 1912. Pháp đành tuyên bố bỏ cuộc.
Nhưng USFSA cũng buộc phải tái tổ chức những năm sau đó, trở thành một thành viên bán trực thuộc CFI từ năm 1913. Thế chiến thứ nhất bùng nổ làm gián đoạn các hoạt động thi đấu thể thao, trong số các tuyển thủ Pháp ra chiến tuyến, có tổng cộng 17 người hy sinh ngoài mặt trận[4].
Hòa bình lập lại, CFI trở thành Liên đoàn bóng đá Pháp (“Fédération Française de Football”) từ năm 1919. USFSA cũng sáp nhập vào liên đoàn kể từ năm 1921. Từ đây chấm dứt tranh cãi liệu đội đại diện cho nước Pháp có phải là Đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp hay chỉ là một đội tuyển các cầu thủ thuộc quyền quản lý của liên đoàn này hay liên đoàn kia.
Để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 1924 được tổ chức tại Paris. Sau một chuỗi trận toàn thua, đội đã quyết định thuê một huấn luyện viên người Anh, ông Charles Griffiths, về huấn luyện đội.[5] Griffiths ngay lập tức bị chỉ trích kịch liệt vì gọi lên đội tuyển nhiều cầu thủ đang đầu quân cho các câu lạc bộ ở tỉnh[6]. Trong khi việc đó là hoàn toàn có lý, khi cùng năm đó, hai đội bóng bước lên hai ngôi vị cao nhất bóng đá Pháp là hai đội bóng không của thủ đô: Olympique de Marseille và FC Cette.
Bước vào Thế vận hội Mùa hè 1924, sau lễ bốc thăm, Pháp không phải đấu vào một mà được vào thẳng vòng 16 đội. Tuyển Pháp tại vòng đấu này hạ Đội tuyển bóng đá quốc gia Latvia với tỉ số 7-0, trước khi thúc thủ trước đội sau đó giành huy chương vàng là Uruguay với tỉ số 1-5.[7].
Bốn năm sau đó, tại Thế vận hội Mùa hè 1928, đội cũng không vượt qua vòng đấu đầu tiên khi để thua Ý với tỉ số 3-4.
Thập niên 1930
Đội tuyển Pháp là một trong 13 đội bóng tham dự giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1930 tại Uruguay (tiền đạo Lucien Laurent là cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại một kỳ World Cup trong trận gặp Mexico). Đội không vượt qua vòng bảng: với thành tích thắng Mexico 4-1 nhưng để thua hai trận kế tiếp cùng với tỉ số 0-1 trước Argentina và Chile.
Năm sau đó, đội có hai chiến thắng ấn tượng, đầu tiên là đánh bại tuyển Đức với tỉ số 1-0, sau đó là quật ngã Anh với tỉ số đậm 5-2 vào ngày 14 tháng 5 năm 1931.
Đến World Cup 1934, giải thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, theo bốc thăm ở vòng 1, Pháp sẽ gặp tuyển Áo, một trong những ứng cứ viên của giải[8]. Trận đấu diễn ra vào ngày 27 tháng 5 năm 1934, Pháp chỉ chịu thua với tỉ số 2-3 sau hai hiệp phụ. Khi đội về tới Paris, gần 4.000 người đã tụ tập đón đội[9] · [10].
Cầu thủ da màu đầu tiên, Raoul Diagne, lần đầu tiên khoác áo đội vào năm 1931. Cầu thủ gốc Bắc Phi đầu tiên thi đấu cho tuyển Pháp là tiền vệ tổ chức người Maroc Larbi Ben Barek. Raoul Diagne và Larbi Ben Barek thi đấu cùng nhau trong trận đấu nổi tiếng gặp tuyển Ý ngày 4 tháng 12 năm 1938. Đội tuyển Pháp ” black, blanc, beur ” – ” đen, trắng, Ả Rập ” ra đời vào ngày hôm đó.
Thế hệ vàng thập niên 1950
Những năm 1950 chứng kiến Pháp trình làng thế hệ vàng đầu tiên của mình bao gồm các cầu thủ như Just Fontaine, Raymond Kopa, Jean Vincent, Robert Jonquet, Maryan Wisnieski, Thadée Cisowski, và Armand Penverne. Tại World Cup 1958, Pháp vào đến vòng bán kết và thua Brazil. Trong trận đấu tranh hạng ba, Pháp đánh bại Tây Đức 6-3 với 4 bàn thắng của Fontaine, người đã giành danh hiệu vua phá lưới giải đấu với số bàn thắng lên tới con số 13, một kỷ lục của World Cup vẫn đứng vững đến hiện nay. Pháp làm chủ nhà Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1960 và lại đến vòng bán kết. Trong vòng này, Pháp phải đối mặt với Nam Tư và bị thua ngược 5-4 dù đã dẫn trước 4-2 đến phút 75. Trong trận đấu tranh hạng ba, Pháp bị Tiệp Khắc đánh bại 2-0.
Khủng hoảng những năm 1960 – 70
Những năm 1960 và 70 chứng kiến sự thoái trào đáng kể của bóng đá Pháp khiến họ bị loại khỏi nhiều giải đấu quốc tế. Ngày 25 tháng 4 năm 1964, Henri Guérin đã chính thức trở thành huấn luyện viên. Dưới thời Guérin, Pháp không vượt qua vòng loại World Cup 1962 và Euro 1964. Họ lọt vào vòng chung kết World Cup 1966 nhưng phải về nước ngay sau vòng bảng của giải đấu. Guérin bị sa thải sau World Cup này. Ông được thay thế bởi José Arribas và Jean Snella. Thời đại của bộ đôi huấn luyện viên này chỉ kéo dài trong bốn trận đấu và họ được thay thế bởi cựu cầu thủ quốc tế Just Fontaine, người chỉ huấn luyện cho đội hai trận. Louis Dugauguez kế tục nhưng cũng không đưa Pháp vượt qua vòng loại World Cup 1970. Sau khi Dugauguez bị sa thải, Georges Boulogne lên nắm quyền và cũng bị sa thải sau thất bại tại vòng loại World Cup 1974 và được thay thế bằng huấn luyện viên người Rumani Stefan Kovacs, người nước ngoài đầu tiên và duy nhất huấn luyện đội tuyển quốc gia thời điểm đó. Kovács cũng gây thất vọng khi không thể đưa Pháp đến World Cup 1974 và Euro 1976. Sau hai năm huấn luyện, ông bị sa thải và được thay thế bằng Michel Hidalgo.
Thế hệ vàng thập niên 1980
Dưới thời Hidalgo, Pháp phát triển mạnh mẽ, chủ yếu là do sự tỏa sáng của tiền vệ Michel Platini, người cùng với Jean Tigana, Alain Giresse, và Luis Fernández hình thành nên “Hình vuông ma thuật”, làm ám ảnh nhiều hàng phòng thủ đối phương, bắt đầu từ World Cup 1982, nơi mà Pháp lọt đến vòng bán kết và chỉ thua cay đắng trên chấm phạt đền trước đối thủ Tây Đức. Trận bán kết giữa Pháp và Đức năm 1982 được coi là một trong những trận đấu lớn nhất trong lịch sử World Cup. Pháp lần đầu có được danh hiệu quốc tế hai năm sau đó, sau chiến thắng tại Euro 1984, khi họ tổ chức.. Dưới sự dẫn dắt của Platini, người đã ghi chín bàn thắng trong giải đấu, Pháp đánh bại Tây Ban Nha 2-0 trong trận chung kết với hai bàn thắng của Platini và Bruno Bellone. Sau chiến thắng Euro, Hidalgo rời đội và được thay thế bởi cựu tuyển thủ quốc tế Henri Michel. Pháp sau này hoàn thành hat-trick khi họ giành huy chương vàng tại Thế vận hội, một năm sau đó, đánh bại Uruguay 2-0 để giành Cúp Artemio Franchi, tiền thân của FIFA Confederations Cup. Trong thời gian một năm, Pháp đã sở hữu ba trong số bốn danh hiệu quốc tế lớn. Tại World Cup 1986, Pháp là một ứng cử viên rất nặng ký và một lần nữa, trong World Cup thứ hai liên tiếp, lại lọt đến vòng bán kết, nơi họ phải đối mặt với Tây Đức. Một lần nữa, họ lại để thua. Chiến thắng 4-2 trước Bỉ đã giúp Pháp có được vị trí thứ ba.
Thế hệ vàng thập niên 1990 – 2000
Năm 1988, Liên đoàn bóng đá Pháp mở Học viện bóng đá quốc gia Clairefontaine. Năm tháng sau khi Clairefontaine mở của, huấn luyện viên Henri Michel bị sa thải sau khi không đưa được đội đến Giải vô địch bóng đá thế giới 1990. Người thay thế là huyền thoại Platini đã đưa Pháp đến Euro 1992 sau khi toàn thắng ở vòng loại. Mặc dù đã có chuỗi 19 trận bất bại trước đó, Pháp bị loại ở vòng bảng sau khi thúc thủ trước Đan Mạch 1-2 trong trận đấu cuối cùng. Một tuần sau khi kết thúc giải đấu, Platini từ chức và được thay thế bằng người trợ lý Gérard Houllier của mình. Dưới thời Houllier, đội Pháp và những cổ động viên của họ đã trải qua một thảm kịch đau lòng sau khi họ gần như đã đủ điểm cho World Cup 1994, và chỉ cần giành 1 điểm trong 2 trận đấu trên sân nhà trước Israel và Bulgaria là hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, trong trận đấu với Israel, Pháp đã thua 2-3, trong trận Bulgaria, bị thua ngược 1-2. Houllier đã phải ra đi. Aimé Jacquet trợ lý của ông đã được bổ nhiệm với sứ mệnh dẫn dắt đội bóng tại World Cup 1998, nơi Pháp làm chủ nhà.
Để thay đổi một đội tuyển Pháp rệu rã, Jacquet thẳng tay loại bỏ nhiều cựu binh để nhường chỗ cho các tuyển thủ trẻ, tiêu biểu là Zinedine Zidane. Đội đã lọt tới trận bán kết của UEFA Euro 1996, nơi họ bị thua 6-5 trên chấm phạt đền trước Cộng hòa Séc. Trong giải đấu lớn tiếp theo tại World Cup 1998, Jacquet đã dẫn dắt Pháp đến vinh quang khi đánh bại Brasil 3-0 trong trận chung kết tại Stade de France. Jacquet rút lui sau chiến thắng tại World Cup và đã được kế tục thành công bởi trợ lý Roger Lemerre, người đã đưa Pháp giành được chức vô địch châu Âu tại Euro 2000. Được dẫn dắt danh thủ Zidane, Pháp đánh bại Italia 2-1 trong trận chung kết với bàn thắng vàng của Trezeguet trong hiệp phụ. Đây là lần đầu tiên có một đội tuyển quốc gia có được cả hai chức vô địch World Cup và Euro cùng lúc kể từ khi Tây Đức làm được vào năm 1974, và đây cũng là lần đầu tiên một đội đương kim vô địch thế giới giành được chức vô địch châu Âu. Pháp đã nhảy vào vị trí số một trong xếp hạng của FIFA.
Sau khi giành được Confederation Cup vào năm 2001, Pháp đã thâu tóm đầy đủ 3 danh hiệu quan trọng nhất của bóng đá thế giới. Thế hệ vàng của Pháp, ngoài sự xuất sắc của Zidane còn phải kể đến các danh thủ như Thierry Henry, David Trezeguet, Patrick Vieira, Didier Deschamps, Emmanuel Petit, Lilian Thuram, Bixente Lizarazu, Laurent Blanc, Youri Djorkaeff, Robert Pirès, Fabien Barthez và một số tuyển thủ khác như: Sylvain Wiltord, Frank Leboeuf, Claude Makélélé… Mặc dù hầu hết các cầu thủ trong đội tuyển Pháp lúc đó đều là các siêu sao hàng đầu thế giới ở vị trí của mình nhưng nhiều người chỉ trích rằng Pháp quá phụ thuộc vào tài năng tổ chức trận đấu của Zidane và khi vắng cầu thủ này, những ngôi sao khác trong đội tuyển Pháp không thể chơi kết dính và bùng nổ nữa. Minh chứng rõ nét cho điều này là tại World Cup 2002 khi Zidane bất ngờ dính chấn thương trong trận đấu giao hữu với chủ nhà Hàn Quốc trước khi giải đấu khai mạc. Pháp nhanh chóng thể hiện lối chơi rời rạc khi thiếu vắng nhạc trưởng của mình và bị loại cay đắng. Mặc dù rơi vào bảng đấu dễ thở với những đối thủ dưới cơ là Đan Mạch, Uruguay và Senegal, Pháp kết thúc vòng bảng với chỉ 1 điểm kiếm được và không ghi được một bàn thắng nào, trở thành đội đương kim vô địch có thành tích kém cỏi nhất trong các kì World Cup. Lemerre bị sa thải và Santini lên nắm đội.
Sau khi giành thêm Confederation Cup vào năm 2003, Pháp lại nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch tại Euro 2004. Tuy nhiên, một lần nữa, sự dựa dẫm quá nhiều vào Zidane khiến Pháp phải trả giá. Sau khi cứu cho Pháp khỏi thất bại trước Anh trong trận đấu đầu tiên bằng hai bàn thắng ghi liền trong 3 phút cuối trận, Zidane chẳng thể làm gì khi bị vô hiệu hóa trước lối chơi kỉ luật của các cầu thủ Hy Lạp (đội sau đó vô địch) tại vòng tứ kết. Pháp thua 0-1 và trở thành cựu vương của châu Âu. Sau giải đấu, Zidane tuyên bố từ giã đội tuyển.
Jacques Santini từ chức huấn luyện viên và Raymond Domenech đã được chọn để thay thế ông. Pháp thi đấu chật vật ở nửa đầu vòng loại World Cup 2006. Điều này khiến Domenech đã phải thuyết phục một số một số lão tướng trở lại đội tuyển để giúp đội vượt qua vòng loại. Nghe theo lời thuyết phục này, ba cựu binh sáng giá là Zidane, Thuram và Makélélé trở lại đội tuyển và giúp Pháp cán đích tại vòng loại World Cup 2006. Ở World Cup 2006, Pháp đã bất khả chiến bại ở vòng bảng và tiến thẳng đến trận đấu cuối cùng của giải sau khi liên tiếp đánh bại Tây Ban Nha, Brazil và Bồ Đào Nha. Pháp đã gặp Ý trong trận chung kết và hòa 1-1 sau 120 phút trước khi thua 5-3 trên chấm phạt đền.
Khủng hoảng thế hệ thời kì “hậu Zidane”
Trận chung kết World Cup 2006 là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của Zidane. Sau một thập niên tạo ảnh hưởng lớn lên lối chơi của đội tuyển Pháp, việc Zidane giã từ sự nghiệp đã tạo ra một sự hẫng hụt đối với đội bóng “Áo Lam”. Dù Domenech cố gắng xây dựng một đội bóng không lệ thuộc vào một cá nhân nào nhưng đây tỏ ra là một công việc quá sức. Domenech vẫn phải tin dùng vào các cựu binh như Thuram hay Makelele để ổn định lối chơi của đội và không tin dùng nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Mặc dù Pháp đã lọt được cả vào vòng chung kết của Euro 2008 và World Cup 2010 nhưng đó đều là những chiến dịch rất khó nhọc, đặc biệt là ở vòng loại World Cup 2010 khi Pháp phải nhờ đến “bàn tay bẩn” của Henry trong hiệp phụ trận đấu tranh vé vớt với Ireland để được góp mặt tại World Cup. Trong cả hai giải đấu lớn nói trên, Pháp đều thi đấu tệ hại, thiếu gắn kết và đều bị loại ngay từ vòng bảng.
Đặc biệt, tại World Cup 2010, những mâu thuẫn nội bộ trong đội tuyển đã lên đến đỉnh điểm khi toàn bộ đội bóng đã bỏ một buổi tập và công khai một bức thư ngỏ để phản đối quyết định của LĐBĐ Pháp (FFF) và huấn luyện viên Domenech khi đuổi tiền đạo Nicolas Anelka về nước sau trận thua Mexico do tiền đạo này đã chửi ông Domenech[11][12]. Vụ việc này đã khiến cho toàn bộ đội hình của đội tuyển Pháp dự World Cup đều bị treo giò ít nhất một trận sau đó. Triều đại của Domenech cũng kết thúc sau giải đấu này.
Nỗ lực tái thiết của Blanc
Mặc dù việc bổ nhiệm Laurent Blanc vào vị trí huấn luyện viên trưởng chỉ diễn ra sau World Cup nhưng trên thực tế, ngay từ trước khi World Cup diễn ra, nhiều tờ tạp chí của Pháp đã tiết lộ thông tin này.
Trong trận đấu đầu tiên dưới triều đại của Blanc (gặp Na Uy trong một trận giao hữu), toàn bộ 23 cầu thủ dự World Cup của Pháp đều bị treo giò. Blanc buộc phải xây dựng một bộ khung đội tuyển với nhiều gương mặt trẻ và mới để thay thế một đội tuyển đã rệu rã. Pháp khởi đầu kỉ nguyên Blanc bằng thất bại 1-2 trước Na Uy.
Trong trận đấu chính thức đầu tiên tại vòng loại Euro 2012, vẫn còn 5 tuyển thủ của Pháp bị treo giò gồm Anelka, Ribery, Evra, Abidal, Toulalan, Pháp thúc thủ trên sân nhà trước đội bóng trung bình Belarus với tỉ số 0-1.
Tuy nhiên, khi bị dồn vào thế chân tường, các cầu thủ Pháp đã thể hiện tinh thần thi đấu cao bằng chiến thắng 2-0 ngay trên sân của Bosnia. Kể từ đó, Pháp đã có chuỗi 4 trận thắng liên tiếp tại vòng loại, để vươn lên dẫn đầu bảng D. Pháp cũng giành chiến thắng 2-1 trên sân Wembley trước Anh và 1-0 trên sân nhà trước Brazil trong các trận giao hữu. Nỗ lực tái thiết của Blanc dù gặp nhiều khó khăn lúc đầu nhưng đã có những bước tiến vững chắc. Pháp kết thúc vòng loại với vị trí nhất bảng D và giành tấm vé trực tiếp tham dự vòng chung kết Euro 2012.
Tại Euro 2012, đội tuyển Pháp ban đầu thi đấu khá ổn khi hòa Anh với tỉ số 1-1 với bàn thắng gỡ hòa của Samir Nasri và thắng chủ nhà Ukraina với tỉ số 2-0 bằng hai bàn thắng của Jérémy Menez và Yohan Cabaye. Tuy nhiên, Pháp bất ngờ thua đội đã bị loại là Thụy Điển với tỉ số 0-2 ở lượt cuối bảng D và chỉ có thể đi tiếp với vị trí nhì bảng, qua đó phải gặp ĐKVĐ Tây Ban Nha ở tứ kết. Trận thua này khiến phòng thay đồ của tuyển Pháp một lần nữa rơi vào trạng thái xung đột buộc FFF phải điều tra hành vi của 4 nghi can có liên quan là Samir Nasri, Hatem Ben Arfa, Jeremy Menez và Yann M’Vila[13][14]. Pháp sau đó thua Tây Ban Nha với tỉ số 0-2 ở tứ kết. Sau Euro 2012, huấn luyện viên Laurent Blanc đã từ chức.
Triều đại Didier Deschamp và thế hệ vàng mới
Didier Deschamps đến với đội bóng áo lam từ năm 2012 sau khi Laurent Blanc từ chức[15]. Ở vòng loại World Cup 2014, Pháp rơi vào bảng đấu có Tây Ban Nha và chỉ đứng nhì bảng, qua đó phải đá play-off trước Ukraine để kiếm vé dự World Cup. Đội đã để thua Ukraine 0-2 trong trận lượt đi tại Kiev và đứng trước nguy cơ lỡ hẹn với World Cup lần đầu tiên kể từ năm 1994[16]. Tuy nhiên Pháp đã chơi xuất thần trong trận lượt về tại Stade de France khi lội ngược dòng bằng trận thắng 3-0 để giành vé đến Brazil[17].
Ở World Cup 2014, Pháp thi đấu ấn tượng khi đứng đầu bảng đấu có Honduras, Thụy Sỹ và Ecuador. Đội hạ Nigeria 2-0 ở vòng 2 trước khi để thua sát nút trước đội tuyển Đức (đội sau đó đăng quang) với tỉ số 0-1 ở tứ kết. Hai năm sau, Didier Deschamps đã dẫn dắt đội tuyến Pháp tiến vào trận chung kết Euro 2016 mà Pháp là chủ nhà trước khi để thua sát nút trước Bồ Đào Nha với tỉ số 0-1 và giành được ngôi á quân. Đây là những bước tiến quan trọng của đội để trở lại chu kỳ thành công sau nhiều năm trì trệ.
Pháp cũng bắt đầu trình làng một thế hệ tài năng mới quy tụ dàn cầu thủ đẳng cấp trải đều khắp các tuyến. Tại World Cup 2018, họ sở hữu đội hình có giá trị chuyển nhượng đắt nhất giải – hơn 1 tỷ euro[18]. Những cầu thủ nổi bật có thể kể đến như Antoine Griezmann, Paul Pogba, Raphaël Varane, N’Golo Kanté, Benjamin Mendy, Ousmane Dembélé và đặc biệt là tài năng trẻ sáng giá Kylian Mbappé. Với một đội hình mạnh và đồng đều, Pháp dễ dàng đứng đầu bảng đấu có Đan Mạch, Peru và Úc dù họ không bung hết sức. Ở vòng knock-out, đội vượt qua một loạt các đối thủ mạnh như Argentina, Uruguay và Bỉ để lọt vào chung kết gặp Croatia. Cuối cùng, Deschamp và các cầu thủ Pháp đã giành chức vô địch thế giới lần thứ hai trong lịch sử khi thắng Croatia 4–2 trong trận chung kết. Bên cạnh đó ông cũng đã đi vào lịch sử với tư cách là người thứ 3 vô địch World Cup trên cương vị cầu thủ và huấn luyện viên, trước đó người đầu tiên là Mario Zagallo và người thứ 2 là Franz Beckenbauer.
 Đội hình đội tuyển pháp
Đội hình hiện tại
 Dưới đây là danh sách 23 cầu thủ được triệu tập tham dự trận giao hữu gặp Ukraina và UEFA Nations League 2020–21 gặp Bồ Đào Nha và Croatia vào tháng 10 năm 2020.[20]
-Số liệu thống kê tính đến ngày 14 tháng 10 năm 2020 sau trận gặp Croatia.
# | Vt | Cầu thủ | Ngày sinh (tuổi) | Trận | Bt | Câu lạc bộ |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | TM | Hugo Lloris (Đội trưởng) | 26 tháng 12, 1986 | 118 | 0 | Tottenham Hotspur |
16 | TM | Steve Mandanda | 28 tháng 3, 1985 | 33 | 0 | Marseille |
23 | TM | Mike Maignan | 3 tháng 7, 1995 | 1 | 0 | Lille |
|
||||||
2 | HV | Benjamin Pavard | 28 tháng 3, 1996 | 29 | 1 | Bayern Munich |
3 | HV | Presnel Kimpembe | 13 tháng 8, 1995 | 11 | 0 | Paris Saint-Germain |
4 | HV | Raphaël Varane | 25 tháng 4, 1993 | 68 | 5 | Real Madrid |
5 | HV | Clément Lenglet | 17 tháng 6, 1995 | 10 | 1 | Barcelona |
17 | HV | Lucas Digne | 20 tháng 7, 1993 | 33 | 0 | Everton |
HV | Dayot Upamecano | 27 tháng 10, 1998 | 3 | 1 | RB Leipzig | |
20 | HV | Ferland Mendy | 8 tháng 6, 1995 | 7 | 0 | Real Madrid |
21 | HV | Lucas Hernandez | 14 tháng 2, 1996 | 20 | 0 | Bayern Munich |
18 | HV | Kurt Zouma | 27 tháng 10, 1994 | 5 | 1 | Chelsea |
|
||||||
6 | TV | Paul Pogba | 15 tháng 3, 1993 | 72 | 10 | Manchester United |
8 | TV | Adrien Rabiot | 3 tháng 4, 1995 | 9 | 0 | Juventus |
12 | TV | Corentin Tolisso | 3 tháng 8, 1994 | 23 | 2 | Bayern Munich |
TV | N’Golo Kanté | 29 tháng 3, 1991 | 42 | 1 | Chelsea | |
14 | TV | Eduardo Camavinga | 10 tháng 11, 2002 | 3 | 1 | Rennes |
15 | TV | Steven Nzonzi | 15 tháng 12, 1988 | 18 | 0 | Rennes |
|
||||||
7 | TĐ | Antoine Griezmann | 21 tháng 3, 1991 | 83 | 33 | Barcelona |
9 | TĐ | Olivier Giroud | 30 tháng 9, 1986 | 102 | 42 | Chelsea |
10 | TĐ | Kylian Mbappé | 20 tháng 12, 1998 | 38 | 16 | Paris Saint-Germain |
11 | TĐ | Kingsley Coman | 13 tháng 6, 1996 | 24 | 4 | Bayern Munich |
19 | TĐ | Anthony Martial | 5 tháng 12, 1995 | 23 | 1 | Manchester United |
22 | TĐ | Wissam Ben Yedder | 12 tháng 8, 1990 | 10 | 2 | Monaco |
13 | TĐ | Houssem Aouar | 30 tháng 6, 1998 | 1 | 0 | Lyon |
Triệu tập gần đây
Vt | Cầu thủ | Ngày sinh (tuổi) | Số trận | Bt | Câu lạc bộ | Lần cuối triệu tập |
---|---|---|---|---|---|---|
TM | Benoît Costil | 3 tháng 7, 1987 | 1 | 0 | Bordeaux | v. Croatia, 8 tháng 9 năm 2020 |
TM | Alphonse Areola | 27 tháng 2, 1993 | 3 | 0 | Paris Saint-Germain | v. Albania, 17 tháng 11 năm 2019 |
|
||||||
HV | Léo Dubois | 14 tháng 9, 1994 | 5 | 0 | Lyon | v. Ukraina, 7 tháng 10 năm 2020 COV |
HV | Benjamin Mendy | 17 tháng 7, 1994 | 10 | 0 | Manchester City | v. Albania, 17 tháng 11 năm 2019 |
|
||||||
TV | Moussa Sissoko | 16 tháng 8, 1989 | 63 | 2 | Tottenham Hotspur | v. Croatia, 8 tháng 9 năm 2020 |
TV | Thomas Lemar | 12 tháng 11, 1995 | 22 | 4 | Atlético Madrid | v. Albania, 17 tháng 11 năm 2019 |
TV | Tanguy Ndombele | 28 tháng 12, 1996 | 6 | 0 | Tottenham Hotspur | v. Albania, 17 tháng 11 năm 2019 |
TV | Matteo Guendouzi | 14 tháng 4, 1999 | 0 | 0 | Arsenal | v. Albania, 17 tháng 11 năm 2019 |
TV | Blaise Matuidi | 9 tháng 4, 1987 | 84 | 9 | Juventus | v. Moldova, 14 tháng 11 năm 2019 INJ |
|
||||||
TĐ | Nabil Fekir | 18 tháng 7, 1993 | 25 | 2 | Betis | v. Croatia, 8 tháng 9 năm 2020 |
TĐ | Jonathan Ikoné | 2 tháng 5, 1998 | 4 | 1 | Lille | v. Croatia, 8 tháng 9 năm 2020 |
TĐ | Alassane Pléa | 10 tháng 3, 1993 | 1 | 0 | Borussia Mönchengladbach | v. Thổ Nhĩ Kỳ, 14 tháng 10 năm 2019 |
 Áo đội tuyển pháp
 tag: độ cược kèo bxh xem việt top đêm đoán web u-21 mạng tốp dđội logo pavard 2017 môn