Kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh cao bằng
 Dự lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành TƯ; lãnh đạo các địa phương trong cả nước; lãnh đạo tỉnh Cao Bằng qua các thời kỳ.
 Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những thành tích Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Cao Bằng đạt được thời gian qua. Phó Thủ tướng đánh giá, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 7% năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt được kết quả tích cực. Nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, khi đi vào vận hành sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế, như dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
 Cao Bằng đã huy động nhiều nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao. Cao Bằng đã và đang tạo đà vươn lên mạnh mẽ, phát triển toàn diện.
 Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kết nối giao thông với các trung tâm lớn còn hạn chế. Thương mại, dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
 Do đó, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương trong cả nước. Tỉnh cần tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả ba đột phá về du lịch, thương mại, dịch vụ; nông lâm nghiệp công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu. Tập trung huy động nguồn lực củng cố, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
 Phó Thủ tướng cũng đề nghị Cao Bằng tích cực cải thiện môi trường đầu tư -kinh doanh, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển du lịch, chế biến nông lâm nghiệp công nghệ cao. Phát triển trồng rừng, cây dược liệu, chăn nuôi. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện tốt công tác giáo dục, y tế, văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng truyền thống cội nguồn quê hương cách mạng.
 Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh trình bày diễn văn điểm lại quá trình hình thành, phát triển tỉnh Cao Bằng qua các giai đoạn lịch sử, thành tựu đạt được trong thời gian gần đây. Triều vua Lê Hiến Tông, năm Cảnh Thống thứ hai (1499), nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất Cao Bằng, nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng, đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền TƯ. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Cao Bằng.
 Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Cao Bằng giữ vai trò là đơn vị hành chính có vị trí chiến lược, trọng yếu, là “phên dậu” vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc. Người dân Cao Bằng có truyền thống yêu nước, sắt son một lòng theo Đảng. Ngày 28-1-1941, tại Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Bác Hồ trở về lãnh đạo cách mạng sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
 Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng.
 Lễ kỷ niệm khép lại với chương trình nghệ thuật Non nước Cao Bằng với ba phần: Hoa gấm Cao Bằng, Ngôi sao cách mạng, Theo chân Bác và màn bắn pháo hoa rực rỡ.
 Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến thăm, tặng quà, ân cần hỏi thăm sức khỏe thương binh Hoàng Thụy Hùng ở tổ 15 và lão thành cách mạng Hoàng Thị Lập ở tổ 30, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng. nào
 Tag: cđsp