Luật Thương Mại 36/2005/QH11

MỤC 2
QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI
Điều 102. Quảng cáo thương mại
Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.
Điều 103. Quyền quảng cáo thương mại
1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.
2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại để thực hiện quảng cáo cho thương nhân mà mình đại diện.
3. Thương nhân nước ngoài muốn quảng cáo thương mại về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.
Điều 104. Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại
Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho thương nhân khác.
Điều 105. Sản phẩm quảng cáo thương mại
Sản phẩm quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.
Điều 106. Phương tiện quảng cáo thương mại
1. Phương tiện quảng cáo thương mại là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại.
2. Phương tiện quảng cáo thương mại bao gồm:
a) Các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Các phương tiện truyền tin;
c) Các loại xuất bản phẩm;
d) Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác;
đ) Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.
Điều 107. Sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại
1. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 106 của Luật này phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm;
b) Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;
c) Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 108. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại
Thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật.
Điều 109. Các quảng cáo thương mại bị cấm
1. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
2. Quảng cáo có sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật.
3. Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc cấm quảng cáo.
4. Quảng cáo thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên và các sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo.
5. Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
6. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác.
7. Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.
8. Quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
9. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.
Điều 110. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại
Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 111. Quyền của bên thuê quảng cáo thương mại
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên thuê quảng cáo thương mại có các quyền sau đây:
1. Lựa chọn người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;
2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.
Điều 112. Nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo thương mại
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên thuê quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại thông tin trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại và chịu trách nhiệm về các thông tin này;
2. Trả thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác.
Điều 113. Quyền của bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên thuê quảng cáo thương mại cung cấp thông tin quảng cáo trung thực, chính xác và theo đúng thoả thuận trong hợp đồng;
2. Nhận thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác.
Điều 114. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện sự lựa chọn của bên thuê quảng cáo về người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;
2. Tổ chức quảng cáo trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại theo thông tin mà bên thuê quảng cáo đã cung cấp;
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác đã thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.
Điều 115. Người phát hành quảng cáo thương mại
Người phát hành quảng cáo thương mại là người trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại.
Điều 116. Nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo thương mại
Người phát hành quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
1. Tuân thủ các quy định về sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 107 của Luật này;
2. Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã giao kết với bên thuê phát hành quảng cáo;
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
MỤC 3
TRƯNG BÀY, GIỚI THIỆU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ
Điều 117. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó.
Điều 118. Quyền trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; lựa chọn các hình thức trưng bày, giới thiệu phù hợp; tự mình tổ chức hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ để trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của mình.
2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của thương nhân do mình đại diện, trừ việc trưng bày, giới thiệu tại trụ sở của Văn phòng đại diện đó. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ để thực hiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân mà mình đại diện.
3. Thương nhân nước ngoài chưa được phép hoạt động thương mại tại Việt nam muốn trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ Việt Nam thực hiện.
Điều 119. Kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ cho thương nhân khác.
Điều 120. Các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
1. Mở phòng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
2. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ tại các trung tâm thương mại hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật.
3. Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
4. Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên Internet và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 121. Điều kiện đối với hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu
1. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải là những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh hợp pháp trên thị trường.
2. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa và ghi nhãn hàng hoá.
Điều 122. Điều kiện đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu
Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu tại Việt Nam, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 121 của Luật này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là hàng hoá được phép nhập khẩu vào Việt Nam;
2. Hàng hoá tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu phải tái xuất khẩu sau khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu nhưng không quá sáu tháng, kể từ ngày tạm nhập khẩu; nếu quá thời hạn trên thì phải làm thủ tục gia hạn tại hải quan nơi tạm nhập khẩu;
3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu.
Điều 123. Các trường hợp cấm trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
1. Tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người.
2. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
3. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm lộ bí mật nhà nước.
4. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá của thương nhân khác để so sánh với hàng hoá của mình, trừ trường hợp hàng hoá đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
5. Trưng bày, giới thiệu mẫu hàng hoá không đúng với hàng hoá đang kinh doanh về chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, thời hạn bảo hành và các chỉ tiêu chất lượng khác nhằm lừa dối khách hàng.
Điều 124. Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 125. Quyền của bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ thực hiện thoả thuận trong hợp đồng;
2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
Điều 126. Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp đầy đủ hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu hoặc phương tiện cho bên cung ứng dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng;
2. Cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu và chịu trách nhiệm về các thông tin này;
3. Trả thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.
Điều 127. Quyền của bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;
2. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận trong hợp đồng;
3. Nhận thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.
Điều 128. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng;
2. Bảo quản hàng hoá trưng bày, giới thiệu, tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng; khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày, giới thiệu cho bên thuê dịch vụ;
3. Thực hiện việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ theo những nội dung đã được thoả thuận với bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
MỤC 4
HỘI TRỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI
Điều 129. Hội chợ, triển lãm thương mại
Hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ.
Điều 130. Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại
1. Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân kinh doanh dịch vụ này cung ứng dịch vụ tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân khác để nhận thù lao dịch vụ tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Hợp đồng dịch vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 131. Quyền tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện.
2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại để tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân mà mình đại diện.
3. Thương nhân nước ngoài có quyền trực tiếp tham gia hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thay mặt mình tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam. Trong trường hợp muốn tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thực hiện.
Điều 132. Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
1. Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải được đăng ký và phải được xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung đăng ký và xác nhận việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 133. Tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài
1. Thương nhân không kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại khi trực tiếp tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài về hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh phải tuân theo các quy định về xuất khẩu hàng hoá.
2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại khi tổ chức cho thương nhân khác tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải đăng ký với Bộ Thương mại.
3. Thương nhân không đăng ký kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại không được tổ chức cho thương nhân khác tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.
4. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung đăng ký tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 134. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
1. Hàng hoá, dịch vụ không được phép tham gia hội chợ, triển lãm thương mại bao gồm:
a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật;
b) Hàng hóa, dịch vụ do thương nhân ở nước ngoài cung ứng thuộc diện cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
c) Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp trưng bày, giới thiệu để so sánh với hàng thật.
2. Ngoài việc tuân thủ các quy định về hội chợ, triển lãm thương mại của Luật này, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện quản lý chuyên ngành phải tuân thủ các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá, dịch vụ đó.
3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải được tái xuất khẩu trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại.
4. Việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật về hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 135. Hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài
1. Tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm xuất khẩu chỉ được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thời hạn tạm xuất khẩu hàng hóa để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài là một năm kể từ ngày hàng hóa được tạm xuất khẩu; nếu quá thời hạn nói trên mà chưa được tái nhập khẩu thì hàng hóa đó phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Việc tạm xuất, tái nhập hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 136. Bán, tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
1. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam được phép bán, tặng, cung ứng tại hội chợ, triển lãm thương mại; đối với hàng hóa nhập khẩu phải đăng ký với hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hàng hóa thuộc diện nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được bán, tặng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
3. Việc bán, tặng hàng hoá tại hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại khoản 2 Điều 134 của Luật này phải tuân thủ các quy định về quản lý chuyên ngành nhập khẩu đối với hàng hóa đó.
4. Hàng hóa được bán, tặng, dịch vụ được cung ứng tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Điều 137. Bán, tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ của Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài
1. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài được phép bán, tặng, cung ứng tại hội chợ, triển lãm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Việc bán, tặng hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu nhưng đã được tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
3. Hàng hóa thuộc diện xuất khẩu phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được bán, tặng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
4. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài được bán, tặng, cung ứng ở nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Điều 138. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
1. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận với thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Bán, tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định của pháp luật.
3. Được tạm nhập, tái xuất hàng hoá, tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại.
4. Tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.
Điều 139. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài
1. Được tạm xuất, tái nhập hàng hoá và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Phải tuân thủ các quy định về việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.
3. Được bán, tặng hàng hoá trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài; phải nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 140. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại
1. Niêm yết chủ đề, thời gian tiến hành hội chợ, triển lãm thương mại tại nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đó trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.
3. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận trong hợp đồng.
4. Nhận thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.
5. Thực hiện việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo thoả thuận trong hợp đồng.
Chương V
CÁC HOẠT ĐỘNG TRUNG GIAN THƯƠNG MẠI
MỤC 1
ĐẠI DIỆN CHO THƯƠNG NHÂN
Điều 141. Đại diện cho thương nhân
1. Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
2. Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 142. Hợp đồng đại diện cho thương nhân
Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 143. Phạm vi đại diện
Các bên có thể thoả thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.
Điều 144. Thời hạn đại diện cho thương nhân
1. Thời hạn đại diện do các bên thoả thuận.
2. Trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi bên giao đại diện thông báo cho bên đại diện về việc chấm dứt hợp đồng đại diện hoặc bên đại diện thông báo cho bên giao đại diện về việc chấm dứt hợp đồng.
3. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng.
4. Trường hợp thời hạn đại diện chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều này theo yêu cầu của bên đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Điều 145. Nghĩa vụ của bên đại diện
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện;
2. Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền;
3. Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật;
4. Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;
5. Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện;
6. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.
Điều 146. Nghĩa vụ của bên giao đại diện
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại diện có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thông báo ngay cho bên đại diện về việc giao kết hợp đồng mà bên đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà bên đại diện đã giao kết, việc chấp nhận hay không chấp nhận các hoạt động ngoài phạm vi đại diện mà bên đại diện thực hiện;
2. Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để bên đại diện thực hiện hoạt động đại diện;
3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại diện;
4. Thông báo kịp thời cho bên đại diện về khả năng không giao kết được, không thực hiện được hợp đồng trong phạm vi đại diện.
Điều 147. Quyền hưởng thù lao đại diện
1. Bên đại diện được hưởng thù lao đối với hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện.
2. Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao cho bên đại diện được xác định theo quy định tại Điều 86 của Luật này.
Điều 148. Thanh toán chi phí phát sinh
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên đại diện có quyền yêu cầu được thanh toán các khoản chi phí phát sinh hợp lý để thực hiện hoạt động đại diện.
Điều 149. Quyền cầm giữ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn.
MỤC 2
MÔI GIỚI THƯƠNG MẠI
Điều 150. Môi giới thương mại
Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
Điều 151. Nghĩa vụ của bên môi giới thương mại
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
1. Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
2. Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;
3. Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ;
4. Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.
Điều 152. Nghĩa vụ của bên được môi giới
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;
2. Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.
Điều 153. Quyền hưởng thù lao môi giới
1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau.
2. Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao môi giới được xác định theo quy định tại Điều 86 của Luật này.
Điều 154. Thanh toán chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới phải thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến việc môi giới, kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới.
MỤC 3
ỦY THÁC MUA BÁN HÀNG HÓA
Điều 155. Uỷ thác mua bán hàng hóa
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.
Điều 156. Bên nhận uỷ thác
Bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.
Điều 157. Bên uỷ thác
Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác.
Điều 158. Hàng hoá uỷ thác
Tất cả hàng hoá lưu thông hợp pháp đều có thể được uỷ thác mua bán.
Điều 159. Hợp đồng uỷ thác
Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 160. Uỷ thác lại cho bên thứ ba
Bên nhận uỷ thác không được uỷ thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá đã ký, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên uỷ thác.
Điều 161. Nhận uỷ thác của nhiều bên
Bên nhận uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau.
Điều 162. Quyền của bên uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2. Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 163 của Luật này.
Điều 163. Nghĩa vụ của bên uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2. Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;
3. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
4. Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
Điều 164. Quyền của bên nhận uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2. Nhận thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác;
3. Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã bàn giao đúng thoả thuận cho bên uỷ thác.
Điều 165. Nghĩa vụ của bên nhận uỷ thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;
2. Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
3. Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;
4. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
5. Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
6. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
7. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
MỤC 4
ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI
Điều 166. Đại lý thương mại
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Điều 167. Bên giao đại lý, bên đại lý
1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Điều 168. Hợp đồng đại lý
Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 169. Các hình thức đại lý
1. Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
3. Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
4. Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Điều 170. Quyền sở hữu trong đại lý thương mại
Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Điều 171. Thù lao đại lý
1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
2. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
3. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.
4. Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:
a) Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;
b) Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;
c) Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Điều 172. Quyền của bên giao đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:
1. ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;
2. Ấn định giá giao đại lý;
3. Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
4. Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.
Điều 173. Nghĩa vụ của bên giao đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
2. Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;
3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;
4. Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
5. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
Điều 174. Quyền của bên đại lý
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:
1. Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật này;
2. Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
3. Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
4. Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;
5. Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
5. Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
Điều 176. Thanh toán trong đại lý
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định.
Điều 177. Thời hạn đại lý
1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.
Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
3. Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.
Chương VI
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI CỤ THỂ KHÁC
MỤC 1
GIA CÔNG TRONG THƯƠNG MẠI
Điều 178. Gia công trong thương mại
Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Điều 179. Hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 180. Hàng hóa gia công
1. Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh.
2. Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công
1. Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thoả thuận.
2. Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Bán, tiêu huỷ, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thoả thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.
5. Chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.
Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
1. Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.
2. Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.
3. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.
4. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Điều 183. Thù lao gia công
1. Bên nhận gia công có thể nhận thù lao gia công bằng tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công.
2. Trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu bên nhận gia công nhận thù lao gia công bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công thì phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu đối với sản phẩm, máy móc, thiết bị đó.
Điều 184. Chuyển giao công nghệ trong gia công với tổ chức, cá nhân nước ngoài
Việc chuyển giao công nghệ trong gia công với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển giao công nghệ.
MỤC 2
ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA
Điều 185. Đấu giá hàng hoá
1. Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.
2. Việc đấu giá hàng hoá được thực hiện theo một trong hai phương thức sau đây:
a) Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;
b) Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.
Điều 186. Người tổ chức đấu giá, người bán hàng
1. Người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng của mình trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức đấu giá.
2. Người bán hàng là chủ sở hữu hàng hoá, người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền bán hoặc người có quyền bán hàng hoá của người khác theo quy định của pháp luật.
Điều 187. Người tham gia đấu giá, người điều hành đấu giá
1. Người tham gia đấu giá hàng hoá là tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia cuộc đấu giá.
2. Người điều hành đấu giá là người tổ chức đấu giá hoặc người được người tổ chức đấu giá uỷ quyền điều hành bán đấu giá.
Điều 188. Nguyên tắc đấu giá
Việc đấu giá hàng hoá trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Điều 189. Quyền của người tổ chức đấu giá
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, người tổ chức đấu giá có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu người bán hàng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá đấu giá, tạo điều kiện cho người tổ chức đấu giá hoặc người tham gia đấu giá kiểm tra hàng hoá đấu giá và giao hàng hoá được bán đấu giá cho người mua hàng trong trường hợp người tổ chức đấu giá không phải là người bán hàng đấu giá;
2. Xác định giá khởi điểm trong trường hợp người tổ chức đấu giá là người bán hàng đấu giá hoặc được người bán hàng uỷ quyền;
3. Tổ chức cuộc đấu giá;
4. Yêu cầu người mua hàng thực hiện việc thanh toán;
5. Nhận thù lao dịch vụ đấu giá do người bán hàng trả theo quy định tại Điều 211 của Luật này.
Điều 190. Nghĩa vụ của người tổ chức đấu giá
1. Tổ chức đấu giá hàng hoá theo đúng nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định và theo phương thức đấu giá thoả thuận với người bán hàng.
2. Thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hoá đấu giá.
3. Bảo quản hàng hoá đấu giá khi được người bán hàng giao giữ.
4. Trưng bày hàng hoá, mẫu hàng hóa hoặc tài liệu giới thiệu về hàng hóa cho người tham gia đấu giá xem xét.
5. Lập văn bản bán đấu giá hàng hoá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan quy định tại Điều 203 của Luật này.
6. Giao hàng hóa đấu giá cho người mua phù hợp với hợp đồng tổ chức dịch vụ đấu giá hàng hoá.
7. Làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá bán đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người bán hàng.
8. Thanh toán cho người bán hàng tiền hàng đã bán, kể cả khoản tiền chênh lệch thu được từ người rút lại giá đã trả quy định tại khoản 3 Điều 204 của Luật này hoặc trả lại hàng hoá không bán được cho người bán hàng theo thoả thuận. Trường hợp không có thoả thuận thì phải thanh toán tiền cho người bán hàng chậm nhất là ba ngày làm việc sau khi nhận được tiền của người mua hàng hoặc phải trả lại ngay hàng hoá trong thời hạn hợp lý sau cuộc đấu giá.
Điều 191. Quyền của người bán hàng không phải là người tổ chức đấu giá
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, người bán hàng có các quyền sau đây:
1. Nhận tiền hàng đã bán đấu giá và khoản chênh lệch thu được trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 204 của Luật này hoặc nhận lại hàng hoá trong trường hợp đấu giá không thành;
2. Giám sát việc tổ chức bán đấu giá hàng hoá.
Điều 192. Nghĩa vụ của người bán hàng không phải là người tổ chức đấu giá
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, người bán hàng có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giao hàng hoá cho người tổ chức đấu giá, tạo điều kiện để người tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá xem xét hàng hoá và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá đấu giá;
2. Trả thù lao dịch vụ tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 211 của Luật này.
Điều 193. Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá
1. Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
2. Trường hợp hàng hoá được đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải thông báo cho các bên tham gia đấu giá về hàng hóa đang bị cầm cố, thế chấp.
3. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá được giao kết giữa người nhận cầm cố, thế chấp với người tổ chức đấu giá.
Điều 194. Xác định giá khởi điểm
1. Người bán hàng phải xác định giá khởi điểm. Trong trường hợp người tổ chức đấu giá được uỷ quyền xác định giá khởi điểm thì phải thông báo cho người bán hàng trước khi niêm yết việc bán đấu giá.
2. Trường hợp hàng hoá đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì người nhận cầm cố, thế chấp phải thoả thuận với người cầm cố, thế chấp xác định giá khởi điểm.
3. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì giá khởi điểm do người nhận cầm cố, thế chấp xác định.
Điều 195. Thông báo cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp
Trường hợp hàng hoá là đối tượng cầm cố, thế chấp, thì đồng thời với việc niêm yết đấu giá hàng hoá, người tổ chức đấu giá phải thông báo cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong thời hạn chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi tiến hành bán đấu giá hàng hóa đó theo quy định tại Điều 197 của Luật này.
Điều 196. Thời hạn thông báo và niêm yết đấu giá hàng hoá
1. Chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi tiến hành bán đấu giá hàng hoá, người tổ chức đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tại nơi tổ chức đấu giá, nơi trưng bày hàng hoá và nơi đặt trụ sở của người tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 197 của Luật này.
2. Trường hợp người tổ chức đấu giá hàng hóa là người bán hàng thì thời hạn niêm yết đấu giá hàng hóa do người bán hàng tự quyết định.
Điều 197. Nội dung thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa
Thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung sau đây:
1. Thời gian, địa điểm đấu giá;
2. Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;
3. Tên, địa chỉ của người bán hàng;
4. Danh mục hàng hoá, số lượng, chất lượng hàng hóa;
5. Giá khởi điểm;
6. Thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá;
7. Địa điểm, thời gian trưng bày hàng hoá;
8. Địa điểm, thời gian tham khảo hồ sơ hàng hoá;
9. Địa điểm, thời gian đăng ký mua hàng hoá.
Điều 198. Những người không được tham gia đấu giá
1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
2. Những người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hoá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó.
3. Người đã trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hoá bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đó.
4. Những người không có quyền mua hàng hoá đấu giá theo quy định của pháp luật.
Điều 199. Đăng ký tham gia đấu giá
1. Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người muốn tham gia đấu giá phải đăng ký tham gia trước khi bán đấu giá.
2. Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người tham gia đấu giá nộp một khoản tiền đặt trước, nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hoá được đấu giá.
3. Trường hợp người tham gia đấu giá mua được hàng hoá bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua, nếu không mua được thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người đã nộp khoản tiền đặt trước đó ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
4. Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước nhưng sau đó không dự cuộc đấu giá thì người tổ chức đấu giá có quyền thu khoản tiền đặt trước đó.
Điều 200. Trưng bày hàng hoá đấu giá
Hàng hoá, mẫu hàng hoá, tài liệu giới thiệu về hàng hoá và các thông tin cần thiết khác về hàng hoá đó phải được trưng bày tại địa điểm được thông báo từ khi niêm yết.
Điều 201. Tiến hành cuộc đấu giá
Cuộc đấu giá được tiến hành theo trình tự sau đây:
1. Người điều hành đấu giá điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá hàng hoá;
2. Người điều hành đấu giá giới thiệu từng hàng hoá bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá;
3. Đối với phương thức trả giá lên, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác giá đã trả sau cùng cao hơn giá người trước đã trả ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá chỉ được công bố người mua hàng hoá bán đấu giá, nếu sau ba lần nhắc lại giá người đó đã trả mà không có người nào trả giá cao hơn;
4. Đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác từng mức giá được hạ xuống thấp hơn giá khởi điểm ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá phải công bố ngay người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng hóa đấu giá;
5. Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải tổ chức rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm được mua là người mua hàng hoá bán đấu giá;
6. Người điều hành đấu giá phải lập văn bản bán đấu giá hàng hoá ngay tại cuộc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành. Văn bản bán đấu giá phải ghi rõ kết quả đấu giá, có chữ ký của người điều hành đấu giá, người mua hàng và hai người chứng kiến trong số những người tham gia đấu giá; đối với hàng hoá bán đấu giá phải có công chứng nhà nước theo quy định của pháp luật thì văn bản bán đấu giá cũng phải được công chứng.
Điều 202. Đấu giá không thành
Cuộc đấu giá được coi là không thành trong các trường hợp sau đây:
1. Không có người tham gia đấu giá, trả giá;
2. Giá cao nhất đã trả thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên.
Điều 203. Văn bản bán đấu giá hàng hoá
1. Văn bản bán đấu giá hàng hoá là văn bản xác nhận việc mua bán. Văn bản bán đấu giá hàng hoá phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;
b) Tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá;
c) Tên, địa chỉ của người bán hàng;
d) Tên, địa chỉ của người mua hàng;
đ) Thời gian, địa điểm đấu giá;
e) Hàng hoá bán đấu giá;
g) Giá đã bán;
h) Tên, địa chỉ của hai người chứng kiến.
2. Văn bản bán đấu giá hàng hoá phải được gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan.
3. Trường hợp đấu giá không thành, trong văn bản bán đấu giá hàng hoá phải nêu rõ kết quả là đấu giá không thành và phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và h khoản 1 Điều này.
Điều 204. Rút lại giá đã trả
1. Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, nếu người trả giá cao nhất rút ngay lại giá đã trả thì cuộc đấu giá vẫn được tiếp tục từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trường hợp bán đấu giá theo phương thức đặt giá xuống, nếu người đầu tiên chấp nhận mức giá rút ngay lại giá đã chấp nhận thì cuộc đấu giá vẫn được tiếp tục từ giá đã đặt liền kề trước đó.
2. Người rút lại giá đã trả hoặc người rút lại việc chấp nhận giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.
3. Trường hợp giá bán hàng hoá thấp hơn giá mà người rút lại giá đã trả đối với phương thức trả giá lên hoặc giá mà người rút lại việc chấp nhận đối với phương thức đặt giá xuống thì người đó phải trả khoản tiền chênh lệch cho người tổ chức đấu giá, nếu hàng hoá bán được giá cao hơn thì người rút lại không được hưởng khoản tiền chênh lệch đó.
4. Trường hợp cuộc đấu giá không thành thì người rút lại giá đã trả phải chịu chi phí cho việc bán đấu giá và không được hoàn trả khoản tiền đặt trước.
Điều 205. Từ chối mua
1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, sau khi tuyên bố kết thúc cuộc đấu giá, người mua hàng bị ràng buộc trách nhiệm; nếu sau đó người mua hàng từ chối mua hàng thì phải được người bán hàng chấp thuận, nhưng phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá.
2. Trong trường hợp người mua được hàng hoá đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước mà từ chối mua thì không được hoàn trả khoản tiền đặt trước đó. Khoản tiền đặt trước đó thuộc về người bán hàng.
Điều 206. Đăng ký quyền sở hữu
1. Văn bản bán đấu giá hàng hoá được dùng làm căn cứ để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.
2. Căn cứ vào văn bản bán đấu giá hàng hoá và các giấy tờ hợp lệ khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng theo quy định của pháp luật.
3. Người bán hàng và người tổ chức đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng. Chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu được trừ vào tiền bán hàng hoá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Điều 207. Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá
Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng hoá đấu giá thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá là thời điểm theo quy định tại Điều 55 của Luật này.
Điều 208. Địa điểm thanh toán tiền mua hàng hoá
Địa điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm thanh toán là trụ sở kinh doanh của người tổ chức đấu giá.
Điều 209. Thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá
Trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người tổ chức đấu giá và người mua hàng, thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá được quy định như sau:
1. Đối với hàng hoá không phải đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải giao ngay hàng hoá cho người mua hàng sau khi lập văn bản bán đấu giá;
2. Đối với hàng hoá có đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải tiến hành ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu và giao hàng cho người mua hàng ngay sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Điều 210. Địa điểm giao hàng hoá bán đấu giá
1. Trường hợp hàng hoá là những vật gắn liền với đất đai thì địa điểm giao hàng là nơi có hàng hóa đó.
2. Trường hợp hàng hoá là động sản thì địa điểm giao hàng là nơi tổ chức đấu giá, trừ trường hợp người tổ chức đấu giá và người mua hàng có thoả thuận khác.
Điều 211. Thù lao dịch vụ đấu giá hàng hoá
Trường hợp không có thoả thuận về mức thù lao dịch vụ đấu giá hàng hóa thì thù lao được xác định như sau:
1. Trường hợp cuộc đấu giá thành công thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo Điều 86 của Luật này;
2. Trường hợp đấu giá không thành thì người bán hàng phải trả mức thù lao bằng 50% của mức thù lao quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 212. Chi phí liên quan đến đấu giá hàng hoá
Trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người bán hàng và người tổ chức đấu giá, chi phí liên quan đến đấu giá hàng hóa được xác định như sau:
1. Người bán hàng phải chịu chi phí vận chuyển hàng hoá đến địa điểm đã thoả thuận và chi phí bảo quản hàng hoá trong trường hợp không giao hàng hoá cho người tổ chức đấu giá bảo quản;
2. Người tổ chức đấu giá chịu chi phí bảo quản hàng hoá được giao, chi phí niêm yết, thông báo, tổ chức bán đấu giá và các chi phí có liên quan khác.
Điều 213. Trách nhiệm đối với hàng hóa bán đấu giá không phù hợp với thông báo, niêm yết
1. Trong thời hạn quy định tại Điều 318 của Luật này, người mua hàng có quyền trả lại hàng hóa cho người tổ chức đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hàng hóa bán đấu giá không phù hợp với thông báo, niêm yết.
2. Trường hợp người tổ chức đấu giá quy định tại khoản 1 Điều này không phải là người bán hàng và nội dung thông báo, niêm yết không phù hợp là do lỗi của người bán hàng thì người tổ chức đấu giá có quyền trả lại hàng hóa và yêu cầu người bán hàng bồi thường thiệt hại.