CHÍNH PHỦ |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Số: 133/2015/NĐ-CP |
 Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2015 |
 NGHỊ ĐỊNH
 QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ BIÊN GIỚI, BIỂN, ĐẢO; BẢO VỆ AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI Ở CƠ SỞ; BẢO VỆ VÀ PHÒNG, CHỐNG CHÁY RỪNG
 Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
 Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
 Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
 Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 27 tháng 11 năm 2014;
 Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
 Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
 Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 26 tháng 6 năm 2003;
 Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
 Căn cứ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 07 tháng 4 năm 1997;
 Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển ngày 26 tháng 01 năm 2008;
 Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
 Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
 Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
 Chương I
 QUY ĐỊNH CHUNG
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
 Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo tại Khoản 2 Điều 40; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở tại Khoản 2 Điều 41; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng tại Khoản 2 Điều 43; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong phối hợp hoạt động.
 Điều 2. Đối tượng áp dụng
 1. Đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ, Kiểm lâm, Kiểm ngư.
 2. Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Công an cấp xã.
 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 Điều 3. Nguyên tắc phối hợp hoạt động
 1. Đơn vị Dân quân tự vệ phối hợp hoạt động phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp.
 2. Đơn vị Dân quân tự vệ phối hợp hoạt động phải đúng nhiệm vụ quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 của Nghị định này và quy chế, kế hoạch phối hợp.
 3. Đơn vị Dân quân tự vệ trong thời gian phối hợp hoạt động chịu sự điều hành, chỉ huy của người đứng đầu đơn vị chủ trì phối hợp.
 4. Phối hợp hoạt động phải đoàn kết, thống nhất, chủ động hỗ trợ lẫn nhau, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng, công việc nội bộ, giữ bí mật về lực lượng, phương tiện và biện pháp nghiệp vụ của từng lực lượng.
 Điều 4. Quy chế phối hợp hoạt động
 1. Thẩm quyền ban hành quy chế
 a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an cấp tỉnh, Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển, Chi cục Kiểm ngư Vùng, đơn vị Quân đội nhân dân cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương, đơn vị Công an nhân dân trực thuộc Bộ Công an đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ chủ trì, trao đổi, thống nhất với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh) xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cùng ký và tổ chức thực hiện;
 b) Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm, Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội nhân dân cấp trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc cấp sư đoàn và tương đương trở lên, đơn vị Công an nhân dân trực thuộc Công an cấp tỉnh đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ chủ trì, trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cùng ký và tổ chức thực hiện;
 c) Công an cấp xã có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ chủ trì, trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động cùng ký và tổ chức thực hiện;
 d) Các đơn vị Quân đội nhân dân cấp tiểu đoàn, đại đội trực thuộc cấp trung đoàn và tương đương trở lên, Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ, chủ trì, trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cùng ký và tổ chức thực hiện;
 đ) Một cơ quan, đơn vị có Dân quân tự vệ có thể phối hợp xây dựng quy chế với một hoặc nhiều cơ quan, đơn vị chủ trì; một cơ quan, đơn vị chủ trì có thể xây dựng quy chế phối hợp với một hoặc nhiều cơ quan, đơn vị có Dân quân tự vệ.
 2. Quy chế phối hợp hoạt động gồm các nội dung cơ bản sau:
 a) Căn cứ pháp lý;
 b) Quy định chung;
 c) Nội dung phối hợp hoạt động;
 d) Công tác bảo đảm;
 đ) Tổ chức thực hiện;
 e) Điều khoản thi hành.
 3. Hằng năm, cơ quan, đơn vị chủ trì, Công an cấp xã có trách nhiệm rà soát, thống nhất với cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp hoạt động cho phù hợp.
 Điều 5. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo
 1. Bảo vệ biên giới đất liền
 a) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có biên giới đất liền điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu;
 b) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có biên giới đất liền điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp huyện theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh;
 c) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã biên giới, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở đứng chân trên địa bàn điều động Dân quân tự vệ thuộc quyền làm nhiệm vụ trong phạm vi của cấp xã, cơ quan, tổ chức theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
 2. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam
 a) Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động Dân quân tự vệ biển theo quy chế phối hợp hoạt động sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có Dân quân tự vệ biển;
 b) Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở điều động Dân quân tự vệ biển theo quy chế phối hợp hoạt động với Cảnh sát biển, Kiểm ngư khi được nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp.
 Điều 6. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở
 1. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ trong trạng thái thường xuyên, trạng thái có tình huống
 Thực hiện theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Dân quân tự vệ.
 2. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ trong tình trạng khẩn cấp khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
 a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Bộ Chỉ huy tình trạng khẩn cấp;
 b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng điều động Dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;
 c) Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh, sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu;
 d) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;
 đ) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) quyết định điều động đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
 3. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện Lệnh giới nghiêm
 a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Bộ chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng;
 b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng điều động dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;
 c) Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Ban chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng ở quân khu;
 d) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện điều động dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng ở cấp tỉnh và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;
 đ) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) quyết định điều động đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
 4. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ thực hiện Lệnh thiết quân luật
 Chủ tịch Ủy ban quân sự cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có quyền quyết định điều động, sử dụng Dân quân tự vệ tại địa bàn thiết quân luật để xử lý các tình huống và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
 Điều 7. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ và phòng, chống cháy rừng
 1. Thực hiện theo quy chế phối hợp hoạt động trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng và quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Dân quân tự vệ.
 2. Trường hợp có tình huống đột xuất, Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) điều động kịp thời Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ và báo cáo cấp trên trực tiếp, thông báo cho cơ quan Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng.
 Điều 8. Kế hoạch phối hợp hoạt động
 1. Căn cứ quy chế phối hợp hoạt động, hằng năm, quý, tháng hoặc nhiệm vụ đột xuất, cơ quan, đơn vị chủ trì có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có Dân quân tự vệ phối hợp hoạt động thống nhất xây dựng hoặc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, ký, trình cấp trên trực tiếp phê duyệt.
 2. Kế hoạch phối hợp hoạt động trong trạng thái thường xuyên, trạng thái có tình huống, gồm có các nội dung chính sau:
 a) Căn cứ;
 b) Mục đích, yêu cầu;
 c) Nhiệm vụ phối hợp;
 d) Thành phần tham gia;
 đ) Thời gian, địa điểm;
 e) Công tác bảo đảm;
 g) Tổ chức thực hiện;
 h) Phân công chỉ huy.
 3. Kế hoạch phối hợp hoạt động trong tình trạng khẩn cấp khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, thực hiện theo lệnh của người đứng đầu cơ quan chỉ huy tình trạng khẩn cấp các cấp, Ủy ban quân sự các cấp tại địa bàn thiết quân luật, người có thẩm quyền điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trong từng tình trạng, tình huống.
 Điều 9. Trao đổi thông tin, giao ban, sơ kết, tổng kết
 1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phối hợp hoạt động, thường xuyên và đột xuất trao đổi thông tin có liên quan.
 2. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nơi không có Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) phối hợp với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức giao ban mỗi tháng một lần; sơ kết sáu tháng đầu năm và tổng kết hằng năm về hoạt động phối hợp.
 3. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức giao ban vào cuối quý I, cuối quý III; sơ kết sáu tháng đầu năm và tổng kết hằng năm về hoạt động phối hợp.
 4. Cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh phối hợp với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sơ kết sáu tháng đầu năm và tổng kết hằng năm về hoạt động phối hợp.
 5. Căn cứ tình hình, nhiệm vụ, việc giao ban, sơ kết, tổng kết về phối hợp hoạt động có thể lồng ghép vào giao ban, sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị chủ trì.
 Điều 10. Kiểm tra phối hợp hoạt động
 1. Định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất xây dựng kế hoạch kiểm tra phối hợp hoạt động, trình cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức thực hiện.
 2. Định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo kế hoạch kiểm tra phối hợp hoạt động của các cơ quan, đơn vị, thống nhất với cơ quan, đơn vị có lực lượng phối hợp, trình cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức thực hiện.
 3. Đối tượng kiểm tra: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phối hợp hoạt động với Dân quân tự vệ theo kế hoạch kiểm tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 Điều 11. Kinh phí phối hợp hoạt động
 1. Kinh phí đảm bảo cho phối hợp hoạt động được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì hoạt động phối hợp theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
 2. Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
 3. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
 Chương II
 PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG
 Mục 1: PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ BIÊN GIỚI, BIỂN, ĐẢO
 Điều 12. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong bảo vệ biên giới đất liền
 1. Phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản, pháp luật có liên quan và chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ biên giới đất liền.
 2. Phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan bảo vệ đường biên giới quốc gia, hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trái phép tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại môi trường ở khu vực biên giới và các hành vi làm phương hại đến quan hệ hữu nghị với các nước có chung đường biên giới.
 3. Phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, phản cách mạng, gián điệp, thổ phỉ, biệt kích, các tội phạm khác xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền.
 4. Phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma túy, văn hóa phẩm độc hại, hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới theo quy định của pháp luật, truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa.
 5. Phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan huấn luyện, diễn tập bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền và thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao.
 Điều 13. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam
 1. Phối hợp với các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản, pháp luật có liên quan và chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ biển, đảo.
 2. Phối hợp với các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.
 3. Phối hợp với các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan nắm tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, an ninh, trật tự, các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam, báo cáo người chỉ huy trực tiếp và thông báo kịp thời cho đơn vị chủ trì.
 4. Phối hợp với các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan tuần tra, ngăn chặn, xua đuổi, bắt giữ người, phương tiện, tàu, thuyền vi phạm pháp luật Việt Nam, chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam; bảo vệ ngư dân, ngư trường và tài nguyên biển.
 5. Phối hợp huấn luyện, diễn tập, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao.
 Mục 2: PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI Ở CƠ SỞ
 Điều 14. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong trạng thái thường xuyên
 1. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản, pháp luật có liên quan và chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
 2. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan nắm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; định kỳ hoặc đột xuất trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan cho Công an cấp xã.
 3. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan tuần tra, canh gác, tăng cường bảo vệ các mục tiêu theo quy chế, kế hoạch phối hợp hoạt động.
 4. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn cấp xã.
 5. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan quản lý thường trú, tạm trú, tạm vắng; quản lý chất lượng chính trị công dân liên quan đến đào tạo nhân lực phục vụ cho quốc phòng, an ninh; tiếp nhận, thu gom, phân loại, xử lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép và ngoài luồng; phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự.
 6. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được cho cơ quan Công an có thẩm quyền.
 7. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan kiểm tra việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng và thu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, ngoài luồng, bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn cấp xã, dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an có thẩm quyền.
 8. Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan huấn luyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ; diễn tập bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; diễn tập phòng thủ dân sự và thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao.
 Điều 15. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong trạng thái có tình huống
 Khi xảy ra tình huống tranh chấp, khiếu kiện đông người, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân ở cơ sở, biểu tình trái phép, Dân quân tự vệ thực hiện các nhiệm vụ sau:
 1. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết, xử lý tranh chấp, khiếu kiện có hành vi vi phạm pháp luật; phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền cấp xã, cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn.
 2. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan nắm tình hình, báo cáo cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, thông báo kịp thời với Công an có thẩm quyền.
 3. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu trên địa bàn: Trụ sở của Đảng, chính quyền cơ sở và trụ sở của cơ quan, tổ chức các cấp; đài phát thanh, đài truyền hình; trung tâm thông tin, bưu chính, viễn thông, cơ quan thông tấn, báo chí, ngân hàng, kho bạc, sân bay, bến cảng, kho tàng, đầu mối giao thông quan trọng, công trình quốc phòng; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế; trại giam, trại tạm giam và mục tiêu khác được giao.
 4. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, kích động phá hoại tài sản, phạm pháp quả tang và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
 5. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, báo cáo.
 6. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan huấn luyện, diễn tập bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
 Điều 16. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong tình trạng khẩn cấp khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
 Khi xảy ra bạo loạn chính trị, khủng bố, bắt cóc con tin, bạo loạn vũ trang ở cơ sở, dân quân tự vệ thực hiện các nhiệm vụ sau:
 1. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan nắm tình hình, kịp thời trao đổi thông tin, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án giải quyết, xử lý.
 2. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch và đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để bị kích động, lôi kéo, lợi dụng.
 3. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ mục tiêu: Trụ sở của Đảng, chính quyền cơ sở và trụ sở của cơ quan, tổ chức các cấp; đài phát thanh, đài truyền hình; trung tâm thông tin, bưu chính, viễn thông, cơ quan thông tấn, báo chí, ngân hàng, kho bạc, sân bay, bến cảng, biên giới quốc gia, cửa khẩu, kho tàng, đầu mối giao thông quan trọng, công trình quốc phòng, an ninh, trại giam, trại tạm giam; trụ sở các cơ quan ngoại giao và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và mục tiêu khác được giao.
 4. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan giải thoát con tin; bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng phạm pháp quả tang, người có hành vi vi phạm pháp luật.
 5. Phối hợp với Công an cấp xã, đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng khác bắt giữ, trấn áp, tiêu diệt lực lượng bạo loạn có vũ trang, đánh chiếm lại mục tiêu.
 6. Phối hợp với các đơn vị Quân đội và lực lượng khác sẵn sàng tiêu diệt lực lượng bạo loạn bên trong có sự can thiệp của lực lượng địch từ bên ngoài.
 7. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, báo cáo.
 Điều 17. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện Lệnh thiết quân luật, Lệnh giới nghiêm
 1. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong thực hiện Lệnh thiết quân luật
 a) Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trên địa bàn và lực lượng liên quan nắm, tổng hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, thông báo với Công an cấp xã; phối hợp với Công an cấp xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
 b) Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tham mưu cho người chỉ huy đơn vị Quân đội được cấp có thẩm quyền giao làm Chủ tịch Ủy ban quân sự cấp xã về thi hành Lệnh thiết quân luật và tổ chức lại bộ máy chính quyền cấp xã; đề xuất danh sách cán bộ dân quân thuộc quyền trực tiếp quản lý ở thôn;
 c) Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trên địa bàn, lực lượng liên quan tăng cường bảo vệ các mục tiêu: Trụ sở của Đảng, chính quyền cơ sở và trụ sở của cơ quan, tổ chức các cấp; đài phát thanh, đài truyền hình; trung tâm thông tin, bưu chính, viễn thông, cơ quan thông tấn, báo chí, ngân hàng, kho bạc, sân bay, bến cảng, biên giới quốc gia, cửa khẩu, kho tàng, đầu mối giao thông quan trọng, công trình quốc phòng, an ninh, trại giam, trại tạm giam; trụ sở các cơ quan ngoại giao và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và mục tiêu khác được giao;
 d) Tham gia đội công tác đặc biệt liên ngành, đội tuần tra đặc biệt liên ngành trong khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng do người chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì, chỉ huy; theo nhiệm vụ của Dân quân tự vệ, tham gia thực hiện các biện pháp áp dụng khi có Lệnh thiết quân luật quy định tại Điều 15 Nghị định số 32/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm;
 đ) Tổng hợp tình hình báo cáo.
 2. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong thực hiện Lệnh giới nghiêm
 a) Phối hợp với Công an cấp xã, lực lượng liên quan nắm, tổng hợp, báo cáo tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp về chủ trương, biện pháp thực hiện Lệnh giới nghiêm; báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;
 b) Phối hợp với Công an cấp xã thi hành Lệnh giới nghiêm trên địa bàn;
 c) Phối hợp với các đơn vị Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tại các trạm, chốt canh gác, bắt giữ những người có hành vi vi phạm Lệnh giới nghiêm, giao cho cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật;
 d) Phối hợp với các đơn vị Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, lực lượng liên quan trên địa bàn chốt giữ, bảo vệ các mục tiêu: Trụ sở của Đảng, chính quyền cơ sở và trụ sở của cơ quan, tổ chức các cấp; đài phát thanh, đài truyền hình; trung tâm thông tin, bưu chính, viễn thông, cơ quan thông tấn, báo chí, ngân hàng, kho bạc, sân bay, bến cảng, biên giới quốc gia, cửa khẩu, kho tàng, đầu mối giao thông quan trọng, công trình quốc phòng, an ninh, trại giam, trại tạm giam; trụ sở các cơ quan ngoại giao và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và mục tiêu khác được giao;
 đ) Phối hợp với các đơn vị Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo nhiệm vụ của Dân quân tự vệ tham gia thực hiện các biện pháp áp dụng khi có Lệnh giới nghiêm quy định tại Điều 19 Nghị định số 32/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm;
 e) Tổng hợp tình hình báo cáo.
 Điều 18. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong tình trạng chiến tranh
 1. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự, phòng gian, bảo mật, phòng, chống chiến tranh tâm lý của thế lực thù địch trong tình trạng chiến tranh.
 2. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
 3. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tăng cường bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và các mục tiêu trên địa bàn: Khu vực sơ tán, căn cứ hậu phương của cơ quan Đảng, chính quyền và cơ quan, tổ chức các cấp; đài phát thanh, đài truyền hình; trung tâm thông tin, bưu chính, viễn thông, cơ quan thông tấn, báo chí, ngân hàng, kho bạc, sân bay, bến cảng, biên giới quốc gia, cửa khẩu, kho tàng, đầu mối giao thông quan trọng, công trình quốc phòng, an ninh, trại giam, trại tạm giam; trụ sở các cơ quan ngoại giao và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, căn cứ chiến đấu, khu vực tập trung bí mật, sở chỉ huy và mục tiêu khác được giao.
 4. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan bắt giữ, tiêu diệt biệt kích, thám báo, gián điệp; thu giữ phương tiện, khí tài trinh sát của địch; sẵn sàng đánh địch tiến công vào địa bàn.
 5. Phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan xây dựng cơ sở, bám trụ đánh địch trên địa bàn; thực hiện công tác địch vận.
 Mục 3: PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÒNG, CHỐNG CHÁY RỪNG
 Điều 19. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng
 1. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản, pháp luật có liên quan và chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ rừng.
 2. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan tuần tra, canh gác, kiểm tra, ngăn chặn, truy quét các hoạt động phá hoại tài nguyên rừng; tham gia lực lượng tại các trạm, chốt cửa rừng.
 3. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan tháo gỡ, tiêu hủy các loại bẫy; thu, giữ các loại súng săn trái phép; ngăn chặn các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, cất giữ, vận chuyển, mua, bán trái phép động vật rừng.
 4. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan truy bắt đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; thu giữ tang vật, bảo vệ hiện trường, báo cáo, thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
 Điều 20. Phối hợp của Dân quân tự vệ trong công tác phòng, chống cháy rừng
 1. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản pháp luật có liên quan và chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương về phòng, chống cháy rừng.
 2. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan xây dựng kế hoạch, phương án về phòng, chống cháy rừng.
 3. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan thông báo, báo động, báo cáo kịp thời, chính xác tình hình cháy rừng.
 4. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả.
 5. Phối hợp với Kiểm lâm và lực lượng liên quan huấn luyện, diễn tập về bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
 Chương III
 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 Điều 21. Hiệu lực thi hành
 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016 và thay thế Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng và các quy định trái với Nghị định này.
 Điều 22. Trách nhiệm thi hành
 Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
 Nơi nhận: |
 TM. CHÍNH PHỦ  Nguyễn Tấn Dũng |
 Tag: 133 133/2015 mẫu