Tần Vương Lý Thế Dân
 Đường Thái Tông (chữ Hán: 唐太宗, 23 tháng 1 năm 599 – 10 tháng 7 năm 649), tên thật Lý Thế Dân (李世民), là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 626 đến năm 649 với niên hiệu duy nhất là Trinh Quán (貞觀).
 Năm 617, Lý Thế Dân khuyên cha là Lý Uyên nên khởi binh phản nhà Tuỳ, lại có công đánh dẹp các lộ anh hùng thiên hạ, đem lại cơ nghiệp Nhà Đường nên thường được xem như một Khai quốc Hoàng đế đồng sáng lập Nhà Đường với Đường Cao Tổ. Ông là một vị hoàng đế tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường. Việc lên ngôi của ông rất nổi tiếng qua Sự biến Huyền Vũ môn, ông đã giết chết hai người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tại Huyền Vũ môn, thành Trường An. Đường Cao Tổ lập Thế Dân làm Hoàng thái tử, hai tháng sau thì nhường ngôi cho con còn mình thì làm Thái thượng hoàng.
 Thường được xem như là hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đại đế của lịch sử Trung Quốc, Nhà Đường dưới thời Thái Tông phát triển về kinh tế và hùng mạnh về quân sự, trở thành đất nước rộng lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nhà Đường bao quát vùng đất gồm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, một phần Việt Nam và một phần lớn Trung Á kéo dài đến phía đông Kazakhstan.
 Triều đại của ông, thường gọi là Trinh Quán chi trị (貞觀之治), được xem như biểu mẫu để so sánh với tất cả các triều đại sau và các quân chủ đời sau đều bắt buộc phải học tập, cũng như đối với các nước đồng văn Việt Nam, Nhật Bản. Thành quả mà triều đại của Thái Tông đạt được đã đặt nền móng vững chắc cho triều đại của cháu cố ông sau này là Đường Huyền Tông trở thành thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, sử gọi là Khai Nguyên thịnh thế. Một thế kỷ sau khi Đường Thái Tông mất, Nhà Đường vẫn được hưởng hòa bình và thịnh vượng.
 Thân thế
 Đường Thái Tông tên thật là Lý Thế Dân (李世民), là con trai thứ hai của Đường Cao Tổ Lý Uyên, khi ấy giữ tước vị là Đường quốc công, vị hoàng đế khai quốc Nhà Đường. Họ Lý của ông khi ấy vốn là hậu duệ của người Tiên Ti. Mẹ ông là Thái Mục hoàng hậu Đậu thị, con gái của Đậu Nghị (窦毅) với Tương Dương Trưởng công chúa (襄阳长公主), con gái của Bắc Chu Văn Đế Vũ Văn Thái. Tên của ông có nghĩa là Tế thế an dân. Đậu hoàng hậu sinh được 4 trai và 1 gái, theo thứ tự lớn nhất thì: Lý Kiến Thành, Bình Dương Chiêu công chúa, Lý Thế Dân, Lý Nguyên Bá (李玄霸) và Lý Nguyên Cát.
 Lý Thế Dân từ thuở nhỏ đã hiển lộ tài hoa, rất giỏi võ nghệ, có tài cầm quân, sử dụng binh pháp, lại rất can đảm, không nề những việc nguy hiểm nhất, khi tấn công thì như vũ bão. Khi mới 18 tuổi, ông đã nắm binh quyền trong tay, thu phục được nhiều tướng tài, tận tâm như Lý Tĩnh, Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo. Một quan chức nhà Tùy là Cao Sĩ Liêm (高士廉) đã gả cháu gái mình là Trưởng Tôn thị cho ông, khi đó ông 14 tuổi còn bà mới 12. Ông còn có năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt về thư pháp và đánh đàn, thư pháp của ông luôn học tập theo Vương Hi Chi.
 Năm 615, Tùy Dạng Đế bị quân Đột Quyết vây ở Nhạn Môn Quan, nhà vua hạ chiếu cần vương, kêu gọi quân mã các trấn đến cứu giá. Lý Thế Dân cũng tham gia và đã hiển lộ tài cầm quân xuất chúng khi đánh lui một nhánh quân Đột Quyết.
 Năm 616, ông theo cha đến trấn thủ Thái Nguyên, bắt đầu xây dựng lực lượng của mình và đã chiêu mộ được các nhân tài như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Hầu Quân Tập, Trưởng Tôn Vô Kỵ.
 Thống nhất Trung Quốc
 Chống nhà Tùy và thành lập Nhà Đường
 Tùy Dạng Đế nhanh chóng bất mãn với Lý Uyên và Vương Nhân Cung, thái thú Mã Ấp (Sơn Tây) vì sự bất lực khi chống lại các cuộc xâm nhập của Đông Đột Quyết và các cuộc khởi nghĩa nông dân đang lớn mạnh. Trong đó có khởi nghĩa của Lưu Vũ Chu, đã nổi dậy và giết Vương Nhân Cung rồi chiếm lấy cung điện của Dạng Đế ở Thái Nguyên. Tùy Dạng Đế còn sợ hãi hơn khi có lời sấm rằng triều đại mới sắp xuất hiện, họ Lý sẽ thay họ Dương. Vì điều này Dạng Đế đã cho giết tướng quân Lý Hồn và cả họ vì cháu Lý Hồn là Lý Mẫn vốn là thân thuộc với nhà vua.
 Lý Thế Dân là người động viên cha đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tùy tại Thái Nguyên năm 617. Lý Uyên cũng có ý định nổi dậy chống Tùy, nhưng không biết rằng Thế Dân cũng có mưu đồ tương tự, Thế Dân đã mật mưu bàn với 2 thủ hạ của cha là Bùi Tịch và Lưu Văn Tĩnh. Thời cơ chín muồi, Thế Dân cho Bùi Tịch nói cho cha biết rằng nếu việc Lý Uyên thông dâm với phi tần của Dạng Đế ở Tấn Dương cung bị phát hiện, cả họ Lý sẽ bị giết. Lý Uyên đồng ý khởi binh, bí mật cho triệu hồi Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát từ Hà Đông đến Thái Nguyên và con rể là Sài Thiệu từ Trường An. Lý Uyên sau đó tuyên bố ủng hộ cháu nội của Dạng Đế là Dương Hựu đang ở Trường An làm hoàng đế. Lý Uyên cho hai con trai lớn làm tướng rồi đem quân xuôi nam, trên đường đã đánh bại 3 vạn quân Tùy ở Dương Định.
 Khi quân họ Lý đến Hoắc Ấp, Hà Đông thì bị kẹt lại vì thời tiết và vì hết lương. Lý Uyên ban đầu muốn rút quân, nhưng bị Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân phản đối. Hoắc Ấp vốn được danh tướng nhà Tùy là Tống Lão Sinh trấn thủ, dưới trướng có 3 vạn tinh binh, lại ỷ vào thành cao hào sâu không chịu ra đánh, muốn quân họ Lý cạn lương rồi mới phá. Lý Uyên dùng mẹo, sai hai con trai đem kỵ binh đến trước thành dụ Tống Lão Sinh ra đánh. Tống Lão Sinh mắc mưu, cho là Lý Uyên hết lương nên đánh liều, liền đem quân ra ngoài giao chiến. Quân họ Lý ban đầu bị áp đảo, phải giả vờ bỏ chạy để quân Tùy đuổi theo. Sau đó Lý Uyên tung quân chủ lực đánh vào hai cánh của quân Tùy. Tống Lão Sinh muốn rút lui thì bị Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân dẫn kỵ binh chặn lại cắt mất đường lui. Lý Uyên lại cho một nhánh quân đến Hoắc Ấp phao tin Tống Lão Sinh đã chết. Quân Tùy nghe thế liền đầu hàng, Tống Lão Sinh thấy mất thành bèn tự sát.
 Khi phá được Hoắc Ấp, Lý Uyên tiến quân vào Quan Trung, chiếm lấy kinh đô Trường An, tôn Dương Hựu làm hoàng đế, Dạng Đế làm Thái thượng hoàng. Việc Lý Uyên chiếm Trường An đã gây lên sự phản đối từ một thủ lĩnh khởi nghĩa khác là Tiết Cử, kẻ đã sai con trai là Tiết Nhân Cảo đem quân đánh Trường An. Lý Uyên cử Lý Thế Dân đi đánh, chỉ một trận là phá được Tiết Nhân Cảo. Điều này làm Tiết Cử do dự muốn đầu hàng Lý Uyên, nhưng đã bị các mưu sĩ phản đối. Khi nghe tin đông đô nhà Tùy là Lạc Dương bị Ngụy Công Lý Mật tấn công, Lý Uyên đã sai Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân, trên danh nghĩa là mang quân đi cứu viện, thực chất là thăm dò xem quan viên Lạc Dương có thần phục mình hay không. Các quan viên Lạc Dương từ chối sự tiếp viện của Lý Uyên, trong khi đó Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân đều không muốn giao chiến giành quyền kiểm soát Lạc Dương hay giao chiến với Lý Mật tại thời điểm đó nên đã lui quân.
 Một năm sau, khi nghe tin Dạng Đế bị Vũ Văn Hóa Cập hại chết, Lý Uyên ép Dương Hựu nhường ngôi, lật đổ nhà Tùy lập ra Nhà Đường, phong cho con trưởng Lý Kiến Thành làm thái tử, Lý Thế Dân làm Tần Vương kiêm Thượng thư lệnh, tiếp tục coi việc quân. Lý Thế Dân là người chỉ huy quân đội đi thu phục hầu hết các vùng đất quan trọng bị chia rẽ sau khi thành lập Nhà Đường, từ các đối thủ bao gồm: Tần Vương Tiết Nhân Cảo, Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu, Trịnh Vương Vương Thế Sung và Hạ Vương Đậu Kiến Đức. Với sự dẫn dắt của Nhà Đường nói chung và tài mưu trí thao lược của Lý Thế Dân nói riêng nên Trung Quốc đã dần thống nhất sau khi nhà Tùy sụp đổ.
 Bình định phía Tây
 Trong những năm 618 – 620, Lý Thế Dân bình phục được hết miền Tây Bắc Trung Hoa, thắng một trận lớn ở Sơn Tây.
 Tháng 4 năm 619, Đột Quyết xúi giục Lưu Vũ Chu đánh Đường, tiến công Tiên Thứ (nay là Tiên Thứ thuộc tỉnh Sơn Tây), tập trung đánh Thái Nguyên. Quân Đường phải tăng viện mấy lần mà vẫn bị đại bại. Trấn giữ Thái Nguyên là Lý Nguyên Cát trong đêm dẫn bầu đoàn thê tử tháo chạy đến Trường An. Lưu Vũ Chu men theo phía nam Phần Thủy, Phổ Châu (Châu Trị nay thuộc Lâm Phần, Sơn Tây) tiến quân, hầu như không thành nào không phá. Tháng 10 lại qua Phổ Châu, Cối Châu (nay là Dực thành ở Sơn Tây). Cùng thời gian đó, một nông dân người Hạ Huyện tên là Lữ Sùng Mậu vì phản đối quân Tùy thực hiện vườn không nhà trống nên đã tập hợp quân khởi nghĩa cùng hưởng ứng với Lưu Vũ Chu. Vương Hành Bản trước cũng là Tùy tướng đang ở Bạc Bản cũng nhân cơ hội câu kết với Lưu Vũ Chu. Vì thế thành Hà Đông của Nhà Đường trong phút chốc đã bị thất thủ.
 Được tin Thái Nguyên thất thủ, Lý Uyên vô cùng kinh hãi: “Cường binh Phổ Dương có tới hàng vạn, lương thảo có thể dùng cả 10 năm, một nơi hưng thịnh như vậy mà phải mất vào tay bọn chúng”. Quan Trung bị đe dọa, lòng người hoang mang nhụt mất chí phòng thủ. Lý Uyên thấy khó lòng mà chống cự, đành phải “hy sinh phía đông Hoàng Hà, thận trọng gìn giữ Quan Trung”.
 Lý Thế Dân thì lại không chịu buông xuôi mà cho rằng chỉ cần nỗ lực giành giật lại Hà Đông để tranh thủ tình hình có lợi ban đầu là có thể giữ được, hăng hái xung phong dẫn 3 vạn tinh binh đi bắt Lưu Vũ Chu, chiếm lại thành đã mất.
 Lý Thế Dân quyết lợi dụng khoảng thời gian tháng 11 năm nay sông Hoàng Hà đóng băng, dẫn quân vượt qua sông đến đóng quân tại Bách Bích (nay là phía tây nam Tân Triết, tỉnh Sơn Tây) – nơi có thể trông thấy thuộc hạ của Lưu Vũ Chu là Tống Kim Cương. Tống Kim Cương vốn là thủ lĩnh một đội nghĩa quân hơn vạn người ở Dị Châu (nay là Dị Huyện, Hà Bắc) vừa bị Đậu Kiến Đức đánh bại nay quy hàng theo Lưu Vũ Chu, trở thành em rể của Lưu Vũ Chu.
 Lý Thế Dân hiểu rằng đối với một kẻ thù hung mãnh như vậy, chỉ có thể bằng cách tranh thủ lúc có thời cơ thuận lợi mới có thể tiêu diệt; khinh suất manh động thì chỉ có thể bại. Vì vậy, sau khi định quân ở Bách Bích, chỉ cho bộ phận nhỏ binh mã ra quấy nhiễu, còn quân chủ lực kiên quyết không ra đánh, nằm im chờ cơ hội. Tống Kim Cương ra sức công thành nhưng Lý Thế Dân vẫn nằm im bất động, chỉ dùng cung bắn tên để đuổi lui quân địch.
 Tháng 12, Lý Thế Dân cho một đội quân dùng chiến thuật “địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến” liên tục gặp thuận lợi và giành thắng lợi liên tiếp. Tướng lĩnh Nhà Đường sốt ruột, thi nhau thỉnh chiến. Lý Thế Dân lại nhận thấy thời cơ chưa đến nên bỏ ngoài tai tất cả và ra nghiêm lệnh nằm im tịnh thủ Bách Bích.
 Mãi tới tháng 4 năm sau, Tống Kim Cương mặc dù có tinh binh mãnh tướng nhưng rồi nhuệ khí cũng giảm. Lương thực dự trữ trong kho đã hết, hiện hoàn toàn duy trì bằng cách đi cướp bóc, lại thấy Lý Thế Dân cố thủ không chịu đánh, không có cách nào giành thắng lợi sớm nên đành cho bọn Tầm Tương đi sau yểm trợ để tản về phía bắc. Khi đó Lý Thế Dân mới chụp lấy cơ hội phá cổng thành, quyết đánh không tha.
 Lý Thế Dân đuổi kịp và đại phá quân Tầm Tương tại Lữ Châu (nay là Hoắc Huyện, tỉnh Sơn Tây). Sau đó không một phút chậm trễ, tiếp tục đuổi theo, một ngày đêm hành quân hơn 200 dặm, đánh hơn 10 trận lớn nhỏ. Đuổi đến Cao Bích Lĩnh (nay thuộc phía nam Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây) thì quân Lý Thế Dân cũng hết lương thảo, sĩ tốt cũng mệt mỏi nhiều. Lưu Hoằng Cơ vội kéo dây cương ngựa của Lý Thế Dân nói rằng: “Quân sĩ đói mệt, cho dù thế nào cũng phải chờ lương thảo tới. Đợi quân sĩ no bụng có đủ dũng khí rồi đuổi tiếp cũng chưa muộn mà!”. Nhưng Lý Thế Dân bảo: “Tống Kim Cương cùng đường tháo chạy, quân lính đang phân tâm. Nếu chờ lương thảo tới, một khi cơ hội đã mất đi thì khi đó có hối cũng muộn rồi!”. Nói rồi lại giục ngựa đuổi theo, đuổi đến Tước Thử Cốc (nay là Hiệp Cốc ở phía tây nam Giới Tức, tỉnh Sơn Tây), trong một ngày giao đấu với Tống quân 8 hiệp, bắt giết hơn vạn người, Tống Kim Cương lại tiếp tục tháo chạy.
 Tướng sĩ cũng đang rất đói lại phải nhanh chóng tiến quân về phía bắc. Tống Kim Cương trong tay chỉ còn hơn vạn binh sĩ, vừa mới đến thành Giới Hưu, không thể ngờ rằng Lý Thế Dân đã đuổi đến nơi nên vừa lâm trận đã bị đánh bại bỏ lại binh mã tháo chạy về phía bắc.
 Lý Thế Dân đang tìm cách chiêu hàng thuộc hạ của Tống Kim Cương là Uất Trì Cung và Tầm Tương thì có người vào báo: Lưu Vũ Chu ở Tịnh Châu (tức Thái Nguyên), thấy Tống Kim Cương bị thất bại hoàn toàn sợ Lý Thế Dân đuổi đến nên đã tháo chạy về phía bắc. Nghe tin, Lý Thế Dân vội vã dẫn kỵ binh ngày đêm bắc tiến. Lưu Vũ Chu, Tống Kim Cương quả thật bị sợ hãi vô cùng chi biết đem hơn 100 kỵ binh nhằm hướng Đột Quyết mà đi, về sau bị bỏ mạng ở Đột Quyết.
 Vùng Hà Đông lại quay về với Lý Đường, một lần nữa thế tranh hùng hướng Đông của Nhà Đường lại xuất hiện.
 Bình định phía Đông
 Hai năm 620 – 622, Thế Dân chuyển quân qua phía Đông, đánh Trịnh Vương là Vương Thế Sung ở Lạc Dương (Đông Kinh), để tiến tới Sơn Đông.
 Tháng 7 năm 620, Lý Thế Dân thống lãnh 7 đạo quân, 25 đại tướng và hơn 10 vạn binh mã tiến đánh Lạc Dương với mục đích tiêu diệt thành Lạc Dương của Vương Thế Sung. Đến tháng 9 đã quét sạch được cứ điểm ngoại vi, vây khốn Lạc Dương.
 Lý Thế Dân muốn đánh nhanh hạ gục thành nhưng không ngờ Vương Thế Sung dựa vào thế thành cao hào sâu cố thủ, dằng dai mãi đến đầu năm sau mà thế cục chẳng mấy sáng sủa. Vương Thế Sung bị vây trong thành mấy tháng, quân dân đều đói, sai người cầu cứu với Hạ vương là Đậu Kiến Đức.
 Khi hay tin, Đậu đem 30 vạn quân tới cứu Lạc Dương. Đậu Kiến Đức muốn duy trì thế chân vạc giữa ba nước, sợ nếu Vương Thế Sung thất thủ thì lực lượng của Nhà Đường càng lớn mạnh, đến lúc đó thì vận mệnh của mình khó tránh hiểm nguy nên vội vã dấy binh ngày đêm đi cứu viện.
 Các tướng của Thế Dân ngại không chống nổi cả hai mặt, muốn rút quân vây Lạc Dương về. Thế Dân cương quyết không nghe. Ông cho rằng: Đậu Kiến Đức đích thân dẫn quân đến tăng viện, thế đang mạnh. Nếu sợ hãi rút lui để cho Đậu – Vương hợp sức với nhau thì càng nguy. Vương Thế Sung đơn độc cố thủ giữ thành, quân tàn, lương thực hết, không khó khăn gì có thể kiềm chế được. Quân Đậu Kiến Đức vừa chiến thắng, quân sĩ đang trong lúc tự mãn sinh lười biếng. Nếu quân đội của ta dám nghênh đón trước, giữ lấy cửa Hổ Lao thì có thể chẹt được yết hầu quân Đậu Kiến Đức. Nếu sợ hãi lui quân thì mất đi cơ hội tốt, đợi khi quân Đậu Kiến Đức vượt qua Hổ Lao, đúng lúc những khu vực gần thành Lạc Dương vừa lấy được bị Đậu Kiến Đức cướp mất thì quân Đường mới thực sự rơi vào nguy hiểm.
 Thế là, Lý Thế Dân ra lệnh cho Lý Nguyên Cát, Khuất Đột Thông tiếp tục vây khốn Lạc Dương, chỉ chọn cách vây mà không đánh. Còn bản thân mình thì lãnh đạo Lý Thế Tích, Trình Tri Tiết, Tần Thúc Bảo, Uất Trì Kính Đức, chỉ rút một phần nhỏ là 3.500 quân; và dùng 3.500 quân đó với 1 vạn quân trong đồn Tị Thủy ở gần Lạc Dương để chống với 10 vạn quân của Đậu Kiến Đức. Ông dùng chiến thuật tập kích, đánh phá những đoàn tiếp tế lương thực của Đậu.
 Đậu Kiến Đức quyết định dốc hết toàn lực quyết một trận với quân Đường. Ông ta đã sắp xếp binh mã, bày binh bố trận, phía bắc dựa vào con sông lớn, phía nam dựa vào núi, phía tây đến tận Phiếm Thủy, trận địa rộng đến hơn 20 dặm. Lý Thế Dân đem theo Uất Trì Kính Đức lên trên cao nhìn xuống để tìm ra chỗ sơ hở và nhược điểm của quân địch. Sau một hồi xem xét, Lý Thế Dân bèn nói: “Nay tuy chúng đã bày trận lớn nhưng vẫn nhốn nháo vô độ, hàng ngũ cũng mất trật tự, thể hiện sự vô tổ chức, vô kỷ luật. Ta mà không có động tĩnh gì thì dũng khí của đối phương sẽ tự suy sụp. Lâu dần như vậy binh sĩ sẽ mệt mỏi, tất sẽ đều muốn quay về. Ta có thể khẳng định rằng chỉ trong một ngày, chỉ cần một đội tinh binh cũng có thể tiêu diệt được toàn bộ quân Đậu”.
 Quả nhiên quân Đậu bày trận từ sáng đến trưa, quân sĩ không được ăn uống gì nên đều vừa đói vừa mệt, đội ngũ hỗn loạn. Lý Thế Dân lệnh cho Vũ Văn Sĩ dẫn 300 kỵ binh hành quân từ phía bắc hướng về phía nam đến trước trận địa của quân Đậu, nếu thấy trận địa của địch nghiêm chỉnh thì không được đánh mà phải nhanh chóng quay về, còn nếu thấy thế trận dao động thì phải nhân thế mà đột kích. Thế trận của quân Đậu quả nhiên rất loạn, Lý Thế Dân lập tức lệnh cho toàn quân xuất kích, đánh đến đâu là quân Đậu tan tác đến đó. Trình Tri Tiết, Tần Thúc Bảo cùng với mãnh tướng đến từ Tây Đột Quyết – Sử Đại Nại cùng các kỵ binh sau khi xông thẳng vào quân Đậu thì trước tiên là cuốn cờ của quân Đường lại, xông thẳng từ trước ra sau quân Đậu rồi mới giương cao cờ giết quân Đậu từ phía sau. Quân Đậu rơi vào thế hỗn loạn vô cùng.
 Quân Đậu tan tác, quân Đường thừa thắng truy kích đến hơn 30 dặm, bắt giữ được hơn 5 vạn tù binh, bắt sống được Đậu, đưa về thành Lạc Dương cho Vương Thế Sung thấy. Vương phải đầu hàng.
 Quân Thế Dân vào chiếm thành, quân lệnh nghiêm ngặt, không cướp bóc giết hại một người dân. Vậy là chỉ trong một trận mà Thế Dân thắng được hai nước Trịnh và Hạ, làm chủ được trọn Hoa Bắc.
 Bình định phía Nam
 Tại Hoa Nam có hai tiểu vương, một làm chủ phía Tây, một làm chủ phía Đông ở Nam Kinh. Tiêu Tiển là dòng dõi nhà Lương, khởi binh ở Hồ Nam, mới được 5 ngày đã quy phục được mấy vạn người. Vì thế ông đã tự xưng làm hoàng đế nhà Lương, định đô ở Giang Lăng (Giang Lăng, Hồ Bắc ngày nay). Đến năm đầu Đường Vũ Đức (năm 618) đã có đến hơn 40 vạn binh, chiếm cứ cả một vùng rộng lớn, phía nam từ Giao Chỉ, phía bắc đến Hán Thủy, phía tây đến Tam Hiệp, phía đông đến Cửu Giang.
 Nhà Đường đã chiếm được Tứ Xuyên ở thượng lưu sông Dương Tử. Thế Dân sai Lý Tĩnh dùng thuyền chở quân, từ Tứ Xuyên đổ xuống một cách bất ngờ. Tháng 9 cũng đúng vào mùa lũ, nước sông Trường Giang dâng cao, tướng sĩ đều cho rằng lúc này không thể dùng thuyền được. Lý Tĩnh lại khuyên Lý Hiếu Cung lập tức tiến quân, tiến công hết tốc lực, Tiêu Tiến chắc chắn không kịp phòng bị, tất sẽ bị bắt.
 Lý Hiếu Cung đã chọn cách của Lý Tĩnh, đích thân dẫn hơn 2000 chiến hạm cùng với Lý Tĩnh tiến công ngay trong ngày hôm đó. Phòng tuyến dọc sông của Tiêu Tiển tuy có mà cũng như không, ngay lập tức bị quân Đường đập tan, thu được hơn 300 chiến hạm. Tiêu Tiến thấy mùa lũ đến nên đã giải tán quân để đi lo việc nông vụ ở các nơi, vì thế đành phải dùng các binh sĩ già bày trận nghênh chiến. Quân của Lý Tĩnh đại phá quân địch, đuổi đến tận dưới chân đô thành của Tiêu Tiển, sau đó chia quân đi thu nhặt được vô số chiến hạm.
 Lý Hiếu Cung lại chọn kế sách của Lý Tĩnh, ra quân lệnh nghiêm cấm việc cướp giết. Vì thế mà các châu huyện ở phía nam nghe tin đều đến quy phục. Hơn 10 vạn viện binh cũng cởi giáp xin hàng. Nước Lương ở phía Tây phải đầu hàng. Rồi thừa thế, quân Lý Tĩnh xuôi dòng chiếm nốt Nam Kinh (622). Sau đó chỉ còn phải dẹp những bọn phản loạn nhỏ, và từ năm 625, Nhà Đường cơ bản thống nhất Trung Hoa.
 Thống nhất
 Năm 628, sau khi đã lên ngôi, Thái Tông ra lệnh cho anh rể là Sài Thiệu (chồng của Bình Dương công chúa) đem quân đi đánh nước Lương của Lương Sư Đô ở Sơn Tây. Vì lúc đó Đông Đột Quyết, kẻ bảo hộ nước Lương đang có nội chiến, nên quân Lương yếu thế không chống lại được, quân Đường đánh thẳng tới kinh đô nước Lương. Lương Sư Đô bị người em họ giết rồi dâng thủ cấp cho quân Đường. Đến đây thì Nhà Đường hoàn toàn thống nhất trung Quốc.
 Thời Nhà Đường, Trung Quốc thịnh trị cả về văn hóa, kinh tế và chính trị nên được gọi là “Thịnh Thế Thiên Triều”.
 Huyền Vũ Môn chi biến
 Chân dung Lý Uyên, cha Lý Thế Dân.
 Bài chi tiết: Sự biến Huyền Vũ môn
 Sự biến Huyền Vũ môn (玄武門之變) là sự kiện tranh giành quyền lực giữa các con trai Đường Cao Tổ là Thái tử Lý Kiến Thành, Tần Vương Lý Thế Dân và Tề Vương Lý Nguyên Cát. Kiến Thành và Nguyên Cát liên minh chống lại Thế Dân, hai bên mâu thuẫn gay gắt, ra sức xây dựng thế lực riêng và dùng nhiều thủ đoạn để triệt hạ lẫn nhau.
 Do có công đánh dẹp các đối thủ, Lý Thế Dân được vua cha hứa phong làm thái tử, trong ngoài triều đều cho rằng Thế Dân sẽ thay thế Lý Kiến Thành. Bản thân Lý Kiến Thành là tướng có tài, tuy nhiên đã bị lu mờ bởi các chiến công của em trai. Triều đình chia làm 2 phái: phái ủng hộ thái tử và phái ủng hộ Tần Vương. Việc tranh giành đã ảnh hưởng đến kinh thành, khi lệnh của thái tử và Tần Vương các quan đều bắt buộc thi hành như lệnh của hoàng đế, chỉ phải xem ai ra lệnh trước. Dưới trướng Lý Thế Dân có lắm văn thần võ tướng, nhưng thái tử lại được Tề Vương Lý Nguyên Cát và hậu cung của vua cha ủng hộ.
 Năm 622, bộ hạ cũ của Đậu Kiến Đức là Lưu Hắc Thát quay trở lại đất cũ của nước Hạ, lại nổi dậy tạo phản, giết người em họ của Thế Dân và chiếm lại gần như toàn bộ nước Hạ cũ. Thủ hạ của Lý Kiến Thành là Vương Khuê, Ngụy Trưng đã hiến kế nói thái tử cần lập công để tạo uy, chèn ép Tần Vương, vì thế Lý Kiến Thành xung phong đi đánh Lưu Hắc Thát. Đường Cao Tổ chấp thuận cho thái tử đi đánh giặc, và với sự giúp đỡ của Lý Nguyên Cát, Lý Kiến Thành đã đánh bại Lưu Hắc Thát. Lưu Hắc Thát bỏ chạy nhưng bị thủ hạ phản bội, bắt nộp cho Lý Kiến Thành. Lý Kiến Thành cho giết Lưu Hắc Thát rồi khải hoàn về Trường An.
 Trong vài năm tiếp theo, cuộc tranh giành càng khốc liệt nhưng cả Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân đều làm tướng khi có Đột Quyết xâm nhập. Năm 623, Phụ Công Thạch ở Đan Dương làm phản, Cao Tổ ban đầu muốn Thế Dân đi dẹp, nhưng sau đó đổi ý, sai Lý Hiếu Cung đi thay cho Thế Dân.
 Năm 624, Lý Kiến Thành bị Cao Tổ hoàng đế phát hiện khi đang gia tăng nhân số trong đội lính bảo vệ của mình. Cao Tổ nổi giận, bắt giam Kiến Thành, một thủ hạ của Kiến Thành lo sợ nên đã tạo phản. Cao Tổ sai Thế Dân đi dẹp, hứa sẽ phong Thế Dân làm thái tử. Tuy nhiên, sau khi nghe lời Tề Vương và các phi tần của mình, Cao Tổ đã thả Kiến Thành ra và khi Thế Dân trở về, ông đã trách cứ hai con đấu đá lẫn nhau mới xảy ra việc này. Cao Tổ đã trục xuất một số thân tín của cả hai để cảnh cáo.
 Cuối năm 624, Đường Cao Tổ cảm thấy rất phiền muộn vì các cuộc tập kích của Đột Quyết, có ý muốn đốt Trường An và dời đô về Phàn Thành, ý kiến này được Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát và Bùi Tịch ủng hộ. Lý Thế Dân lại phản đối kịch liệt, kế hoạch cuối cùng bị hủy bỏ. Sau đó Lý Thế Dân cho thân tín đến Lạc Dương để xây dựng lực lượng, nắm lấy quyền điều khiển quân đội. Tuy nhiên, Lý Thế Dân sau đó đã trúng độc tại một buổi tiệc do Lý Kiến Thành tổ chức, điều này làm Thế Dân và cả Cao Tổ cho là âm mưu ám sát. Thế Dân sau đó tấu xin đi trấn thủ Lạc Dương, nhưng bị Kiến Thành và Nguyên Cát phản đối vì sợ quyền lực của Thế Dân sẽ phát triển. Cao Tổ đồng ý với thái tử, Thế Dân buộc phải ở lại Trường An. Một âm mưu ám sát nữa nhằm vào Thế Dân, khi Kiến Thành tặng ông một con ngựa nhưng bí mật chọc tức nó để nó hất Thế Dân xuống ngựa, nhưng Thế Dân vốn giỏi nghề cung ngựa nên thoát nạn.
 Những năm 625 và 626, cảm thấy sự tranh đoạt ngôi vị giữa các con sẽ gây ảnh hưởng xấu cho triều Đường mới thành lập, Đường Cao Tổ dần dần tỏ ý muốn cắt giảm quyền lực của Lý Thế Dân, củng cố ngôi vị Thái tử, cùng năm đó Đột Quyết xâm lấn, Đường Cao Tổ cũng không cử Lý Thế Dân đi đánh dẹp như thường lệ mà giao việc này cho Lý Nguyên Cát. Lý Thế Dân biết ý cha mình đã định nên quyết định ra tay trước. Theo mưu kế của thuộc hạ, Lý Thế Dân dâng tấu tố cáo Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tư thông với hậu cung, khiến Đường Cao Tổ hoài nghi, cho triệu cả ba vào cung tra xét thực hư. Lý Thế Dân ngầm đặt phục binh ở cửa Huyền Vũ, đợi lúc Kiến Thành và Nguyên Cát đi vào liền đổ ra giết chết cả hai. Lý Kiến Thành bị Thế Dân bắn chết, Lý Nguyên Cát bị Uất Trì Kính Đức giết chết. Lúc này, Phùng Dực, Phùng Lập là thuộc hạ của Thái tử và các tướng lĩnh trong phủ Tề Vương như Tiết Vạn Triệt đã dẫn hàng ngàn binh mã tấn công Huyền Vũ môn nhưng chưa phá được thì Uất Trì Kính Đức đã chặt thủ cấp của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát để phủ dụ. Thấy Thái tử, Tề Vương đều đã chết, đạo binh mã này mới tan.
 Trong lúc Lý Uyên còn đang ngồi trong cung chờ ba đứa con trai của mình thì nghe có tin báo ở bên ngoài đang có biến. Đương lúc chưa biết sự thể ra sao thì Uất Trì Cung tay lăm lăm xà mâu dẫn theo một toán binh lính xông vào, chắp tay bẩm báo, nói rằng, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát âm mưu làm phản đã bị Tần vương giết cả rồi, “Tần vương sợ loạn quân sẽ làm kinh động đến Hoàng thượng nên sai thần tới hộ giá”. Uất Trì Cung còn truyền đạt “thỉnh cầu” của Tần vương Lý Thế Dân muốn Lý Uyên hạ lệnh cho bọn lính bảo vệ cung Thái tử và phủ Tề vương không được kháng cự.
 Vua cha Cao Tổ sửng sốt trước sự biến, nhưng trước việc đã rồi, ông không thể trị tội Thế Dân vì bản thân Thế Dân là người có công chinh chiến đánh dẹp để dựng lên cơ nghiệp Nhà Đường, có nhiều uy tín với trăm quan và có vây cánh mạnh. Cuối cùng, Lý Uyên đành phải thuận theo sự sắp đặt của Lý Thế Dân, hạ lệnh cho lính bảo vệ của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát phải hạ vũ khí, không được kháng cự.
 Ngay ngày hôm sau, tức ngày 5/6, Lý Uyên ban chiếu chỉ lập Lý Thế Dân làm Thái tử. Hai tháng sau đó, Lý Uyên tuyên bố truyền ngôi lại cho Lý Thế Dân, còn mình thì làm Thái thượng hoàng, sống an nhàn tới cuối đời. Đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu mà sử sách Trung Quốc vẫn gọi là “Sự biến Huyền vũ môn”.
 Sau khi giết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát ngay tại cửa Huyền vũ, bức ép cha là Lý Uyên phải lập mình làm Thái tử, để trừ hậu họa về sau, Lý Thế Dân dựa vào tội làm phản của Thành và Cát, giết sạch những người có liên quan. Toàn bộ gia đình Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát cũng như những người dính líu đến sự việc “mưu phản” đều bị Lý Thế Dân xử tội chết trong đó có năm người con trai của Lý Kiến Thành và 2 người con trai của Lý Nguyên Cát.
 Năm 626, ngày 4 tháng 9, Lý Thế Dân lên ngôi, tức là hoàng đế Đường Thái Tông, sử dụng niên hiệu là Trinh Quán (貞觀), mở đầu cho thời kỳ Trinh Quán chi trị (貞觀之治) thịnh vượng cho triều đại Nhà Đường.
 Sau này, một hoàng đế khác cũng họ Lý giống ông nhưng ở Đại Việt là Lý Phật Mã (Tức Lý Thái Tông, cũng là vị hoàng đế thứ hai của triều Lý giống Đường Thái Tông) cũng phải trải qua việc huynh đệ tương tàn mới được lên ngôi giống ông (Trải qua Loạn Tam Vương ở Đại Việt năm 1028)
 bạn có thể xem phim về lý thế dân bao gồm 26 tập