BỘ TÀI CHÍNH |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Số: 34/2019/TT-BTC |
 Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2019 |
 THÔNG TƯ
 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 40/2018/TT-BTC NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2018 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN BÁN CỔ PHẦN LẦN ĐẦU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ CỔ PHẦN HÓA CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ 100% VỐN ĐIỀU LỆ CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
 Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
 Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
 Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;
 Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;
 Căn cứ Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;
 Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
 Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,
 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 04 tháng 05 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Thông tư số 40/2018/TT-BTC).
 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2018/TT- BTC như sau:
 1. Bổ sung Điều 9a như sau:
 “Điều 9a. Nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ
 1. Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp nhà nước
 Trường hợp doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa theo hình thức bán một phần vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu thì việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ thực hiện như sau:
 a) Xác định số cổ phần bán được là số cổ phần phát hành thêm theo phương án cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Trường hợp tổng số cổ phần bán được theo các hình thức quy định tại Thông tư này (bao gồm cả số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược) lớn hơn số cổ phần phát hành thêm theo phương án bán cổ phần thì phần chênh lệch tăng được xác định là cổ phần bán phần vốn nhà nước.
 b) Số cổ phần bán ưu đãi cho đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được xác định là số cổ phần bán phần vốn nhà nước.
 2. Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ
 Việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ trong trường hợp doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa theo hình thức bán một phần vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu được căn cứ theo nguyên tắc nêu tại Khoản 1 Điều này để thực hiện.”
 2. Bổ sung khoản 3 vào Điều 16 như sau:
 “3. Sau 30 ngày kể từ ngày 29 tháng 07 năm 2019, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm quyết định phê duyệt quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2017 theo quy định tại Thông tư này. Trong phạm vi 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc phê duyệt quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2017, Công ty mẹ có trách nhiệm nộp bổ sung khoản chênh lệch tăng thêm so với số phải nộp được xác định tại điểm 2 Điều 15 Thông tư này (nếu có) về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Sau thời hạn này, Công ty mẹ phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp theo quy định của Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
 Trường hợp số tiền phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quyết toán của cơ quan đại diện chủ sở hữu thấp hơn số doanh nghiệp tự xác định và đã nộp theo quy định tại điểm 2 Điều 15 Thông tư này, doanh nghiệp có công văn báo cáo Bộ Tài chính yêu cầu hoàn trả số tiền nộp thừa. Căn cứ văn bản đề nghị của doanh nghiệp và các hồ sơ, tài liệu theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính quyết định xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoàn trả số tiền doanh nghiệp đã nộp thừa trong thời hạn 10 ngày làm việc.
 3. Bổ sung Điều 20a như sau:
 “Điều 20a. Trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch các doanh nghiệp nhà nước
 1. Phê duyệt phương án cổ phần hóa của các doanh nghiệp cấp II để triển khai việc bán cổ phần và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa theo đúng quy định tại Thông tư này, ngoại trừ các đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
 2. Kiểm tra, giám sát Ban chỉ đạo cổ phần hóa và doanh nghiệp cấp II cổ phần hóa trong việc thực hiện bán cổ phần theo phương án đã được duyệt và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định, ngoại trừ các đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
 3. Chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp cấp II cổ phần hóa nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định Thông tư này, ngoại trừ các đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
 4. Quyết định phê duyệt quyết toán chi phí cổ phần hóa, kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư và số tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp cấp II cổ phần hóa, ngoại trừ các đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, đồng thời gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
 5. Đôn đốc các doanh nghiệp cấp II cổ phần hóa nộp số dư dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Thông tư này, ngoại trừ các đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.”
 Điều 2. Hiệu lực thi hành
 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 07 năm 2019.
 2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, xử lý./.
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Chính phủ; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – Sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Công báo; Website Chính phủ; – Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; – Website Bộ Tài chính; – Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; – Lưu: VT, Cục TCDN. |
 KT. BỘ TRƯỞNG  Huỳnh Quang Hải |