Thành lập ngành giao thông vận tải

 Thành lập ngành giao thông vận tải

 Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Nha Giao thông công chính, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của giao thông đối với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Theo đó, ngành giao thông công chính Yên Bái cũng chính thức được thành lập.

 Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. (Ảnh: Một góc trung tâm thành phố Yên Bái).

 Trong 72 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải (GTVT) nói chung, trong đó có ngành GTVT Yên Bái nói riêng đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, xây dựng và giữ cho mạch máu giao thông thông suốt, đáp ứng cho phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng.

 Trong những năm chiến tranh, cán bộ công nhân, thanh niên xung phong trong ngành còn trực tiếp cầm súng bảo vệ các công trình cầu, đường, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc XHCN, giành độc lập cho đất nước, tự do dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

 Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành GTVT Yên Bái đã xác định GTVT là cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời là điều kiện rất cơ bản để thực hiện nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

 Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển giao thông trên địa bàn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn, hiểm trở, tỉnh Yên Bái là một tỉnh còn nghèo, huy động nguồn lực cho giao thông còn rất hạn chế, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành của địa phương, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, tạo diện mạo mới cho tỉnh.

 Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện mở thêm các tuyến đường ngang nhằm phá thế độc đạo và kết nối các vùng trong tỉnh, các tỉnh lân cận với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư được thêm 2.250 km giao thông đường bộ, với tổng kinh phí đầu tư trên 9.000 tỷ đồng; trong đó, đường đô thị tăng gần 80 km, đường giao thông nông thôn tăng trên 2.150 km, xây dựng mới được nhiều cầu dân sinh….

 Đặc biệt, đã tập trung đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển không gian và kinh tế – xã hội của tỉnh như: đường Yên Bái – Khe Sang, đường Km5 – Yên Bình, đường Âu Cơ, đường Hoàng Thi…

 Thực hiện Kết luận số 59-KL/TU ngày 22/11/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 19/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về đẩy mạnh kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 và điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu từ nay đến năm 2020, xây dựng hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại, giảm chi phí, thời gian đi lại, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, nâng cao đời sống nhân dân; hạn chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

 Đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từng bước đầu tư, phát huy và nâng cao hiệu quả các loại hình giao thông đường sắt, đường thủy, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Tính toán và triển khai thực hiện một số dự án với hình thức, lộ trình và quy mô phù hợp sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

 Cầu Bách Lẫm – một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh đang được khẩn trương thi công.

 Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục triển khai một số dự án lớn như: cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, dự án hạ tầng kỹ thuật trên đường tránh ngập thành phố Yên Bái, đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với xã Vân Hội, dự án nâng cấp quốc lộ 32C đoạn từ Hiền Lương – cầu Yên Bái, dự án nâng cấp quốc lộ 37 đoạn từ dốc Đát Quang – Ba Khe…

 Đồng thời, đang chuẩn bị các thủ tục để có thể triển khai một số dự án trong thời gian tới như: dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (vốn trái phiếu Chính phủ, dự án đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái (theo hình thức BT); dự án kết nối quốc lộ 32 tại thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC14 (vốn ADB của Bộ GTVT); đường Khánh Hòa – Văn Yên (vốn vay của Quỹ Phát triển Ả rập – Xê út).

 Về lĩnh vực vận tải, ngành GTVT Yên Bái đã tạo ra bước phát triển ổn định, vững chắc trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải hành khách. Các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thị trường với chất lượng cao. Các tuyến vận tải đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa của tỉnh với các phương tiện ngày càng hiện đại, an toàn, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý, khai thác phương tiện được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt dịch vụ công, kiểm soát chất lượng xe lưu hành đảm bảo an toàn.

 Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Với nhiều giải pháp thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành như: công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, xóa bỏ các điểm đen, kiểm soát chặt chẽ phương tiện quá khổ, quá tải, tăng cường giám sát chất lượng đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe, tai nạn giao thông đã giảm 3 tiêu trí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

 Những thành tựu của ngành GTVT Yên Bái đạt được trong 72 năm qua là nhờ công lao của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ GTVT, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành; là công lao đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ công chức, viên chức cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 Thành tích đạt được của ngành GTVT Yên Bái từ khi được thành lập đến nay, đặc biệt là trong những năm gần đây, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua các phần thưởng cao quý, đó là, các huân chương: Độc lập hạng Ba, Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho tập thể và cá nhân trong ngành. Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân trong ngành được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, danh hiệu Chiến sỹ Thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ GTVT và các ban, ngành của trung ương và địa phương.

 Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải kiểm tra tiến độ thi công cầu Bách Lẫm.

 Cùng với cả nước, Yên Bái đang chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện để vươn kịp với đà phát triển, ngành GTVT Yên Bái xác định cần phải có tư duy, nhận thức mới, cố gắng phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Trước mắt, là phải quan tâm đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật chuyên ngành có hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch Phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030, đảm bảo khả thi, đáp ứng yêu cầu trước mắt và phát triển lâu dài.

 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào lĩnh vực đầu tư phát triển GTVT; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại, vật liệu mới nhằm giảm suất đầu tư, rút ngắn thời gian thi công, nâng cao chất lượng và hiệu quả công trình. Đồng thời, có giải pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp nhập và sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường.

 Chú trọng quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn. Gắn trách nhiệm đầu tư với trách nhiệm quản lý, bảo trì của các ngành, địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra về GTVT, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tình trạng xe quá khổ, quá tải. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

 Tổ chức và quản lý tốt hoạt động vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ với giá cả hợp lý, áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải công cộng ở khu vực đô thị, vận tải ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đảm bảo an toàn và tiện lợi. Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

 Có thể nói, những thành tựu của 72 năm qua, là truyền thống vẻ vang đầy tự hào của Đảng bộ, chính quyền các cấp, của các thế hệ cán bộ, công nhân ngành GTVT và nhân dân các dân tộc. Đó là động lực to lớn và là điểm tựa vững chắc để đi tới phía trước với mục tiêu lớn hơn và tốc độ nhanh hơn cùng các ngành, các cấp xây dựng Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển, văn minh và hiện đại.

 

 

 tag: việt   nam   kỷ   niệm   ty   nhiêu   tiền   biển   cục   cty   nào   vấn   sơ