Thành Lập Siêu Thị Mini

 I. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho siêu thị

 Nếu bạn mở siêu thị mini với đầy đủ mặt hàng thì có 2 hình thức đăng ký kinh doanh cần tham khảo: đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn. Mỗi hình thức đều có những ưu – nhược điểm riêng, hãy đọc kĩ thông tin bên dưới để có lựa chọn tốt nhất cho mình.

 1. Hộ kinh doanh cá thể

 Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

 a) Ưu điểm

 – Quy mô gọn nhẹ

 – Chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản

 – Phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ

 b) Nhược điểm

 – Không có tư cách pháp nhân

 – Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh cá thể

 – Tính chất hoạt động kinh doanh

 Thủ tục mở siêu thị mini cho hộ kinh doanh cá thể khá đơn giản, về cơ bản nếu nhu cầu của bạn là kinh doanh cá nhân thì đây là hình thức phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, việc mua hóa đơn ở thuế đối với hình thức này thì khá phức tạp. Vậy nên bạn có thể cân nhắc tới mô hình tiếp theo đây.

 2. Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH)

 Ở nước ta hiện nay, hình thức này vẫn là sự lựa chọn tối ưu nhất đối với những doanh nghiệp mới thành lập. Trong hình thức này lại chia ra làm 2 loại dựa theo số lượng người chủ sở hữu:

 – Công ty TNHH 1 thành viên do một tổ chức hay cá nhân là chủ sở hữu.

 – Công ty TNHH 2 thành viên trở lên do hai hay nhiều cá nhân tổ chức đồng chủ sở hữu.

  Đối với công ty TNHH một thành viên:

 a) Ưu điểm

 – Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

 – Có tư cách pháp nhân.

 – Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản (chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đưa vào kinh doanh).

 – Trong suốt thời gian hoạt động không được giảm vốn điều lệ.

 b) Nhược điểm

 – Khó khăn trong việc huy động vốn. Công ty TNHH 1 thành viên khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang Công ty trách TNHH 2 thành viên trở lên.

 – Công ty TNHH nói chung không được phát hành cổ phiếu.

  Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

 a) Ưu điểm

 – Doanh nghiệp có nhiều thành viên nhưng làm chủ sở hữu không được quá 50 thành viên theo quy định của pháp luật, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

 – Việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được luật pháp quy định khá chặt chẽ nên nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty.

 – Có tư cách pháp nhân kể từ khi nhận giấy đăng kí kinh doanh.

 b) Nhược điểm

 – Công ty TNHH 2 thành viên trở lên không có quyền phát hành trái phiếu.

 – Chịu sự quản lý của pháp luật chặt chẽ hơn so với các công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.

 – Đối với một số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên khiến cho nhiều đối tác và khách hàng không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra mà họ phải chịu.

 II. Trình tự, thủ tục thành lập siêu thị mini

 Thứ nhất, hộ kinh doanh cá thể:

 căn cứ Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

 Điều 70. Số lượng hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

 Hộ kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký.

 Điều 71. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

 1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

 a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

 b) Ngành, nghề kinh doanh;

 c) Số vốn kinh doanh;

 d) Số lao động;

 đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

 Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

 2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

 a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

 b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;

 c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

 Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

 3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

 Điều 72. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh

 Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.

 Điều 73. Đặt tên hộ kinh doanh

 1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:

 a) Loại hình “Hộ kinh doanh”;

 b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

 Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

 2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

 3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

 4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.

 Điều 74. Ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh

 1. Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

 2. Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 3. Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

 Thứ hai, Công ty TNHH:

 1. Chuẩn bị hồ sơ

 1.1 Hồ sơ cá nhân

 Bao gồm bản sao công chứng CMTND/ Hộ chiếu còn hiệu lực của tất cả các thành viên/ cổ đông công ty dự kiến thành lập.

 1.2 Hồ sơ biểu mẫu hành chính

 – Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

 – Điều lệ công ty;

 – Danh sách người ủy quyền nếu có;

 – Danh sách thành viên/ cổ đông sáng lập công ty;

 Thủ tục thành lập công ty sử dụng biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT do Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành ngày 01/12/2015. Thông tư này thay thế cho tất cả các thông tư, văn bản ban hành biểu mẫu về đăng ký doanh nghiệp trước kia.

 2. Thực hiện thủ tục thành lập công ty

 2.1 Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội.

 Sau 03 ngày làm việc sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế doanh nghiệp.

 2.2 Công ty thực hiện việc khắc dấu và thông báo đăng ký sử dụng mẫu dấu doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh thành phố Hà Nội.
Đợi đến ngày dấu công ty chính thức được sử dụng thế là các bạn đã hoàn thành xong thủ tục thành lập doanh nghiệp theo luật mới.

 Bạn cần lưu ý điều kiện để làm giấy phép đăng ký thành lập doanh nghiệp:

 Phải có mặt bằng

 Có trang thiết bị siêu thị bán hàng

 Có giá kệ siêu thị

 Có nguồn cung cấp hàng

 Mặt bằng để trưng bày tốt nhất nên từ 50-60m2,

 Kho chứa hàng từ 16-20m2.

 Kệ quầy dạng siêu thị từ 35-40tr.

 Đèn phải thật sáng.

 Mặt tiền tốt nhất nên lớn hơn 6m2.

 Bạn phải bán đủ các nhóm hàng cơ bản..

 Chỉ nên chọn các mặt hàng có thương hiệu.

 Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

  

  

  

  

  

 Tag: máy