Tìm Hiểu Lịch Sử – Nhà Thanh

 Nhà Thanh là một triều đại do dòng họ Ái Tân Giác La (Aisin Gioro) ở Mãn Châu thành lập. Khi đó, Mãn Châu là một địa danh nằm tại phía bắc bán đảo Triều Tiên và phía Đông Bắc Trung Quốc. Hiện nay, vùng đất này bị phân chia giữa khu vực Viễn Đông Nga với Đông Bắc Trung Quốc. Nhà Thanh cũng là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc và Mông Cổ.

 Triều đại này từng được tộc người Nữ Chân (đứng đầu bởi Nỗ Nhĩ Cáp Xích) xây dựng với quốc hiệu Đại Kim vào năm 1616 tại Mãn Châu – sử sách gọi là nhà Hậu Kim. Cho đến năm 1636, Hoàng Thái Cực đổi quốc hiệu thành Đại Thanh, và mở rộng lãnh thổ vào lục địa Đông Á cũng như các khu vực xung quanh. Nhà Thanh chinh phục và trở thành triều đình cai trị của: Trung Quốc (1644-1659), Đài Loan (1683), Mông Cổ (1691), Tây Tạng (1751), Tân Cương (1759); hoàn thành cuộc chinh phục của người Mãn Châu.

 Trong thời gian trị vì, nhà Thanh đã củng cố quyền quản lý của họ đối với Trung Quốc, hoà nhập với văn hoá Trung Quốc, và đạt tới tầm ảnh hưởng cao nhất của Đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của họ đã giảm sút trong thế kỷ 19, và phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài, nhiều cuộc nổi loạn và những thất bại trong chiến tranh, nhà Thanh tàn tạ từ sau nửa cuối thế kỷ 19. Nhà Thanh bị lật đổ sau cuộc Cách mạng Tân Hợi khi hoàng hậu nhiếp chính khi ấy là Hiếu Định Cảnh hoàng hậu, đối mặt với nhiều sự phản kháng buộc phải thoái vị nhân danh vị hoàng đế cuối cùng, Phổ Nghi, ngày 12 tháng 2 năm 1912.

 Sự thành lập nhà nước Mãn Châu

 Nhà Thanh là một triều đại do người Mãn Châu thành lập, một dân tộc thiểu số ở một số nước Đông Á hiện nay. Vốn là những người du mục bán khai, người Mãn Châu dần chiếm ưu thế tại vùng hiện ở phía đông nam Nga. Quốc gia Mãn Châu được Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci) thành lập vào đầu thế kỷ 17. Ban đầu chỉ là một nước chư hầu của nhà Minh, ông tự tuyên bố mình là hoàng đế của nước Hậu Kim năm 1609. Cùng năm ấy, ông phát triển các nguồn tài nguyên kinh tế, con người của đất nước cũng như kỹ thuật bằng cách thu nhận những người Hán sống tại vùng Mãn Châu.

 Năm 1625, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập thủ đô tại Thẩm Dương (tiếng Mãn Châu: Mukden), nhưng năm sau ông phải chịu một thất bại quân sự lớn đầu tiên trước một vị tướng nhà Minh là Viên Sùng Hoán. Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết năm đó. Một trong những thành tựu lớn nhất của ông là việc tạo lập hệ thống Bát Kỳ, theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám “Kỳ”, đó vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Các Kỳ được đặt tên như vậy bởi vì mỗi nhóm được phân biệt bởi một lá cờ khác nhau.

 Người kế tục Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực (Huang Taiji), tiếp tục tiến hành công việc dựa trên các nền móng được người cha để lại, sáp nhập các kỳ của người Hán đầu tiên vào quân đội của mình. Hoàng Thái Cực cũng chấp nhận việc áp dụng nhiều cơ cấu chính trị kiểu nhà Minh vào đất nước mình, nhưng luôn giữ ưu thế của người Mãn Châu trong các cơ cấu đó thông qua một hệ thống định mức phân bổ. Khi Lâm Đan Hãn (Ligdan Khan), vị đại hãn cuối cùng của người Mông Cổ, chết trên đường tới Tây Tạng năm 1634, con trai ông Ngạch Triết (Ejei) đã đầu hàng người Mãn Châu và trao lại ấn ngọc truyền quốc của Hoàng đế Nguyên cho Hoàng Thái Cực.

 Năm 1636 Hoàng Thái Cực đổi tên nước thành Thanh, có nghĩa là thanh khiết, biểu hiện những tham vọng đối với vùng Mãn Châu. Cái tên Thanh được lựa chọn bởi vì tên của nhà Minh (明) được cấu thành từ các ký hiệu của chữ nhật (日, mặt trời) và nguyệt (月, Mặt Trăng), đều liên quan tới hỏa mệnh. Chữ Thanh (清) được cấu thành từ chữ căn bản là thuỷ (水, nước) và từ chỉ màu xanh (青), cả hai đều là mệnh thuỷ. Trong thuyết Ngũ hành, thì thủy khắc được hỏa, ám chỉ việc nhà Thanh sẽ đánh tan toàn bộ nhà Minh. Trong một loạt những chiến dịch quân sự, Hoàng Thái Cực đã khuất phục được vùng Nội Mông và Triều Tiên trước khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát vùng Hắc Long Giang.

 CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

 1644 Người Mãn lập triều đại nhà Thanh ở Bắc Kinh

 1644-1660 Quân Mãn Thanh chiếm hầu hết Trung Quốc

 1661 Những người ủng hộ nhà Minh thất thế đã chiếm đảo Formosa (Đài Loan) từ tay người Hà Lan

 1661 Khang Hy trở thành hoàng đế thứ hai của nhà Thanh

 1674-1681 Các cuộc nổi dậy ở miền Nam sớm bị dập tắt

 1683 Quân Thanh chiếm đảo Đài Loan từ tay phe ủng hộ nhà Minh

 1689 Người Nga đổi đất ở Siberia để được buôn bán tại Trung Quốc

 1696 Quân Thanh đánh bại quân Mông Cổ tại Mông Cổ

 1717-1720 Chiến tranh với Mông Cổ giành quyền kiểm soát Tây Tạng

 Những năm 1750 Người Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng và Turkestan

 Những năm 1760 Người Trung Quốc tấn công Miến Điện, biến nước này thành chư hầu

  

  

  

  

 Tag: ai nào 10 tùy tuỳ hội đồng sản phần