I. Khả năng thanh toán công ty
 1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát
 Hệ số khả năng thanh toán tổng quát phản ánh khả năng quan hệ giữa tài sản mà doanh nghiệp hiện đang quản lý sử dụng với tổng số nợ phải trả. Nó cho biết cứ trong một đồng nợ phải trả có bao nhiêu đồng tài sản đảm bảo. Hệ số thanh toán tổng quát (H1) được khái quát hóa bằng công thức:
 (H1) = Tổng tài sản/Tổng nợ phải trả
 Nếu H1>1: Chứng tỏ khả năng thanh toán của doanh nghiệp là tốt
 Nếu H1<1 quá nhiều thì chưa tốt vì điều đó chứng tỏ doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội chiếm dụng vốn.
 Nếu H1<1 và tiến đến 0 báo hiệu sự phá sản của doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm và mất dần, tổng tài sản hiện có của doanh nghiệp không đủ trả nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán
 2. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành
 Hệ số khả năng thanh toán hiện hành phản ánh mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn và các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán hiện hành thể hiện mức độ đảm bảo của tài sản lưu động với nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là các khoản nợ phải thanh toán trong kỳ, do đó doanh nghiệp phải dùng tài sản thực có của mình để thanh toán bằng cách chuyển đổi một bộ phận thành tiền. Do đó hệ số thanh toán hiện hành (H2) được xác định bởi công thức:
 (H2) = Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn
 H2 = 2 là hợp lý nhất, vì như thế doanh nghiệp sẽ duy trì được khả năng thanh toán ngắn hạn đồng thời duy trì được khả năng kinh doanh.
 H2 > 2 thể hiện khả năng thanh toán hiện hành của doanh nghiệp dư thừa. H2 > 2 quá nhiều chứng tỏ vốn lưu động của doanh nghiệp bị ứ đọng, trong khi đó hiệu quả kinh doanh chưa tốt.
 H2 < 2 cho thấy khả năng thanh toán hiện hành chưa cao. H2 < 2 quá nhiều thì doanh nghiệp không thể thanh toán được hết các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả, đồng thời uy tín đối với các chủ nợ giảm, tài sản để dự trữ kinh doanh không đủ.
 Như vậy, hệ số này duy trì ở mức độ cao hay thấp là phụ thuộc vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp và kỳ hạn thanh toán của các khoản nợ phải thu, phải trả trong kỳ.
 3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh
 Hệ số khả năng thanh toán nhanh cho biết công ty có bao nhiêu đồng vốn bằng tiền và các khoản tương đương tiền (trừ hàng tồn kho) để thanh toán ngay cho một đồng nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán nhanh (H3) được thể hiện bằng công thức:
 (H3) = (Tổng tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Tổng nợ ngắn hạn
 H3 = 1 được coi là hợp lý nhất vì như vậy doanh nghiệp vừa duy trì được khả năng thanh toán nhanh vừa không bị mất cơ hội do khả năng thanh toán nợ mang lại.
 H3 < 1 cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ.
 H3 > 1 phản ánh tình hình thanh toán nợ không tốt vì tiền và các khoản tương đương tiền bị ứ đọng, vòng quay vốn chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
 Tuy nhiên, cũng như hệ số thanh toán nợ ngắn hạn, độ lớn của hệ số này cũng phụ thuộc vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp và kỳ hạn thanh toán của các khoản nợ phải thu, phải trả trong kỳ.
 4. Hệ số thanh toán nợ dài hạn
 Nợ dài hạn là những khoản nợ có thời gian đáo hạn trên 1 năm, doanh nghiệp đi vay dài hạn để đầu tư vào tài sản cố định. Nguồn để trả nợ dài hạn chính là tổng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành từ vốn vay chưa được thu hồi. Vì vậy, người ta thường so sánh giá trị còn lại của tài sản cố định hình thành từ vốn vay với số dư dài hạn để xác định khả năng thanh toán nợ dài hạn. Hệ số thanh toán nợ dài hạn (H4) = Giá trị còn lại của tài sản cố định được hình thành từ nguồn vốn vay hoặc nợ dài hạn/Tổng nợ dài hạn.
 H4 < 1 hoặc = 1 được coi là tốt vì khi đó khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp luôn được đảm bảo bằng tài sản cố định.
 H 4 > 1 phản ánh tình trạng không tốt về khả năng thanh toán nợ dài hạn của doanh nghiệp.
 5. Hệ số khoản phải thu trên khoản phải trả
 Bất cứ một doanh nghiêp nào cũng có khoản vốn bị khách hàng chiếm dụng và lại phải đi chiếm dụng các doanh nghiệp khác. So sánh phần đi chiếm dụng và phần bị chiếm dụng sẽ cho biết thêm về tình hình công nợ của doanh nghiệp. Tỷ số khoản phải thu so với khoản phải trả = Các khoản phải thu/Các khoản phải trả.
 Nếu các khoản phải thu lớn hơn các khoản phải trả thì có nghĩa là doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn và ngược lại doanh nghiệp chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác.
 Bị chiếm dụng và đi chiếm dụng trong kinh doanh là bình thường. Nhưng ta phải xem xét trong trường hợp nào là hợp lý, khoản nào là phù hợp.
 6. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay
 Khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Lãi vay phải trả
 Lãi vay phải trả là một khoản chi phí cố định, nguồn để trả lãi vay là lợi nhuận gộp sau khi đã trừ đi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. So sánh giữa nguồn để trả lãi vay và lãi vay phải trả sẽ cho chúng ta biết doanh nghiệp đã sẵn sàng trả lãi vay tới mức độ nào. Hệ số này đo lường mức độ lợi nhuận có được do sử dụng vốn để đảm bảo trả lãi vay cho chủ nợ. Nói cách khác, hệ số thanh toán lãi vay cho chúng ta biết được số vốn đi vay đã được sử dụng tốt tới mức nào và đem lại khoản lợi nhuận là bao nhiêu, có đủ bù đắp lãi vây phải trả hay không.
 II. Công ty mất khả năng thanh toán là như thế nào
 Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì doanh nghiệp, hợp tác xã bị xác định mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
 Khi một doanh nghiệp, hợp tác xã bị xác định mất khả năng thanh toán thì tổ chức, cá nhân sau đây có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau đây:
 – Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
 Trong đó, theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì:
 + Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
 + Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.
 – Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
 – Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
 – Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
 – Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
 – Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
 Trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện theo quy định pháp luật tại Luật Phá sản 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
 III. Đánh giá khả năng thanh toán của công ty
 BƯỚC 1: Lập bảng
 Ta có Bảng đánh giá khái quát khả năng thanh toán của Công ty
Chỉ tiêu | Công thức tính | Đầu năm | Cuối năm | Cuối năm so với đầu năm | |
Chênh lệch | Tỷ lệ (%) | ||||
(1)-lần | (2)-lần | (3)=(2)-(1) | (4)=(3)/(1) | ||
1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát | Tổng tài sảnTổng nợ phải trả | ||||
2. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn | Tài sản ngắn hạnNợ ngắn hạn | ||||
3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh | TSNH – HTKNợ ngắn hạn | ||||
4. Hệ số khả năng thanh toán tức thời | Tiền và các khoản TĐTNợ ngắn hạn |
BƯỚC 2: Đi vào đánh giá từng hệ số:
 Hệ số khả năng thanh toán tổng quát, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán nhanh, hệ số khả năng thanh toán tức thời
*) Hệ số khả năng thanh toán tổng quát:
 Cuối năm so với đầu năm, hệ số khả năng thanh toán tổng quát tăng (giảm)…..(lần), tương ứng với tốc độ tăng (giảm)…..%. Các trường hợp có thể xảy ra
 – Hệ số này >1: Với tổng tài sản hiện có, doanh nghiệp đảm bải được khả năng thanh toán tổng quát
 – Hệ số này =1: Về mặt lý thuyết doanh nghiệp có thể trả được nợ nhưng khả năng tương đối thấp
 – Hệ số này <1: Doanh nghiệp không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ
 – Hệ số này nhỏ hơn 1 rất nhiều: Doanh nghiệp mất dần khả năng thanh toán
 – Hệ số này>2: Khả năng thanh toán các khoản nợ tốt.
*) Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn:
 Cuối năm so với đầu năm, hệ số khả năng thanh toán nhanh tăng (giảm)…..(lần), tương ứng với tốc độ tăng (giảm)…..%. Các trường hợp xảy ra
 – Hệ số này >=1: Doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và tình hình tài chính là bình thường hoặc khả quan
 – Hệ số này <1: Doanh nghiệp không đảm bảo đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn
 – Hệ số này nhỏ hơn 1 rất nhiều: Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp càng thấp
 – Hệ số này >=2: Doanh nghiệp mới hoàn toàn đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn
*) Hệ số khả năng thanh toán nhanh:
 Cuối năm so với đầu năm, hệ số khả năng thanh toán nhanh tăng (giảm)….(lần), tương ứng với tốc độ tăng (giảm)…..%. Các trường hợp có thể xảy ra
 – Hệ số này >=1: Doanh nghiệp đảm bảo và thừa khả năng thanh toán nhanh
 – Hệ số này <1: Doanh nghiệp không đảm bảo khả năng thanh toán nhanh
 – Hệ số này >=2: Doanh nghiệp mới hoàn toàn đảm bảo khả năng thanh toán nhanh nợ ngắn hạn
*) Hệ số khả năng thanh toán tức thời:
 Cuối năm so với đầu năm, hệ số khả năng thanh toán tức thời tăng (giảm)…..lần, tương ứng với tốc độ tăng (giảm)…..%.
 – Hệ số này>=1: Với lượng tiền và tương đương tiền hiện có, doanh nghiệp đảm bảo và thừa khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ phải trả trong vòng 3 tháng
 – Hệ số này <1: Với lượng tiền và tương đương tiền hiện có, doanh nghiệp không đảm bảo khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ phải trả trong vòng 3 tháng.
 Tag: nhận xét khả năng thanh toán của công ty