Tư vấn chế độ lương dạy thêm

 Xin chào tư vấn pháp luật trực tuyến.

 Em tên là mến, hiện đang là giáo viên của 1 trường trung học.

 em có 1 vấn đề, mong tư vấn pháp luật trực tuyến giải đáp giúp.

 Năm học 2015-2016 do trường em thiếu giáo viên nên giáo viên chúng em phải dạy thêm rất nhiều tiết. Đến cuối năm có người thừa tới 300 tiết. Nhưng đến cuối năm vẫn chưa được nhà trường thanh toán thừa giờ ngay, mà kéo dài tới giờ là đầu năm học 2016-2017. Chúng em đã làm đơn đề nghị thanh toán, nhưng nhà trường yêu cầu phải nộp cả giáo án của năm học 2016-2017 mới thanh toán cho chúng em. vậy em muốn hỏi luật sư là nhà trường làm thế là đúng hay sai? Nộp giáo án có bắt buộc trong thanh toán thừa giờ không?

 Em rất mong tư vấn pháp luật sớm giải đáp thắc mắc giúp em.

 Em xin chân thành cảm ơn.

 Chào bạn!

 Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi tư vấn chế độ lương dạy thêm của bạn như sau:

 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cở sở giáo dục công lập quy định về Nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ như sau:

 “1. Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

  1. Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.
  2. Năm học quy định tại Thông tư liên tịch này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.
  3. Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ nghề được áp dụng định mức giờ dạy/năm quy định cho cấp học, trình độ nghề cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
  4. Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí tiền lương dạy thêm giờ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cơ sở giáo dục công lập quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư liên tịch này, căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.
  5. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
  6. Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.
  7. Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.”

 Như vậy, không có quy định nào yêu cầu giáo viên phải nộp lại giáo án thì mới được thanh toán tiền lương dạy ngoài giờ.

 Trân trọng./.