Di chúc miệng là gì
 “Di chúc miệng là một trong hai hình thức chủ yếu của di chúc nhằm thể hiện ý chí cá nhân qua lời nói trước lúc lâm chung nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết và không được thành lập văn bản ngay tại thời điểm đó.”
 Di chúc miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Di chúc miệng hợp pháp là gì
 Thông thường, di chúc được lập bằng văn bản để thể hiện rõ ý chí của cá nhân. Thế nhưng, trong các trường hợp sức khỏe nguy kịch, bị cái chết đe dọa…, cá nhân không thể lập di chúc bằng văn bản mà phải chọn hình thức di chúc miệng để thể hiện mong muốn cuối cùng của mình về việc phân chia tài sản sau khi chết.
 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện sau:
 – Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng;
 – Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ;
 – Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
 Ngoài 03 điều kiện nêu trên, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện chung khác như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức…
Di chúc miệng có hiệu lực bao lâu
 Theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Lập Di chúc bằng miệng nên hay không?
  Theo như pháp luật quy định, ta có thể thấy hình thức lập Di chúc miệng là hình thức gián tiếp mà ở đây là người làm chứng lập thành Di chúc bằng văn bản. Với việc lập Di chúc miệng, điều quan trọng là sự tin tưởng của người lập Di chúc với người làm chứng. Việc truyền đạt trong lúc nguy kịch của người lập di chúc có tới người làm chứng có thể không chính xác hoặc được hiểu theo nghĩa khác dẫn tới việc hiểu sai và truyền đạt không đúng tinh thần của người đã mất. Cùng với việc “lời nói gió bay ” sẽ dẫn tới việc không hay kèm theo như mua chuộc người làm chứng. tranh cướp tài sản, …
  Do đó, Di chúc miệng chỉ nên lập trong trường hợp nguy kịch chưa chuẩn bị di chúc bằng văn bản. Việc lập di chúc bằng văn bản “giấy trắng mực đen ” sẽ đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người lập di chúc và những người thừa kế. Nó tránh được những rủi ro mà di chúc miệng mang lại.
 Tag: so sánh