I. Khái niệm ICD là gì?
 ICD là cảng cạn/ cảng khô/ cảng nội địa, hoặc gọi tắc là Depot. Hay còn được gọi với tên tiếng anh là Inland Container Depot. Điểm thông quan nội địa là một địa điểm thông quan hàng hóa nằm trong nội địa; giúp cho cảng biển giải phóng hàng nhanh, tăng khả năng thông qua nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, thủ tục hải quan…
 Cảng cạn, loại hình cở sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics, đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ, nhưng chỉ được sử dụng đúng chức năng vào đầu những năm 1970 với sự phát triển của hệ thống cảng container và sau đó ngày càng phổ biến khắp thế giới.
 Các dịch vụ chính của cảng cạn bao gồm điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container có hàng, container rỗng và container hàng lạnh, dịch vụ bốc dỡ container, vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trường, siêu trọng, làm thủ tục hải quan, làm kho ngoại quan…
 Ngoài ra, cảng cạn còn có thể có những chức năng phụ như đóng rút hàng tại bãi, lắp đặt trang thiết bị, kho đóng hàng lẻ, làm bao bì, đóng gói chân không và vẽ mã hiệu hàng hóa, sửa chữa và vệ sinh container, vận chuyển hàng nội địa…
 Xét về hiệu quả kinh tế, cảng cạn là xu thế phát triển tất yếu. Nó có thể góp phần làm giảm ách tắc cảng biển, tăng khả năng thông quan nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan… Đối với những khu vực xa cảng biển, chi phí vận chuyển thẳng ra cảng tốn kém hơn chi phí trung chuyển tại cảng cạn. Còn về khía cạnh vận tải, cảng cạn là thành phần không thể thiếu trong chuỗi vận tải đa phương thức.
 II. Thủ tục liên quan đến cảng cạn (Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016):
  Điều 31. Điều kiện công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
  1. Phải có diện tích tối thiểu từ 50.000 m2 trở lên.
  2. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
  a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;
  b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
  3. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
  a) Quan sát được các vị trí trong địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);
  b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;
  c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
  Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
  Điều 32. Hồ sơ công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
  1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
  2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản sao.
  3. Sơ đồ thiết kế khu vực địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, nơi tập kết hàng xuất khẩu, nơi tập kết hàng nhập khẩu, nơi tập kết xe công-te-nơ, nơi kiểm tra thực tế, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.
  4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn: 01 bản chính.
  5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm: 01 bản sao.
  6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
  7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
  Điều 33. Trình tự công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
  1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
  2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
  3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính ra quyết định công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
  4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
  Điều 34. Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
  1. Trường hợp có nhu cầu mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan, bao gồm:
  a) Văn bản đề nghị mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động: 01 bản chính;
  b) Sơ đồ kho, bãi khu vực mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao;
  c) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm khi mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao;
  d) Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.
  2. Trình tự, thủ tục, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động thực hiện tương tự như đối với kho ngoại quan quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này. Riêng việc mở rộng, thu hẹp, tạm dừng hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.
  3. Trường hợp di chuyển, chuyển quyền sở hữu địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, trên cơ sở văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính xem xét ra quyết định chấm dứt hoạt động của địa điểm theo quyết định cũ, đồng thời ra quyết định công nhận, chuyển quyền sở hữu địa điểm nếu chủ địa điểm mới đáp ứng quy định tại Điều 31 Nghị định này.
  Điều 35. Chấm dứt hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
  1. Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
  a) Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này;
  b) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động;
  c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định công nhận nhưng doanh nghiệp không đưa địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn vào hoạt động;
  d) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo hoạt động trở lại;
  đ) Trong 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.
  2. Tổng cục Hải quan kiểm tra, trình Bộ Tài chính quyết định chấm dứt hoạt động đối với địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.