Tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự của cơ quan điều tra, của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân. Nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm, ngày 02/8/2013 liên Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013 Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
 Nhằm cụ thể hoá những quy định của Thông tư liên tịch số 06/2013, ngày 20/3/2015 Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 về Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Công an nhân dân (Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 07/5/2015).
 Quy trình này đã nêu rõ một số nội dung nổi bật, mới so với Thông tư 06/2013 như:
 – Nội dung nổi bật:
 + Việc tổ chức trụ sở Trực ban hình sự: Bố trí ở địa điểm thuận tiện, dễ nhận biết, có gắn biển “TRỰC BAN HÌNH SỰ” nền màu đỏ, chữ màu vàng, ghi rõ tên Cơ quan điều tra, số điện thoại liên hệ, có đặt hộp thư tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
 + Nguồn phản ánh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
 + Công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cá nhân trực tiếp cung cấp; qua đường bưu điện, giao liên; qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hòm thư điện tử; qua điện thoại và công tác xử lý hành vi phạm tội đang diễn ra.
 +Việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác và cá nhân khác.
 – Nội dung mới:
 + Trường hợp đã hết thời hạn giải quyết nhưng chưa đủ căn cứ để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì Điều tra viên phải báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thông báo ngay bằng văn bản choViện kiểm sát nhân dân cùng cấp để thống nhất quan điểm giải quyết. Văn bản này trao đổi về kết quả kiển tra, xác minh; đánh giá về tài liệu, chứng cứ xác định dấu hiệu tội phạm, phương hướng xác minh tiếp theo, đường lối xử lý. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có văn bản trao đổi, Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra chỉ đạo Điều tra viên thực hiện; nếu kết quả quyết chưa đủ căn cứ để rquyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì Điều tra viên dự thảo văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ký văn bản thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết và tạm dừng viêc giải quyết, lưu hồ sơ theo quy định. Khi có tình tiết mới cần xem xét thì phục hồi việc kiểm tra, xác minh (khoản 3 điều 17 về báo cáo kết quả xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố).
 + Điều tra viên (thụ lý chính), cán bộ được phân công giúp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải đăng ký vào sổ thụ lý của đơn vị; lập, đăng ký, quản lý, sử dụng, kết thúc, nộp lưu hồ sơ theo quy định của Bộ Công an về hồ sơ vụ việc xác minh bân đầu, hồ sơ vụ án hình sự, hồ sơ vi phạm pháp luật chưa đến mức khởi tố, bị xử lý hành chính, chuyển loại hồ sơ.
 Xác định tầm quan trọng của việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh kế hoạch nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố để triển khai cho công an các đơn vị, địa phương.
 Vũ Mạnh Tuân (Văn phòng CQCSĐT)
 Tag: 1319 ủy trung ương