Bộ Luật Hình Sự 100/2015/QH13

 Mục 4

 CÁC TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

 Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

 c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

 d) Xúi giục người khác gây rối;

 đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

 c) Vì động cơ đê hèn;

 d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

 Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 a) Làm chết người;

 b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Điều 321. Tội đánh bạc

 1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Có tính chất chuyên nghiệp;

 b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

 c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 d) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

 1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

 b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;

 c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

 d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tính chất chuyên nghiệp;

 b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

 c) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

 1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

 d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 đ) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

 a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

 b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

 a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Điều 324. Tội rửa tiền

 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

 b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

 c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

 d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 d) Có tính chất chuyên nghiệp;

 đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

 e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 h) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

 a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

 4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

 1. Người nào đủ 18 tuổi mà thực hiện một trong các hành vi sau đây đối với người dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đọa;

 b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có những hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội;

 c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi hoạt động phạm pháp.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, ép buộc, chứa chấp nhiều người;

 c) Đối với người dưới 13 tuổi;

 d) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, ép buộc, chứa chấp người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 đ) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

 1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

 b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;

 c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;

 d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người;

 đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

 c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;

 d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh;

 đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người;

 e) Đối với người dưới 18 tuổi;

 g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 h) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

 b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên;

 c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên;

 d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 327. Tội chứa mại dâm

 1. Người nào chứa mại dâm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Cưỡng bức mại dâm;

 c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 d) Chứa mại dâm 04 người trở lên;

 đ) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

 e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm từ 11% đến 45%;

 g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 h) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

 a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

 b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm 46% trở lên.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 a) Đối với 02 người trở lên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

 b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

 c) Cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Điều 328. Tội môi giới mại dâm

 1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

 b) Có tổ chức;

 c) Có tính chất chuyên nghiệp;

 d) Phạm tội 02 lần trở lên;

 đ) Đối với 02 người trở lên;

 e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 g) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

 b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Điều 329. Tội mua dâm người dưới 18 tuổi

 1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Mua dâm 02 lần trở lên;

 b) Mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

 c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Phạm tội 02 lần trở lên đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

 b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

 4. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Chương XXII

 CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

 Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

 d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

 đ) Tái phạm nguy hiểm.

 Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

 1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

 b) Phạm tội trong thời chiến;

 c) Lôi kéo người khác phạm tội.

 Điều 333. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

 1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

 b) Lôi kéo người khác phạm tội.

 Điều 334. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 335. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

 1. Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

 Điều 336. Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật

 1. Người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 a) Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên;

 b) Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước

 1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

 b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

 3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

 c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước

 1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;

 b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

 Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 Điều 340. Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức

 1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 b) Sử dụng giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa hoặc làm sai lệch thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

 d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

 đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

 b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

 c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Điều 342. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

 1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;

 c) Thực hiện hành vi trái pháp luật;

 d) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 343. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở

 1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Điều 344. Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản

 1. Người nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 a) Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

 b) In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;

 c) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;

 d) Đăng tải trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản, không có bản thảo đã được ký duyệt mà xuất bản xuất bản phẩm đó;

 đ) Phạm tội có số lượng xuất bản phẩm dưới mức quy định tại một trong các điểm b hoặc điểm c khoản này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 e) Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản;

 c) Phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 345. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng

 1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

 Điều 346. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới

 1. Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Tái phạm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ một 01 năm đến 05 năm.

 Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép

 Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

 1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

 d) Có tính chất chuyên nghiệp;

 đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Đối với 11 người trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

 c) Làm chết người.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

 1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

 d) Có tính chất chuyên nghiệp;

 đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Đối với 11 người trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

 c) Làm chết người.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Điều 350. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

 1. Người nào cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

 a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 b) Đối với từ 05 người đến 10 người;

 c) Có tính chất chuyên nghiệp;

 d) Vì động cơ đê hèn;

 đ) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

 a) Đối với 11 người trở lên;

 b) Làm chết người.

 Điều 351. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

 Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 Chương XXIII

 CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ

 Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ

 1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

 2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

 Mục 1

 CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG

 Điều 353. Tội tham ô tài sản

 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

 b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

 c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

 e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

 g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

 b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

 b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 Điều 354. Tội nhận hối lộ

 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 b) Lợi ích phi vật chất.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

 c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

 đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

 e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

 g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

 a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

 b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

 b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

 1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

 a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

 b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

 c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

 e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

 b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

 c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

 d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

 b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

 4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:

 a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

 b) Lợi ích phi vật chất.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

 a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

 b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

 a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

 b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

 b) Làm, cấp giấy tờ giả;

 c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

 c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

 b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

 a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

 b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.