BỘ QUỐC PHÒNG |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Số: 183/2019/TT-BQP |
 Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2019 |
 THÔNG TƯ
 QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CƠ QUAN QUẢN LÝ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ, CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TRONG QUÂN ĐỘI
 Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
 Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
 Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng;
 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về tổ chức bộ máy cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội.
 Chương I
 QUY ĐỊNH CHUNG
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
 Thông tư này quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
 Điều 2. Đối tượng áp dụng
 1. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
 2. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
 3. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác thi hành án hình sự trong Quân đội.
 Chương II
 TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG, CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ CẤP QUÂN KHU
 Điều 3. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng
 1. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng là Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
 2. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, gồm:
 a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng;
 b) Cơ quan giúp việc là Phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự;
 c) Cán bộ thi hành án hình sự.
 3. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng sử dụng con dấu với tên gọi: “Bộ Quốc phòng – Cơ quan quản lý thi hành án hình sự”.
 Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng
 1. Thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật Thi hành án hình sự.
 2. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ của lực lượng được giao nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong Quân đội theo quy định của pháp luật.
 Điều 5. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
 1. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, gồm:
 a) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu là Phòng Điều tra hình sự quân khu;
 b) Cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3 là Phòng Điều tra hình sự Quân đoàn 3;
 c) Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội là Phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
 2. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, gồm:
 a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng;
 b) Cán bộ thi hành án hình sự.
 3. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sử dụng con dấu với tên gọi: “Quân khu (Quân đoàn) – Cơ quan thi hành án hình sự”; Phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự sử dụng con dấu với tên gọi: “Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng – Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội”.
 Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
 1. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 15 Luật Thi hành án hình sự. Phạm vi nhiệm vụ giữa các cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được phân định như sau:
 a) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự của Tòa án quân sự trên địa bàn quân khu; tiếp nhận, quản lý hồ sơ và tổ chức thi hành đối với những trường hợp do cơ quan thi hành án hình sự khác chuyển đến theo quy định, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ của cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3;
 b) Cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3 tổ chức thi hành quyết định thi hành án của Tòa án quân sự về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù khi người bị kết án đang bị giam giữ tại trại tạm giam quân đoàn; quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án phạt tù đối với người bị kết án đang tại ngoại, thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ khi người bị kết án đang làm việc hoặc được giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc quân đoàn quản lý;
 c) Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự của Tòa án quân sự trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ của cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3.
 2. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ đối với lực lượng được giao nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp thuộc quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
 Chương III
 TIÊU CHUẨN CÁN BỘ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ; THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC THỦ TRƯỞNG, PHÓ THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN QUẢN LÝ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG VÀ CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ CẤP QUÂN KHU
 Điều 7. Tiêu chuẩn cán bộ thi hành án hình sự
 1. Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
 2. Tốt nghiệp một trong các học viện: Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân hoặc đại học Luật.
 3. Được bồi dưỡng kiến thức chính trị, quân sự theo quy định, có kinh nghiệm thực tiễn về công tác giam giữ và thi hành án hình sự.
 Điều 8. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
 1. Đối tượng
 a) Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Điều tra hình sự phụ trách công tác thi hành án hình sự được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
 b) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Điều tra hình sự quân khu được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự quân khu;
 c) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Điều tra hình sự Quân đoàn 3 được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3;
 d) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội.
 2. Thẩm quyền
 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
 Điều 9. Miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
 1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
 a) Đương nhiên được miễn nhiệm khi được điều động làm công tác khác hoặc thôi phục vụ tại ngũ;
 b) Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ.
 2. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự hoặc bị kỷ luật bằng một trong các hình thức giáng chức, cách chức giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan, tước danh hiệu quân nhân.
 Điều 10. Trình tự, thủ tục đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
 1. Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
 a) Tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu theo đề nghị của cấp ủy quân khu, Quân đoàn 3 và Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng;
 b) Kiểm tra hồ sơ, quy trình tiến hành; báo cáo Hội đồng thi tuyển điều tra viên Bộ Quốc phòng kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
 2. Hội đồng thi tuyển điều tra viên Bộ Quốc phòng xét duyệt và đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, đồng thời về việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự các cấp.
 3. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức gồm:
 a) Công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
 b) Bản tóm tắt lý lịch (T63) do cơ quan cán bộ trích;
 c) Danh sách trích ngang cán bộ (DS84) do cơ quan Điều tra quân khu và tương đương lập, có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan điều tra và Trưởng phòng cán bộ;
 d) Bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ có liên quan;
 đ) Bản phô tô các quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ;
 e) Tài liệu liên quan đến việc miễn nhiệm, cách chức.
 Chương IV
 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 Điều 11. Hiệu lực thi hành
 Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22- tháng 01 năm 2020 và thay thế Thông tư số 101/2012/TT-BQP ngày 28 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, đơn vị được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự trong Quân đội.
 Điều 12. Trách nhiệm thi hành
 1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
 2. Cục trưởng Cục Điều tra hình sự chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.
Nơi nhận: – Đ/c Bộ trưởng (để b/c); – Các đồng chí lãnh đạo BQP(6); – Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; – Các Tổng cục; – Các Quân khu, Quân đoàn; – Các Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn; – Các BTL: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội; – Tòa án quân sự trung ương; – Viện kiểm sát quân sự trung ương; – Cục Điều tra hình sự BQP; – Cục Thi hành án BQP; – Cục Quân lực/BTTM; – Cục Bảo vệ an ninh Quân đội; – Công báo Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp; – Văn phòng BQP (NC, PC, CTTĐT/BQP); – Lữ đoàn 144/BTTM; – Lưu: VT, ĐTHS.Hg55. |
 KT. BỘ TRƯỞNG  Thượng tướng Lê Chiêm |