Bóc lột sức lao động trẻ em

 Lao động trẻ em là gì

 Theo tinh thần cơ bản của Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em; các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Bộ luật lao động và các tài liệu nghiên cứu khác, ta có thể hiểu rằng:

 – Lao động trẻ em là lao động của người còn ở lứa tuổi trẻ em đã phải đi làm cho bản thân và cho sự sống của gia đình.

 – Sử dụng lao động trẻ em là chỉ người sử dụng lao động thuê lao động trẻ em vào làm một công việc nào đó cho bản thân hay cho nhóm người nào đó.

 – Lao động chưa thành niên là lao động của người dưới 18 tuổi (Bộ luật lao động năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007).

 Ở nước ta và nhất là trong địa bàn đô thị, lao động trẻ em thường được sử dụng vào những loại công việc sau:

 – Làm thuê trong các gia đình (giúp việc);

 – Làm thuê trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ như: sản xuất hàng gia công, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, xây dựng, cơ sở dịch vụ (quán ăn, nhà hàng, cửa hàng, chợ v.v…);

 – Tự kiếm sống như: bán báo, đánh giày v.v…

 Bóc lột sức lao động trẻ em

 Tại Điều 26 Luật Trẻ em 2016 quy định, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động, lạm dụng lao động trẻ em; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

 Tại Khoản 1 Điều 163, Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

 Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH quy định về danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc như: Diễn viên – múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước); vận động viên năng khiếu – thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền; các nghề truyền thống – chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế; các nghề thủ công mỹ nghệ – thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he; đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên; nuôi tằm; gói kẹo dừa.

 Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, hiện ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng để xác định rõ thế nào là lao động trẻ em. Theo ông Nam, trẻ em được tham gia một số nghề phù hợp.

 Ngay lời dạy của Bác Hồ dạy thiếu nhi Việt Nam: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em.