Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng

Các dạng rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng

 Dựa trên hình thức, nội dung, quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại, các nhà đầu đầu tư kinh doanh có thể gặp phải những rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng sau:

1. Rủi ro về tư cách chủ thể tham gia giao dịch

  • Đối tác không có năng lực hành vi dân sự thực hiện hợp đồng;
  • Đối tác không có tư cách pháp nhân;
  • Người đại diện của đối tác không có thẩm quyền đại diện ký kết hợp đồng;
  • Người ký hợp đồng vượt quá phạm vi được ủy quyền;
  • Chủ thể không có tư cách, đủ điều kiện thực hiện đối tượng của hợp đồng

2. Rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng

 Một số rui ro về mặt hình thức của hợp đồng thường gặp:

  • Hai bên xác lập hợp đồng không lập thành văn bản đối với những hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật;
  • Hợp đồng không được công chứng, chứng thực tại văn phòng công chứng có thẩm quyền thực hiện hoạt động công chứng, chứng thực.

3. Rủi ro về nội dung thoả thuận trong hợp đồng

  • Rủi ro về đối tượng của hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa, dịch vụ. Một số rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện hợp đồng:
  • Hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng không đủ điều kiện để thực hiện (bị hạn chế) hoặc bị pháp luật cấm;
  • Hàng hóa, dịch vụ các bên thỏa thuận trong hợp đồng không rõ về chủng loại, quy cách, chất lượng, số lượng, đơn vị đo lường (đối với hợp đồng) và không rõ về nội dung, phạm vi công việc, kết quả công việc (đối với  dịch vụ);​
  • Thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán;
  • Không quy định rõ thời hạn thực hiện hợp đồng/thời hạn kết thúc hợp đồng;
  • Không quy định rõ khi nào được coi là đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ của hợp đồng để kết thúc hợp đồng;
  • Bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng

 Điều khoản về bảo mật thông tin trong hợp đồng thương mại hiện nay vẫn không được các bên chú trọng, nhiều trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc có nhưng được quy định hết sức chung chung. Chính vì vậy, không ít nhà đầu tư kinh doanh bị thiệt hại nặng nề do thông tin bí mật bị mất, bị rò rỉ ra bên ngoài. Đặc biệt những thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ: Công nghệ, dây truyền sản xuất, sáng chế, thiết kế, ý tưởng, phần mềm, …

  • Không quy định các nội dung cơ bản của hợp đồng

 Đây là dạng rủi ro mà các nhà đầu tư có thể gặp phải do sự thiếu hiểu biết khi soạn thảo hợp đồng dẫn đến việc hợp đồng không bảo đảm theo quy định của pháp luật.

 Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhưng không ghi giá mua bán; Hợp đồng vận chuyển nhưng không nêu rõ địa điểm lên xuống hàng, thời gian vận chuyển.

4. Vi phạm nguyên tắc tự nguyện khi giao kết hợp đồng

 Hợp đồng do các bên ký kết không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực. Trường hợp này xác định từ việc một hoặc nhiều bên đã có sự lừa dối hoặc có thủ đoạn ép buộc bên kia giao kết với nội dung áp đặt nhằm tạo lợi thế tuyệt đối cho mình.

5. Đối tác không có khả năng thanh toán

 Nhiều trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng hóa, thực hiện dịch vụ nhưng bên đối tác còn lại không thực hiện thanh toán tiền theo thỏa thuận, từ đó dẫn đến việc vi phạm hợp đồng trong nghĩa vụ thanh toán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ khó đòi xảy ra, một rủi ro pháp lý đáng lo ngại cho cá nhân, doanh nghiệp.

6. Một trong hai bên gặp tình huống bất khả kháng, trở ngại khách quan

 Ngoài những rủi ro xuất phát từ lý do chủ quan, có thể kiểm soát của các bên nêu trên thì còn có những rủi ro đến bất ngờ, mang tính chất khách quan khi gặp tình thế bất khả kháng. Trong quá trình thực hiện, một trong các bên có thể rơi vào tình thế bất khả kháng, trở ngại khách quan dẫn đến việc không hoàn thành nghĩa vụ quy định trong hợp đồng gây nên thiệt hại không mong muốn.

 Theo Khoản 1 Điều 161 Bộ Luật Dân sự 2005:  Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

 Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;

 Khoản 2 Điều 302 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. VD: Thiên tai, hỏa hoạn, thay đổi chính sách của pháp luật, …

 Những rủi ro nêu trên sẽ dẫn đến hậu quả hợp đồng thương mại bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần; khi xảy ra tranh chấp, quyền và lợi ích của nhà đầu tư kinh doanh không được đảm bảo gây ra những hiệt hại lớn về tài sản, uy tín, hoạt động, … của doanh nghiệp.

  

  

  

  

 Tag: khối gì trị