Chỉ thị là gì – Thẩm quyền ban hành chỉ thị

Chỉ thị là gì

 Chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành cho cấp dưới tổ chức thực hiện.

 Dưới góc độ xã hội, khái niệm chỉ thị được hiểu một cách đơn giản nhất là lệnh cấp trên truyền đạt cho cấp dưới.

 Ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập đội Việt-nam tuyên truyền giải phóng quân.

 Chỉ thị dùng để truyền đạt các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lí chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, chấn chỉnh công tác, giao nhiệm vụ và đôn đốc các cơ quan cấp dưới, có khi là các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhà nước.

 Trong hệ thống thứ bậc văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp 1992, chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản dưới luật do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành.

 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng chính phủ.

 Chỉ thị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định các biện pháp để chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp và kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của mình.

 Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định các biện pháp để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp quy định những biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, các quyết định, chủ trương của cấp trên, các quyết định của Uỷ ban nhân dân; giao nhiệm vụ, đôn đốc các cơ quan cấp dưới thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ thị tiếng anh là gì

 Directive

Chỉ thị là loại văn bản gì

 Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây thì chỉ thị là một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không có khái niệm về chỉ thị.

 Tại điều 4 của Luật này quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm: hiến pháp; bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của chủ tịch nước, nghị định của chính phủ; quyết định của thủ tướng chính phủ; hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết; thông tư chánh án tòa án nhân dân tối cao; nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh; nghị quyết của hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nghị quyết của hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn; ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định.

 Trong nội dung trên có quy định về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Từ đó có thể thấy rằng hiện nay chỉ thị không còn là văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm quyền ban hành chỉ thị

 Thông qua các nội dung ở trên chúng tôi đã nêu ra khái niệm chỉ thị là gì và mục đích của việc ban hành chỉ thị. Nội dung này sẽ cung cấp thông tin về chủ thể có thẩm quyền ban hành chỉ thị.

 Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì chỉ thị được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ, ban hành bởi chánh án tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp và chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp.

 Tuy nhiên từ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, toàn bộ những chủ thể nhà nước ở trung ương đều không còn thẩm quyền để ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chỉ thị.

 Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Chỉ thị của ủy ban nhân dân tỉnh không còn được quy định là loại văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó việc ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này, nhưng có chứa quy phạm pháp luật là không phù hợp với quy định hiện hành.