Công ước Ramsar năm 1971 về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước

 Công ước Ramsar năm 1971 là thoả thuận đầu tiên về các môi trường sống toàn cầu và là thoả thuận đầu tiên công nhận các vùng đất ngập nước là một trong số những nguồn hỗ trợ hệ sinh thái hiệu quả nhất trên trái đất. Công ước cung cấp khuôn khổ để các quốc gia hành động và hợp tác với nhau trong việc để bảo tồn và sử dụng hiệu quả các vùng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên của chúng. Năm 2016, Công ước Ramsar có 169 Thành viên và bao gồm 2260 khu vực được chỉ định chiếm diện tích 215.276.293 héc ta. Nghị định thư Paris năm 1982, có hiệu lực năm 1986, đã bổ sung các điều khoản cho phép sửa đổi Công ước Ramsar.

 Công ước quy định những vấn đề gì?    

 Mục tiêu

 Căn cứ vào các chức năng sinh thái của các vùng đất ngập nước, Công ước Ramsar nhằm ngăn chặn sự xâm lấn và mất dần các vùng đất ngập nước cả trong hiện tại và trong tương lai (xem Lời nói đầu). Vào năm 2002, nhiệm vụ của Công ước là “bảo tồn và sử dụng hiệu quả tất cả các vùng đất ngập nước thông qua hành động ở cấp địa phương, quốc gia và hợp tác quốc tế, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”.

 Nội dung

 Văn bản Công ước thư có thể chia thành các nhóm điều khoản quy định về bối cảnh để hiểu Công ước, các điều khoản quy định về cam kết của các Bên tham gia, các điều khoản về thể chế và các điều khoản về thủ tục đảm bảo tuân thủ. Các điều khoản quan trọng nhất ghi nhận cam kết trong việc chỉ định và bảo tồn các vùng đất ngập nước quốc gia.

 Cách tiếp cận

 Các vùng đất ngập nước là các khu vực trong đó nước là yếu tố chính kiểm soát môi trường và đời sống của động, thực vật trong đó. Công ước Ramsar có cách tiếp cận rộng trong việc xác định các vùng đất ngập nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Có 5 loại vùng đất ngập nước chủ yếu được công nhận:

 Thêm vào đó, có nhiều vùng đất ngập nước do con người tạo ra như các hồ nuôi cá, tôm, ao chuôm, đất ruộng có hệ thống tưới tiêu, ruộng muối, hồ chứa, hố sỏi và kênh mương thủy lợi. Công ước Ramsar đưa ra sự phân loại bao gồm 42 loại, được phân thành 3 nhóm: Biển và các vùng đất ngập nước ven biển, các vùng đất ngập nước trong đất liền và các vùng đất ngập nước nhân tạo.

 Khi tham gia Công ước Ramsar, mỗi Thành viên phải chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước trong lãnh thổ của mình để ghi vào Danh sách các vùng đất ngập nước quốc tế quan trọng (Danh sách Ramsar). Việc đưa tên một vùng đất ngập nước vào Danh sách Ramsar thể hiện cam kết của chính phủ về việc thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo duy trì những đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước đó. Năm 1990, Hội nghị các Bên đã xây dựng Hồ sơ Montreux (Montreux Record). Tài liệu này ghi lại các vùng đất ngập nước thuộc Danh sách các vùng đất ngập nước quốc tế quan trọng nơi mà những sự thay đổi về đặc tính sinh thái đã, đang hoặc sẽ xảy ra do sự phát triển công nghệ, ô nhiễm hay những can thiệp khác của con người. Hồ sơ này là một phần của Danh sách Ramsar.

 Các nguyên tắc

 Lời nói đầu và Điều 2 nêu các nguyên tắc chỉ đạo việc thực hiện Công ước Ramsar.

 Thể chế

 Công ước Ramsar được quản lý bởi một Ban Thư ký độc lập (Văn phòng Ramsar) đặt tại trụ sở của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ở Thuỵ Sỹ. Cơ quan ra quyết định chính là Hội nghị các Bên, họp 3 năm một lần. Các tổ chức quốc tế như IUCN, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF International), cũng góp phần hỗ trợ bằng việc cung cấp tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia, giúp thực hiện các nghiên cứu và hỗ trợ tài chính.

 Thực hiện

 Công ước Ramsar được thông qua trước khi các quỹ hỗ trợ thực thi trở thành một nội dung phổ biến trong các Hiệp định Đa phương về Môi trường. Hội nghị các Bên thông qua ngân sách chính do Ban Thư ký quản lý. Ngân sách được hình thành từ đóng góp của các thành viên, mỗi thành viên đóng góp ít nhất là 700 đô la Mỹ, và từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Quỹ hỗ trợ nhỏ Ramsar (Ramsar Small Grants Fund) được thành lập năm 1990 và do Ban thư ký quản lý dưới sự giám sát của Uỷ ban thường trực để giúp đỡ các thành viên đang phát triển thông qua các Cơ quan bảo tồn thiên nhiên.

 Tuân thủ

 Theo quy định của Công ước Ramsar, các Thành viên đã xây dựng các cơ chế khác nhau để bảo đảm tuân thủ Công ước. Giống như cơ chế tuân thủ của các hiệp định khác, Công ước quy định nghĩa vụ báo cáo, nhưngkhông có quy định gì về giải quyết tranh chấp, cũng như thành lập uỷ ban về tuân thủ.