Giới thiệu VCCI

 Ngày 29/4/1960, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua gần ba năm chuẩn bị, ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với sự hội tụ của 93 tổ chức hội viên đầu tiên, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đại hội đã thông qua Điều lệ, bầu Ban Trị sự để điều hành công tác của Phòng. Kết quả đại hội và bản điều lệ đã được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn bằng Quyết định số 58-CP ngày 27/4/1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Và ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp là ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 Nửa thế kỷ qua đi, trải qua biết bao biến động, thăng trầm, nhưng trong hoàn cảnh nào VCCI cũng có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

 Trong những năm từ 1963-1975, VCCI xây dựng tổ chức và hoạt động trong điều kiện chiến tranh, khi đó, VCCI chủ yếu đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: Xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam với các nước và tham gia vào công cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong toả kinh tế nước ta của đế quốc Mỹ.

 Từ năm 1975-1982, sau giải phóng miền Nam, VCCI tiếp thu cơ sở của Phòng Thương mại – Công kỹ nghệ Sài Gòn, tổ chức Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước. VCCI tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước phục vụ yêu cầu của nền kinh tế sau chiến tranh, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong nước.

 Từ năm 1983-1992, VCCI thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, mở ra nhiều dịch vụ phục vụ doanh nghiệp. Khi đất nước đổi mới, VCCI hoạt động trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Trong thời kì này, VCCI tập trung đóng góp và việc tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đồng thời tham gia tích cực vào nỗ lực mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư.

 Từ năm 1993 đến nay, VCCI trở thành tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong thời kỳ này, VCCI đã có những thay đổi mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh việc tăng cường tổ chức, cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách, VCCI đã phát triển mạng lưới Chi nhánh và Văn phòng đại diện tại các địa phương, hỗ trợ thành lập và thiết lập quan hệ chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan ở trong và ngoài nước để mở rộng hoạt động và tầm ảnh hưởng của mình. VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình trên 150.000 hội viên đại diện cho các thành phần kinh tế. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp lớn đều là hội viên của VCCI. Đa số các doanh nghiệp hội viên kinh doanh ổn định có uy tín và thương hiệu trên thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế –  xã hội của đất nước. VCCI cũng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 các tổ chức đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. VCCI là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các liên đoàn giới chủ thế giới và khu vực.

 VCCI đã đi đầu trong việc nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân; đã cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam; đã đưa ra thông điệp “Doanh nhân – người lính thời bình” để cổ vũ và phát động tinh thần doanh nhân trong xã hội, đã tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Cúp Thánh Gióng”, “Cúp Bông hồng Vàng”, “Giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” và các giải thưởng có uy tín khác cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Đã lập kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” để tri ân các cá nhân, tổ chức đóng góp vào sự nghiệp này. VCCI đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quan điểm, chính sách và nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật doanh nghiệp (1999, 2005), Luật đầu tư (2005), các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá IX và khóa XII về kinh tế tư nhân nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. VCCI đã tổ chức nghiên cứu và đề xuất, khuyến nghị các chủ trương, phương án đàm phán gia nhập WTO, FTA, TPP và các điều ước quốc tế cùng nhiều chủ trương chính sách quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, VCCI đã chủ động đề xuất và trực tiếp tham gia biên soạn đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” – văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân, trong đó đã khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân và các quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

 Để góp phần tạo ra động lực cải cách từ cơ sở, trong điều kiện Chính phủ thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, bên cạnh việc góp phần xây dựng và thực hiện Đề án cải cách hành chính của Chính phủ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo phong trào thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở các địa phương. Công trình nghiên cứu được đánh giá cao và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong các địa phương. Với sự trợ giúp của VCCI, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nghị quyết và chương trình hành động để cải thiện chỉ số này nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 VCCI đã chủ trì nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và các báo cáo định kỳ khác về tình hình doanh nghiệp và kiến nghị kịp thời những giải pháp, chính sách với Chính phủ. VCCI cũng chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp doanh nghiệp (phối hợp với Văn phòng Chính phủ), Diễn đàn kinh tế Việt Nam (phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – VBF (phối hợp với các cơ quan Chính phủ, IFC, WB và các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước)… Nhiều diễn đàn quốc tế lớn của giới doanh nhân cũng được VCCI tổ chức thành công ở Việt Nam như: Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2006, 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp EU – ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, các hội nghị ABAC, ASEAN BIS, ASEAN BAC,… và các diễn đàn kinh doanh với các nước có sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới.

 Trong lĩnh vực thúc đẩy khởi nghiệp và đào tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc tổ chức các Festival khởi nghiệp và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước. Chương trình đào tạo Khởi sự và phát triển doanh nghiệp (SIYB) do VCCI phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện được triển khai ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước từ hai thập kỷ trước, đã ghi dấu ấn là chương trình hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp tư nhân sớm nhất, có quy mô lớn nhất và đạt chuẩn mực quốc tế ở Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp lớn, VCCI cũng có sự trợ giúp tích cực trong quá trình cổ phần hóa và tái cấu trúc. Chương trình đào tạo quản trị doanh nghiệp cấp cao phối hợp với INSEAD (Trường Đào tạo quản trị kinh doanh châu Âu), với EuroCham (Phòng Thương mại Châu Âu), với Keidanren (Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản)… là những chương trình đào tạo doanh nghiệp có uy tín hàng đầu ở Việt Nam được VCCI tổ chức từ rất sớm đã góp phần hình thành tư duy và kỹ năng quản trị cho các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

 VCCI đã chủ trì nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm và làm việc ở nước ngoài và các “Diễn đàn doanh nghiệp”, “Ngày Việt Nam”, các cuộc đối thoại, tọa đàm… được VCCI tổ chức trong khuôn khổ các chuyến đi này là những hoạt động xúc tiến quan trọng ở tầm quốc gia, góp phần quảng bá đất nước, con người  và nền kinh tế Việt Nam, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên, những hoạt động của VCCI trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại, thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, giải quyết các tranh chấp trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập là những nỗ lực đáng được ghi nhận.

 Trong lĩnh vực xây dựng văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, VCCI cũng đã sớm thành lập Hội đồng và Văn phòng Người sử dụng lao động Việt Nam, Trung tâm Văn hóa doanh nhân, Hội đồng và Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững… và hàng loạt các hoạt động thông tin, tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng…

 Với những định hướng và lĩnh vực hoạt động cơ bản như vậy, bình quân mỗi năm gần đây, VCCI đã trực tiếp tham gia soạn thảo và góp ý xây dựng hơn 60 dự thảo văn bản pháp luật, tổ chức trên 500 hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật, chính sách; tổ chức trên 1.500 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 80.000 lượt doanh nghiệp; tổ chức đón tiếp và bố trí chương trình làm việc cho trên 350 đoàn với trên 20.000 lượt doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức gần 150 đoàn với trên 7.000 lượt doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; tổ chức gần 600 cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp với sự tham dự của trên 80.000 lượt doanh nghiệp; cấp gần 600.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) và các chứng từ thương mại khác… Đó là một khối lượng công việc đồ sộ so với quy mô tổ chức còn khiêm tốn và nguồn tài chính rất eo hẹp của VCCI.

 Nhìn lại chặng đường phát triển 55 năm, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong của các thế hệ Hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đối với công cuộc đổi mới, đối với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. VCCI đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. VCCI được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đánh giá là một trong những phòng thương mại và công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển.

 Nhân kỷ niệm 55 năm, thay mặt lãnh đạo VCCI, xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho hoạt động của VCCI trong suốt những năm qua; Cảm ơn Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức đã đồng hành, sát cánh với VCCI; Cảm ơn các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đã bằng cả trí tuệ và tấm lòng, tận tụy và sáng tạo trong những nỗ lực xây dựng VCCI để chúng ta có được những thành quả đó.

 Tuy vậy, chúng ta cũng thấy, trên con đường đi chưa có tiền lệ, không có mô hình định sẵn, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế với nhiều điểm đặc thù như ở nước ta, VCCI đã không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm,…Còn nhiều điều chúng ta mong muốn nhưng chưa làm được. Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tham mưu chính sách của VCCI đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước còn chưa đủ mạnh. Liên kết cộng đồng doanh nghiệp và vai trò các hiệp hội doanh nghiệp chưa cao. Một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư còn thiếu tính chuyên nghiệp. Chức năng đại diện cho người sử dụng lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa thúc đẩy phát triển bền vững và đổi với sáng tạo trong các doanh nghiệp mới được triển khai và kết quả còn chưa tương xứng… Và, nói một cách tổng quát, so với yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế thì VCCI còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

 Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào một giai đoạn phát triển mới mà ở đó yêu cầu tái cấu trúc, hướng tới một cơ cấu hiện đại, sáng tạo, bao dung và bền vững trong kỷ nguyên số trở thành vấn đề quan trọng sống còn. VCCI cũng không phải là ngoại lệ trước yêu cầu đó. Tiếp tục truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, hy vọng đại gia đình VCCI của chúng ta sẽ chuyển mình, thực hiện tái cấu trúc và đổi mới vươn tới các chuẩn mực của một phòng thương mại và công nghiệp hiện đại, một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp giao phó, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

 Hà Nội, ngày 16/4/2018      

 TS. Vũ Tiến Lộc
Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI

  

  

  

  

  

 Tag: 2019 2018