Hòa giải ly hôn như thế nào

 Hòa giải ly hôn như thế nào

 Theo quy định của pháp luật thì hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với vụ án ly hôn. Nhà nước khuyến khích việc các bên đương sự hòa giải ở cơ sở. Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

 Trình tự và thủ tục hòa giải: Theo các quy định từ Điều 205 đến 211 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thủ tục hòa giải tại Tòa án được tiến hành như sau:

 – Thủ tục thông báo: Tòa án phải gửi Thông báo phiên hòa giải cho các đương sự, thông báo về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề hòa giải.

 – Thành phần phiên hòa giải gồm: (i) Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải; (ii) Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải; (iii) Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sựvà (iv) Người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt.

 – Nội dung hòa giải:

 Khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

 – Trình tự tiến hành phiên hòa giải:

 + Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải khai mạc phiên hòa giải.

 + Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác tham gia phiên hòa giải (nếu có).

 + Thư ký Toà án báo cáo với Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và lý do vắng mặt. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải kiểm tra lại sự có mặt và kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án.

 + Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải phải phổ biến đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

 + Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hòa giải.

 + Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất.

 + Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã hòa giải thành và vấn đề chưa thống nhất.

 – Biên bản hòa giải:

 1. Việc hoà giải được Thư ký Toà án ghi vào biên bản. Biên bản hoà giải phải có các nội dung chính sau đây:

 a) Ngày, tháng, năm tiến hành phiên hoà giải;

 b) Địa điểm tiến hành phiên hoà giải;

 c) Thành phần tham gia phiên hoà giải;

 d) ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;

 đ) Những nội dung đã được các đương sự thoả thuận, không thoả thuận.

 2. Biên bản hoà giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hoà giải, chữ ký của Thư ký Toà án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.

 Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Toà án lập biên bản hoà giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hoà giải.

 4. Trường hợp các bên hòa giải thành

 Trường hợp hai bên thống nhất được với nhau về tất cả các vấn đề cần giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi cho các đương sự tham gia hòa giải.

 Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

 Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được theo quy định của pháp luật

 Biên bản hòa giải ly hôn không thành

 Sau khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, và đã tiến hành hòa giải theo luật định nhưng không thành, Tòa án sẽ ra một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

 Ly hôn hòa giải mấy lần

 Theo kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc hòa giải tại tòa thường được tiến hành ít nhất 2 lần, ngoài ra việc hòa giải còn phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của 2 bên. Nếu đến ngày triệu tập mà đương sự không lên tòa thì tất nhiên không thể tổ chức buổi hòa giải, vì hòa giải là việc 2 bên thỏa thuận với sự tham gia của bên thứ 3 là tòa án.