Khái niệm dẫn độ tội phạm trong luật quốc tế và pháp luật Nước ta

1. Khái niệm
Từ điển Cambridge cho rằng: “dẫn độ là việc đưa một người nào đó trở lại quốc gia mà họ bị cáo buộc là đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quốc gia đó để xét xử”[1]. Với cách nhìn này thì mục đích và ý nghĩa của hoạt động dẫn độ chưa được làm rõ. Hoạt động dẫn độ tội phạm là hoạt động hợp tác giữa các quốc gia, cụ thể là quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu. Tuy nhiên, khái niệm này mới chỉ đề cập chủ thể là quốc gia yêu cầu (nơi cá nhân bị cáo buộc là đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quốc gia đó) chứ chưa đề cập tới chủ thể tiến hành hoạt động dẫn độ tội phạm (cá nhân, tổ chức hay quốc gia khác). Hơn nữa, cơ sở để các chủ thể này thực hiện các yêu cầu dẫn độ cũng không được đề cập tới. “Hành vi vi phạm” khi được nói tới để tiến hành hoạt động dẫn độ tội phạm phải là hành vi vi phạm hình sự chứ không thể tiếp cận hành vi vi phạm một cách chung chung. Bởi lẽ, có rất nhiều hành vi vi phạm trong đời sống xã hội (vi phạm hành chính, vi phạm dân sự) không được coi là đối tượng của hoạt động dẫn độ tội phạm. Mục đích của hoạt động dẫn độ tội phạm cũng chưa được xem xét đầy đủ (mới chỉ phục vụ mục đích xét xử tội phạm).
Từ điển Oxford đã đưa ra khái niệm dẫn độ tội phạm là “việc dẫn độ một người bị buộc tội hoặc bị kết án đối với một tội phạm”[2]. Việc lặp lại từ “dẫn độ” trong khái niệm dẫn độ tội phạm đã khiến khái niệm này không được rõ ràng ngay từ đầu. Khái niệm này đã làm rõ được về đối tượng của hoạt động dẫn độ, đó là cá nhân bị buộc tội hoặc bị kết án đối với một tội phạm, chúng ta cũng mặc nhiên hiểu rằng cá nhân đó sẽ bị dẫn độ để xét xử hoặc thi hành bản án đã có trước đó. Tuy nhiên, khái niệm này chưa nói đến chủ thể của hoạt động dẫn độ tội phạm cũng như cơ sở để thực hiện hoạt động hợp tác này.
Từ điển pháp lý quốc tế “Black’s law dictionary” cũng đưa ra khái niệm về dẫn độ. Theo đó, dẫn độ là “sự đầu hàng của một cá nhân phạm tội đã bỏ trốn đến nước khác, nơi anh ta đang lẩn trốn để tránh khỏi sự xét xử của quốc gia có quyền tài phán đối với tội phạm mà anh ta đã thực hiện, anh ta có thể bị truy tố theo pháp luật của quốc gia sở tại. Dẫn độ có thể được thực hiện trên cơ sở có đi có lại, hoặc có thể được thực hiện theo quy định trong điều ước về dẫn độ giữa các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ”[3].
Khái niệm đã đề cập tới hoạt động dẫn độ với một số đặc điểm. Đó là về chủ thể của hoạt động dẫn độ là các quốc gia (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu); cơ sở của hoạt động hợp tác này chính là các điều khoản về dẫn độ tội phạm trong các điều ước quốc tế hoặc các tập quán quốc tế giữa các quốc gia; đối tượng bị dẫn độ là cá nhân tiến hành hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia yêu cầu và đang lẩn trốn trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu. Tuy nhiên, khái niệm cũng chưa nói rõ tới mục đích của hoạt động dẫn độ tội phạm, đó là việc dẫn độ để quốc gia yêu cầu tiến hành xét xử hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật với cá nhân có hành vi vi phạm đó.
Với cách tiếp cận thực tế khi đóng góp vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm của cộng đồng quốc tế, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL) đã khái quát:“Dẫn độ tội phạm là việc một quốc gia (quốc gia được yêu cầu) trao trả một cá nhân đang hiện diện trong lãnh thổ quốc gia mình cho quốc gia khác (quốc gia yêu cầu) để xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với hành vi phạm tội của cá nhân này trên lãnh thổ của quốc gia yêu cầu”[4]. Có thể nói, định nghĩa này đã mô tả khá đầy đủ về hoạt động dẫn độ tội phạm. Định nghĩa này đã đề cập tới chủ thể của hoạt động dẫn độ (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu), đối tượng bị dẫn độ (cá nhân đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu) và mục đích của hoạt động này là nhằm xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân đó. Tuy nhiên, khái niệm dẫn độ tội phạm cũng cần phải đề cập tới cơ sở pháp lý để các quốc gia thực hiện hoạt động hợp tác này, đó là các điều ước quốc tế song phương và đa phương ghi nhận quyền và nghĩa vụ dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia. Vì xét dưới góc độ chủ quyền quốc gia, việc thực hiện hoạt động dẫn độ tội phạm là quyền chứ không phải nghĩa vụ, do đó, sự xuất hiện của các điều ước quốc tế sẽ là cơ sở pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc thực hiện hoạt động hợp tác này.
Thực tế hoạt động hợp tác về dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia cho thấy, hầu hết các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm hoặc các điều ước quốc tế có chứa đựng các điều khoản về dẫn độ đều ghi nhận “nghĩa vụ dẫn độ” giữa các quốc gia thành viên. Đây chính là sự cụ thể hóa khái niệm dẫn độ tội phạm trong các điều ước quốc tế. Ví dụ:
Hiệp định mẫu về dẫn độ của Liên hợp quốc năm 1990 có quy định: Mỗi bên đồng ý dẫn độ cho quốc gia thành viên khác theo quy định tại Hiệp ước, bất cứ cá nhân nào bị truy nã theo quy định của quốc gia yêu cầu về một tội bị dẫn độ, nhằm xét xử hoặc thi hành bản đối với cá nhân đó[5].
Điều 1 Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957 quy định về nghĩa vụ dẫn độ: Các bên ký kết cam kết trao cho quốc gia thành viên khác, tùy thuộc vào quy định và điều kiện trong Công ước này, tất cả những cá nhân có hành vi vi phạm chống lại người có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu để xét xử hoặc thực hiện hình phạt tù[6].
Hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Hoa Kỳ năm 1971 quy định: Mỗi bên ký kết tùy thuộc vào điều kiện của Hiệp ước, đồng ý dẫn độ cho quốc gia khác cá nhân đã bị buộc tội hoặc bị kết án đang hiện diện trong lãnh thổ nước mình[7].
Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Ba Lan năm 1993 quy định tại Điều 52 về nghĩa vụ dẫn độ: Các nước ký kết cam kết, theo quy định của Hiệp định này, khi được yêu cầu sẽ dẫn độ cho nhau những người đang cư trú trên lãnh thổ nước mình để nước ký kết kia truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt.
Các điều ước quốc tế song phương và đa phương có cách diễn đạt khác nhau về nghĩa vụ dẫn độ tội phạm, nhưng những điều ước này vẫn thể hiện sự đồng ý của các quốc gia thành viên về việc đồng ý dẫn độ cho quốc gia thành viên khác những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia yêu cầu nếu cá nhân đó đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu. Việc dẫn độ những cá nhân này nhằm mục đích xét xử hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân đó. Những điều ước quốc tế này chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho các quốc gia trong hoạt động hợp tác về dẫn độ tội phạm, tùy thuộc vào nội dung và những điều kiện khác nhau được quy định cụ thể trong điều ước mà các quốc gia sẽ tiến hành dẫn độ cá nhân được yêu cầu cho quốc gia yêu cầu.
Từ việc xem xét những khái niệm và quy định trong điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm, có thể đưa ra một định nghĩa cụ thể về dẫn độ tội phạm như sau: “Dẫn độ tội phạm là hoạt động hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở các nguyên tắc và các điều ước quốc tế được các quốc gia thỏa thuận hoặc trên cơ sở các tập quán quốc tế. Theo đó, một quốc gia (quốc gia được yêu cầu) sẽ trao trả cá nhân đang hiện diện trên lãnh thổ nước mình choquốc giakhác (quốc gia yêu cầu) để xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với hành vi phạm tội của cá nhân này trên lãnh thổ của quốc gia yêu cầu”.
Làm rõ hơn về khái niệm, chúng ta có thể thấy “dẫn độ tội phạm” là hoạt động hợp tác được tiến hành bởi các quốc gia, cụ thể là quốc gia đưa ra yêu cầu dẫn độ và quốc gia tiến hành dẫn độ tội phạm; cơ sở để các quốc gia tiến hành dẫn độ tội phạm đó chính là các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hoặc điều ước về dẫn độ tội phạm mà các quốc gia đã tiến hành ký kết với nhau hoặc các điều ước có điều khoản về dẫn độ tội phạm mà các quốc gia này là thành viên. Trong trường hợp giữa các quốc gia không có điều ước quốc tế ràng buộc nghĩa vụ dẫn độ thì họ vẫn có thể tiến hành hợp tác dẫn độ tội phạm trên cơ sở thỏa thuận, dựa trên “nguyên tắc có đi có lại”, một trong những nguyên tắc rất quan trọng tồn tại dưới cả dạng tập quán quốc tế hay điều ước quốc tế. Có thể nói, việc xác định cơ sở của hoạt động dẫn độ tội phạm là rất quan trọng. Bởi lẽ, việc dẫn độ tội phạm thực chất là quyền của các quốc gia nơi kẻ phạm tội đang lẩn trốn, việc đồng ý hay từ chối đều dựa trên ý chí của quốc gia này. Tuy nhiên, trong trường hợp họ là thành viên của điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm hay điều ước quốc tế có điều khoản về dẫn độ tội phạm thì việc tiến hành dẫn độ trở thành nghĩa vụ đối với thành viên của điều ước quốc tế mà quốc gia này phải thực hiện.
Trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các quốc gia, quốc gia được yêu cầu sẽ tiến hành trao trả cá nhân phạm tội đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia mình cho quốc gia yêu cầu. Hai quốc gia này sẽ phải tiến hành dẫn độ theo đúng các trình tự, thủ tục mà các bên thỏa thuận: về lệnh bắt giữ, bản miêu tả hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội…, đồng thời, các quốc gia phải thỏa thuận về thời gian, địa điểm cụ thể để tiến hành trao trả cá nhân này.
Mục đích của hoạt động dẫn độ tội phạm là nhằm tiến hành xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân phạm tội. Chúng ta thường hiểu rằng nếu cá nhân tiến hành hành vi phạm tội trên lãnh thổ của một quốc gia thì cá nhân đó đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân lẩn trốn sang lãnh thổ của quốc gia khác, thẩm quyền xét xử quốc gia nơi kẻ phạm tội thực hiện hành vi vi phạm đã bị giới hạn về thẩm quyền tài phán đối với cá nhân đó. Bởi vậy, mục đích của hoạt động dẫn độ chính là việc buộc cá nhân phải trở về quốc gia mà anh ta đã tiến hành hành vi phạm tội, chịu trách nhiệm về hành vi anh ta đã tiến hành trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc gia đó; việc dẫn độ cũng có thể nhằm mục đích thực hiện một bản án đã được cơ quan tài phán của quốc gia này tiến hành xét xử đối với cá nhân thực hiện hành vi phạm tội trước khi lẩn trốn sang lãnh thổ quốc gia khác.
Ở Việt Nam, trước khi Luật Tương trợ tư pháp 2007 ra đời, Việt Nam ghi nhận các quy định về hoạt động dẫn độ tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Chương XXXVII, Phần VIII về dẫn độ và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án, cụ thể là tại Điều 343 và 344 của Bộ luật này. Với vai trò là văn bản pháp lý quy định các vấn đề liên quan chủ yếu tới trình tự, thủ tục tiến hành truy tố và xét xử một cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự của quốc gia, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không đề cập đến khái niệm dẫn độ tội phạm mà chỉ quy định các vấn đề liên quan đến thẩm quyền tiến hành hoạt động dẫn độ, các căn cứ từ chối dẫn độ… Luật Tương trợ tư pháp ra đời năm 2007 đã đưa ra khái niệm về dẫn độ tội phạm trong Khoản 1, Điều 32: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.
Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 của Việt Nam áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp với Việt Nam. Đối tượng của hoạt động dẫn độ được Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định cụ thể là những cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội hình sự hoặc người bị kết án hình sự đang hiện diện trên lãnh thổ nước mình, mục đích của hoạt động dẫn độ này là để tiến hành xét xử hoặc thi hành bản án đã có đối với cá nhân đó. Trên cơ sở xem xét các quy định của Luật Tương trợ tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động dẫn độ của Việt Nam sẽ xem xét để từ chối hoặc đáp ứng yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác.
2. Phân biệt “dẫn độ” với một số thuật ngữ có liên quan
Trong quá trình xem xét các biện pháp mà các quốc gia trong cộng đồng quốc tế sử dụng để đấu tranh phòng chống tội phạm, bên cạnh hoạt động dẫn độ tội phạm còn có các biện pháp khác như: quốc gia chuyển giao cho Tòa Hình sự quốc tế (ICC) tiến hành xét xử, trục xuất cá nhân phạm tội ra khỏi lãnh thổ nước mình… Khi xem xét đến khái niệm “dẫn độ tội phạm”, chúng ta cũng cần phải phân biệt thuật ngữ “dẫn độ tội phạm” với một số thuật ngữ có liên quan khác để thấy được đặc thù của hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm này.
Trước hết đó là thuật ngữ “trục xuất” cá nhân phạm tội ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Trục xuất được hiểu là việc một cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sở tại tuyên bố yêu cầu người nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ nước sở tại vì người đó vi phạm pháp luật của nước này. Trục xuất có thể được tiến hành bằng cách ra lệnh để người nước ngoài phạm pháp buộc phải rời khỏi nước sở tại trong một thời hạn nhất định hoặc tiến hành theo thủ tục cưỡng chế[8]. Trục xuất không phải là hoạt động hợp tác giữa các quốc gia mà là một trong những hình phạt hoặc thông qua các thủ tục hành chính thông thường được quy định trong pháp luật quốc gia. Ví dụ như Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam quy định trục xuất là buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, hành vi trục xuất được tiến hành bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó, việc này được tiến hành đối với cá nhân là người không mang quốc tịch quốc gia sở tại, có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật của chính quốc gia này. Sự khác biệt cơ bản giữa dẫn độ tội phạm với trục xuất là ở chỗ, nếu như hoạt động dẫn độ tội phạm được coi là hoạt động hợp tác trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các quốc gia với nhau thì trục xuất được coi là một hình phạt quy định trong pháp luật quốc gia, được tiến hành bởi chính quốc gia đó trên cơ sở bảo đảm thực thi quyền lực và pháp luật của quốc gia. Đối tượng phải gánh chịu hình phạt này là những người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của chính quốc gia nơi họ cư trú, còn dẫn độ thì hành vi vi phạm có thể xảy ra tại quốc gia yêu cầu hoặc các quốc gia khác.
Thuật ngữ được đưa ra phân biệt tiếp theo đó là thuật ngữ “chuyển giao”. Đây là thuật ngữ được nêu ra trong Quy chế của Tòa án quốc tế về xét xử tội phạm quốc tế trước đây (Tòa án xét xử tội phạm Nam Tư cũ, Tòa Nurumbe, Tòa Tokyo). Theo quy định tại Quy chế Tòa án Hình sự quốc tế năm 1998 (Khoản 1, Điều 89) thì “chuyển giao cá nhân phạm tội” có thể hiểu là Tòa Hình sự quốc tế có thể yêu cầu các quốc gia bắt giữ và giao cá nhân có hành vi phạm tội đang ở trên lãnh thổ của quốc gia đó cho Tòa để xét xử. Việc chuyển giao được tiến hành với các đối tượng là tội phạm quốc tế, các cá nhân này có thể đã được xét xử trước bởi tòa án quốc gia nhưng vì tính chất của hành vi phạm tội có ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế (tội xâm lược, tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại) mà sẽ được chuyển giao để xét xử bởi các Tòa án quốc tế.
Một quốc gia sẽ tiến hành chuyển giao một cá nhân đã được xét xử trước đó bởi tòa án quốc gia (có thể chính là công dân nước mình) cho Tòa án quốc tế để tiến hành xét xử những tội ác quốc tế mà cá nhân này đã gây ra. Sự khác biệt giữa thuật ngữ “chuyển giao” và “dẫn độ tội phạm” thể hiện rõ nhất ở mục đích của hoạt động này. Nếu hoạt động chuyển giao cá nhân phạm tội thực chất thể hiện sự hợp tác của quốc gia trong việc đấu tranh chống lại các tội phạm quốc tế, vì lợi ích của cộng đồng quốc tế chứ không phải vì lợi ích to lớn của chính quốc gia này hay quốc gia nào khác, thì hoạt động dẫn độ tội phạm là nhằm phục vụ lợi ích của chính quốc gia yêu cầu, cụ thể là để thực hiện quyền tài phán của quốc gia này đối với các hành vi xâm hại đến pháp luật quốc gia của cá nhân có hành vi vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Luật Tương trợ tư pháp 2007 của Việt Nam sử dụng thuật ngữ “chuyển giao” khi đề cập đến khái niệm dẫn độ tội phạm. Ở thời điểm này, khi Việt Nam chưa là thành viên của Quy chế Rome 1998 về Tòa Hình sự quốc tế, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ này. Nhưng khi Việt Nam trở thành thành viên của Quy chế Rome 1998, với những sự khác biệt về chủ thể, đối tượng áp dụng… thì chúng ta cần sửa đổi thuật ngữ cho phù hợp để thống nhất trong quá trình áp dụng và thực hiện các quy định trong văn bản pháp luật quốc gia cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một thuật ngữ khác cũng cần được phân biệt với “dẫn độ tội phạm”, đó là thuật ngữ “nhượng bộ”. Thuật ngữ này xuất hiện trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu (EU) khi tổ chức này đưa ra các quy định chung giữa các quốc gia thành viên liên quan đến hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm[9]. Nhượng bộ cũng có thể được hiểu là sự khái quát của nguyên tắc “công nhận lẫn nhau” khi tiến hành các hoạt động xét xử tội phạm tại các quốc gia thành viên Liên minh. Theo đó, một cá nhân thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ của bất cứ quốc gia thành viên nào của EU cũng đều có thể bị xét xử bởi tòa án của quốc gia khác, quốc gia còn lại sẽ chỉ tiến hành công nhận phán quyết của toà án đã xét xử tội phạm này. Sự nhượng bộ này thể hiện sự thống nhất, tin tưởng lẫn nhau về mặt ý chí khi xét xử và đưa ra phán quyết đối với những cá nhân phạm tội trong toàn phạm vi EU. Có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa hoạt động này với hoạt động dẫn độ tội phạm đó là quốc gia không tiến hành trao cá nhân phạm tội cho quốc gia khác để xét xử. Cá nhân có hành vi phạm tội có thể bị xét xử bởi tòa án của bất cứ quốc gia thành viên EU nào, quốc gia khác chỉ công nhận phán quyết của tòa án đã xét xử tội phạm đó.
Về cơ bản, dẫn độ tội phạm có những đặc điểm khác so với các hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm khác. Mục đích và bản chất của hoạt động dẫn độ tội phạm là thể hiện sự hỗ trợ về mặt pháp lý giữa các quốc gia để thực hiện thẩm quyền xét xử hình sự của quốc gia đối với các loại tội phạm có tính chất quốc tế. Hoạt động này được thực hiện giữa các quốc gia trên cơ sở điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc dựa trên nguyên tắc có đi có lại (trong trường hợp giữa các bên không tồn tại điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm). Theo đó, quốc gia yêu cầu sẽ đưa ra yêu cầu dẫn độ tội phạm đối với quốc gia được yêu cầu theo đúng trình tự và thủ tục đã được ghi nhận trong các thỏa thuận được các bên đưa ra nhằm mục đích xét xử hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân bị dẫn độ. Đây được coi là hoạt động hợp tác rất hiệu quả giữa các quốc gia nhằm tránh được việc bỏ lọt tội phạm, tăng cường hợp tác toàn diện trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm của quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong những thập niên trở lại đây, Việt Nam luôn thể hiện được vai trò của mình trong việc thực hiện các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm trong lãnh thổ quốc gia, trong khu vực và toàn cầu. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tội phạm trở thành yêu cầu bức thiết đối với Việt Nam. Sự hoàn thiện này phải được đảm bảo từ những quy định cụ thể nhất để trên cơ sở đó, các quốc gia có mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm với Việt Nam cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam dựa vào đó để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

 Các quy định về dẫn độ tội phạm trong pháp luật Việt Nam được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp 2007 nhưng chưa được ghi nhận trong một văn bản pháp luật riêng biệt. Trong tương lai, Việt Nam cần phải xây dựng Luật Dẫn độ, trên cơ sở đó, các vấn đề cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động dẫn độ tội phạm được quy định rõ ràng, cụ thể hơn, bao gồm cả các quy định liên quan đến việc xây dựng các yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam chứ không chỉ gồm các quy định về việc các quốc gia khác gửi yêu cầu dẫn độ tới Việt Nam như trong Luật Tương trợ tư pháp 2007 ghi nhận. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt hơn nữa để nhà nước đảm bảo việc quản lý các quan hệ xã hội trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Đồng thời còn là công cụ pháp lý hiệu quả điều chỉnh hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong quá trình đấu tranh phòng tội phạm.

 Nguồn: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207868

  

  

  

 Tag: luật dẫn độ là gì