Gia Lai vốn là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên rộng lớn, nổi tiếng gần xa với hương vị cafe thơm ngon đậm đà. Cái tên Gia Lai có nguồn gốc từ chữ “Jarai”, vốn là tên của dân tộc bản địa sinh sống ở nơi đây. Nhắc đến Gia Lai, người ta thường nhớ ngay đến những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ bao la với những thác, ghềnh trải dài theo sườn núi, hay đồi chè, đồi cafe bạt ngàn cùng những đàn voi. Chính không gian xanh thoáng đãng cùng với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ ấy đã biến vùng đất cao nguyên này trở thành địa điểm nổi tiếng khách du lịch cũng như các “phượt thủ”.
Thời điểm nên đi phượt
 Khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa đã đem đến cho Gia Lai bầu không khí có độ ẩm cao do có lượng mưa lớn. Khí hậu Gia Lai chia khá rõ ràng hai mùa mưa (từ khoảng tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4). Tuy nhiên do đặc thù địa hình cũng như các tuyến đường di chuyển chính là đường đồi núi nên việc lượng mưa lớn trong mùa mưa sẽ khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn cũng như nguy hiểm nên tốt nhất bạn chỉ nên đi trong khoảng thời gian mùa khô.
 Thời điểm cuối năm vào khoảng tháng 11, 12 là khoảng thời gian thuận lợi cũng như phù hợp nhất bởi đây là lúc Gia Lai “nhuộm” mình trong màu vàng của lúa chín và hoa dã quỳ. Đây cũng là khoảng thời gian mà người dân tộc tổ chức các lễ hội truyền thống của họ như: Lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới, liên hoan cồng chiêng, lễ hội cúng làng cuối năm hay lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả. Còn nếu bạn muốn đến thăm những đồi cà phê thì tháng 3 sẽ là thời điểm phù hợp nhất bởi đây là lúc hoa cà phê nở rộ nhất.
Những vật dụng nên mang theo khi “phượt”
- Đến thăm cao nguyên, có một số lưu ý nhất định mà bạn cần lưu tâm chuẩn bị để có một chuyến đi suôn sẻ và an toàn:
- Chỉ nên mặc quần áo gọn, nhẹ và đi giày thể thao để tiện nhất cho việc di chuyển.
- Nếu đi vào mùa hè thì nên mặc quần áo dài tay, có mũ và găng tay để tránh nắng cũng như an toàn hơn khi di chuyển trong rừng. Ngoài ra lúc nào cũng cần có áo mưa phòng thân vừa để chống gió rét cũng như đề phòng những cơn mưa bất chợt thường xuyên xảy ra ở Tây Nguyên.
- Do nhiệt độ lúc sáng sớm và ban đêm khá lạnh nên bạn nên mang theo áo khoác để giữ ấm cho bản thân (đặc biệt nhớ mang theo lều chắc chắn cùng chăn bông, màn nếu có ý định muốn cắm trại qua đêm).
- Lúc nào cũng mang theo người đồ dùng cá nhân, kem chống nắng, kem chống muỗi, chống côn trùng để tiện sử dụng vì địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi.
- Do đặc thù địa hình nhiều đồi, dốc, đèo cùng với hệ thống giao thông khá chật hẹp, nếu lái xe, tốt nhất bạn nên lái xe với tốc độ vừa phải để đảm bảo an toàn.
- Nếu thời gian cho phép, bạn nên đi thăm thú tất cả 5 tỉnh Tây Nguyên để có cái nhìn trọn vẹn nhất về con người, phong tục tập quán cũng như cảnh đẹp nơi đây.
- Nhớ tìm hiểu kĩ về phong tục tập quán cũng như đường đi nước bước khi đến thăm các buôn làng, đặc biệt là không được phép đi sâu vào nương rẫy của người dân nơi đây cũng như không đi quá sâu vào rừng để tránh bị lạc.
- Nếu bạn muốn đi khám phá rừng quốc gia hay các con thác lớn sâu trong rừng thì phải nhớ mang theo đồ bảo hộ để đảm bảo tối đa an toàn.
Các cách di chuyển đến Pleiku – Gia Lai
- Xe khách
 Đi từ thành phố Hồ Chí Minh: Các bạn có thể mua vé xe ghế ngồi hoặc giường nằm (giá khoảng 200.000 – 300.000VND/ lượt) tại bến xe Miền Đông. Tuyến Sài Gòn – Gia Lai đối với xe giường nằm sẽ đi mất khoảng 8h và thường xuất phát vào buổi tối. Một số nhà xe tham khảo:
 Xe Hưng Thành: xuất phát lúc 19h
 Xe Gia Phúc: xuất phát lúc 19h30
 Ngoài ra có các nhà xe khác như: xe Hồng Hà, xe Mai Linh, xe Thuận Hưng.
-
Đi từ Hà Nội
 + Xe Quân Trung: Hà Nội – Gia Lai, chạy từ Giáp Bát 8h30-14h, từ bến xe Đức Long lúc 9h-14h.
 + Xe Hồng Hải: Hà Nội – Gia Lai, từ Giáp Bát 8h30-14h.
 + Xe Việt Hưng: Gia Lai – Hà Nội, xuất phát lúc 7h30 – 14h.
 + Xe Thuận Hưng: Gia Lai – Hà Nội, xuất phát lúc 14h45.
 + Xe Đak Pơ: An Khê – Hà Nội, xuất phát lúc 7h.
 + Xe Long Vân: Phúc Thắng – Đức Cơ – Hà Nội, xuất phát ở Đức Cơ lúc 8h.
 + Xe Kbang: Kbang – Đức Cơ – Hà Nội, xuất phát từ Kbang lúc 8h.
-
Đi từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung
 + Xe Hồng Hải: Đà Nẵng – Gia Lai, 8h30-20h30.
 + Xe Hồng Hải: Vinh – Gia Lai, 8h30-14h.
 + Xe Mai Linh: Đà Nẵng – Gia Lai, xuất phát 20h45.
 + Xe Hồng Hải: Đà Nẵng – Gia Lai, xuất phát lúc 19h45.
 + Xe Thuận Tiến: Đà Nẵng – Gia Lai, xuất phát lúc 21h.
 + Xe Thuận Thảo: Tuy Hòa – Gia Lai, xuất phát lúc 6h30 từ Tuy Hòa, 13h30 từ Gia Lai.
 + Xe Liên Hưng: Nha Trang – Gia Lai, xuất phát lúc 18h30.
 + Xe Mai Linh: Nha Trang – Gia Lai, xuất phát lúc 7h.
 + Xe Hoài Phương: Nha Trang – Gia Lai, xuất phát lúc 16h.
-
Máy bay
 Gia Lai cũng có sân bây Pleiku nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 4km với các chuyến bay tới Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với tần suất khá thường xuyên. Tuy nhiên, việc di chuyển bằn máy bay đến Gia Lai sẽ hơi đắt hơn tới các tỉnh Tây Nguyên khác. Sau khi đến sân bay rồi thì bạn có thể chọn các phương tiện khác nhau để di chuyển vào thành phố, phổ biến nhất là taxi (taxi ở đây chạy tính tiền theo km chứ không có dịch vụ trọn gói như các sân bay khác)
Phương tiện đi lại ở Gia Lai
 Việc di chuyển ở Gia Lai cũng khá thuận lợi, bạn hoàn toàn có thể hỏi thuê xe máy hoặc xe đạp ở các nhà nghỉ, khách sạn để chủ động hơn trong việc đi lại cũng như thời gian. Cũng như những điểm du lịch khác, giá thuê xe thường sẽ giao động trong khoảng từ 150.000 – 200.000VND/ngày.
 Ngoài ra, nếu bạn muốn di chuyển đến các thành phố khác hay đi xa hơn thì có thể chọn đi taxi, thuê ô tô (đối với nhóm đông người) hoặc xe bus.
 Một số tuyến xe bus khởi hành từ thành phố Pleiku:
- Pleiku – An Khê
- Pleiku – Kon Tum
- Pleiku – La Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Puh, Chư Prong.
Những địa điểm nên đến
Biển hồ T’ Nưng
 Cái tên “T’ Nưng” vốn có ý nghĩa là “biển trên núi”. Xứng với cái tên của mình, biển hồ T’ Nưng là một hồ nước lớn nhất của cả khu vực với khối lượng nước khổng lồ dù không có sông hay suối chảy vào, có độ sâu trung bình vào khoảng 16- 20m. Đây vốn là một hồ nước tự nhiên được hình thành nhờ vào 3 miệng núi lửa cổ thông với nhau từ ngày xưa, tạo thành 3 phễu trũng. Miệng hồ vốn là miệng núi lửa nhô cao nên dù đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy rất rõ. Lượng nước ngọt khổng lồ chứa trong hồ cùng rất nhiều loại cá khác nhau chính là nguồn cung cho cuộc sống hàng ngày của người dân tộc nơi đây cũng như là điểm đến nổi tiếng cho khách du lịch mỗi khi về thăm Gia Lai.
-
Núi Hàm Rồng
 Núi Hàm Rồng vẫn thường được ví như nóc nhà của Pleiku với chiều cao trên 1000m trên mực nước biển. Ngọn núi này vốn là một ngọn núi lửa cổ nay đã ngừng hoạt động, để lại phù sa màu mỡ nuôi dưỡng cho các loại hoa màu cũng như là rừng cây nơi đây. Từ trên cao nhìn xuống, đỉnh núi trông như một chiếc phễu màu xanh khổng lồ với mây mù lượn lờ xung quanh. Nếu có cơ hội, bạn nên đến thăm núi vào buổi sớm để tận hưởng không khí sớm mai trong lành, chiêm ngưỡng những giọt sương sớm chưa kịp tan trên từng ngọn cây cũng như làn sương khói mỏng giăng quanh mình.
-
Chùa Minh Thành
 Chùa Minh Thành vốn là điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng của tình Gia Lai, đặc biệt là đối với khách hành hương. Ngôi chùa này đẹp nhất là vào buổi hoàng hôn hoặc bình minh, khi làn sương khói bảng lảng vẫn còn đọng lại trên những mái hiên cong của ngôi chùa.
-
Chư Đăng Ya
 Lại thêm một ngọn núi lửa nữa góp tên vào danh sách thắng cảnh núi lửa của Gia Lai. Chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi Lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Cũng như núi Hàm Rồng, Chư Đăng Ya đã ngừng hoạt động được hàng triệu năm và cũng có hình dáng như một chiếc phễu. Nham thạch ngày xưa đi qua đã để lại nơi đây cả một dải đất đỏ bazan màu mỡ đầy phù sa, là nơi lý tưởng cho việc canh tác, nuôi trồng hoa màu của người dân địa phương. Không những vậy, Chư Đăng Ya còn có rất nhiều cây cổ thụ nhiều năm tuổi, tỏa bóng xum xuê cùng thảm hoa nở rực rỡ trải dài theo triền núi.
-
Hồ thủy điện Yaly
 Nằm bên bờ sông Sê San, thuộc địa bàn xã Yaly, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai, hồ thủy điện Yaly là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên cũng như hệ thống 9 bậc thang thủy điện nằm dọc theo con sông Sê San. Thác Yaly xưa kia vốn đã nổi tiếng là thác nước lớn với vẻ đẹp hùng vĩ, đứng sừng sững giữa núi rừng Tây Nguyên. Công trình xây dựng nhà máy thủy điện Yaly không những không phá hỏng đi đẹp thiên nhiên hoang dã nơi đây, mà còn thêm cho cảnh vật chút mới mẻ đến từ bàn tay con người, hòa quyện và dung hòa với nhau giữa đất trời bao la. Mặt hồ rộng, trong suốt như tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời cùng với cây cỏ xung quanh. Khí hậu Tây Nguyên có thể khô nóng nhưng chỉ cần đứng cạnh hồ nước này mà tận hưởng từng làn gió mát thổi qua mặt hồ thôi cũng có thể xua tan đi mọi cái nóng cũng như hít trọn vào lồng ngực không khí trong lành mà chỉ núi rừng mới có. Đây cũng là điểm đến lý tưởng cho một chuyến dã ngoại, tụ tập bạn bè.
-
Thác Phú Cường
 Với độ cao 45m của mình, thác Phú Cường có thể xem là một trong những thác nước đồ sộ và tráng lệ, hùng vĩ nhất Gia Lai. Hoang sơ có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của ngọn thác này, khi mà nó vốn tồn tại trên nền nham thạch của ngọn ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đến thăm thác Phú Cường, bạn sẽ được đắm chìm vào cả một không gian thiên nhiên bao la với rừng cây, núi đá mà nổi bật trên đá là cả một ngọn thác khổng lồ chảy từ vách đá cao xuống, tung bọt nước trắng xóa cùng dòng suối La Peet nơi thác đổ xuống. Khách đến thăm còn có thể hòa mình vào dòng nước trong mát ấy, trèo lên vài phiến đá cao để nhảy xuống nước hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên thác nước, dưới một bóng râm nào đó mà tán gẫu với bạn bè.
-
Thác Xung Khoeng
 Tây Nguyên vốn vẫn luôn nổi tiếng là vùng đất của núi rừng và những thác nước. Thác Xung Khoeng thuộc địa phận của xã La Me, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cũng là một ngọn thác lớn trải rộng trên nền địa hình khá bằng phẳng. Xung Khoeng mang đến cho người ta cảm giác khá thư thái, bình yên mỗi khi đến thăm. Nền trời cao thăm, được bao bọc bởi rừng cây núi đá, nước chảy xuống từ thác đã hợp cùng cỏ cây xung quanh tạo thành cả một mặt hồ lớn, trở thành điểm đến yêu thích cho những ai muốn được thư giãn, hòa mình với thiên nhiên.
-
Đồi thông Hà Tam
 Đồi thông Hà Tam nằm ở xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, được nhiều người ví như phiên bản Tây Nguyên của rừng thông Đà Lạt, đầy chất mộng mơ, huyền ảo. Hà Tam có cả một hệ thống nhiều chủng loại thông khác nhau với sức sống mãnh liệt, phân bổ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ những cây non mới trồng cho đến những cây nhiều năm tuổi nay đã thành cổ thụ, bán kính thân cây lớn đến mức mà phải vài người ôm mới hết. Không những vậy, con đường lên đồi thông còn có một ngọn thác nằm nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của cả đồi thông.
-
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
 Kon Ka Kinh là một trong năm vườn quốc gia duy nhất được công nhận là vườn di sản ASEAN. Cùng với thiên nhiên bao la được bảo tồn đầy đủ đa dạng sinh học, nơi đây còn là hệ sinh thái nuôi dưỡng hàng loạt loài voọc chà và chân xám, loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là điểm du lịch yêu thích của nhiều người mỗi lần về thăm thiên nhiên bởi đặc thù môi trường sinh thái rợp bóng cây xanh cùng bầu không khí trong lành.
 Tag: nghiệm kontum đồng gì 1 2