Nên đi Hội An khi nào? Thời gian thích hợp để du lịch Hội An
 Khí hậu ở Hội An được phân chia 2 mùa mưa-khô rất rõ ràng. Mỗi mùa có một nét đặc trưng riêng. Nhưng theo kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc mà chúng tôi tổng hợp được thì các bạn nên đi Hội An vào 4 khoảng thời gian sau:
 + Ngày 14 âm lịch hàng tháng: Vô cùng tuyệt vời, vô cùng thú vị nếu bạn đến Hội An vào thời điểm này. Bởi vào ngày cận rằm này, tất cả các gia đình ở phố cổ Hội An sẽ tắt hết đèn điện và thắp đèn lồng. Do đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng đẹp huyền bí mà bình thường chỉ thấy trên TV. Không chỉ vậy, những lễ hội, những màn văn nghệ đặc sắc sẽ không làm bạn ân hận vì đã đến Hội An vào khoảng thời gian này đâu.
 + Tháng 2 đến tháng 4: Vào khoảng thời gian này, thời tiết ở Hội An đặc biệt mát mẻ và dễ chịu. Rất thích hợp cho những ai muốn đến đây để nghỉ ngơi, thư giãn.
 + Tháng 5 đến tháng 7: Đây là thời điểm gần kết thúc mùa khô ở Hội An, thời tiết rất tuyệt vời để bạn đi biển và Cù Lao Chàm. Đây cũng là thời gian lí tưởng du lịch Hội An, thời tiết thích hợp cho các hoạt động tham quan.
 + Tháng 10 đến tháng 12: Nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác bơi thuyền trong phố cổ Hội An thì hãy đến đây vào khoảng thời gian này. Bởi đây là lúc bắt đầu mùa mưa ở Hội An và phố cổ ngập chìm trong nước, do đó mà người dân phải đi lại bằng thuyền. Nhưng nếu đi vào thời gian này thì hãy chắc chắn rằng kế hoạch du lịch của bạn sẽ bị các cơn mưa cản trở. Cho nên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đi vào thời gian này.
 Nên ở đâu khi du lịch Hội An/ Khách sạn, nhà nghỉ hay homestay ở Hội An
 Là thành phố du lịch phát triển, nên dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ và homestay ở đây rất phát triển. Tuy nhiên bạn vẫn phải nhớ kỹ kinh nghiệm đặt phòng khách sạn khi du lịch Hội An là “book phòng càng sớm càng tốt”. Khi đi Du lịch Hội An tự túc, nếu đi vào mùa cao điểm bạn nên đặt phòng trước để tránh tình trạng hết phòng hoặc bị “chặt chém” về giá.
Những địa điểm du lịch nội thành Hội An
 Hãy bắt đầu chuyến tham quan Hội An bằng những điểm đến thú vị trong khuôn viên thành phố nhé. Nếu bạn cho rằng trong thành phố Hội An thì có mỗi phố cổ là địa điểm tham quan ở Hội An duy nhất thì bạn nên suy nghĩ lại, bởi ngay trong trung tâm thành phố cũng đã có hơn chục điểm tham quan rồi. Tiêu biểu có thể kể đến như:
 Hội quán Phúc Kiến (Chùa Kim An): 46 Trần Phú, Hội An
 Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản, lai Viễn Kiều): Trung tâm phố cổ Hội An.
 Các cụm bảo tàng: Bảo tàng văn hoá dân gian, bảo tàng lịch sử văn hoá Hội An, bảo tàng gốm sứ mậu dịch Hội An, bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh…
 Các cụm nhà cổ: Nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ Tần Ký, nhà cổ Phùng Hưng…
 Nhà biểu diễn văn nghệ cổ truyền, xưởng sản cuất thủ công mỹ nghệ và dụng cụ âm nhạc cổ truyền, bức tường huyền thoại ở đường Hoàng Văn Thụ, hẻm ngõ giếng….
Những điểm du lịch quanh Hội An
 Kinh nghiệm du lịch Hội An Quảng Nam tự túc thì nếu bạn đã đặt chân đến Hội An, bạn cũng nên đến những địa điểm du lịch nằm trong bán kính 10km quanh Hội An, chẳng hạn:
 Cù Lao Chàm, hòn đảo với nét đẹp hoang sơ, mộc mạc. Bạn có thể ngủ homestay hoặc cắm trại trên đảo.
 Biển An Bàng, một trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
 Biển Cửa Đại, một trong những bãi biển đẹp nhất, thơ mộng nhất Việt Nam với bờ cát trắng trải dài và rặng dừa xanh rì rào.
 Cụm làng nghề Hội An: Làng mộc Kim Bồng, Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế.
Món ngon Hội An
Cơm gà Hội An
Cơm gà, món ngon khó có thể bỏ lỡ khi đến với Hội An (Ảnh – cungphuot.info) |
 Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Cuối cùng là bày cơm ra đĩa, cho gà đã xé lên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt. Ngoài ra, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm. Với tất cả sự khéo léo tỉ mỉ trong cách chế biến của mình, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà rất riêng, mang đậm dấu ấn của Hội An
Mì Quảng
 Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế tác từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng biệt. Ðúng như tên gọi, mì này nguyên có nguồn gốc xuất phát từ xứ Quảng Nam. Ðể làm mì, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xây thành nước bột mịn, vừa trùng (không đặc không lỏng) pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành lá mì. Khi chín vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ lớp dầu cho mì khỏi dính sau đó xắt thành sợi. Nước nhưn (nhân) mì tiếng địa phương còn gọi là nước lèo – được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là nhưn tôm, thịt hay thịt gà.
Cao lầu Hội An
 Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
 Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
 Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
Hoành thánh
 Hoành thánh, một món ăn có xuất xứ từ Trung Hoa, cũng là một món ăn truyền thống và quen thuộc gắn với đời sống của người dân Hội An từ bao lâu nay. Hoành thánh có nhiều cách thức chế biến với nhiều hình thức khác nhau như hoành thánh chiên, hoành thánh nước, hoành thánh mỳ … Hoành thánh Hội An mang hương vị và phong cách đặc trưng của phố Hội, của miền đất Quảng thân thương có thể làm vừa lòng những thực khách khó tính nhất.
Bánh Mì Hội An
 Bánh Mì, món ăn dẫn dã có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam này. Tuy nhiên có bao giờ bạn tự hỏi, bánh mì ở đâu ngon nhất Việt Nam chưa ? Gõ từ khóa “best banh mi in Vietnam” (dùng từ khóa Tiếng Anh để nhận được những đánh giá khách quan từ các bạn Tây, những người không ăn bánh mì từ bé như chúng ta. Kết quả bạn nhận được là “Bánh mì Phượng ở Hội An”
 Có điều cô Phượng chủ tiệm đã phục vụ món bánh mì “xuất sắc nhất” theo lời Caroline Mills, phóng viên của tạp chí du lịch online Travelfish, cho người Hội An, và có lẽ cho toàn thế giới, suốt hơn 20 năm qua.
 Đều đặn mỗi ngày cô dậy sớm, chuẩn bị làm các thứ để nhồi vào bánh mì: đó là thịt heo xá xíu khi nhai như tan ra trong khẩu cái, patê và jambon ngon ở mức độ tuyệt hảo. Rồi một thứ nước xốt nhà làm bí ẩn khiến vị giác của bạn như reo lên trong niềm hân hoan!
 Thật khó để diễn tả đến tận cùng sự khoái khẩu khi nhai từng miếng bánh mì của tiệm Phượng, điều mà Anthony Bourdain mô tả như là “bản hòa âm trong miếng bánh sandwich” (a symphony in a sandwich) nhưng đây không phải là sandwich mà là “loại bánh mì đã phổ thông khắp thế giới như tất cả chúng ta đã được biết” (Caroline Mills).
Hủ tiếu Hội An
 Với những bạn đã đến Hội An nhiều lần, đã thưởng thức hết những cơm gà, mì quảng, cao lầu… thì hủ tiếu có thể là một lựa chọn khác để trải nghiệm. Hủ tiếu được xếp gọn trong tô, đầy đặn, phía trên gọn gàng vài lát thịt, hai lát chả bò, có cả bao tử và gan heo, trộn thêm chút hương vị của kiểu hủ tiếu sa tế người Hoa, vô cùng hấp dẫn. Nước hủ tiếu trong vắt, chỉ có ít váng mỡ vàng vàng nổi lên khiêm tốn, húp vào thấy thanh tao, dịu nhẹ. Sợi hủ tiếu thì đặc biệt dai và không chua. Thịt dùng cho hủ tiếu cũng là thịt dùng cho món cao lầu, được rim chiên đậm đà, có màu nâu mật trông rất hấp dẫn, còn chả thì thơm dai khỏi nói. Rau ăn kèm hủ tiếu là những lát đu đủ xanh ngâm chua giòn rụm, vài cọng cần tàu và giá.
Bánh bao – Bánh vạc
 Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa bánh. Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An.
Bánh đập – Hến xào
 Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Miếng bánh đập ròn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An
 Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Với bánh tráng nướng, bánh được tráng cực kỳ mỏng, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than đỏ, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu và dùng làm dự trữ. Bánh tráng ướt, chỉ khi nào ăn mới làm.
 Bánh đập được tạo nên từ hai loại bánh này. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá (mì bánh đa sợi nhỏ) vào cùng với lớp bánh tráng ướt.
 Tiếp đó dùng tay đập nhẹ nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị vỡ và phần bánh ướt sẽ kết dính các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng bánh tráng nướng không cứng cũng không bị mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo. Sau đó gập đôi bánh lại là đã có một chiếc bánh đập. Bánh đập phải thật mỏng ăn mới ngon.
 Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua. Nước chấm được pha từ mắm cái. Mắm pha với một chút đường, trái dứa bằm nhỏ, một chút hành phi dầu, nêm nhiều tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng, loại ớt này khi giằm vào mắm thì dậy mùi thơm đặc trưng. Như thế là đã có một chén nước chấm hoàn thiện. Chén nước chấm chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ngon đến lạ.
Các món chè
Chè Bắp
 Tag: gì 1 tour khu sinh rừng nang bụi phức dưỡng vinpearl webtretho kê review 2017 2018 ngũ sơn chi phí bền vững tại thự thuyết minh tuấn 2019 danh sách ty tài dđiểm