Lịch sử thành lập hội lhpn việt nam

 Lịch sử thành lập hội lhpn việt nam

 Tháng 10 năm 1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Nghị quyết về Phụ nữ vận động. Bản Nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy, nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng; công tác ấy chánh là một cái nhiệm vụ rất lớn và rất trọng yếu”.[1]. Nghị quyết này cũng xác định: “… Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ, phụ nữ hiệp hội mục đích là mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng”.

 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương còn đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội, trong đó quy định: Phụ nữ Liên hiệp hội Đông Dương gồm một Ban Chấp hành ủy viên Đông Dương, năm Xứ phụ nữ Hiệp hội (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên), một phân hội phụ nữ và một Ban Chấp hành ủy viên trong mỗi thành phố hay mỗi phủ, huyện… Đây là cơ sở đầu tiên đề hình thành tổ chức phụ nữ tại Việt Nam.

 Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm
Hội có chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước. Ngoài ra Hội còn đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

 Hội có các nhiệm vụ sau:

 1. Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
2. Vận động các tầng lớp phụ nữ chủ động, tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, xây dựng gia đình hạnh phúc; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ;
3. Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và trẻ em;
4. Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh;
5. Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.
Lịch sử hình thành và phát triển
1930-1936: Tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng (điển hình là Xô viết Nghệ Tĩnh).Tổ chức đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến.
1936-1938: Trước yêu cầu của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8/1937 về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp.
Vì vậy, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ như: hội Ái hữu, hội Truyền bá quốc ngữ.

 1939-1941: Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đảng chủ trương: “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an, để giúp đỡ nhau… chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình”.Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội phụ nữ Phản đế. Hội đã vận động chị em tham gia mít tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình, đòi bồi thường chiến tranh.
1941-1945: Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột, lãnh đạo phong trào phụ nữ trong cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
Ngày 18-29/4/1950: Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ Nhất. Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Lê Thị Xuyến được bầu là Chủ tịch Hội. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là thành viên của Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế.
Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, là một tổ chức phân nhánh độc lập của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Chủ tịch.
Năm 1976, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hợp nhất lại thành một tổ chức thống nhất là Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Từ 1976 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lớn mạnh không ngừng, là tổ chức chính trị- xã hội nòng cốt, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hội đã đạt được những bước tiến dài trên con đường tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.
Các cuộc vận động và phong trào thi đua
Thời kỳ giành chính quyền (1939-1945)
Thời gian 1941- 1945, để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc giải quyết nạn đói… Hội phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ lớn mạnh cùng cách mạng cả nước, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám.

 Thời kỳ chống Pháp (1945-1954)
Đoàn phụ nữ Cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào: Phụ nữ học cày bừa, tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, mua công phiếu kháng chiến, phong trào Đời sống mới, Hội mẹ chiến sĩ được tổ chức ở khắp nơi… Hoạt động của Hội đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

 Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954- 1975)
Tháng 3/1961, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Tiếp đó, tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào Ba đảm đang với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

 Ở miền Nam, tại Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam (3/1965), Hội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh; Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Phụ nữ miền Nam đã anh dũng thi đua giết giặc, trong gian nan vẫn một lòng trung kiên, bất khuất.

 Thời kỳ 1975-1986
Năm 1976, các tổ chức Phụ nữ ở hai miền (6/1976) được hợp nhất thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đã phát động phong trào giáo dục động viên phụ nữ cả nước tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 Trong nhiệm kỳ Đại hội phụ nữ lần V (1982- 1987), Hội LHPN VN phát động hai cuộc vận động Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình và Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học.

 Thời kỳ Đổi mới (1986-nay)
Hai cuộc vận động Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình và Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học vẫn tiếp tục được duy trì gắn với các nhiệm vụ của phụ nữ trong thời kỳ Đổi mới.

 Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (1997) quyết định điều chỉnh, phát triển 2 phong trào thi đua được phát động từ Đại hội V thành Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc và Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước; Phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà tiếp tục được thực hiện trong nữ công nhân viên chức; Phong trào “Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo” được phát triển thành “Hỗ trợ Phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”.

 Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (năm 2002) đã phát động phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (2007) phong trào này tiếp tục được duy trì gắn với thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo.

 tag: lhpnvn   20/10   hlhpn   hlhpnvn   nào   kỷ   niệm   ý 8