Lịch Sử Thành Lập Ngành Tư Pháp

 Tư pháp bắt nguồn từ thuật ngữ “Juristice” theo chữ Latinh, có thể hiểu là “công lý” hay “nền công lý”. Tư pháp được quan niệm như là một ý tưởng cao đẹp về nền công lý, việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội phải đúng pháp luật, hợp lẽ công bằng và các chuẩn mực khác. Tư pháp cũng có thể hiểu là “nền tư pháp” mà ở đó bao gồm cả hệ thống pháp luật và các thiết chế nhằm duy trì, bảo đảm việc thi hành một cách nghiêm minh hệ thống pháp luật đó, phát huy hiệu quả thực tế của chúng trong đời sống xã hội.

 1. Ngành Tư pháp trong giai đoạn 1945 – 1960.

 Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do Ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Theo Quyết định số 715/TTg ngày 7/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28 tháng 8 trở thành “Ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam”.

 Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tháng 01/1946, Nghị viện (Quốc hội) đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Ông Vũ Đình Hoè. Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 37 ngày 01/12/1945, theo đó, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các toà án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức toà án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp với nước ngoài.

 Tại địa phương, theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về tổ chức chính quyền địa phương, trong giai đoạn 1945 – 1946, có 3 Sở Tư pháp được đặt tại Uỷ ban hành chính 3 kỳ: Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ. Khi bước vào cuộc kháng chiến, theo Thông lệnh số 12 NV-CT ngày 29/12/1946 về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt ở mỗi khu hoặc liên khu một Sở Tư pháp để trông coi việc tư pháp và giúp ý kiến cho Uỷ ban bảo vệ khu, liên khu (Uỷ ban hành chính kháng chiến khu, liên khu). ở cơ sở, Ban Tư pháp xã gồm ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã kiêm cả việc tư pháp (có thẩm quyền hoà giải các vụ dân sự, thương sự, phạt vi cảnh…).

 Trong suốt 15 năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngành Tư pháp đã đoàn kết, tập trung nỗ lực vào việc xây dựng nền tảng pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân và xây dựng, tổ chức nền tư pháp nhân dân theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đóng góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc và đường lối xây dựng kinh tế trong những năm đầu lập lại hoà bình ở miền Bắc.

 Năm 1958, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá I, Toà án nhân dân tối cao và Viện Công tố Trung ương trực thuộc Chính phủ được thành lập, tách khỏi Bộ Tư pháp. Sau đó, trên cơ sở Hiến pháp 1959, Luật Tổ chức Toà án nhân dân 1960 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960, đã hình thành hệ thống Toà án nhân dân và hệ thống Viện kiểm sát nhân dân độc lập với Chính phủ. Cũng từ năm 1960, theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thành phần Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra (tư pháp công an), truy tố (viện công tố), xét xử (toà án), thi hành án được chuyển giao cho Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và một phần cho chính quyền địa phương.

 2. Tổ chức Tư pháp (Pháp chế) trong giai đoạn 1960 – 1981.

 Vụ Pháp chế Thủ tướng Phủ (Văn phòng Chính phủ sau này) được thành lập theo Nghị định số 504-TTg ngày 26/10/1957 đảm nhận công tác giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính.

 Năm 1972, trong Tờ trình số 911-TC ngày 12/9/1972 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã nhận định: “Chúng ta chưa phát huy được đầy đủ tác dụng tích cực của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong mọi mặt hoạt động của Nhà nước. Công tác pháp chế chưa được gắn chặt với toàn bộ việc quản lý nhà nước. Hệ thống tổ chức pháp chế chưa hình thành …”. Để khắc phục tình hình đó, Hội đồng Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ. Uỷ ban Pháp chế là cơ quan chủ quản về mặt pháp chế của Hội đồng Chính phủ, được phân công phụ trách công tác pháp chế do Hội đồng Chính phủ đảm nhiệm trong việc quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc quản lý kinh tế.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn thành lập Uỷ ban Pháp chế bằng Nghị quyết số 223-NQ/QH-K4 ngày 14/9/1972 do Chủ tịch Trường Chinh ký.

 Uỷ ban Pháp chế được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 190/CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ với chức năng quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế là Ông Trần Công Tường (1972 – 1978), Ông Nguyễn Ngọc Minh (1978-1979) và Ông Trần Quang Huy (1979 – 1981). Trụ sở của Uỷ ban Pháp chế đặt tại số 5 Ông ích Khiêm – Hà Nội.

 Hoạt động của Uỷ ban Pháp chế từ khi thành lập cho tới khi tái lập Bộ Tư pháp chủ yếu tập trung vào: Xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế ở các Bộ, Tổng cục, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quản lý một số tổ chức bổ trợ tư pháp và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật.

 Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong các năm 1975 – 1976, Uỷ ban Pháp chế cùng với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất việc tiếp quản trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp thuộc chế độ nguỵ quyền và tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, thống nhất về mặt tổ chức, hoạt động của các cơ quan pháp chế, toà án, kiểm sát trên toàn quốc.

 Tổ chức và hoạt động của cơ quan pháp chế ở các Bộ và Tổng cục, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Pháp chế tại Thông tư số 100/VP ngày 10/5/1974. Hai chức năng chủ yếu của các cơ quan pháp chế là: Thứ nhất, quản lý thống nhất công tác xây dựng và ban hành pháp luật, hướng dẫn và theo dõi thi hành pháp luật, xây dựng cơ quan pháp chế cấp dưới, bồi dưỡng cán bộ pháp chế, quản lý hành chính tư pháp; Thứ hai, làm tư vấn pháp luật cho cơ quan lãnh đạo (Bộ, Tổng cục, ủy ban hành chính) về các vấn đề có liên quan đến pháp chế.

 Ngay trong những năm đầu xây dựng ngành 1973 -1975, một số Bộ, Tổng cục đã thành lập Vụ Pháp chế, Ban Pháp chế hoạt động hiệu quả như Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Bưu điện, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Nội vụ (Công an), Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Ngoại thương, Nội thương…

 Tính đến 4/1975, ở Trung ương đã có 35/42 cơ quan có tổ chức pháp chế, ở địa phương có 16/25 tỉnh có tổ chức pháp chế thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, việc thành lập Ban Pháp chế tỉnh được hưởng ứng ở hầu hết các tỉnh phía nam mà các địa phương mở đầu thành lập vào cuối năm 1975 là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Hậu Giang.

 Hệ thống pháp chế địa phương, sau năm 1976 đã lần lượt thành lập ở hầu hết các tỉnh, hoạt động tới năm 1981 thì chuyển sang hình thức Sở Tư pháp.

 3. Ngành Tư pháp từ khi tái thành lập (năm 1981) đến nay.

 Ngày 17 tháng 3 năm 1981, trong phiên họp về công tác nội chính, Bộ chính trị đã cho ý kiến về việc thành lập Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ và một phần nhiệm vụ của Toà án nhân dân tối cao – quản lý toà án địa phương về tổ chức để Toà án nhân dân tối cao tập trung vào công tác xét xử, giám đốc việc xét xử và tổng kết, hướng dẫn thực tiến xét xử. Đảng bộ Bộ Tư pháp thuộc khối Nội chính Trung ương. Ban Nội chính Trung ương được giao cùng Thường vụ Hội đồng Chính phủ và những cơ quan liên quan chuẩn bị Đề án về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp trình Bộ Chính trị vào tháng 5 năm 1981 cùng với Luật tổ chức một số cơ quan Nhà nước theo Hiến pháp mới 1980.

 Ngày 18 tháng 5 năm 1981, Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ đã có Công văn số 163-VP trình Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ bản Đề án tổ chức tư pháp. Ngày 18/9/1981, Đề án tổ chức Bộ Tư pháp kèm theo Tờ trình số 51-TCCB đã được Uỷ ban Pháp chế trình Hội đồng Bộ trưởng. Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá VII, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập Bộ Tư pháp: “Thực tiễn trong hai mươi qua đã chứng minh rõ việc Hội đồng Bộ trưởng – cơ quan quản lý toàn diện công việc của Nhà nước mà không có Bộ Tư pháp là điều rất không hợp lý”. Hội đồng Bộ trưởng (và các Uỷ ban nhân dân địa phương) không nắm được tình hình thi hành pháp luật, không nắm được tình hình xét xử của các toà án, không gắn được việc xây dựng pháp luật với việc kiểm tra thi hành pháp luật và điều hành công việc chung… Bộ Tư pháp là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý công tác tư pháp trong cả nước.

 Bộ Tư pháp được tái thành lập theo Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng với chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các việc về tư pháp trong cả nước, bao gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các toà án nhân dân địa phương và quản lý nhà nước các công tác tư pháp khác (luật sư, công chứng, giám định, …), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật trong cả nước.

 Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương được quy định tại Thông tư số 463-TCCB ngày 21/6/1988 của Bộ Tư pháp. Hệ thống cơ quan tư pháp địa phương bao gồm: Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương; Ban (sau đó chuyển thành Phòng) Tư pháp ở cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị hành chính tương đương; Ban Tư pháp ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương.

 Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế bộ, ngành được quy định tại Nghị định số 178/HĐBT ngày 17/6/1985. ở các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước và một số cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có Vụ Pháp chế. ở các sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, xí nghiệp có cố vấn pháp luật.

 Năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới được Quốc hội thông qua. Năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP ngày 4/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp trong thời kỳ đổi mới, trong giai đoạn 1993 – 2002, Bộ Tư pháp được tiếp tục giao thêm nhiều trọng trách mới: quản lý công tác thi hành án dân sự; thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; quản lý nhà nước công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; công tác hoà giải; hoạt động bán đấu giá tài sản; hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm; hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Trọng tài kinh tế…

 Trong giai đoạn này, cơ quan tư pháp địa phương được củng cố ở 3 cấp: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp ở cấp huyện, Ban Tư pháp ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương được quy định tại Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1993. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế bộ, ngành được quy định tại Nghị định số 94/CP ngày 06/9/1997.

 Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp để phù hợp với vị trí của Bộ trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

 Cho đến nay, các cơ quan tư pháp đã được thành lập ở cả 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã với hơn 2 vạn cán bộ công chức, trong đó có gần 1 vạn cán bộ tư pháp- hộ tịch chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

 Trên con đường xây dựng, trưởng thành, các thế hệ ngành Tư pháp Việt Nam luôn khắc ghi và phấn đấu thực hiện những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Ngành từ buổi đầu mới thành lập, đó là: Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Tư pháp nghĩ cho cùng là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Phải nêu cao gương phụng công, thủ pháp, nêu cao lẽ công bằng, chí công vô tư; phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân là để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng.

 Với những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, ngành Tư pháp đã nhận được nhiều Bằng khen, Huân chương và danh hiệu cao quí khác do Đảng, Nhà nước trao tặng và ngày 29/11/1995, Ngành Tư pháp đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

  

  

  

  

 Tag: kỷ 73 chúc câu lạc kiện lượng