Một Vài Quy Định Về Biểu Quyết Công Ty

 Trong kinh doanh chiến lược mà công ty đưa ra tại từng thời điểm có ý nghĩa sống còn. Những chiến lược mang tính dài hạn hay cấp thiết liên quan đến tài sản, quản trị hay nhân sự nắm vai trò chủ chốt của công ty đều được các thành viên, cổ đông thống nhất phương án thông qua biểu quyết, ghi nhận tại nghị quyết của công ty. Bàn về vấn đề này Luật doanh nghiệp dành đa phần các điều khoản để qui định quyền hạn, cách thức triệu tập hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông, tỷ lệ tối thiếu để một nghị quyết được thông qua. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ giải thích cho bạn đọc hiểu tại sao trong các thương vụ mua bán phần vốn góp, cổ phiếu các thành viên mới thường lựa chọn tỷ lệ 36% hay 51% thay vì một tỷ lệ nhỏ hơn, ít tốn kém hơn.

 I. Tỷ lệ biểu quyết công ty cổ phần

 Đối với công ty cổ phần tỷ lệ biểu quyết chia ra theo các mốc là 51%, 65%. Đây là hai mốc về tỷ lệ biểu quyết để thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông. Lưu ý đây là tỷ lệ tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, các cổ đông tham gia dự họp khác với các cổ đông của công ty

 – Tỷ lệ 51% phiếu biểu quyết

 Theo quy định tại khoản 2 điều 144 Luật doanh nghiệp 2014 với 51% phiếu biểu quyết các cổ đông có thể thông qua đa số các vấn đề trừ trường hợp yêu cầu 65% phiếu biểu quyết và các trường hợp bầu HĐQT, ban kiểm soát cần bầu dồn phiếu

 – Tỷ lệ 65% phiếu biểu quyết

 Quy định tại khoản 1 điều 144 luật doanh nghiệp 2014 gồm các vấn đề:

 + Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

 + Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

 + Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

 + Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;

 + Tổ chức lại, giải thể công ty;

 + Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.

 II. Quyền biểu quyết trong công ty cổ phần

 Theo điểm a khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

 Do đó, mỗi cổ đông dù chỉ sở hữu 01 cổ phần (cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi biểu quyết) cũng có quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông.

 Tuy nhiên công ty cổ phần ngoài cổ phần phổ thông còn có cổ phần ưu đãi.

 Trong đó, cổ phần ưu đãi gồm: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác theo Điều lệ công ty. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự Đại hội cổ đông…

 Như vậy, tùy thuộc vào cổ phần mà cổ đông sở hữu thì cổ đông có quyền tham dự Đại hội cổ đông và biểu quyết khác nhau.

 III. Biểu quyết công ty tnhh

 Đối với cuộc họp hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau đây gọi là công ty TNHH), khi có một thành viên không tham dự cuộc hợp và không tham gia biểu quyết cần phải xem xét đến điều kiện tiến hành cuộc họp.

 – Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên

 Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”

 – Nghị quyết của Hội đồng thành viên

 “Điều 60. Nghị quyết của Hội đồng thành viên

 1. Hội đồng thành viên thông qua các nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định.

 2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì quyết định về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên:

 a) Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty quy định tại Điều 25 của Luật này;

 b) Quyết định phương hướng phát triển công ty;

 c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

 d) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

 đ) Tổ chức lại hoặc giải thể công ty.

 3. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

 a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

 b) Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.

 4. Thành viên được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên trong trường hợp sau đây:

 a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;

 b) Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;

 c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;

 d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua thư, fax, thư điện tử.

 5. Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”

 IV. Ghi phiếu biểu quyết trong công ty trách nhiệm hữu hạn

 Số phiếu của từng thành viên theo quy định của khoản 2 điều 50 về quyền của thành viên công ty:“Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ trường hợp không góp đủ vốn theo quy định”

 Việc ghi phiếu biểu quyết trong biên bản họp được quy định tại điều c khoản 2 điều 61 Luật doanh nghiệp 2014:” Tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ, không hợp lệ; tán thành, không tán thành đối với từng vấn đề biểu quyết;”

 Phương thức biểu quyết được quy định tại điều 97 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:” Số phiếu biểu quyết tán thành và không tán thành đối với trường hợp không áp dụng phương thức bỏ phiếu trắng hoặc số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành và không có ý kiến đối với trường hợp có áp dụng phương thức bỏ phiếu trắng;”

 Theo các quy định trên nên trong công ty có thể tự quy định số phiếu biểu quyết ví dụ: Mỗi phiếu biểu quyết tương ứng với 1% vốn điều lệ (hoặc 0.1%; 0.01% tùy trường hợp vốn trong công ty bị lẻ hay không). Cụ thể như sau:

 Ví dụ:

 Các thành viên tiến hành biểu quyết theo phương thức mỗi 1 phiếu biểu quyết tương ứng với 1% vốn điều lệ.

 Số phiếu biểu quyết hợp lệ: 100 phiếu

 Số phiếu biểu quyết không hợp lệ: 0 phiếu

 Số phiếu tán thành: 100/100 phiếu đạt tỷ lệ 100%

 Số phiếu không tán thành: 0 phiếu

 Ý kiến khác: không

 V. Ghi phiếu biểu quyết trong công ty cổ phần

 Không giống như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có quy định rõ ràng về số phiếu biểu quyết tại điểm a khoản 1 điều 114 về quyền của cổ đông phổ thông:“Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;” trừ các trường hợp cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết thì số phiếu biểu quyết được áp dụng theo quy định tại điều lệ công ty.

 Tại điều 146 Luật doanh nghiệp quy định về biên bản họp đại hội đồng cổ đông quy định nội dung biên bản phải có:“Tổng số phiếu biểu quyết đối với từng vấn đề biểu quyết, trong đó ghi rõ phương thức biểu quyết, tổng số phiếu hợp lệ, không hợp lệ, tán thành, không tán thành và không có ý kiến; tỷ lệ tương ứng trên tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp;” do vậy đối với công ty cổ phần có thể ghi phiếu biểu quyết như sau (ví dụ với công ty có 180.000 cổ phần phổ thông):

 Ví dụ:

 Các cổ đông tiến hành biểu quyết theo phương thức bỏ phiếu tán thành và không tán thành đối với trường hợp không áp dụng phương thức bỏ phiếu trắng, mỗi cổ phần tương ứng với một phiếu biểu quyết.

 Số phiếu có quyền biểu quyết: 180.000 phiếu

 Tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ: 180.000 phiếu

 Tổng số phiếu biểu quyết không hợp lệ: 0 phiếu

 Số phiếu biểu quyết tán thành:180.000 phiếu/180.000 phiếu đạt tỷ lệ 100%

 Số phiếu không tán thành: Không

 Ý kiến khác: Không

 Tag: danh mẫu