Một vài suy nghĩ về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ

 Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng…”. Nhận rõ tình hình, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, Ngày 16-01-2012 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Mục đích của Nghị quyết nhằm phát huy dân chủ trong Đảng, giúp cho mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm, yếu kém và tự mình sửa chữa; trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; xác định trách nhiệm của tập thể, của cá nhân trong việc thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đảng viên phải được đặt trong một chỉnh thể toàn diện dựa trên cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tính tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Trong đó, lấy nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng làm vị trí chi phối có tính quyết định nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là cơ sở, là tiền đề để thực hiện dân chủ ngoài xã hội. Song, thực tiễn đã chỉ ra vấn đề dân chủ trong Đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ở nơi này, nơi khác, có lúc có việc trên từng lĩnh vực chưa được đề cao, thậm chí còn bị lợi dụng, có nơi vi phạm khá nghiêm trọng, làm vô hiệu hoá sức mạnh của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Đối với một số TCCSĐ trong cơ quan làm công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, do không thực hiện tốt dân chủ nên trên một số lĩnh vực chưa thể hiện đầy đủ cơ sở khoa học và tư duy chính trị đúng đắn trong một số quyết sách dẫn đến việc phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt được chỉ tiêu đã đề ra, như việc lựa chọn phương án đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng môi trường văn hoá, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, trong đề bạt, bố trí, tuyển dụng cán bộ, thực thi pháp luật và một số lĩnh vực khác. Điều đáng lo ngại hiện nay là ở một số nơi trong từng lĩnh vực đã có những nhận thức, vận dụng trong việc làm, ban hành những quy định trái với chủ trương, định hướng của Đảng. Thậm chí, vi phạm nguyên tắc, Điều lệ và các Quy định của Đảng làm ảnh hưởng đến quyền làm chủ và sức sáng tạo của mỗi người, đang tồn tại ở một số ít tư tưởng có khuynh hướng thiên về quyền tập trung. Theo tư tưởng chính trị của Đảng dân chủ là để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung, chứ không phải là dân chủ theo kiểu phân tán, tùy tiện, vô tổ chức. Tập trung là tập trung dựa trên cơ sở dân chủ, chứ không phải tập trung quan liêu theo kiểu độc đoán, chuyên quyền, của một nhóm người nào có chung lợi ích. Thực tế, vì thiếu dân chủ nên năng lực và sức chiến đấu của nhiều TCCSĐ rất hạn chế, thậm chí có nơi bị tê liệt. Một số vấn đề nhân dân và công luận phát hiện nhưng tổ chức đảng không biết hoặc có biết nhưng không dám đấu tranh. Do đó nói và làm còn khác biệt và có khoảng cách. Nguy hại hơn là có một số phần tử cơ hội, sống lựa chiều, miễn là để tạo dựng uy tín cá nhân. Nguyên nhân tình trạng nầy thì có nhiều nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là các cấp uỷ đảng, đặc biệt là những người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, chưa thực sự phát huy dân chủ, ban hành và thực thi đồng bộ những quy tắc, quy định và các chế tài cụ thể, có cơ sở khoa học để tạo sự kết dính, ràng buộc giữa tổ chức với tổ chức, cấp dưới và cấp trên, giữa tổ chức và cá nhân trong mỗi tổ chức.
Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng và tạo dựng môi trường dân chủ lành mạnh là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao sức chiến đấu của TCCSĐ. Mọi vấn đề kinh tế-xã hội phải được dân chủ thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau. Có những vấn đề phải lấy ý kiến tham gia của nhân dân, của cơ sở. Đối với các TCCSĐ trong đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh, việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy dân chủ trong Đảng càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương và cuộc sống của nhân dân. Nơi đây, các đảng viên nắm các cương vị chủ chốt của Đảng, Nhà nước và đoàn thể cấp tỉnh, nắm cương vị tham mưu hoạch định các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng tổ chức bộ máy. Nhịp độ phát triển nhanh hay chậm, đúng hay sai ở từng địa phương tuỳ thuộc rất lớn vào tư duy khoa học, năng lực tham mưu và sức chiến đấu của TCCSĐ ở các cơ quan cấp tỉnh. Trong đó, công tác cán bộ chiếm vị trí quyết định càng phải thực sự dân chủ, đảm bảo việc đánh giá, bố trí cán bộ thực sự công tâm, khách quan, không để những biểu hiện tiêu cực phần tử cơ hội, năng lực kém vào tổ chức bộ máy.
Hiện nay chất lượng sinh hoạt của một số tổ chức đảng còn yếu, nội dung nghèo nàn, hình thức, chiếu lệ, gần như chỉ là “cái đuôi” của chuyên môn. Do đó, sức chiến đấu giảm và nguyên tắc tập trung dân chủ bị coi nhẹ. Người đứng đầu (bí thư, thủ trưởng cơ quan) phải thực sự cầu thị, biết phát động, lắng nghe, chắt lọc và kết luận vấn đề khách quan, khoa học. Chống các biểu hiện dân chủ hình thức, bên trong hô hào nghe có vẻ rất dân chủ nhưng hành động trù dập, định kiến với những người trung thực, nói thẳng; sử dụng vũ khí dân chủ như một “thủ thuật” để hợp thức hoá những vấn đề mang tính áp đặt cá nhân, hoặc ẩn bóng dưới danh nghĩa dân chủ để kích động, gây nghi kỵ, hiểu nhầm, mất đoàn kết nội bộ, là những khuynh hướng hoàn toàn xa lạ và trái với bản chất giai cấp và lợi íchcủa Đảng, như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp và của dân tộc Việt Nam, Đảng ta không có lợi ích nào hết.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Dân chủ trong Đảng tốt là điều kiện để phát huy dân chủ ngoài xã hội, dân chủ ngoài xã hội tốt là cơ sở để thực hiện tốt dân chủ trong Đảng. Do đó, từng cấp uỷ đảng và thủ trưởng cơ quan căn cứ vào nội dung Nghị định số 71-NĐ/CP ngày 8-9-1998 của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hoá thành các quy định trong mỗi cơ quan, đơn vị, đảm bảo quyền được thông tin, được bàn, được quyết định và được kiểm tra, giám sát của mọi người đối với các vấn đề thực hiện nhiệm vụ chính trị; tham gia quy trình bố trí cán bộ, khen thưởng, kỷ luật; tham gia xây dựng các quy chế, quy định quản lý, xây dựng cơ quan, quản lý lao động; công khai hoá các chế độ chính sách, quản lý tài chính và tài sản công…
Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng ở các TCCSĐ là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, phát huy bản chất cách mạng và dân chủ của Đảng, đẩy lùi mọi biểu hiện quan liêu, cửa quyền, làm tổn hại đến uy tín và sức mạnh vốn có của Đảng. Mặt khác, phải cụ thể hoá các quy định, chế tài thể hiện quy trình phát huy tập trung, mở rộng dân chủ thực chất và quyền tập trung trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, tổ chức, cán bộ… để TCCSĐ thật sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở.

 Gia Bảo

 Nguồn: https://www.kontum.gov.vn/pages/detail/20268/Tin-tuc-su-kien.html

  

  

  

  

  

  

 Tag: báo cáo