CHÍNH PHỦ |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Số: 28/2019/NĐ-CP |
 Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2019 |
 NGHỊ ĐỊNH
 QUY ĐỊNH VỀ TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
 Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
 Căn cứ Luật Tố cáo ngày 12 tháng 6 năm 2018;
 Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
 Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
 Chương I
 QUY ĐỊNH CHUNG
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
 Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
 Điều 2. Đối tượng áp dụng
 Nghị định này áp dụng đối với:
 1. Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền tố cáo.
 2. Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng.
 3. Người giải quyết tố cáo; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
 4. Người tố cáo, người được bảo vệ liên quan đến tố cáo trong Quân đội nhân dân.
 5. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong Quân đội nhân dân.
 Điều 3. Giải thích từ ngữ
 Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
 1. Quân nhân bao gồm: Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị.
 a) Quân nhân tại ngũ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự;
 b) Quân nhân dự bị là công dân Việt Nam được đăng ký vào ngạch dự bị động viên, gồm: Sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị theo quy định của pháp luật.
 2. Người Chỉ huy là người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, gồm: Chỉ huy trưởng quân sự (người đứng đầu về hành chính quân sự), Chính ủy, Chính trị viên và cấp phó của người đứng đầu.
 3. Người giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân là người đứng dầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo theo quy định của Nghị định này.
 4. Quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng là quản lý của Bộ Quốc phòng trong các lĩnh vực: Bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo, quần đảo, vùng trời, không gian mạng quốc gia; xây dựng khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; công nghiệp quốc phòng; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, đất quốc phòng và môi trường có liên quan đến hoạt động quốc phòng; cơ yếu; hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; các dịch vụ công và các lĩnh vực quản lý khác theo quy định của pháp luật.
 Điều 4. Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo
 1. Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân thực hiện theo Điều 3 Luật Tố cáo năm 2018.
 2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân dự bị thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu được áp dụng theo quy định của Luật Tố cáo và Nghị định này.
 3. Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; không được quy định trong Nghị định này thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
 Chương II
 GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ
 Mục 1. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
 Điều 5. Nguyên tắc xác định thẩm quyền
 1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng do người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng giải quyết.
 2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị do người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp giải quyết.
 3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, đơn vị khác hoặc không còn là quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được xử lý như sau:
 a) Trường hợp người bị tố cáo là người chỉ huy cơ quan, đơn vị đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
 b) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
 Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác và là người chỉ huy cơ quan, đơn vị đó thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
 c) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
 d) Trường hợp người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian công tác trước đây và người đó thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết;
 đ) Trường hợp người bị tố cáo không còn là quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.
 4. Tố cáo quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.
 5. Tố cáo quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của cơ quan, đơn vị đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị trước khi bị giải thể giải quyết.
 6. Tố cáo cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên một cấp của cơ quan, đơn vị đó giải quyết.
 Điều 6. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
 1. Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện, Đồn trưởng đồn Biên phòng và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng do mình quản lý.
 2. Cục trưởng, Sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp tương đương có thẩm quyền sau đây:
 a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của cơ quan, đơn vị cấp dưới do mình quản lý trực tiếp;
 b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
 3. Giám đốc học viện, Hiệu trưởng nhà trường, Viện trưởng Viện nghiên cứu, Giám đốc bệnh viện và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do mình quản lý.
 4. Tư lệnh Quân đoàn, Binh chủng, Binh đoàn, Tư lệnh vùng Hải quân, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển và cấp tương đương có thẩm quyền:
 a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc và cán bộ sĩ quan do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
 b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị trực thuộc do mình quản lý trực tiếp.
 5. Tư lệnh Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) và cấp tương đương, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ có thẩm quyền:
 a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc và quân nhân do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
 b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị cấp Sư đoàn và tương đương do mình quản lý trực tiếp.
 6. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Cục trưởng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền:
 a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc và quân nhân do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
 b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc do mình quản lý trực tiếp.
 7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền:
 a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức, quân nhân do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
 b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ do mình quản lý trực tiếp;
 c) Giải quyết các tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp dưới khi xét thấy cần thiết.
 Mục 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
 Điều 7. Tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo
 1. Tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo thực hiện theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27 Luật Tố cáo năm 2018.
 2. Tiếp nhận, xử lý đơn vừa có nội dung tố cáo, vừa có nội dung khiếu nại thực hiện theo khoản 3 Điều 25 Luật Tiếp công dân năm 2013.
 Điều 8. Thụ lý tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong tình trạng khẩn cấp
 Trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc trong tình trạng khẩn cấp, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thông báo rõ lý do việc chưa thụ lý tố cáo. Ngay sau khi người bị tố cáo thực hiện xong nhiệm vụ, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải thông báo thụ lý tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo.
 Điều 9. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
 Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được thực hiện theo quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31, khoản 1 Điều 32, các Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 của Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
 Điều 10. Phối hợp xác minh nội dung tố cáo
 Trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị người có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài Quân đội nhân dân phối hợp xác minh nội dung tố cáo; việc yêu cầu, kiến nghị phối hợp xác minh bằng văn bản, nêu rõ nội dung cần phối hợp giải quyết.
 Điều 11. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo
 Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo thực hiện theo quy định tại các Điều 44, 45, 46 của Luật Tố cáo năm 2018;
 Chương III
 GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG
 Điều 12. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong quản lý nhà nước về quốc phòng
 1. Người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thuộc phạm vi quản lý được giao.
 2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quốc phòng có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 Điều 13. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trong quản lý nhà nước về quốc phòng
 1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thực hiện theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31; khoản 1 Điều 32; các Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 của Luật Tố cáo năm 2018.
 2. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo Điều 43 Luật Tố cáo năm 2018.
 Chương IV
 TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO
 Điều 14. Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ
 1. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại Điều 6 Nghị định này có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
 2. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
 3. Cơ quan Bảo vệ an ninh các cấp trong Quân đội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
 4. Cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.
 Điều 15. Trình tự, thủ tục, thời hạn, các biện pháp bảo vệ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ
 Trình tự, thủ tục, thời hạn, các biện pháp bảo vệ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại các Điều 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 của Luật Tố cáo năm 2018 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 Chương V
 QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
 Điều 16. Quản lý công tác giải quyết tố cáo
 1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của mình.
 2. Người đứng đầu về hành chính quân sự các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo chịu trách nhiệm quản lý công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý.
 3. Nội dung công tác quản lý giải quyết tố cáo:
 a) Ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo;
 b) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giải quyết tố cáo;
 c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tố cáo;
 d) Thực hiện việc giải quyết tố cáo theo thẩm quyền;
 đ) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo đối với người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị.
 Điều 17. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra các cấp
 1. Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý công tác giải quyết tố cáo và thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Tố cáo năm 2018.
 2. Chánh Thanh tra các cấp có trách nhiệm:
 a) Tham mưu, giúp người đứng đầu về hành chính quân sự cùng cấp, quản lý công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi thẩm quyền phân cấp;
 b) Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo; xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh và kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu về hành chính quân sự cùng cấp khi được giao;
 c) Xem xét, kết luận việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị cấp dưới trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp kết luận việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu về hành chính quân sự có thẩm quyền giải quyết tố cáo cùng cấp xem xét, giải quyết lại;
 d) Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị cấp dưới trực tiếp của người đứng đầu về hành chính quân sự cùng cấp trong việc chấp hành pháp luật về tố cáo.
 3. Đối với cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo giao cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp, tham mưu về công tác quản lý và giải quyết tố cáo.
 Điều 18. Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ về công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân
 1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng về công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
 2. Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại.
 Điều 19. Báo cáo công tác giải quyết tố cáo
 1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ về công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân theo định kỳ quý 1, 2, 3, 4 và 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc yêu cầu của Chính phủ.
 2. Người đứng đầu về hành chính quân sự của cơ quan, đơn vị các cấp có trách nhiệm báo cáo theo định kỳ quý 1, 2, 3, 4 và 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc yêu cầu của cấp trên.
 Chương VI
 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 Điều 20. Hiệu lực thi hành
 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 5 năm 2019.
 2. Nghị định số 220/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
 3. Tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết luận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục áp dụng Nghị định số 220/2013/NĐ-CP và Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 để giải quyết.
 Điều 21. Trách nhiệm thi hành
 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; – Kiểm toán nhà nước; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: VT, V.I (2b).KN |
 TM. CHÍNH PHỦ   |