NGHỊ ĐỊNH 34/2014/NĐ-CP

 CHÍNH PHỦ
——–

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-

 Số: 34/2014/NĐ-CP

 Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2014

  

 NGHỊ ĐỊNH

 VỀ QUY CHẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

 Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

 Căn cứ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 28 tháng 3 năm 1997;

 Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

 Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Chương 1.

 QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 1. Nghị định này quy định về Quy chế và quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 2. Trường hợp quy định của Nghị định này khác với quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

 Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới đất liền có trách nhiệm chấp hành Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

 Điều 3. Giải thích từ ngữ

 Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

 1. Khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là khu vực biên giới đất liền) bao gồm xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

 Danh sách xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đất liền có Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

 2. Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào, được thiết lập nhằm quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; nơi hẹp nhất 100 m, nơi rộng nhất không quá 1.000 m, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.

 3. Vùng cấm là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới đất liền được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước.

 4. Hoạt động trong khu vực biên giới đất liền bao gồm: Cư trú, vào, đi lại, sản xuất, kinh doanh; thăm dò, khai thác tài nguyên; xây dựng các công trình, thực hiện các dự án và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

 5. Cư dân biên giới là người có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới đất liền.

 Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền

 1. Làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, công trình biên giới.

 2. Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường của sông, suối biên giới.

 3. Cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép.

 4. Vượt biên giới làm ruộng, rẫy, săn bắn, chăn thả gia súc.

 5. Chôn cất, chuyển dịch mồ mả, vận chuyển thi thể, hài cốt, động vật, thực vật và xác động vật qua biên giới không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

 6. Bắn súng qua biên giới, gây nổ, chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới.

 7. Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm trong khu vực biên giới đất liền.

 8. Các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

 9. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

 Chương 2.

 QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN

 Điều 5. Cư trú ở khu vực biên giới đất liền

 1. Những người được cư trú ở khu vực biên giới đất liền:

 a) Cư dân biên giới;

 b) Người có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền cho phép cư trú ở khu vực biên giới đất liền;

 c) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, công nhân, viên chức, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân có đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới đất liền.

 2. Những người không được cư trú ở khu vực biên giới đất liền:

 a) Người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới đất liền, người chưa được phép xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh;

 b) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;

 c) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;

 d) Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

 đ) Người không thuộc diện quy định tại Khoản 1 Điều này;

 Các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này không áp dụng đối với cư dân biên giới.

 Điều 6. Đi vào khu vực biên giới đất liền

 1. Đối với công dân Việt Nam

 Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật.

 2. Đối với người nước ngoài

 a) Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy phép của cơ quan Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an tỉnh biên giới đất liền nơi đến cấp;

 b) Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức chủ quản; cán bộ đi cùng phải có giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, đồng thời cơ quan, tổ chức phải thông báo cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ;

 c) Trường hợp người nước ngoài đi trong các đoàn đại biểu, đoàn cấp cao vào khu vực biên giới đất liền, cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan mời hoặc làm việc với Đoàn) phải thông báo bằng văn bản cho Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết, đồng thời cử cán bộ đi cùng để hướng dẫn.

 3. Những người sau đây không được vào khu vực biên giới đất liền:

 Những người không thuộc trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này và những người quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

 Điều 7. Hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền

 1. Công dân Việt Nam (trừ cư dân biên giới) và người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền, nếu ở qua đêm phải đăng ký lưu trú tại cơ quan Công an cấp xã sở tại theo quy định của pháp luật. Trường hợp ở qua đêm trong vành đai biên giới phải thông báo bằng văn bản cho Đồn Biên phòng sở tại.

 2. Người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới đất liền phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật và chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng, Công an cấp xã sở tại và lực lượng chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

 3. Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài ở khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực cửa khẩu và các khu kinh tế khác được mở ra trong khu vực biên giới đất liền thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các khu vực đó và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 4. Các hoạt động khác trong khu vực biên giới đất liền thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó và tuân theo quy định tại Nghị định này.

 5. Cư dân biên giới của nước láng giềng hoạt động trong khu vực biên giới đất liền Việt Nam thực hiện theo hiệp định về quy chế biên giới hai nước đã ký kết và quy định của pháp luật Việt Nam.

 Điều 8. Xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới đất liền

 1. Việc xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới đất liền không được làm ảnh hưởng công trình biên giới; thay đổi dấu hiệu nhận biết đường biên giới, hư hại, hủy hoại hoặc mất mốc quốc giới; không vi phạm các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng.

 2. Khi xây dựng các dự án, công trình trong vành đai biên giới, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời hạn 30 ngày, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời cơ quan gửi lấy ý kiến.

 Khi triển khai thực hiện các dự án, công trình, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và chính quyền địa phương sở tại biết trước ít nhất trước 03 (ba) ngày làm việc.

 3. Các cơ quan, tổ chức tham gia khảo sát, thiết kế, thi công, triển khai thực hiện các dự án, công trình ở khu vực biên giới đất liền phải thông báo trước 03 (ba) ngày cho Đồn Biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.

 4. Đồn Biên phòng có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị theo quy định tại Khoản 3 Điều này nhận biết đường biên giới, phạm vi khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới, vùng cấm, các quy định có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng.

 Điều 9. Biển báo trong khu vực biên giới đất liền

 1. Trong khu vực biên giới đất liền có biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm” và các biển báo khác theo quy định của pháp luật.

 2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định mẫu biển báo và thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh vị trí cắm biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm” quy định tại Khoản 1 Điều này.

 Điều 10. Tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền

 1. Các trường hợp được tạm dừng:

 a) Khu vực đang xảy ra tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, đe dọa đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia;

 b) Khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang, trấn cướp, khủng bố, bạo loạn, xâm nhập, bắt cóc người hoặc gây rối an ninh, trật tự nghiêm trọng;

 c) Khu vực đang có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố hóa chất, sự cố phóng xạ có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại đến cộng đồng, lan truyền qua biên giới;

 d) Nhận được thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng về việc tạm dừng qua lại biên giới.

 2. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; ngăn chặn thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh, các hoạt động sau đây sẽ bị tạm dừng:

 Vào vành đai biên giới, họp chợ, tổ chức lễ hội, sản xuất, kinh doanh, xây dựng, thăm dò, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác thuộc các trường hợp xảy ra quy định tại Khoản 1 Điều này.

 3. Người có thẩm quyền tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền được quy định như sau:

 a) Đồn trưởng Đồn Biên phòng quyết định tạm dừng không quá 12 giờ trong phạm vi vành đai biên giới thuộc địa bàn phụ trách và phải báo cáo Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sở tại và các cơ quan liên quan ở khu vực biên giới đất liền và chính quyền địa phương, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước láng giềng biết;

 b) Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh quyết định tạm dừng không quá 24 giờ trong khu vực biên giới đất liền thuộc phạm vi quản lý và phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng thời thông báo cho Công an tỉnh và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới đối diện nước láng giềng biết;

 Trường hợp hết thời hạn 24 giờ, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xét thấy cần phải tiếp tục tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền, có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; thời gian tiếp tục tạm dừng không quá 24 giờ, đồng thời thông báo cho Công an cấp tỉnh và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới đối diện nước láng giềng biết.

 4. Người có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý khi cần thiết; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên trực tiếp về các quyết định tạm dừng; khi hết thời hạn cho phép hoặc khi tình hình đã trở lại bình thường phải ban hành quyết định bãi bỏ quyết định tạm dừng đã ban hành và thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước láng giềng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết.

 Điều 11. Quản lý hoạt động trong vành đai biên giới

 1. Hội đồng nhân dân tỉnh biên giới đất liền xác định phạm vi vành đai biên giới sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao; đối với trường hợp đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 2. Những người quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này được hoạt động trong vành đai biên giới.

 3. Những người không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này khi vào vành đai biên giới phải có giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định này và phải trình báo Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại.

 4. Cơ quan, tổ chức hoạt động trong vành đai biên giới phải thông báo bằng văn bản cho Đồn Biên phòng sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.

 Điều 12. Quản lý hoạt động trong vùng cấm

 1. Hội đồng nhân dân tỉnh biên giới xác định vùng cấm trong phạm vi địa phương quản lý theo đề nghị của các ngành chức năng trong tỉnh.

 2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định vùng cấm đối với các công trình quốc phòng, công trình biên giới và thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có vùng cấm biết.

 3. Quản lý, bảo vệ vùng cấm

 a) Vùng cấm phải có nội quy bảo vệ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý vùng cấm đó quy định;

 b) Công dân Việt Nam, người nước ngoài (trừ những người được phép thường trú, làm việc trong vùng cấm đó) vào vùng cấm phải có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định này và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý vùng cấm đó cho phép.

 Chương 3.

 TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN

 Điều 13. Bộ Quốc phòng

 1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới đất liền thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, chính sách về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới đất liền theo quy định của pháp luật.

 2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

 3. Hàng năm, có trách nhiệm thống kê số người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới, vùng cấm; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

 4. Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng:

 a) Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan có liên quan trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền;

 b) Tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp về nội dung phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; củng cố cơ sở chính trị, xây dựng khu vực biên giới đất liền vững mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

 c) Tiến hành các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền; đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thực hiện công tác đối ngoại biên phòng theo quy định của pháp luật;

 d) Tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát cố định, lưu động thường xuyên, đột xuất để kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới.

 Điều 14. Bộ Công an

 1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, gắn an ninh biên giới với an ninh nội địa; phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn Bộ đội Biên phòng tham gia công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và công tác xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

 2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành chủ trương chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền.

 Điều 15. Bộ Ngoại giao

 1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ trên cơ sở các điều ước quốc tế về hoạch định biên giới quốc gia mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền đàm phán, giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia.

 3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng quy chế phối hợp về giải quyết các vụ việc, cung cấp tin tức, tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ đối ngoại; công tác sơ, tổng kết các vấn đề liên quan đến xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

 Điều 16. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền tổng hợp nhu cầu về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới đất liền; xây kè sông, suối biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm cân đối một khoản ngân sách thích hợp để dành riêng đầu tư xây dựng nhằm củng cố quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới đất liền.

 2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới đất liền.

 Điều 17. Bộ Tài chính

 1. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

 2. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền xây dựng cơ chế, chính sách tài chính, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới đất liền.

 Điều 18. Bộ Công Thương

 1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền xây dựng chính sách phát triển thương mại ở khu vực biên giới đất liền.

 2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

 Điều 19. Các Bộ, ngành liên quan

 Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

 Điều 20. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới trên đất liền

 1. Thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật; xây dựng khu vực biên giới đất liền vững mạnh về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

 2. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan có liên quan trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới đất liền theo quy định của pháp luật.

 3. Tổ chức các lực lượng chức năng, huy động quần chúng nhân dân thực hiện phong trào toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

 4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

 5. Hàng năm, bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền.

 Điều 21. Cơ quan, tổ chức khác

 Các cơ quan, tổ chức khác hoạt động ở khu vực biên giới đất liền phải chấp hành Nghị định này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có trách nhiệm phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền.

 Chương 4.

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 22. Hiệu lực thi hành

 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2014 và thay thế Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Điều 23. Ngân sách đảm bảo

 1. Kinh phí thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới đất liền do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo phân cấp hiện hành.

 2. Việc lập, phân bổ, giao dự toán, thanh, quyết toán được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 Điều 24. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

 1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

  

 

 Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, NC (3b).

 TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 Nguyễn Tấn Dũng

  

 PHỤ LỤC

 DANH SÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ)

 TỈNH

 HUYỆN, THỊ XÃ,
THÀNH PHỐ

 XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

 1. QUẢNG NINH

1. Thành phố Móng Cái 1. Xã Hải Sơn

 2. Xã Bắc Sơn

 3. Phường Hải Yên

 4. Phường Hải Hòa

 5. Phường Ninh Dương

 6. Phường Ka Long

 7. Phường Trần Phú

 8. Phường Trà Cổ

2. Huyện Hải Hà 1. Xã Quảng Sơn

 2. Xã Quảng Đức

3. Huyện Bình Liêu 1. Xã Đồng Văn

 2. Xã Hoành Mô

 3. Xã Lục Hồn

 4. Xã Đồng Tâm

 5. Xã Tình Húc

 6. Xã Vô Ngại

 2. LẠNG SƠN

1. Huyện Đình Lập 1. Xã Bắc Xa

 2. Xã Bính Xá

2. Huyện Lộc Bình 1. Xã Tam Gia

 2. Xã Tú Mịch

 3. Xã Yên Khoái

 4. Xã Mẫu Sơn (B)

3. Huyện Cao Lộc 1. Xã Mẫu Sơn (A)

 2. Xã Xuất Lễ

 3. Xã Cao Lâu

 4. Xã Thanh Lòa

 5. Xã Bảo Lâm

 6. Thị trấn Đồng Đăng

4. Huyện Văn Lãng 1. Xã Tân Mỹ

 2. Xã Tân Thanh

 3. Xã Thanh Long

 4. Xã Thụy Hùng

 5. Xã Trùng Khánh

5. Huyện Tràng Định 1. Xã Đào Viên

 2. Xã Tân Minh

 3. Xã Đội Cấn

 4. Xã Quốc khánh

 3. CAO BẰNG

1. Huyện Thạch An 1. Xã Đức Long
2. Huyện Phục Hòa 1. Xã Mỹ Hưng

 2. Thị trấn Tà Lùng

 3. Thị trấn Hòa Thuận

 4. Xã Đại Sơn

 5. Xã Cách Linh

 6. Xã Triệu Âu

3. Huyện Hạ Lang 1. Xã Cô Ngân

 2. Xã Thị Hoa

 3. Xã Thái Đức

 4. Xã Việt Chu

 5. Xã Quang Long

 6. Xã Đồng Loan

 7. Xã Lý Quốc

 8. Xã Minh Long

4. Huyện Trùng Khánh 1. Xã Đàm Thủy

 2. Xã Chí Viễn

 3. Xã Đình Phong

 4. Xã Ngọc Khê

 5. Xã Ngọc Côn

 6. Xã Phong Nặm

 7. Xã Ngọc Chung

 8. Xã Lăng Yên

5. Huyện Trà Lĩnh 1. Xã Tri Phương

 2. Xã Xuân Nội

 3. Thị trấn Hùng Quốc

 4. Xã Quang Hán

 5. Xã Cô Mười

6. Huyện Hà Quảng 1. Xã Tổng Cọt

 2. Xã Nội Thon

 3. Xã Cải Viên

 4. Xã Vân An

 5. Xã Lũng Nặm

 6. Xã Kéo Yên

 7. Xã Trường Hà

 8. Xã Nà Sác

 9. Xã Sóc Hà

7. Huyện Thông Nông 1. Xã Vị Quang

 2. Xã Cần Yên

 3. Xã Cần Nông

8. Huyện Bảo Lạc 1. Xã Xuân Trường

 2. Xã Khánh Xuân

 3. Xã Cô Ba

 4. Xã Thượng Hà

 5. Xã Cốc Pàng

9. Huyện Bảo Lâm 1. Xã Đức Hạnh

 4. HÀ GIANG

1. Huyện Mèo Vạc 1. Xã Sơn Vĩ

 2. Xã Xín Cái

 3. Xã Thượng Phùng

2. Huyện Đồng Văn 1. Thị trấn Đồng Văn

 2. Xã Ma Lé

 3. Xã Lũng Cú

 4. Xã Lũng Táo

 5. Xã Xà Phìn

 6. Xã Sủng Là

 7. Thị trấn Phó Bảng

 8. Xã Phố Là

 9. Xã Phố Cáo

3. Huyện Yên Minh 1. Xã Thắng Mố

 2. Xã Phú Lũng

 3. Xã Bạch Đích

 4. Xã Na Khê

4. Huyện Quản Bạ 1. Xã Bát Đại Sơn

 2. Xã Nghĩa Thuận

 3. Xã Cao Mã Pờ

 4. Xã Tùng Vài

 5. Xã Tả Ván

5. Huyện Vị Xuyên 1. Xã Minh Tân

 2. Xã Thanh Thủy

 3. Xã Thanh Đức

 4. Xã Xín Chải

 5. Xã Lao Chải

6. Huyện Hoàng Su Phì 1. Xã Thèn Chu Phìn

 2. Xã Pố Lồ

 3. Xã Thàng Tín

 4. Xã Bản Máy

7. Huyện Xín Mần 1. Xã Nàn Xỉn

 2. Xã Xín Mần

 3. Xã Chí Cà

 4. Xã Pà Vầy Sủ

 5. LÀO CAI

1. Huyện Si Ma Cai 1. Xã Sán Chải

 2. Xã Si Ma Cai

 3. Xã Nàn Sán

2. Huyện Mường Khương 1. Xã Tả Gia Khâu

 2. Xã Dìn Chin

 3. Xã Pha Long

 4. Xã Tả Ngải Chồ

 5. Xã Tung Trung Phố

 6. Thị trấn Mường Khương

 7. Xã Nậm Chảy

 8. Xã Lùng Vai

 9. Xã Bản Lầu

3. Huyện Bảo Thắng 1. Xã Bản Phiệt
4. Huyện Bát Xát 1. Xã Quang Kim

 2. Xã Bản Qua

 3. Xã Bản Vược

 4. Xã Cốc Mỳ

 5. Xã Trịnh Tường

 6. Xã Nậm Chạc

 7. Xã A Mú Sung

 8. Xã A Lù

 9. Xã Ngải Thầu

 10. Xã Ý Tý

5. Thành phố Lào Cai 1. Phường Lào Cai

 2. Phường Duyên Hải

 3. Xã Đồng Tuyển

 6. LAI CHÂU

1. Huyện Phong Thổ 1. Xã Sin Suối Hồ

 2. Xã Nậm Xe

 3. Xã Bản Lang

 4. Xã Dào San

 5. Xã Tông Qua Lìn

 6. Xã Pa Vây Sử

 7. Xã Mồ Sì San

 8. Xã Sì Lờ Lầu

 9. Xã Ma Ly Chải

 10. Xã Vàng Ma Chải

 11. Xã Mù Sang

 12. Xã Ma Ly Pho

 13. Xã Huổi Luông

2. Huyện Sìn Hồ 1. Xã Pa Tần
3. Huyện Nậm Nhùn 1. Xã Trung Chải

 2. Xã Nậm Ban

 3. Xã Hua Bum

4. Huyện Mường Tè 1. Xã Pa Vệ Sử

 2. Xã Pa Ủ

 3. Xã Tá Pạ

 4. Xã Thu Lũm

 5. Xã Ka Lăng

 6. Xã Mù Cả

 7. ĐIỆN BIÊN

1. Huyện Mường Nhé 1. Xã Sín Thầu

 2. Xã Sen Thượng

 3. Xã Leng Su Sìn

 4. Xã Chung Chải

 5. Xã Mường Nhé

 6. Xã Nậm Kè

2. Huyện Nậm Pồ 1. Xã Na Cô Sa

 2. Xã Nậm Nhừ

 3. Xã Nà Bủng

 4. Xã Vàng Đán

 5. Xã Nà Hỳ

 6. Xã Chà Nưa

 7. Xã Phìn Hồ

 8. Xã Si Pa Phìn

3. Huyện Mường Chà 1. Xã Na Sang

 2. Xã Mường Mươn

 3. Xã Ma Thì Hồ

4. Huyện Điện Biên 1. Xã Mường Pồn

 2. Xã Thanh Luông

 3. Xã Pa Thơm

 4. Xã Hua Thanh

 5. Xã Thanh Nưa

 6. Xã Thanh Hưng

 7. Xã Thanh Chăn

 8. Xã Na Ư

 9. Xã Na Tông

 10. Xã Mường Nhà

 11. Xã Phu Luông

 12. Xã Mường Lói

 8. SƠN LA

1. Huyện Sốp Cộp 1. Xã Mường Lèo

 2. Xã Mường Lạn

 3. Xã Mường Và

 4. Xã Nậm Lạnh

2. Huyện Sông Mã 1. Xã Mường Cai

 2. Xã Mường Hung

 3. Xã Chiềng Hung

 4. Xã Chiềng Sai

3. Huyện Mai Sơn 1. Xã Phiêng Pằn
4. Huyện Yên Châu 1. Xã Chiềng On

 2. Xã Phiêng Khoài

 3. Xã Loóng Phiêng

 4. Xã Chiềng Tương

5. Huyện Mộc Châu 1. Xã Chiềng Khừa

 2. Xã Loóng Sập

 3. Xã Chiềng Sơn

6. Huyện Vân Hồ 1. Xã Tân Xuân

 9. THANH HÓA

1. Huyện Thường Xuân 1. Xã Bát Mọt
2. Huyện Lang Chánh 1. Xã Yên Khương
3. Huyện Quan Sơn 1. Xã Tam Lư

 2. Xã Tam Thanh

 3. Xã Mường Mìn

 4. Xã Sơn Điện

 5. Xã Na Mèo

 6. Xã Sơn Thủy

4. Huyện Quan Hóa 1. Xã Hiền Kiệt
5. Huyện Mường Lát 1. Xã Trung Lý

 2. Xã Pù Nhi

 3. Xã Mường Chanh

 4. Xã Quang Chiểu

 5. Xã Tén Tần

 6. Xã Tam Chung

 7. Xã Nhi Sơn

 10. NGHỆ AN

1. Huyện Quế Phòng 1. Xã Thông Thụ

 2. Xã Hạnh Dịch

 3. Xã Nậm Giải

 4. Xã Tri Lễ

2. Huyện Tương Dương 1. Xã Nhôn Mai

 2. Xã Mai Sơn

 3. Xã Tam Hợp

 4. Xã Tam Quang

3. Huyện Kỳ Sơn 1. Xã Mỹ Lý

 2. Xã Bắc Lý

 3. Xã Keng Đu

 4. Xã Na Loi

 5. Xã Đoọc Mạy

 6. Xã Nậm Cắn

 7. Xã Tà Cạ

 8. Xã Mường Típ

 9. Xã Mường Ải

 10. Xã Na Ngoi

 11. Xã Nậm Càn

4. Huyện Con Cuông 1. Xã Châu Khê

 2. Xã Môn Sơn

5. Huyện Anh Sơn 1. Xã Phúc Sơn
6. Huyện Thanh Chương 1. Xã Hạnh Lâm

 2. Xã Thanh Đức

 3. Xã Thanh Sơn

 4. Xã Thanh Thủy

 5. Xã Ngọc Lâm

 11. HÀ TĨNH

1. Huyện Hương Sơn 1. Xã Sơn Kim I

 2. Xã Sơn Kim II

 3. Xã Sơn Hồng

2. Huyện Vũ Quang 1. Xã Hương Quang
3. Huyện Hương Khê 1. Xã Hòa Hải

 2. Xã Phú Gia

 3. Xã Hương Lâm

 4. Xã Hương Vĩnh

 12. QUẢNG BÌNH

1. Huyện Lệ Thủy 1. Xã Lâm Thủy

 2. Xã Kim Thủy

2. Huyện Quảng Ninh 1. Xã Trường Sơn
3. Huyện Bố Trạch 1. Xã Thượng Trạch
4. Huyện Minh Hóa 1. Xã Thượng Hóa

 2. Xã Dân Hóa

 3. Xã Trọng Hóa

 4. Xã Hóa Sơn

5. Huyện Tuyên Hóa 1. Xã Thanh Hóa

 13. QUẢNG TRỊ

1. Huyện Đa Krông 1. Xã A Bung

 2. Xã A Ngo

 3. Xã A Vao

 4. Xã Ba Nang

 5. Xã Tà Long

2. Huyện Hương Hóa 1. Xã Hướng Lập

 2. Xã Hướng Việt

 3. Xã Hướng Phùng

 4. Xã Tân Long

 5. Xã Tân Thành

 6. Xã Thuận

 7. Xã Thanh

 8. Xã A Xing

 9. Xã A Túc

 10. Xã Xi

 11. Xã Pa Tầng

 12. Xã A Dơi

 13. Thị trấn Lao Bảo

 14. THỪA THIÊN HUẾ

1. Huyện A Lưới 1. Xã Hồng Thủy

 2. Xã Hồng Vân

 3. Xã Hồng Trung

 4. Xã Hồng Bắc

 5. Xã Nhâm

 6. Xã Hồng Thái

 7. Xã Hồng Thượng

 8. Xã Hương Phong

 9. Xã Đông Sơn

 10. Xã A Đớt

 11. Xã A Roàng

 12. Xã Hương Nguyên

 15. QUẢNG NAM

1. Huyện Tây Giang 1. Xã BHa Lê

 2. Xã A Nông

 3. Xã A Tiêng

 4. Xã Lăng

 5. Xã Tr`Hy

 6. Xã A Xan

 7. Xã Ch`ơm

 8. Xã Ga Ri

2. Huyện Nam Giang 1. Xã Chơ Chun

 2. Xã La ÊÊ

 3. Xã La Dê

 4. Xã Đắc Tôi

 5. Xã Đắc Pre

 6. Xã Đắc Prinh

 16. KON TUM

1. Huyện Đắk Glei 1. Xã Đắk Blô

 2. Xã Đắk Nhong

 3. Xã Đắk Long

2. Huyện Ngọc Hồi 1. Xã Đắk Dục

 2. Xã Đắk Nông

 3. Xã Đắk Xú

 4. Xã Bờ Y

 5. Xã Sa Loong

3. Huyện Sa Thầy 1. Xã Mô Rai

 2. Xã Rờ Cơi

 3. Xã Ia Dom

 4. Xã Ia Đal

 5. Xã Ia Tơi

 17. GIA LAI

1. Huyện IaGrai 1. Xã IaO

 2. Xã Ia Chía

2. Huyện Đức Cơ 1. Xã Ia Dom

 2. Xã Ia Nan

 3. Xã Ia Pnôn

3. Huyện Chư Prông 1. Xã Ia Púch

 2. Xã Ia Mơ

 18. ĐẮK LẮK

1. Huyện Buôn Đôn 1. Xã Krông Na
2. Huyện Ea Súp 1. Xã Ea Bung

 2. Xã Ia Lốp

 3. Xã Ia Rvê

 19. ĐĂK NÔNG

1. Huyện Tuy Đức 1. Xã Quảng Trực

 2. Xã Đăk Bù So

2. Huyện Đăk Song 1. Xã Thuận Hà

 2. Xã Thuận Hạnh

3. Huyện Đăk Mil 1. Xã Thuận An

 2. Xã Đăk Lao

4. Huyện Cư Jút 1. Xã Đăk Wil

 20. BÌNH PHƯỚC

1. Huyện Lộc Ninh 1. Xã Lộc Thành

 2. Xã Lộc Thinh

 3. Xã Lộc Thiện

 4. Xã Lộc Tấn

 5. Xã Lộc Thạnh

 6. Xã Lộc Hòa

 7. Xã Lộc An

2. Huyện Bù Đốp 1. Xã Tân Thành

 2. Xã Thanh Hòa

 3. Xã Hưng Phước

 4. Xã Phước Thiện

 5. Xã Thiện Hưng

 6. Xã Tân Tiến

3. Huyện Bù Gia Mập 1. Xã Bù Gia Mập

 2. Xã Đắc Ơ

 21. TÂY NINH

1. Huyện Tân Châu 1. Xã Tân Hòa

 2. Xã Suối Ngô

 3. Xã Tân Đông

 4. Xã Tân Hà

2. Huyện Tân Biên 1. Xã Tân Lập

 2. Xã Tân Bình

 3. Xã Hòa Hiệp

3. Huyện Châu Thành 1. Xã Phước Vinh

 2. Xã Biên Giới

 3. Xã Hòa Thạnh

 4. Xã Hòa Hội

 5. Xã Thành Long

 6. Xã Ninh Điền

4. Huyện Bến Cầu 1. Xã Long Phước

 2. Xã Long Khánh

 3. Xã Long Thuận

 4. Xã Tiên Thuận

 5. Xã Lợi Thuận

5. Huyện Trảng Bàng 1. Xã Bình Thạnh

 2. Xã Phước Chỉ

 22. LONG AN

1. Huyện Đức Huệ 1. Xã Mỹ Quý Đông

 2. Xã Mỹ Quý Tây

 3. Xã Mỹ Thạnh Tây

 4. Xã Mỹ Bình

 5. Xã Bình Hòa Hưng

2. Huyện Thạnh Hóa 1. Xã Thuận Bình

 2. Xã Tân Hiệp

3. Huyện Mộc Hóa 1. Xã Bình Thạnh

 2. Xã Bình Hòa Tây

4. Thị xã Kiến Tường 1. Xã Thạnh Trị

 2. Xã Bình Hiệp

 3. Xã Bình Tân

5. Huyện Vĩnh Hưng 1. Xã Tuyên Bình

 2. Xã Thái Bình Trung

 3. Xã Thái Trị

 4. Xã Hưng Điền A

 5. Xã Khánh Hưng

6. Huyện Tân Hưng 1. Xã Hưng Hà

 2. Xã Hưng Điền B

 3. Xã Hưng Điền

 23. ĐỒNG THÁP

1. Huyện Tân Hồng 1. Xã Thông Bình

 2. Xã Tân Hộ Cơ

 3. Xã Bình Phú

2. Thị xã Hồng Ngự 1. Xã Bình Thạnh

 2. Xã Tân Hội

3. Huyện Hồng Ngự 1. Xã Thường Thới Hậu B

 2. Xã Thường Thới Hậu A

 3. Xã Thường Phước 1

 24. AN GIANG

1. Thị xã Tân Châu 1. Xã Vĩnh Xương

 2. Xã Phú Lộc

2. Huyện An Phú 1. Xã Phú Hữu

 2. Xã Quốc Thái

 3. Xã Khánh An

 4. Thị trấn Long Bình

 5. Xã Khánh Bình

 6. Xã Nhơn Hội

 7. Xã Phú Hội

 8. Xã Vĩnh Hội Đông

3. Thành phố Châu Đốc 1. Phường Vĩnh Ngươn

 2. Xã Vĩnh Tế

4. Huyện Tịnh Biên 1. Xã Nhơn Hưng

 2. Xã An Phú

 3. Thị trấn Tịnh Biên

 4. Xã An Nông

5. Huyện Tri Tôn 1. Xã Lạc Quới

 2. Xã Vĩnh Gia

 25. KIÊN GIANG

1. Thị xã Hà Tiên 1. Xã Mỹ Đức

 2. Phường Đông Hồ

2. Huyện Giang Thành 1. Xã Phú Mỹ

 2. Xã Phú Lợi

 3. Xã Tân Khánh Hòa

 4. Xã Vĩnh Điều

 5. Xã Vĩnh Phú

 Tổng số: 25 tỉnh

103 huyện, thị xã, thành phố 435 xã, phường, thị trấn

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: 34/2014