Nguy hiểm từ việc vay tiền online

 Hoạt  động “tín dụng đen” thời gian gần đây có sự thay đổi về thủ đoạn, phương thức dẫn dụ. Đặc biệt, hình thức cho vay thông qua các ứng  dụng vay tiền trực tuyến (vay qua app) đang ngày càng diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh.

 Lãi suất 1.095%/năm

 Sợ hãi, thất thần. Nhiều nạn nhân của việc vay tiền giá cao đã trình báo trước cơ quan công an, khi họ bị đối tượng cho vay nặng lãi truy bức tới cùng. Có nạn nhân đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực. Một số khác cùng đường, tìm cách bán máu để lấy tiền trả nợ.

 Gần đây nhất, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh, phát hiện đường dây “tín dụng đen” và đòi nợ thuê liên quan đến Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (trụ sở tại đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Tại cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (người điều hành hai công ty trên) khai nhận, Công ty TNHH Lendtech chuyên kinh doanh trong lĩnh vực cầm đồ, cho cá nhân vay, còn Công ty TNHH Cashwagon lại chuyên tư vấn tài chính trực tuyến.

 Cụ thể, Công ty TNHH Cashwagon tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay qua trang web www.cashwagon.vn hoặc ứng dụng Cashwagon trên các app của điện thoại di động và chấp thuận cho khách hàng vay các khoản tiền từ 500 nghìn đồng đến 10 triệu đồng với lãi suất dao động từ 22 – 44%. Do tính chất phức tạp nên vụ việc và các đối tượng có liên quan được bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, thụ lý theo thẩm quyền.

 Trước đó, vào giữa tháng 5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 3 tiến hành điều tra làm rõ nhiều vụ cho vay nặng lãi xảy ra trên địa bàn, trong đó có đường dây cho vay nặng lãi do Trần Duy Tân (SN 1981, quê Hải Phòng, tạm trú phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) cầm đầu. Thông tin ban đầu, Tân nhờ bà Nguyễn Ngọc L. thành lập và đứng tên Công ty TNHH Trường Quý. Hoạt động chính là cầm đồ, nhưng phía sau thì Tân lại điều hành đường dây cho vay nặng lãi.

 Quy trình vay tiền, phí và tính lãi suất được Tân đưa ra rất cụ thể. Khách hàng có thể vay bằng hai hình thức: vay “đứng” (chỉ trả lãi hằng ngày cho đến khi trả tiền gốc) thì lãi suất dao động từ 15 – 30%/tháng, vay góp (trả lãi lẫn gốc mỗi ngày) thì lãi suất từ 15 – 20%/tháng. Điều kiện vay tiền rất đơn giản, chỉ cần người vay nộp cho Tân chứng minh nhân dân và bản phô-tô sổ hộ khẩu.

 Đáng nói, Tân khai chỉ nhớ cho tám người vay, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trong đó, chị T.L.B.N. (SN 1984, quận 3) và chồng đã vay của Tân nhiều lần. Trong đó, ngày 4-6-2019, chị N. vay “đứng” của Tân 400 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi một triệu đồng.

 Trong lúc giao tiền, Tân đã trừ trước 10 ngày tiền lãi, rồi chuyển khoản cho chị N. 360 triệu đồng. Được một tháng, vợ chồng chị N. đã trả đủ tiền gốc cho Tân. Những lần sau đó, vợ chồng chị N. tiếp tục vay tiền của Tân. Khi hai vợ chồng chậm trả lãi theo thỏa thuận, Tân đã tìm đến tận nơi ở để hăm dọa. Khám xét nơi ở cũng như công ty của Tân, cơ quan điều tra tìm thấy nhiều mã tấu và thùng sơn. Số “hàng” này gã dùng vào việc xử lý các con nợ chậm trả lãi hoặc không có khả năng chi trả.

 Cũng trong khoảng thời gian này, Công an TP Hồ Chí Minh bất ngờ ập vào kiểm tra tiệm cầm đồ 399 Trần Văn Giàu (quận Bình Tân), phát hiện đường dây cho vay nặng lãi do đối tượng Nguyễn Bá Mẽ (33 tuổi, quê ở Bắc Ninh) cầm đầu cùng một số đàn em. Tại đây, công an đã thu giữ nhiều dao, kiếm, mã tấu, tuýp sắt và cả súng. Đường dây này cho vay từ 5 triệu đến 300 triệu đồng với lãi suất từ 20 đến 45%/tháng. Cụ thể, nếu người vay trả góp hằng ngày cả gốc và lãi trong vòng 30 ngày thì lãi suất 20%/tháng. Còn nếu vay “đứng” thì lãi suất lên tới 45%/tháng.

 Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, bước đầu xác định Nguyễn Bá Mẽ cùng một đối tượng khác góp vốn lập đường dây vay nặng lãi với số vốn ban đầu chỉ ba tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn số tiền các đối tượng cho vay theo hồ sơ đã lên đến hơn 21 tỷ đồng.

 Biến tướng khó lường

 Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh, nhiều đường dây hoạt động cho vay nặng lãi do người nước ngoài đứng đầu, với số vốn lớn và số người vay lên đến hàng chục nghìn người. Như Công ty Vinfin và Beta có hơn 60.000 người vay, tổng số tiền lên đến 100 tỷ đồng và người vay phải chịu lãi suất “cắt cổ”.

 Trong quá trình hoạt động, các đối tượng tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động hệ điều hành Android hoặc iOS để cho vay tiền mang tên “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”. Khi có nhu cầu vay tiền, người vay được hướng dẫn tạo một tài khoản trên ứng dụng bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại và phải chịu phí dịch vụ rất cao.

 Với hình thức cho vay trên, dù nhìn sơ qua thấy số tiền cho vay ít ỏi nhưng thật ra các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.095%/năm. Qua một số vụ việc, có thể thấy các hình thức cho vay nặng lãi qua app đã có nhiều biến tướng và bùng phát mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh trật tự và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

 Về phía Bộ Công an, các đơn vị nghiệp vụ nhận định hiện nay, các tổ chức, cá nhân cho vay tiền đã lợi dụng tính nhanh, gọn của internet để lừa người dân vay tiền lúc khó khăn với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới hơn 1.000%/năm. Liên quan hình thức vay tiền qua app, theo Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, hiện Bộ đã giao cho Cục Cảnh sát hình sự xây dựng kế hoạch, đấu tranh, tiến công loại tội phạm này.

 Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh, mới đây Công an TP Hồ Chí Minh đã phát thông báo đến công an các quận, huyện, triển khai đến từng cán bộ, chiến sĩ đơn vị để kịp thời nắm bắt các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này nhằm có kế hoạch, phương hướng đấu tranh.

 PHẠM PHÚ LỮ

 Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/hiem-hoa-vay-tien-truc-tuyen-609046/

 Tag: đảo gì