ỦY BAN THƯỜNG VỤ |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Pháp lệnh số: 10/2014/UBTVQH13 |
 Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
 PHÁP LỆNH
 CẢNH SÁT MÔI TRƯỜNG
 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
 Căn cứ Nghị quyết số 45/2013/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014;
 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
 Chương I
 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
 Pháp lệnh này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát môi trường; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 Điều 2. Đối tượng áp dụng
 Pháp lệnh này áp dụng đối với Cảnh sát môi trường, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 Điều 3. Vị trí, chức năng của Cảnh sát môi trường
 Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.
 Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát môi trường
 1. Đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương và sự chỉ huy, quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an.
 2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
 3. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh tội phạm, vi phạm pháp luật theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ.
 4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ.
 5. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
 Điều 5. Xây dựng Cảnh sát môi trường
 1. Nhà nước xây dựng Cảnh sát môi trường cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia xây dựng, phối hợp, giúp đỡ Cảnh sát môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
 3. Cảnh sát môi trường được ưu tiên tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
 Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
 1. Đối với Cảnh sát môi trường:
 a) Các hành vi không được làm theo quy định của Luật Công an nhân dân;
 b) Cố ý bỏ lọt tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm;
 c) Lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường để gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 2. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân:
 a) Chống lại hoặc cản trở Cảnh sát môi trường thi hành công vụ;
 b) Giả danh Cảnh sát môi trường;
 c) Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc Cảnh sát môi trường thực hiện hành vi trái với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường;
 d) Trả thù, đe dọa trả thù, cản trở người làm chứng, người tố giác, người tố cáo hoặc người thân thích của họ trong việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
 Chương II
 NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA CẢNH SÁT MÔI TRƯỜNG
 Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường
 Trong phạm vi chức năng, Cảnh sát môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
 1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
 2. Áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
 3. Tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;
 4. Tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật;
 5. Tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của luật.
 Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định bằng văn bản của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
 6. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
 7. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách được quyền huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;
 8. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của luật; sử dụng thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
 9. Thu giữ mẫu vật, tài liệu, vật chứng liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính để kiểm định hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, giám định;
 10. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của luật;
 11. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ;
 12. Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;
 13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
 Điều 8. Tổ chức của Cảnh sát môi trường
 1. Tổ chức của Cảnh sát môi trường gồm:
 a) Cục thuộc Bộ Công an;
 b) Phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
 c) Đội thuộc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.
 2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể Điều này.
 Chương III
 BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CẢNH SÁT MÔI TRƯỜNG
 Điều 9. Trang bị của Cảnh sát môi trường
 Cảnh sát môi trường được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
 Điều 10. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường
 Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật Công an nhân dân; được hưởng chế độ về độc hại, trang bị phương tiện bảo hộ phòng, chống độc hại theo quy định của pháp luật.
 Điều 11. Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân
 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Cảnh sát môi trường trong thực hiện nhiệm vụ có thành tích thì được khen thưởng; bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Cảnh sát môi trường được bảo vệ và giữ bí mật theo quy định của pháp luật.
 Điều 12. Kinh phí hoạt động của Cảnh sát môi trường
 Kinh phí hoạt động của Cảnh sát môi trường do ngân sách nhà nước bảo đảm.
 Chương IV
 TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI CẢNH SÁT MÔI TRƯỜNG
 Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Công an
 1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát môi trường.
 2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát môi trường.
 3. Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của Cảnh sát môi trường; tổ chức đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường.
 4. Ban hành danh mục các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát môi trường.
 5. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Cảnh sát môi trường.
 6. Chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin, đào tạo, huấn luyện và trang bị cho Cảnh sát môi trường.
 Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
 1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp, hỗ trợ Cảnh sát môi trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
 2. Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hợp tác quốc tế, tư vấn cho Cảnh sát môi trường.
 Điều 15. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát môi trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
 Điều 16. Trách nhiệm của chính quyền địa phương
 Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chính quyền địa phương các cấp bảo đảm và tạo điều kiện để Cảnh sát môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
 Điều 17. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tuyên truyền, vận động Nhân dân, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; giám sát, giúp đỡ Cảnh sát môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
 Chương V
 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 Điều 18. Hiệu lực thi hành
 Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 6 năm 2015.
 Điều 19. Quy định chi tiết
 Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh.
 TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI  Nguyễn Sinh Hùng |