Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai
- Các loại tranh chấp đất đai
 Theo Khoản 24, Điều 3, Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
 – Tranh chấp về quyền sử dụng đất: Đây là tranh chấp giữa các bên với nhau về việc ai có quyền sử dụng hợp pháp đối với một mảnh đất nào đó. Tranh chấp về quyền sử dụng đất thường là tranh chấp về ranh giới đất; tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong các quan hệ ly hôn, thừa kế; tranh chấp để đòi lại đất như đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại, hoặc tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới
 – Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất: đây là tranh chấp thường xảy ra khi các chủ thể có những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất như mua bán, cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất hoặc các tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
 – Tranh chấp về mục đích sử dụng đất: đây là dạng tranh chấp ít gặp hơn, những tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì. Thông thường những tranh chấp này cũng dễ có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Tranh chấp chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
- Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai
 Tùy loại tranh chấp đất đai mà thủ tục, quy trình giải quyết tranh chấp đất đai có sự khác nhau. Tranh chấp đất đại có thể được giải quyết tại Tòa án hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 Tuy nhiên, dù giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng tại Tòa án hay thủ tục khiếu nại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thủ tục hòa giải tại UBND xã vẫn là bắt buộc.
- Quy trình Giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự tố tụng tại Tòa án: việc giải quyết tranh chấp đất đại tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án nơi có đất đai để được giải quyết.
 Đương sự gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án. Khi Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án, sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Khác với hoạt động hòa giải trước khi khởi kiện, đây là giai đoạn bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự do chính Tòa án chủ trì và tiến hành. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, hết 07 ngày mà các bên đương sự không thay đổi ý kiến thì tranh chấp chính thức kết thúc. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngay trong quá trình xét xử, các đương sự vẫn có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu không đồng ý các bên vẫn có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.
- Quy trình Giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự hành chính: trình tự này sẽ được áp dụng đối với những tranh chấp mà các đương sự không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định và lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân. Đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì khiếu nại đến chủ thể có thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Nếu một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 Trên đây là quy trình giải quyết tranh chấp về đất đai để quy khách tham khảo