Sử ký tư mã thiên
Một số khái niệm chủ yếu
- “Nhất tự thiên kim” (Một chữ ngàn vàng) – Sử Ký, liệt truyện Lã Bất Vi (呂不韋列傳): Lúc Lã Bất Vi viết xong tác phẩm Lã thị xuân thu, ông để một ngàn nén vàng ở cửa thành Hàm Dương, và nói rằng: Hữu năng tăng tổn nhất tự giả dữ thiên kim (有能增損一字者予千金), nghĩa là nếu ai thêm bớt được một chữ trong tác phẩm ấy, thì ông sẽ thưởng cho ngàn nén vàng.
- “Tứ hải thiên hạ” (Bốn biển dưới trời) – Sử Ký, bản kỷ Tần Thủy Hoàng (秦始皇本紀) có viết: Dĩ dưỡng tứ hải thiên hạ chi sĩ phỉ nhiên hương phong (以養四海、天下之士斐然鄉風) nghĩa là “để dạy phong-tục văn vẻ cho học trò trong cả nước”.
- “Danh thật nhất thể” (Tên và thật, cùng một bậc) – Trong Sử Ký, liệt truyện Trương Nghi (張儀列傳) viết: Thị ngã nhất cử nhi danh thật phụ dã (是我一舉而名實附也), nghĩa là “thế là ta làm một việc mà danh và thật tương hợp”.
- “Tửu trì nhục lâm” (Ao rượu, rừng thịt): Chương Ân Bản Kỷ (殷本紀) của Sử Ký viết về Trụ Vương, nổi tiếng là một ông vua dâm đãng, thường thết nhiều tiệc lớn, làm đầy ao với rượu và treo thịt trên cây trong rừng (以酒為池、縣肉為林).
Đặc điểm
 Không giống các văn bản lịch sử chính thức thời gian sau này, vốn chấp nhận học thuyết Khổng giáo, tuyên bố quyền lực thần thánh của các vị Hoàng đế và loại trừ ra ngoài vòng pháp luật mọi âm mưu chiếm ngôi báu, phong cách viết sử tự do và có chủ đích của Tư Mã Thiên đã được nhiều nhà thơ và tiểu thuyết sau này học tập. Đa số các thiên Liệt truyện đều là những đoạn văn miêu tả sống động các nhân vật và sự kiện, vì Tư Mã Thiên đã sử dụng một cách chính xác các câu chuyện lịch sử trong quá khứ làm nguồn thông tin của mình, và có điều chỉnh lại cho đúng với thực tế. Ví dụ, ông viết truyện Kinh Kha ám sát Tần Thuỷ Hoàng trong thiên “Thích khách liệt truyện” dựa trên lời kể của ông cố của một người bạn của cha ông, vốn là một vị quan cấp thấp trong triều nhà Tần và vụ ám sát xảy ra khi vị quan đó đang có mặt tại đó.
 Có thể thấy rằng Tư Mã Thiên làm nổi bật mặt tích cực của những người cầm quyền trong Bản kỷ, nhưng lại đưa mặt tiêu cực vào các quyển khác, và như vậy tác phẩm của ông cần phải được đọc toàn bộ để có được đầy đủ thông tin. Ví dụ, thông tin về việc Lưu Bang (sau này là Hán Cao Tổ), trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi sự truy đuổi của Hạng Vũ, đã đẩy con ông ra xe ngựa để làm xe nhẹ đi, đã không được chép lại trong tiểu sử của hoàng đế, nhưng lại được chép trong tiểu sử của Hạng Vũ. Ông cũng rất thận trọng trong việc cân bằng mặt tích cực với tiêu cực, ví dụ như tiểu sử của Lã hậu, vốn ghi chép về sự tàn ác của bà, ông đã chỉ ra ở cuối tiểu sử rằng, mặc cho cuộc sống cá nhân của bà có ra sao đi chăng nữa, Lã hậu vẫn mang lại hoà bình và thịnh vượng cho đất nước [8].
 Bên cạnh tính xác thực của sự kiện, nói như lời Tư Mã Thiên, “tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các chuyện trong đời chứ có sáng tác đâu” (thiên Tam đại thế biểu), song tác giả không chỉ thuật lại chuyện xưa một cách lạnh lùng. Ảnh hưởng bút pháp của Xuân Thu, nhưng tính khuynh hướng của Sử ký thể hiện sự khác biệt nhất định. Nếu Xuân Thu xuất phát từ lập trường bảo thủ của quý tộc thì Sử ký lại xuất phát từ lập trường tiến bộ, có những nét phù hợp với tư tưởng và tình cảm của nhân dân[9] đương thời.
 Sử ký lên án sự tàn bạo của tầng lớp thống trị (Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang và Vũ Đế), ca ngợi những nhà thơ yêu nước như Khuất Nguyên, đề cao các dũng sĩ khởi xướng khởi nghĩa nông dân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc như Trần Thiệp. Tư Mã Thiên viết sử có dụng ý nhằm “xét qua việc làm, tóm tắt trước sau, xét việc hưng vong thành bại”, “thấu hiểu sự biến đổi từ xưa đến nay”, để “ký thác”, để “hả điều căm giận” (trong thiên Báo Nhậm An thư). Điều đó phản ánh sự quan tâm của tác giả đến sự kiện không chỉ nằm ở bản thân sự kiện mà là cả tiến trình của chúng.[10].
Nguồn tư liệu
 Gia đình Tư Mã là những người viết sử cho hoàng đế nhà Hán. Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm giữ chức “Thái sử lệnh” và Tư Mã Thiên là người nối nghiệp. Vì thế, ông có thể xem được những lưu trữ, sắc lệnh và hồ sơ trong những năm đầu của nhà Hán. Tư Mã Thiên là một nhà sử học hoài nghi, có phương pháp và biết rất nhiều sách cổ, được viết trên phiếu tre và gỗ từ trước thời nhà Hán. Nhiều tư liệu mà ông sử dụng đã không còn tồn tại. Ông không chỉ sử dụng tài liệu lưu trữ và hồ sơ của triều đình, nhưng cũng phỏng vấn người dân và đi khắp Trung Quốc để xác minh thông tin. Trong quyển đầu tiên của Sử ký, “Ngũ Đế bản kỉ”, ông viết:
 Bản thân tôi đã đi về phía tây xa đến tận núi Không Động, phía bắc qua Trác Lộc, phía đông đến biển, và ở phía nam tôi đã đi thuyền theo Hoàng Hà và Hoài Hà. Những trưởng lão và người già ở những vùng đất khác nhau thường xuyên chỉ ra cho tôi những nơi mà Hoàng Đế, Nghiêu và Thuấn đã sống, và ở những nơi này các phong tục tập quán có vẻ khá khác nhau. Nói chung những lời kể của họ không khác gì mấy so với các bản văn cổ xưa dường như là gần với sự thật.
 Sử ký dùng “Ngũ Đế hệ điệp” (五帝系諜) và Kinh Thư là nguồn tư liệu để làm gia phả từ thời Hoàng Đế cho đến Chu Triệu cộng hòa (841 TCN-828 TCN). Tư Mã Thiên thường trích dẫn các nguồn tư liệu của ông. Ví dụ:
- Quyển đầu tiên, “Ngũ Đế bản kỉ”, ông viết, “Tôi đã đọc Kinh Xuân Thu và Quốc ngữ.”
- Trong quyển 13, “Bảng phả hệ của Ba thời đại”, Tư Mã Thiên viết: “Tôi đã đọc tất cả các gia phả của các vị vua (dieji 谍记) tồn tại từ thời Hoàng Đế.”
- Trong quyển thứ 14, “Biên niện sử của các vương”, ông viết: “Tôi đã đọc tất cả các biên niên sử của hoàng gia (chunqiu li pudie 春秋曆譜諜) cho đến thời của Chu Lệ vương.”.
- Trong quyển thứ 15, “Biên niện sử của sáu nước”, ông viết: “Tôi đã đọc biên niên sử của Tần (qin ji 秦記), và sách nói rằng Khuyển Nhung [một bộ lạc man rợ] đánh bại Chu U Vương [khoảng năm 771 TCN].”
- Trong quyển thứ 19, ông viết: “Tôi có dịp đọc qua hồ sơ của việc cấp thái ấp và biết đến trường hợp của Ngô Thần, Cấp hầu…. ” (Cha của Cấp hầu, Ngô Nhuế, được phong làm vương của Trường Sa ở Hồ Nam do lòng trung thành của ông với Hán Cao Tổ.)
- Trong quyển về nhà chính trị gia, nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên viết: “Tôi đã đọc [tác phẩm của Khuất Nguyên] Ly tao, Thiên Vấn (“Hỏi trời”), Chiêu hồn (gọi hồn), và Sở từ.”
 Tư Mã Thiên cũng viết về vấn đề liên quan với những nguồn tư liệu không đầy đủ, rời rạc và mâu thuẫn. Ví dụ, ông đã đề cập trong lời mở đầu của quyển 15 rằng các sổ ghi chép của các nước chư hầu được giữ trong kho lưu trữ của nhà Chu đã bị Tần Thủy Hoàng cho đem đốt bởi vì chúng chứa những lời chỉ trích và chế nhạo nhà Tần và rằng các biên niên sử của nhà Tần thì quá ngắn ngủi và không đầy đủ [12]. Trong quyển 13, ông cũng đề cập việc các biên niên và phả hệ của các văn bản cổ khác nhau “không đồng tình và mâu thuẫn với nhau”. Trong quyển thứ 18 của Sử ký, Tư Mã Thiên viết: “Tôi đã chỉ những gì nhất định, và trong trường hợp nghi ngờ sẽ để lại một khoảng trống” [13].
Độ tin cậy và chính xác
 Các học giả đã đặt câu hỏi về tính xác thực của các vị vua huyền thoại trong thời kỳ cổ đại được đưa ra bởi Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên bắt đầu Sử ký với những miêu tả về Ngũ Đế, vốn được nhiều học giả hiện đại, chẳng hạn như những người từ Nghi Cổ Phái, cho là những vị thần địa phương của Trung Quốc cổ đại [14]. Tư Mã Thiên loại bỏ các yếu tố siêu nhiên và thần bí vốn mâu thuẫn với sự tồn tại của họ như những nhà cai trị có thật, và do đó bị chỉ trích vì đã biến huyền thoại và văn hóa dân gian thành lịch sử [14].
 Tuy nhiên, vào năm 1954, theo Joseph Needham, người dựa trên mô tả của Tư Mã Thiên về các vị vua của nhà Thương đã viết như sau:
 It was commonly maintained that Ssuma Chhien [Sima Qian] could not have adequate historical materials for his account of what had happened more than a thousand years earlier. One may judge of the astonishment of many, therefore, when it appeared that no less than twenty-three of the thirty rulers’ name were to be clearly found on the indisputably genuine Anyang bones. It must be, therefore, that Ssuma Chhien [Sima Qian] did have fairly reliable materials at his disposal—a fact which underlines once more the deep historical-mindedness of the Chinese—and that the Shang dynasty is perfectly acceptable.
 Trong khi một số khía cạnh lịch sử của nhà Thương do Tư Mã Thiên cung cấp đều được hỗ trợ bởi các dòng chữ trên xương bói toán, vẫn chưa có các bằng chứng khảo cổ học nào chứng minh lịch sử của nhà Hạ theo những ghi chép của Tư Mã Thiên.
 Ngoài ra còn có sự khác biệt trong thực tế chẳng hạn như ngày tháng giữa các phần khác nhau của tác phẩm. Đây có thể là một kết quả của việc Tư Mã Thiên sử dụng các nguồn tài liệu khác nhau [16].
Bổ sung và chỉnh lý bởi các tác giả khác
 Sau khi hoàn thành Sử ký vào khoảng năm 91 TCN, bản thảo gần như hoàn thành của tác phẩm được cất giấu trong nơi ở của con gái Tư Mã Thiên là Tư Mã Anh (司馬英), để tránh cho nó không bị phá hủy dưới thời của Hán Vũ Đế và người kế nhiệm là Hán Chiêu Đế. Sử ký cuối cùng cũng đã được phổ biến trong thời cai trị của Hán Tuyên Đế của cháu Tư Mã Thiên (thông qua con gái của ông) là Dương Uẩn (杨惲), sau một thời gian khoảng 20 năm.
 Những thay đổi trong bản thảo của Sử ký trong thời gian gián đoạn này đã luôn luôn gây ra tranh cãi giữa các học giả. Đó là việc văn bản ít nhiều gì được hoàn toàn vào khoảng năm 91 TCN trong thư gửi Nhâm An, và Tư Mã Thiên đã nêu rõ con số chính xác của các quyển cho từng thiên của Sử ký [17]. Sau khi ông qua đời (có lẽ chỉ một vài năm sau đó), vài người đã có cơ hội để xem toàn bộ công trình. Tuy nhiên, nhiều bổ sung khác nhau cho Sử ký vẫn được làm. Nhà sử học Lưu Tri Kỷ (劉知幾, 661-721) nêu lên tên của tổng cộng mười lăm học giả được cho là đã bổ sung cho Sử ký trong thời kỳ sau cái chết của Tư Mã Thiên. Chỉ có những bổ sung bởi Trử Thiểu Tôn (褚少孫, khoảng năm 105 TCN – khoảng năm 30 TCN) được chỉ rõ bằng cách thêm câu “Ông Trử nói” (Chu xiansheng yue, 褚先生曰).
 Ngay trong thế kỷ thứ nhất, Ban Bưu và Ban Cố tuyên bố rằng mười thiên trong Sử Ký Tư Mã Thiên bị thiếu. Một số lượng lớn các chương nói về thế kỷ đầu tiên của nhà Hán (tức là thế kỷ thứ II TCN) tương ứng chính xác với các chương liên quan từ Hán thư (Hanshu). Hiện chưa rõ liệu những chương đầu là đến từ Sử ký hoặc từ Hán thư. Nhà nghiên cứu Yves Hervouet (1921-1999) và A.F.P. Hulsewé lập luận rằng bản gốc của 10 thiên nói trên của Sử ký đã bị thất lạc và sau đó được tái tạo lại bằng các thiên tương ứng từ Hán thư [18]
Đánh giá
 Theo lời bàn của Ban Bưu thì Sử ký:
“ | Nhặt kinh, lượm chuyện, phân tán sự việc của một số nhân vật rất đổi sơ lược, có khi xúc phạm đến người ta. Được một điều là sự tìm kiếm cũng khá rộng, sách viết cũng có quán xuyến kinh truyện, rong ruỗi xưa nay, trên dưới đến vài ngàn năm, có thể nói là cần cù siêng năng. Lại nữa, sách bàn phải trái thì sai lầm nhiều so với lời thánh nhân; luận đạo lớn thì để Hoàng lão lên trước, lục kinh xuống sau; kể về du hiệp thì thoái kẻ xử sĩ mà tiến kẻ gian hùng, nói về hóa thực thì đề cao thế lợi mà cho nghèo hèn là đáng khinh bỉ, đó là những điểm thiếu sáng suốt vậy. | ” |
 Lục Giả thời Hán làm sách Hán Sở xuân thu có nói:
“ | Điều trái phải tuy dựa vào Nho gia làm gốc, song chức vụ Thái sử nguyên từ Đạo gia mà ra; cha của Tư Mã Thiên là Đàm cũng sùng thượng Hoàng lão, cho nên Sử ký tuy có sai lầm về nho thuật, nhưng có thể cho là nổi được cái nghiệp cũ đã cách xa lâu ngày, Huống chi phát phẫn mà làm sách, ý nghĩa khá kích động. | ” |
 Tuy nhiên theo lời của Mao Khôn thì:
“ | Đọc chuyện du hiệp, thì lập tức muốn coi thường sự sống, đọc truyện Khuất Nguyên, Giả Nghị thì lập tức muốn trào nước mắt, đọc truyện Trang Chu, Lỗ Trọng Liên thì lập tức muốn vất bỏ cuộc đời, đọc truyện Lý Quảng thì lập tức muốn đứng dậy chiến đấu, đọc truyện Thạch Kiến lập tức muốn cúi mình, đọc truyện Tính Lăng Quân, Bình Nguyên Quân thì lập tức muốn nuôi kẻ sĩ. | ” |
 Ngoài ra theo như Hán Thư đã nói rằng, tuy là một tác phẩm đồ sộ, độc đáo nhưng Sử ký vẫn có chỗ khuyết, nên người viết tiếp nổi lên như bời, các văn nhân đời sau như Giả tiên sinh, Phùng Thương, Lưu Hâm tiếp tục bổ sung, chỉnh lý những chỗ sai sót, nhầm lẫn của Tư Mã Thiên, Hán thư cũng có chỗ từ Lưu Hâm mà ra, cho nên Thôi Thích cho rằng văn Sử ký so với toàn bộ có chỗ trái, so với Hán Thư có chỗ hợp, đó là những chỗ Lưu Hâm viết tiếp thêm vậy. Còn nhiều niên đại xa cách khác nhau chương cú cắt xé ra thì chắc là do những kẻ càn quấy đời sau thêm vào và những người đời sau sao chép viết sai đi một nửa.[19]
Bản in
 Sử Ký có khá nhiều bản in khác nhau, bản in sớm nhất hiện tại là bản sao từ những bản bị thất lạc và được lưu hành trong thời Nam Bắc triều (420 – 589). Bản khắc sớm nhất và còn sót lại là bản “Sử Ký Tập Giải” (史記集解) thời Bắc Tống. Bản in của Hoàng Thiện Phu thời Nam Tống có lẽ là bản khắc sớm nhất tập hợp chú giải của ba nhà hiện là bản được Trung Hoa thư cục phát hành phổ biến, gồm bản giản thể và phồn thể, ngoài ra còn có bản “Tam Gia Chú” (ba nhà chú thích) được ấn bản lần hai và được coi là bản tốt nhất hiện nay.
 Bản văn Bạch Thoại làm theo có “Tân Bạch Thoại Sử Ký” do Hàn Triệu Kỳ chú thích. (bản giản thể tự do Trung Hoa thư cục xuất bản, bản phồn thể hay chính thể tự do Đài Bắc Đài Loan Cổ Tịch xuất bản), và “Sử Ký” do Trương Liệt chú thích (Bản giản thể tự do nhà xuất bản Quý Châu Cổ Tịch xuất bản, chính thể tự do Đài Bắc Đài Loan Cổ Tịch xuất bản).
 Ngoài ra còn có rất nhiều bản chú giải về Sử Ký trong thời Trung Quốc hiện đại như “Sử Ký cập Chú thích Tổng hợp dẫn đắc“do nhà xuất bản Đại học Harvard Yên Kinh biên soạn, “Sử Ký Tác Dẫn” do Hoàng Phúc Loan biên soạn, “Sử Ký Tác Dẫn” do Lý Hiểu Quang, Lý Ba biên tập, “Sử Ký Nhân danh Tác dẫn” do Chung Hoa biên tập, “Sử Ký Tam gia Chú dẫn thư Tác dẫn” do Đoạn Thư An biên tập, và cuốn “Sử Ký Từ điển” do Thương Tu Lương chủ biên.
 Hiện có rất nhiều bản Sử Ký được tìm thấy rất quý hiếm, có tầm quan trọng như một số bản được liệt kê ở dưới.
Năm | Nhà xuất bản | Kỹ thuật in | Ghi chú |
---|---|---|---|
Nam Tống (1127 – 1279) | Hoàng Thiện Phu | Bản khắc | Viết tắt là Hoàng Thiện Phu bản (黄善夫本) |
Minh, giữa thời Gia Tĩnh và Vạn Lịch (giữa năm 1521 và 1620) | Quốc Tử Giám ở Nam Kinh và Bắc Kinh | Bản khắc | Xuất bản trong Nhị Thập nhất Sử. Viết tắt là Giám bản (監本) |
Minh | Xuất bản bởi Mao Thị (毛晋), 1599 – 1659) và Cấp Cổ Các (汲古閣) | Bản khắc | Xuất bản trong Nhị Thất Sử. Viết tắt là Mao Khắc bản (毛刻本) hoặc Cấp Cổ Các bản (汲古閣本) |
Thanh, trong thời của Càn Long (1711 – 1799) | Điện Vũ Anh | Bản khắc | Xuất bản trong Nhị thập tứ sử, viết tắt là Vũ Anh điện bản (武英殿本) hoặc Điện bản (殿本) |
Thanh, trong thời của Đồng Trị (1856 – 1875) | Kim Lăng Thư Cục (ở Nam Kinh) | Bản khắc | Chỉnh lý bởi Trương Văn Hổ. Xuất bản thành 130 quyển [bản khắc tổng hợp “Sử Ký Tập Giải Tác Ẩn Chính Nghĩa”] trang 3). Viết tắt là Kim Lăng cục bản (金陵局本) |
Chú dẫn
 Việc chú thích, bình luận niên đại trong Sử Ký chủ yếu có ba nhà, một là bản “Sử Ký Tập Giải” của Bùi Nhân thời Lưu Tống, hai là “Sử Ký Tác Ẩn” của Tư Mã Trinh và “Sử Ký Chính Nghĩa” của Trương Thủ Tiết đời Đường, toàn bộ lời bình luận, chú giải đều được cả ba nhà tổng kết từ Sử Ký. “Sử Ký Chí Nghi” của Lương Học Thằng đời Thanh được coi là một trước tác tập hợp các nghiên cứu về Sử Ký. Ở thời Cận đại có cuốn “Sử Ký Hội Chú Khảo Chứng” của học giả Nhật Bản là Takigawa Sukekoto biên soạn được coi là một tác phẩm trứ danh. Đương thời còn có cuốn “Sử Ký Tiên Chứng” của Hàn Triệu Kỳ, nhưng tất cả vẫn lấy trước tác của ba nhà xưa chú thích và quyển “Sử Ký Hội Chú Khảo Chứng” làm cơ sở, là tác phẩm chú giải tường tận và chi tiết nhất về Sử Ký. Sau đây là danh sách liệt kê các tác giả chú thích và tác phẩm của họ trong từng triều đại, từng thời kỳ lịch sử.
Tác phẩm | Tác giả | Triều đại Trung Quốc | Nguồn gốc |
---|---|---|---|
Sử Ký Tập Giải | Bùi Nhân | Nam Bắc triều, Lưu Tống | |
Sử Ký Tác Ẩn | Tư Mã Trinh | Đường | |
Sử Ký Chính Nghĩa | Trương Tiết Thủ | Đường | |
Hán Thư Chú | Nhan Sư Cổ | Đường | |
Sử Thông | Lưu Tri Kỷ | Đường | |
Cổ Sử | Tô Triệt | Bắc Tống | |
Học Lâm | Vương Quan Quốc | Bắc Tống | |
Dung Trai Tùy Bút | Hồng Mại | Nam Tống | |
Đông Lai Tập | Lữ Tổ khiêm | Nam Tống | |
Ban Mã Tự Loại | Lâu Ky | Nam Tống | |
Ban Mã Dị Đồng | Nghê Tư | Nam Tống | |
Tập Học Ký Ngôn | Diệp Thích | Nam Tống | |
Hoàng Thị Nhật Sao | Hoàng Chấn | Nam Tống | |
Khốn Học Kỉ Vấn | Vương Ứng Lân | Nam Tống | |
Hô Nam Di Lão Tập | Vương Nhược Hư | Nam Tống | |
Tư Trị Thông Giám Âm Chú | Hồ Tam Tỉnh | Nam Tống | |
Nhân Sơn Văn Tập | Kim Lý Tường | Nam Tống | |
Đan Duyên Tổng Lục | Dương Thận | Minh | |
Sử Ký Khảo Yếu | Kha Duy Kỳ | Minh | |
Sử Thuyên | Trình Nhất Chi | Minh | |
Chấn Xuyên Tập | Quy Hữu Quang | Minh | |
Sử Ký Sao | Mao Khôn | Minh | |
Bí Viên Tập | Đổng Phân | Minh | |
Sử Ký Bình Lâm | Lăng Trĩ Long | Minh | |
Sử Ký Trắc Nghĩa | Trần Tử Long | Minh | |
Sử Ký Khảo | Trần Nhân Tích | Minh | |
Độn Ngâm Tập | Phùng Ban | Minh | |
Tương Phàm Đường Tập | Phó Chiêm Hành | Minh | |
Nhật Tri Lục | Cố Viêm Vũ | Minh | |
Đắc Thụ Lâu Tạp Sao | Tra Thận Hành | Thanh | |
Sử Ký Chú Bổ Chính、Vọng Khê Văn Tập | Phương Bao | Thanh | |
Nghĩa Môn Độc Thư ký | Hà Trác | Thanh | |
Xuân Thu Đại Sự Biểu | Cố Đống Cao | Thanh | |
Độc Sử Ký Thập Biểu | Uông Việt | Thanh | |
Bạch Thiên Sơn Phòng Tạp Trứ | Vương Mậu Hoành | Thanh | |
Điện Bản Sử Ký Khảo Chứng | Trương Chiếu | Thanh | |
Sử Ký Vấn Đáp | Hàng Thế Tuấn | Thanh | |
Sử Ký Công Thần Hầu Biểu Khảo Chứng | Tề Triệu Nam | Thanh | |
Kinh Sử Vấn Đáp | Toàn Tổ Vọng | Thanh | |
Sử Ký Chí Nghi | Lương Ngọc Thằng | Thanh | |
Thập Thất Sử Thương Các | Vương Minh Thịnh | Thanh | |
Nhị Thập Nhị Sử Tráp Ký | Triệu Dực | Thanh | |
Chấp Nhị Sử Khảo dị | Tiễn Đại Hân | Thanh | |
Hán Thư Biện Nghi | Tiễn Đại Chiêu | Thanh | |
Tam Thư Chính Ngoa、Nguyệt Biểu Chính Ngoa | Vương Nguyên Khải | Thanh | |
Kim Thạch Tụy Biên | Vương Sưởng | Thanh | |
Sử Ký Tả Truyện Điêu Đề | Trung Tỉnh Tích Đức | Thanh | |
Long Thành Trát Ký、Chung Sơn Trát Ký | Lư Văn Siêu | Thanh | |
Tích Bão Hiên Bút Ký | Diêu Nãi | Thanh | |
Khảo Tín Lục | Thôi Thuật | Thanh | |
Độc Thư Tạp chí | Vương Niệm Tôn | Thanh | |
Kinh Truyện Thích Từ、Kinh Nghĩa Thuật Vấn | Vương Dẫn Chi | Thanh | |
Tứ Sử Phát Phục | Hồng Lượng Cát | Thanh | |
Độc Thư Tùng Lục | Hồng Di Huyên | Thanh | |
Hán Thư Sơ Chứng | Thẩm Khâm Hàn | Thanh | |
Sử Ký Lễ Trắc | Lâm Bá Đồng | Thanh | |
Đồng Uất Đẩu Hiên Tùy Bút | Thẩm Đào | Thanh | |
Cảnh Cư Tập | Hoàng Thức Tam | Thanh | |
Bộc Thư Tạp Ký | Tiễn Thái Cát | Thanh | |
Giáo San Sử Ký Trát Ký、Thư Nghệ Thất Tùy Bút | Trương Văn Hổ | Thanh | |
Cầu Khuyến Trai Độc Thư Lục | Tăng Quốc Phiên | Thanh | |
Sử Ký Trát Ký | Quách Tung Đảo | Thanh | |
Hán Thư Chú Bổ Chính | Chu Thọ Xương | Thanh | |
Hồ Lâu Bút Đàm | Du Việt | Thanh | |
Việt Man Đường Nhật Ký | Lý Từ Minh | Thanh | |
Sử Ký Hán Thư Tỏa Ngôn | Thẩm Gia Bản | Thanh | |
Hán Thư Bổ Chú | Vương Tiên Khiêm | Thanh | |
Sử Ký Tham Nguyên | Thôi Thích | Thanh | |
Sử Ký Hội Chú Khảo Chứng | Takigawa Sukekoto | Minh Trị | |
Quan Đường Tập Lâm | Vương Quốc Duy | Thanh | |
Sử Ký Đính Bổ | Lý Lạp | Trung Hoa Dân Quốc | |
Sử Lâm Tạp Thức | Cố Hiệt Cương | Trung Hoa Dân Quốc | |
Sử Ký Tân Chứng、Hán Thư Tân Chứng | Trần Trực | Trung Hoa Dân Quốc |
 tag: mã thiên ký pdf