Hiệu quả của tối ưu ASO tăng thứ hạng từ khoá trên store Có thể bạn sẽ tự hỏi:
  “Có vẻ ASO hiệu quả đấy nhỉ, nhưng tôi có thể làm được giống như bạn không?”
  Tất nhiên là bạn có thể rồi. Mình sẽ chia sẻ ba bước chính để bạn có thể tối ưu tăng thứ hạng từ khóa ứng dụng trong store một cách bài bản.
  3 bước tối ưu ASO để tăng thứ hạng từ khóa trên store:
Nghiên cứu và tìm đúng từ khóa cho ứng dụng.
Đặt từ khóa đúng cách
Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi visitor thành user.
  Chúng ta sẽ lần lượt đi từng bước một nhé!
#Từng bước thực hiện tối ưu tăng thứ hạng từ khóa trên store
1. Nghiên cứu từ khóa
  Một trong những công đoạn quan trọng nhất những cũng nhàm chán nhất để cải thiện thứ hạng từ khóa tìm kiếm ứng dụng đó là nghiên cứu từ khóa.
  Việc bạn tìm được đúng từ khóa sẽ giúp bạn giảm thiểu rất nhiều chi phí để quảng bá ứng dụng. Vì vậy, bạn không nên làm qua loa bước này, mà ngược lại, bước này cần phải làm thật kỹ và bài bản.
1.1 Tìm kiếm ý tưởng từ khóa cho ứng dụng
  Để tìm kiếm từ khóa, trước hết bạn cần lên một danh sách các từ khóa tiềm năng trước. Từ khóa tiềm năng là từ khóa liên quan đến ứng dụng của bạn, lượng tìm kiếm tốt và độ cạnh tranh thấp.
  Dưới đây là một số công cụ giúp bạn làm điều đó.
Keyword Suggestions (chỉ dành cho iOS mobile app developers)
Ubersuggest (Hoàn toàn miễn phí)
 
Công cụ nghiên cứu từ khóa
  Ví dụ như hình bên trên, mình thử kiểm tra với từ khóa “flashlight”. Công cụ gợi ý cho mình một loạt từ khóa liên quan kèm theo các thông số quan trọng như: Lượng tìm kiếm, mức độ cạnh tranh của từ khóa…
Tip: Ý tưởng từ khóa từ phần đánh giá của người dùng
  Bạn có biết là ngay cả nội dung trong phần đánh giá của người dùng cũng được công cụ tìm kiếm lập chỉ mục không?
  Đây chính là một mỏ ý tưởng để bạn có khai thác. Bạn có thể lướt qua một loạt đánh giá của người dùng với các app đối thủ để tìm kiếm từ khóa tiềm năng. Bạn nên nhớ rằng, khi người dùng viết những dòng đánh giá đó chính là những điều mà thị trường mong muốn.
Tip: Từ khóa đón trend
  Khi bạn tìm kiếm ý tưởng từ khóa, bạn có thể thêm một vài từ đang là trend tại thời điểm đó. Ví dụ, năm 2020 tổ chức Olympics tại Nhật. Nếu ứng dụng của bạn có liên quan tới thể thao, thì có thể thêm từ “Tokyo”, “Japan”… bạn chắc chắn sẽ nhận thêm nhiều lượt tải hơn.
  Sau khi đã tìm được từ khóa ưng ý, chúng ta sẽ chuyển sang công đoạn tiếp theo: Tối ưu từ khóa.
1.2 Tối ưu từ khóa
  Ở bước trước, khi bạn đã liệt kê ra một danh sách những từ khóa tiềm năng. Bạn bắt buộc phải có kế hoạch để chọn lọc những từ khóa tốt nhất cho ứng dụng của mình.
  Dưới đây là một số công cụ sẽ giúp bạn chọn lọc:
Mobile Action
Sensor Tower
App Radar
  Tất cả những công cụ trên đều là công cụ trả phí nhưng có chế độ dùng thử 7 ngày miễn phí. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tận dụng 7 ngày miễn phí đó để hoàn thành việc nghiên cứu từ khóa cho ứng dụng của mình
  Dưới đây là một số tiêu chí để tối ưu và lựa chọn từ khóa:
Chiến lược chọn từ khóa : Với ứng dụng mới release, bạn nên chọn từ khóa có độ cạnh tranh thấp, lượng tìm kiếm vừa phải (khoảng trên dưới 1K/tháng là ổn). Sau khi ứng dụng đã có uy tín lớn hơn, bạn bắt đầu chọn từ khóa có độ khó cao hơn, lượng tìm kiếm cũng cao hơn.
Chọn từ khóa dài thay vì từ khóa ngắn: Tất nhiên, từ khóa ngắn thì lượng tìm kiếm cao hơn rất nhiều, nhưng bù lại lại rất khó cho ứng dụng chen chân top đầu. Vì vậy, hay đánh thị trường ngách, sau đó sẽ ra đường lớn sau.
Luôn theo dõi thứ hạng từ khóa : Khi ứng dụng đã phát hành, bạn vẫn tiếp tục theo dõi thứ hạng từ khóa để có thay thế từ khóa không hiệu qua trong lần cập nhật lần sau.
  > Gợi ý: Công cụ theo dõi từ khóa: App Annie
2. Đặt từ khóa đúng chỗ
  Sau công đoạn nhàm chán nghiên cứu từ khóa, giờ là lúc bạn cần phải đặt từ khóa “đúng nơi quy định” để có thể tăng thứ hạng từ khóa trên store hiệu quả nhất.
  Trên cả Google Play/App Store, ứng dụng của bạn có một số nơi có thể chèn từ khóa.
  Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua nhé!
2.1 Tên ứng dụng
  Đặt tên ứng dụng vừa đảm bảo sáng tạo lại vừa dễ tìm kiếm là cả một nghệ thuật. Nó không chỉ nơi đầu tiên nói cho người dùng biết chức năng chính của ứng dụng, mà còn giúp ứng dụng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
  Theo một số nghiên cứu, khi đặt từ khóa trong tên ứng dụng, sẽ giúp tăng 10,3% thứ hạng.
Ảnh hưởng của từ khóa trong tên ứng dụng
  Cả Google Play và iOS App Store đều ưu tiên xếp hạng cao ứng dụng có tên trùng với từ tìm kiếm của người dùng. Vì vậy, lời khuyên của mình là đừng dại gì mà bỏ qua việc chèn từ khóa vào tên ứng dụng.
  Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Bạn đừng lạm dụng quá điều này. Bạn cần phải cân bằng giữa từ khóa và thương hiệu của ứng dụng.
  Dưới đây là một số ví dụ:
Ví dụ về cách đặt tên ứng dụng tinh tế
Các bạn lưu ý nhé: Không nên sử dụng ký tự đặc biệt (ví dụ tên nhãn hiệu hoặc biểu tượng bản quyền) trong tên ứng dụng. Đặc biệt là với iOS App Store. Vì chúng sẽ khiến ITunes tìm kiếm ID của ứng dụng thay vì tên ứng dụng khi người dùng tìm kiếm. Do đó, ứng dụng của bạn hầu như không có cơ hội được tìm thấy.
2.2 App subtitle (Dành riêng cho iOS App Store)
  Bắt đầu từ iOS 11, Apple sẽ cho phép hiển thị thêm một đoạn text ngắn ngay dưới tên ứng dụng, gọi là app subtitle.
 
  Subtitle chỉ giới hạn trong 30 ký tự. Đây là nơi lý tưởng để truyền đạt giá trị cốt lõi của ứng dụng. Quan trọng hơn hết là phần subtitle này cũng được lập chỉ mục để tìm kiếm.
  Vì vậy, bạn hãy chắc chắn có chèn từ khóa quan trọng vào subtitle nhé.
2.3 App description ( phần dành cho Google Play)
  Google Play chia phần mô tả ứng dụng thành 2 phần: miêu tả ngắn (tối đa 80 ký tự) và miêu tả đầy đủ (tối đa 4000 ký tự).
  Do đặc thù được phép viết nhiều trong phần mô tả này, nên bạn có thể thoải mái triểu khai từ khóa của mình vào đây.
Lưu ý này: Với từ khóa quan trọng, bạn nên lặp lại ít nhất 5 lần. Mục đích là để báo hiệu cho Google biết rằng ứng dụng phù hợp với từ khóa đó nhất.
  Ngoài ra, phần mô tả này còn hỗ trợ cả các thẻ HTML. Do vậy, bạn có thể chèn các thẻ heading như <h1>, <h2>… để nhấn mạnh từ khóa quan trọng. Với định dạng HTML, phần mô tả cũng giúp bạn trình bày rõ ràng, sạch đẹp và có thiện cảm với người dùng hơn.
2.4 App description (phần dành cho iOS App Store)
  Mặc dù App Store không tìm kiếm từ khóa trong phần mô tả ứng dụng. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn có thể bỏ qua phần này.
  Phần miêu tả này, bạn hãy viết “thật có tâm ” dành cho người dùng. Nếu bạn thuyết phục được người dùng lý do để cài ứng dụng của bạn thì đã là thành công rồi.
  Ở phần này, bạn cần lưu ý một vài điểm như:
Hãy miêu tả thật ngắn gọn tính năng độc đáo, giá trị nhất của ứng dụng trong 3 dòng đầu tiên.
Nếu có thể, hãy liệt kê tất cả những giải thưởng, đề xuất của người có uy tín… mà ứng dụng bạn nhận được. Mục đích là tăng độ tin cậy, dẫn đến tăng tỷ lệ chuyển đổi cài đặt ứng dụng.
Cuối cùng, cố gắng dịch phần mô tả sang càng nhiều ngôn ngữ càng tốt. Không gì tốt hơn khi bạn tiếp cận tới khách hàng bằng ngôn ngữ của chính họ.
 
2.5 App Store Keyword field (chỉ dành cho iOS App Store)
 
  iOS App Store đã ưu ái dành riêng cho ứng dụng một nơi để điền những từ khóa. Hãy toàn bộ từ khóa mà bạn đã nghiên cứu và chắt lọc ở bước 1 vào đây nhé.
  Mình chỉ lưu ý một số chỉ số như:
Không vượt quá 100 ký tự
Các từ khóa cách nhau bằng dấy phẩy.
Không lặp từ khóa.
Sử dụng số thay vì đánh vần bằng chữ.
Không cần thiết thêm tên công ty, tên ứng dụng hay danh mục ứng dụng vào mục từ khóa này.
2.6 Tận dụng tính năng In-App Purchases
  Đây là tính năng giúp bạn có thể tạo thu nhập từ ứng dụng. Tuy nhiên, có một điều thú vị là cả Google Play/ App Store đều lập chỉ mục tìm kiếm với tên các vật phẩm bán bằng In-App purchases. Và đây chính là điểm có thể tối ưu để tăng lượt tải ứng dụng.
  Mình cũng một bài dành riêng cho việc tối ưu In-App Purchase để tăng thứ hạng từ khóa và lượt tải ứng dụng, các bạn tham khảo ở đây nhé: Sử dụng In-App Purchase để tối ưu ASO
3. Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi cài đặt ứng dụng
 
 
 
 
 
 
  Sau khi bạn đã có từ khóa tốt, cũng đã được tối ưu tốt để tăng khả năng hiển thị tới người dùng. Nhưng nếu ứng dụng lại không tạo được ấn tượng tới người dùng thì họ sẽ không cài ứng dụng của bạn. Và khi đó, mọi công sức ở bước 1, 2 đều trở thành vô nghĩa.
  Do đó, bước thứ 3 này sẽ giúp chúng ta tối ưu và tăng tỷ lệ chuyển đổi cài đặt ứng dụng. Lượt cài đặt mới là đích đến cuối cùng của tối ưu ASO.
  Dưới đây là những vấn đề mà bạn phải lưu tâm.
3.1 App Icon (logo ứng dụng)
  Có lẽ không cần phải bàn cãi về hiệu ứng của logo ứng dụng. Một ứng dụng có logo tốt có thể giúp tăng lượt tải tới 560% (theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường App Annie).
  Một logo tốt là logo đơn giản nhưng vẫn bắt mắt. Đừng nhồi nhé quá nhiều chữ hay biểu tượng vào không gian chật hẹp của logo.
  Về mặt kỹ thuật thì cần thiết kế logo sao cho nó vẫn hiển thị đẹp khi nó bị thu nhỏ.
  Để lấy cảm hứng thiết kế, bạn có thể duyệt qua logo của một loạt ứng dụng đối thủ hoặc các ứng dụng nằm trong top của store. Chỉ cần bạn lưu ý là tránh copy một cách lộ liễu, vì dễ vi phạm bản quyền.
Bạn chọn trường phái logo dạng trừu tượng hay tả thực?
  Nếu ứng dụng của bạn còn non trẻ, chưa có thương hiệu hoặc bạn muốn lột tả tính năng cốt lõi của ứng dụng thì có thể sử dụng đối tượng cụ thể trong logo.
  Nếu ứng dụng đã có thương hiệu, bạn có thể sử dụng logo công ty hay logo thương hiệu làm logo cho ứng dụng, nhằm tăng tính nhận diện thương hiệu.
  Để cho dễ hiểu, bạn có thể nhìn 1 logo ứng dụng bên dưới theo 2 trường phái khác nhau:
 
Sử dụng màu cho logo một cách khoa học
  Mỗi một màu sắc đều mang một thông điệp riêng. Nếu bạn biết điều đó, và sử dụng đúng cách, nó sẽ giúp bạn truyền tải hết thông điệp tới người dùng ngay từ lần nhìn đầu tiên.
Ý nghĩa của màu sắc trong thiết kế logo
3.2 Screenshots
  Theo một nghiên cứu của StoreMaven, 60% người dùng chỉ xem duy nhất 2 ảnh screenshots trên store và họ cũng không kiên nhẫn để vuốt xem các ảnh screenshot khác.
  Nếu đầu tư làm tốt với 2 screenshots đầu tiên, bạn đã giúp tăng 25% tỳ lệ chuyển đổi cài đặt ứng dụng.
  Hãy đảm bảo mỗi ảnh screenshot đều truyền tải một thông điệp duy nhất, một tính năng đặc biệt nhất của ứng dụng. Đừng nhồi nhét nhiều tính năng vào một ảnh screenshot.
  Không nên để ảnh screenshot là màn hình login, màn hình đăng ký, màn hình mua hàng, màn hình splash… Và đặc biệt nhớ là đừng để quảng cáo admob xuất hiện trong screenshot ?
  Cuối cùng, kinh nghiệm của mình là ảnh screenshot nên chụp màn hình ứng dụng để người tin tưởng và hiểu ứng dụng làm gì. Ngoài ra, nên chụp màn hình dọc thay vì màn hình ngang.
3.3 Ratings & Reviews
  Chỉ số đánh giá của người dùng thực sự ảnh hưởng rất nhiều tới tỷ lệ cài đặt ứng dụng . Khi một ai đó nhìn một ứng dụng, dù logo đẹp đấy, screenshot thú vị đấy nhưng nhìn đến phần rate mà chỉ có 3.0 thì 96,69% quyết định không cài.
  Nhưng làm thế nào để ứng dụng được rate 5 sao đây?
  Có một kinh nghiệm ở đây đó là: Đúng người đúng thời điểm. Hãy hiển thị một dialog đề nghị đánh giá ứng dụng đúng thời điểm. Chẳng hạn khi người dùng vừa hoàn thành một tác vụ, hoặc vừa đánh boss thành công trong game… Khi đó hãy đề nghị rate một cách tinh tế, đừng cầu xin.
  Mình thấy có rất nhiều ứng dụng hiển thị dialog yêu cầu rate một cách vô tội vạ. Có khi vừa cài ứng dụng, mở lên đã trình ình một dialog đập vào mặt bắt rate 5 sao. Bạn nghĩ tôi cho 5 sao à? Còn lâu đi.
  Đây là một ví dụ đề nghị rate cực hay, các bạn có thể tham khảo.
 
3.4 App Size (dung lượng bộ cài ứng dụng)
  Mặc dù, hiện nay tốc độ mạng đã cải thiện đáng kể, việc tải một ứng dụng có dung lượng tới hàng GB không phải là vấn đề quá nghiêm trọng.
  Tuy nhiên, với người dùng sử dụng mobile data (3G) thì có đôi chút lăn tăn. Đấy là còn chưa kể là giờ đây Google play còn hiển thị luôn dung lượng APK trong store. Ứng dụng càng lớn càng ngăn cản người dùng quyết định cài đặt ứng dụng của bạn.
  Theo kinh nghiệm, ứng dụng nên có kích thước dưới 100Mb với Google Play, dưới 200Mb với iOS App Store.
 
  Có nhiều cách để giảm dung lượng ứng dụng, với Android thì bạn có thể tham khảo cách làm này: Sử dụng App Bundle để giảm kích thước APK
3.5 Cập nhật ứng dụng thường xuyên
  Việc cập nhật ứng dụng thường xuyên để bạn cho người dùng và Google/Apple biết rằng bạn vẫn đang chăm chút cho ứng dụng.
  Ngoài ra, việc cập nhật giúp cải thiện lòng trung thành của người dùng.
  Tuy nhiên, khoảng thời gian cập nhật giữa các bạn là bao lâu? Nếu quá nhiều bản cập nhật trong thời gian ngắn lại cho thấy ứng dụng quá thiếu ổn định, có cảm giác ứng dụng còn nhiều lỗi… làm giảm lòng tin của người dùng.
  Theo nghiên cứu dựa trên thời gian cập nhật của 25 ứng dụng top đầu trên store, khoảng thời gian lý tưởng là 1- 2 tháng.
 
3.6 Bản địa hóa ứng dụng
  Bản địa hóa ứng dụng giúp bạn tiếp cận tới lượng người dùng lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ bản địa sẽ tạo thiện cảm tới họ. Nhờ đó tăng tính tương tác giữa ứng dụng và người dùng.
  Tuy nhiên, việc dịch toàn bộ ứng dụng sang nhiều ngôn ngữ là nhiệm vụ khá khó khăn. Do vậy, tối thiểu bạn nên dịch những phần xuất hiện trên store như: tên ứng dụng, phần mô tả, từ khóa, ảnh chụp màn hình…
  Đây là kinh nghiệm của mình, trước đây ứng dụng của mình chỉ có tiếng Anh. Nên người dùng chủ yếu là các nước như US, UK… Khi mình dịch sang các ngôn ngữ khác, lượng người dùng tăng đáng kể, tới 767%.
  Đây là bản đồ người dùng sau khi được dịch sang các ngôn ngữ khác. Bạn có thấy lượng người dùng không phải tiếng Anh rất nhiều không!
 
  Và đây là số liệu được thống kê từ công ty OneSky, doanh thu ứng dụng toàn cầu gồm:
Chỉ có 31% doanh thu đến từ Mỹ.
41% đến từ Châu Á
23% đến từ Châu Âu.
  Nếu ứng dụng chỉ có tiếng Anh là bạn đã bỏ qua rất nhiều cơ hội kiếm tiền rồi đấy.
#Tổng kết
  Phù! Trên đây là tổng hợp những kinh nghiệm để tăng thứ hạng từ khóa cho ứng dụng trên store. Việc seo apps lên Google Play giúp cho từ khóa ứng dụng bạn đạt top hiệu quả.
  Tất nhiên, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khổng lồ trong thế giới ASO. Vẫn còn rất nhiều thủ thuật khác như: Mua lượt cài đặt đẩy top, thuê review… Nhưng đó chỉ những thủ thuật mà mình gọi là ASO mũ đen, không bền và tốn kém.
  Giờ là lúc bạn ứng dụng những điều đã học được vào ứng dụng của mình thôi.