Thành kính phân ưu là gì
 “Phân ưu” 分憂 là từ Việt gốc Hán [分 = chia; 憂 = lo, buồn], đối dịch là “chia buồn”. Dù vậy, có sự khác nhau trong cách giải nghĩa từ vựng của các nhà biên soạn từ điển:
 – Từ điển tiếng Việt (Vietlex) giải thích: “phân ưu: 分憂 đg. [trang trọng] Chia buồn với gia đình có tang: “Quan phủ và quan Bố xin cáo thoái ra về, sau khi có vài lời phân ưu theo thói quen” (Vũ Trọng Phụng)”.
 – Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): “phân ưu đgt (H. ưu: lo buồn) Chia buồn với gia đình mới có tang: Phân ưu cùng người bạn mới mất vợ”.
 Tuy nhiên, “phân ưu” vốn không được dùng (và thực tế không chỉ dùng) với nghĩa cụ thể là “chia buồn với gia đình có tang”:
 – “Hán điển” (zidic.net) giải thích “phân ưu” 分憂 là: “chia sẻ nỗi lo buồn với người khác, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn”; như “Vị quốc phân ưu”. (憂: 分擔別人的憂慮,幫助別人解決困難; 為國分憂).
 “Từ điển Hán – Việt” (Phan Văn Các chủ biên, 2014):
 “[分憂] fēn// yōu Chia sẻ nỗi lo lắng/giúp giải quyết khó khăn: 分憂解愁 – phân ưu giải sầu – Chia lo, giải sầu/chia sẻ nỗi lo âu. 為國分憂 – vị quốc phân ưu – Chia sẻ nỗi lo vì đất nước”.
 – Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính): “phân ưu: đt. Chia sớt sự buồn rầu với người ta, lời xã-giao: Tỏ lời phân-ưu”.
 – Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “phân-ưu: Chia buồn <> gởi lời phân-ưu cùng tang-quyến”.
 – Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “phân ưu: Chia buồn (cũ) <> Phân ưu cùng gia đình có tang”.
 Vì “phân ưu”, hay “chia buồn” không chỉ dùng cho chuyện tang ma nên người ta vẫn nói xin chia buồn với ông (bà, anh, chị…) trước một tai nạn, hay tổn thất về tài sản nào đó. Bởi vậy, Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính) mới giải nghĩa “chia buồn” với nghĩa khái quát là: “Chịu một phần buồn-rầu với người có việc buồn. Xin chia buồn cùng tang-quyến”.
 Trở lên là chuyện của từ điển.
 Về phương diện ngôn ngữ và đời sống, cách nói “Thành kính phân ưu”; “Thành kính chia buồn”, theo chúng tôi là không đúng. Dường như có sự nhầm lẫn giữa “thành kính” (thành tâm và kính cẩn) với “chân thành” (thành thật, xuất phát tự đáy lòng).
 Người xưa có câu “tử giả vi thần” 死者為神 (người chết thành thần). Chữ “thần” ở đây không phải là thần thánh, thần phật mà là quỷ thần (tức hồn ma, linh hồn của người chết). Người đã hóa thành “ma” thì dù già trẻ thế nào đều được “người trần mắt thịt” dùng chữ “kính”… Ví dụ trong “Thiên Nam ngữ lục” (khuyết danh), chữ “kính” được gắn với “kính điếu” (kính viếng): “Trạnh lòng kính điếu anh hùng/ Ngâm thơ đường luật dòng dòng tám câu”. Hay sự “thành kính” dành cho thần phật: “Thấy đền phủ nào thiêng, anh chị cũng đến tận nơi để lễ vái, thành kính kêu cầu” (Lá ngọc cành vàng, Nguyễn Công Hoan)” [dẫn theo Vietlex].
 Hiện nay, nhiều người còn nhầm lẫn (hoặc đánh đồng) giữa “phân ưu” (hay “chia buồn”) với “viếng” hoặc “kính viếng”. Cho nên, hai chữ “kính viếng” ở dải băng gắn trên vòng hoa đám ma trước đây, đã bị thay bằng “thành kính phân ưu”, “thành kính chia buồn”. Nhưng “phân ưu”, hay “chia buồn” là sự chia sẻ đau thương, mất mát, an ủi, động viên đối với người còn sống; còn vòng hoa là để viếng người chết.
 Đành rằng việc “phân ưu”, “chia buồn” và “viếng”, “điếu tang” thường diễn ra cùng lúc. Đến “viếng” người chết hay có mặt trong đám tang đã là một cách chia buồn với người sống. Ngược lại, nói lời “phân ưu”, “chia buồn” với người sống, cũng là thể hiện lòng thương cảm đối với người chết. Tuy nhiên, khi nói và viết, tùy từng tình huống, phải phân biệt rạch ròi “chia buồn” (an ủi, chia sẻ nỗi đau với người sống) và “điếu”, “viếng” (dâng hương, bái lạy, thể hiện lòng thành kính, xót thương người đã chết). Ví như “Điện chia buồn” của Nhà nước Việt Nam là gửi Nhà nước và nhân dân Cuba, còn vòng hoa để viếng ông Fidel Castro; chứ không thể có chuyện ngược lại.