BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
 Số: 02/2020/TT-BKHĐT |
 Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2020 |
 THÔNG TƯ
 QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI KHU VỰC THỂ CHẾ ÁP DỤNG TRONG THỐNG KÊ VIỆT NAM
 Căn cứ Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2015;
 Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
 Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
 Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
 1. Thông tư này quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam gồm:
 a) Danh mục phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
 b) Nội dung phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
 2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, sản xuất và sử dụng thông tin thống kê về các khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.
 Điều 2. Giải thích từ ngữ
 1. Đơn vị thể chế áp dụng trong thống kê (viết gọn là đơn vị thể chế) là một thực thể kinh tế có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia các hoạt động, các giao dịch kinh tế với các thực thể kinh tế khác. Đơn vị thể chế thường có các thuộc tính chủ yếu sau: (i) có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có thể trao đổi quyền sở hữu hàng hóa, tài sản đó thông qua các hoạt động giao dịch với các đơn vị thể chế khác; (ii) có quyền đưa ra các quyết định kinh tế, tham gia vào các hoạt động kinh tế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh tế của mình; (iii) có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tham gia vào các hợp đồng kinh tế; (iv) có hệ thống tài khoản kế toán hoàn chỉnh hoặc có khả năng lập các tài khoản kế toán nếu được yêu cầu.
 2. Khu vực thể chế áp dụng trong thống kê (khu vực thể chế) là tập hợp các đơn vị thể chế có cùng chức năng, mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng đặc điểm cấu trúc, vai trò kinh tế và phương thức hoạt động.
 3. Sáu khu vực thể chế của Việt Nam:
 – Khu vực thể chế phi tài chính;
 – Khu vực thể chế tài chính;
 – Khu vực thể chế Nhà nước;
 – Khu vực thể chế hộ gia đình;
 – Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình;
 – Khu vực thể chế không thường trú.
 Điều 3. Nguyên tắc xây dựng các khu vực thể chế của Việt Nam
 – Đảm bảo việc phân chia khu vực thể chế bao quát toàn bộ, đầy đủ các đơn vị thể chế của Việt Nam;
 – Đảm bảo tính khả thi trong quá trình thu thập, tính toán các chỉ tiêu thống kê;
 – Tránh trùng lắp: một đơn vị thể chế chỉ được xếp vào một khu vực thể chế;
 – Phù hợp với thực tiễn công tác thống kê và đảm bảo so sánh quốc tế;
 – Linh hoạt và thống nhất khi sắp xếp các đơn vị thể chế.
 Điều 4. Tổ chức thực hiện
 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan:
 a) Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê liên quan đến khu vực thể chế của Việt Nam bảo đảm cung cấp số liệu thống kê theo quy định của Thông tư;
 b) Hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định phân loại khu vực thể chế của Việt Nam;
 c) Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê sử dụng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.
 2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan căn cứ vào phân loại khu vực thể chế Việt Nam sản xuất, cung cấp thông tin và sử dụng thống nhất về phạm vi liên quan đến các khu vực thể chế thống kê theo quy định của Thông tư này.
 Điều 5. Hiệu lực thi hành
 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2020.
 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: – Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); – Văn phòng Chính phủ; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; – Tòa án Nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; – Các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Công báo; – Website của Chính phủ; – Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); – Bộ KHĐT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị trực thuộc Bộ; – Vụ Pháp chế; – Lưu: VT, TCTK (5). |
 BỘ TRƯỞNG  Nguyễn Chí Dũng |
 PHỤ LỤC I:
 DANH MỤC PHÂN LOẠI KHU VỰC THỂ CHẾ ÁP DỤNG TRONG THỐNG KÊ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2020/TT-BKHĐT ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
 Cấp 1 |
 Cấp 2 |
 Cấp 3 |
 Tên khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam |
Khu vực thể chế phi tài chính | |||
 11 |
 110 |
Khu vực phi tài chính nhà nước | |
 12 |
 120 |
Khu vực phi tài chính ngoài nhà nước | |
 13 |
 130 |
Khu vực phi tài chính có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài | |
Khu vực thể chế tài chính | |||
 21 |
 210 |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | |
 22 |
Tổ chức nhận tiền gửi | ||
 221 |
Ngân hàng thương mại | ||
 229 |
Tổ chức nhận tiền gửi khác | ||
 23 |
Doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện | ||
 231 |
Doanh nghiệp bảo hiểm | ||
 232 |
Quỹ hưu trí tự nguyện | ||
 29 |
Tổ chức tài chính khác | ||
 291 |
Tổ chức hỗ trợ tài chính | ||
 299 |
Tổ chức tài chính khác chưa được phân vào đâu | ||
Khu vực thể chế Nhà nước | |||
 31 |
 310 |
Nhà nước trung ương | |
 32 |
 320 |
Nhà nước địa phương | |
 33 |
 330 |
Quỹ an sinh xã hội | |
 40 |
 400 |
Khu vực thể chế hộ gia đình | |
 50 |
 500 |
Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình | |
 60 |
 600 |
Khu vực thể chế không thường trú |
 PHỤ LỤC II:
 NỘI DUNG PHÂN LOẠI KHU VỰC THỂ CHẾ DỤNG TRONG THỐNG KÊ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2020/TT-BKHĐT ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
 I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM, NGUYÊN TẮC VÀ TIÊU THỨC PHÂN LOẠI
 1. Một số khái niệm
 1.1. Thường trú
 Một đơn vị thể chế được gọi là thường trú của một quốc gia nếu đơn vị đó có trung tâm lợi ích kinh tế trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia đó.
 Một đơn vị thể chế được gọi là có trung tâm lợi ích kinh tế trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia nếu đơn vị đó có trụ sở, có địa điểm sản xuất kinh doanh hoặc nhà cửa trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia, cam kết tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh và giao dịch kinh tế trong thời gian nhất định (thường trên một năm).
 Lãnh thổ kinh tế của một quốc gia bao gồm lãnh thổ địa lý chịu sự quản lý của Nhà nước mà ở đó cư dân, hàng hóa, tài sản và vốn được tự do lưu thông. Những quốc gia có biển, lãnh thổ kinh tế còn bao gồm các hòn đảo thuộc quốc gia đó và chịu sự điều chỉnh của những chính sách tài khóa và tiền tệ như trong đất liền. Cụ thể, lãnh thổ kinh tế của một quốc gia bao gồm:
 (i) Vùng đất, vùng trời, thềm lục địa nằm trong lãnh hải quốc tế mà quốc gia có quyền bất khả xâm phạm trong khai thác cá và các tài nguyên;
 (ii) Lãnh thổ quốc gia ở nước ngoài sử dụng cho mục đích ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sứ quán), mục đích quân sự (căn cứ quân sự), nghiên cứu khoa học (trạm nghiên cứu khoa học)…
 Một đơn vị thể chế chỉ thường trú trên một và chỉ một lãnh thổ kinh tế được xác định bởi trung tâm lợi ích kinh tế chiếm ưu thế của đơn vị đó.
 Một số trường hợp sau được coi là thường trú của Việt Nam:
 – Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, trạm nghiên cứu, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức này và cá nhân đi theo họ;
 – Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng;
 – Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
 – Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
 1.2. Đơn vị sản xuất thị trường và đơn vị sản xuất phi thị trường
 Đơn vị sản xuất thị trường là đơn vị mà tất cả hoặc phần lớn sản phẩm đầu ra của đơn vị được bán, hoặc trao đổi trên thị trường với mức giá có ý nghĩa kinh tế. Mức giá này ảnh hưởng đến quyết định số lượng sản phẩm mà người bán sẵn sàng bán và người mua sẵn sàng mua.
 Đơn vị sản xuất phi thị trường bao gồm các đơn vị thuộc sở hữu của các đơn vị nhà nước hoặc đơn vị thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình, cung cấp sản phẩm vật chất hoặc dịch vụ miễn phí hoặc với mức giá không có ý nghĩa kinh tế cho các hộ gia đình hay toàn bộ cộng đồng.
 1.3. Dịch vụ tài chính là bất kỳ loại hình dịch vụ nào mang tính chất tài chính. Dịch vụ tài chính bao gồm các dịch vụ thuộc ngành K “Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” quy định trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018), cụ thể như sau:
 (1) Hoạt động trung gian tiền tệ;
 (2) Hoạt động nắm giữ tài sản;
 (3) Hoạt động quỹ tín thác và các tổ chức tài chính tương tự;
 (4) Hoạt động dịch vụ tài chính khác như cho thuê tài chính, cấp tín dụng tiêu dùng, tài trợ thương mại quốc tế, cầm đồ…;
 (5) Hoạt động bảo hiểm, tái bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện (trừ đảm bảo xã hội bắt buộc);
 (6) Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính;
 (7) Hoạt động hỗ trợ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện;
 (8) Hoạt động quản lý quỹ.
 1.4. Đơn vị không vì lợi (NPIs): là một pháp nhân hoặc một thực thể xã hội được thành lập để tiến hành sản xuất sản phẩm vật chất hay dịch vụ. Kết quả sản xuất của đơn vị không được phép trở thành nguồn thu nhập, lợi nhuận hay các quyền lợi tài chính khác cho các đơn vị thành lập, quản lý, kiểm soát hoặc tài trợ cho đơn vị đó.
 Kiểm soát là việc có khả năng can thiệp vào các chính sách tài chính và hoạt động liên quan tới mục tiêu chiến lược của đơn vị[1].
 * Có hai loại đơn vị không vì lợi khác nhau, đó là:
 + Đơn vị không vì lợi thị trường;
 + Đơn vị không vì lợi phi thị trường.
 Đơn vị không vì lợi thị trường được các doanh nghiệp hoặc tổ chức tương tự doanh nghiệp có tính thị trường thành lập, quản lý hoặc kiểm soát. Căn cứ vào mục tiêu sản xuất phi tài chính hay tài chính để xếp các đơn vị này vào khu vực thể chế phi tài chính hoặc khu vực thể chế tài chính.
 Đơn vị không vì lợi phi thị trường được chia thành hai nhóm:
 i. Đơn vị không vì lợi phi thị trường do Nhà nước thành lập, quản lý và cấp kinh phí. Các đơn vị loại này được xếp vào khu vực thể chế Nhà nước;
 ii. Đơn vị không vì lợi phi thị trường phục vụ hộ gia đình. Các đơn vị loại này bao gồm hai tiểu nhóm và đều được xếp vào khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình (NPISHs): (1) tiểu nhóm thứ nhất là các đơn vị không vì lợi phi thị trường phục vụ hội viên; (2) tiểu nhóm thứ hai là các đơn vị không vì lợi phi thị trường làm công tác từ thiện.
 Các đơn vị không vì lợi có mặt ở hầu hết các khu vực thể chế. Căn cứ vào đơn vị thành lập ra nó để xếp vào khu vực thể chế phù hợp.
 2. Nguyên tắc cơ bản để phân loại đơn vị thể chế vào khu vực thể chế
 Việc phân loại đơn vị thể chế vào khu vực thể chế phù hợp được căn cứ vào các nguyên tắc theo thứ tự ưu tiên như sau:
 – Một đơn vị thể chế chỉ được xếp vào một khu vực thể chế;
 – Những đơn vị thể chế có cùng chức năng, lĩnh vực hoạt động thì được xếp vào cùng một khu vực thể chế;
 – Những đơn vị thể chế có nhiều chức năng hoạt động khác nhau thì căn cứ vào chức năng hoạt động chính để xếp vào khu vực thể chế tương ứng;
 – Những đơn vị thể chế có cùng tính chất về nguồn tài chính sử dụng cho hoạt động kinh tế thì được xếp vào cùng một khu vực thể chế.
 3. Tiêu thức phân loại khu vực thể chế
 Tùy thuộc vào đặc tính của từng đơn vị thể chế và có thể căn cứ vào một hoặc nhiều tiêu thức để phân loại đơn vị thể chế vào khu vực thể chế phù hợp. Các tiêu thức được xếp theo thứ tự ưu tiên dưới đây:
 (1) Tình trạng thường trú của đơn vị thể chế (thường trú hay không thường trú)
 (2) Loại đơn vị thể chế (hộ gia đình hay không phải hộ gia đình)
 (3) Tính chất kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị (mang tính thị trường hay phi thị trường).
 (4) Lĩnh vực hoạt động (tài chính hay phi tài chính).
 (5) Chủ thể kiểm soát hoạt động của đơn vị.
 (6) Chức năng hoạt động của đơn vị.
 (7) Nguồn tài chính hoạt động của đơn vị.
 Sơ đồ 1 ở dưới sẽ minh họa vị trí của các đơn vị vào các khu vực thể chế (Xem trang bên)
 Chú thích: * Hộ gia đình tập thể là nhóm người cùng sinh sống trong một thời gian dài ở nhà dưỡng lão, cơ sở phục hồi chức năng, tu viện, nhà tù, trại giam, trại phục hồi nhân phẩm…
 II. NỘI DUNG PHÂN LOẠI KHU VỰC THỂ CHẾ ÁP DỤNG TRONG THỐNG KÊ VỆT NAM
 1. Khu vực thể chế phi tài chính
 Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và tổ chức khác (bao gồm cả các đơn vị không vì lợi) thường trú tham gia vào các hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính để mua bán trên thị trường.
 11-110. Khu vực phi tài chính nhà nước
 Bao gồm các đơn vị hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính mà ở đó Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn góp hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, nhóm công ty nhà nước và các tổ chức phi tài chính nhà nước khác.
 12- 120. Khu vực phi tài chính ngoài nhà nước
 Bao gồm các đơn vị hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính, có vốn trong nước thuộc sở hữu tư nhân của một người hoặc nhóm người hoặc có vốn thuộc sở hữu Nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn góp trở xuống hoặc Nhà nước không có cổ phần, vốn góp chi phối. Khu vực này gồm: công ty TNHH tư nhân, công ty TNHH có vốn nhà nước nhỏ hơn hoặc bằng 50%, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước nhỏ hơn hoặc bằng 50%, công ty hợp danh, nhóm công ty ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và các tổ chức ngoài nhà nước khác.
 13- 130. Khu vực phi tài chính có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
 Bao gồm các đơn vị hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính mà ở đó các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn góp hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối.
 2. Khu vực thể chế tài chính
 Bao gồm tất cả các doanh nghiệp và đơn vị tương tự doanh nghiệp thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện cho các đơn vị thể chế khác.
 21-210. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
 Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
 22. Tổ chức nhận tiền gửi
 Tổ chức nhận tiền gửi bao gồm các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
 221. Ngân hàng thương mại
 Là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.
 229. Tổ chức nhận tiền gửi khác
 Là các tổ chức nhận tiền gửi mà không phải là ngân hàng thương mại như các công ty tài chính, cho thuê tài chính, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô…
 23. Doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện
 231. Doanh nghiệp bảo hiểm
 Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.
 232. Quỹ hưu trí tự nguyện
 Quỹ hưu trí tự nguyện là định chế tài chính quản lý tiền lương hưu được đóng góp tự nguyện và theo hợp đồng của cá nhân, công ty và chính phủ. Quỹ hưu trí thu tiền đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, cũng như thanh toán tiền lương cho những người nghỉ hưu. Quỹ hưu trí chuyên môn hóa vào các khoản đầu tư dài hạn như mua cổ phiếu, trái phiếu công ty, trái phiếu chính phủ, gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.
 Quỹ hưu trí tự nguyện là đơn vị thể chế riêng biệt với đơn vị thành lập quỹ. Quỹ được thành lập để mang lại lợi ích về hưu trí cho các nhóm người cụ thể. Quỹ có tài sản và nợ riêng, tham gia vào các giao dịch tài chính trên thị trường thông qua tài khoản của quỹ.
 29. Tổ chức tài chính khác
 Là các tổ chức thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ tài chính mà không phải là tổ chức nhận tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện.
 291. Tổ chức hỗ trợ tài chính
 Tổ chức hỗ trợ tài chính bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ tài chính tham gia chủ yếu vào các hoạt động liên quan đến tài sản tài chính và nghĩa vụ nợ hoặc cung cấp khuôn khổ pháp lý cho những giao dịch này nhưng trong trường hợp không liên quan đến các tổ chức phụ trợ có sở hữu tài sản có và tài sản nợ tài chính đang được giao dịch.
 Các tổ chức này cung cấp dịch vụ tài chính phụ trợ có liên quan chặt chẽ với các trung gian tài chính và được thành lập nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung gian tài chính. Các đơn vị trong phân loại này không phải là trung gian tài chính vì chúng không mua các tài sản tài chính hoặc gánh chịu các khoản nợ.
 299. Tổ chức tài chính khác chưa được phân vào đâu
 Là các tổ chức thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính chưa nêu ở trên như các tổ chức nắm giữ tài chính, doanh nghiệp cầm đồ…
 3. Khu vực thể chế Nhà nước
 Khu vực thể chế Nhà nước bao gồm các đơn vị thể chế thường trú thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước, hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, đường lối phát triển kinh tế – xã hội, quản lý và thực thi các chính sách của Nhà nước. Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thuộc cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác, các đơn vị sự nghiệp công lập không vì lợi nhuận, phi thị trường và các quỹ an sinh xã hội. Để xác định một đơn vị thể chế thuộc khu vực thể chế Nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước cần phân biệt khái niệm đơn vị sản xuất thị trường và phi thị trường.
 Tiêu chí nhận dạng đơn vị thuộc khu vực thể chế Nhà nước:
 – Là đơn vị thể chế thường trú;
 – Có quyền sở hữu tài sản, phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia vào các hoạt động kinh tế;
 – Thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước;
 – Hoạt động mang tính chất phi thị trường, không vì lợi nhuận.
 31-310. Nhà nước trung ương
 Các đơn vị thuộc Nhà nước trung ương là các đơn vị thể chế hoạt động chủ yếu dưới sự quản lý hoặc kiểm soát của Nhà nước ở cấp trung ương, bao gồm các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan của Đảng, đoàn thể và hiệp hội ở cấp trung ương có các khoản thu, chi chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
 32-320. Nhà nước địa phương
 Các đơn vị thuộc Nhà nước địa phương là các đơn vị thể chế cấp tỉnh, huyện, xã hoạt động chủ yếu dưới sự quản lý hoặc kiểm soát của Nhà nước địa phương, bao gồm các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan của Đảng, đoàn thể và hiệp hội ở cấp địa phương có các khoản thu, chi từ chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
 33-330. Quỹ an sinh xã hội
 Quỹ an sinh xã hội là một loại đơn vị đặc thù của khu vực thể chế Nhà nước, chuyên trách về hoạt động của một hoặc một số chương trình an sinh xã hội, bao gồm các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo trợ xã hội và các quỹ dịch vụ xã hội… Các đơn vị này được tổ chức và quản lý tách biệt so với những hoạt động khác của Nhà nước trung ương và Nhà nước địa phương, nắm giữ tài sản và các nghĩa vụ nợ tách riêng so với các đơn vị của Nhà nước trung ương, Nhà nước địa phương và tham gia vào các giao dịch tài chính với tư cách riêng.
 4-40-400. Khu vực thể chế hộ gia đình
 Hộ gia đình là một người hoặc nhóm người có cùng nơi sinh sống, đóng góp một phần hoặc toàn bộ thu nhập và tài sản của họ vào một ngân sách chung và tiêu dùng chung các loại sản phẩm vật chất và dịch vụ nhất định, chủ yếu là nhà ở và lương thực, thực phẩm. Ngoài các loại hộ gia đình truyền thống hộ gia đình cùng huyết thống, hôn nhân,…) còn có các hộ gia đình tập thể (còn gọi là hộ gia đình phi truyền thống), những hộ này bao gồm những nhóm người cùng sinh sống trong một thời gian dài ở nhà dưỡng lão, cơ sở phục hồi chức năng, tu viện, nhà tù, trại giam, trại phục hồi nhân phẩm…
 Hộ gia đình bao gồm hộ gia đình sản xuất và hộ gia đình tiêu dùng.
 5-50-500. Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình
 Các đơn vị thuộc khu vực không vì lợi phục vụ hộ gia đình (NPISHs) là các đơn vị thường trú không vì lợi, phi thị trường không chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Tất cả các đơn vị này cung cấp hàng hóa và dịch vụ miễn phí hoặc ở mức giá không có ý nghĩa về mặt kinh tế. Phần lớn những hàng hóa và dịch vụ được cung cấp cho tiêu dùng cá nhân nhưng các đơn vị không vì lợi cũng có thể cung cấp các dịch vụ chung như trung tâm tình nguyện, đơn vị viện trợ, cứu trợ, cơ sở từ thiện, tôn giáo, tín ngưỡng…
 6-60-600. Khu vực thể chế không thường trú
 Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thể chế không thường trú tham gia giao dịch với các đơn vị thường trú hoặc có các mối liên hệ khác về kinh tế với các đơn vị thường trú như các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sứ quán của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam…