THÔNG TƯ 08/2018/TT-BXD

 BỘ XÂY DỰNG
——-

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 Số: 08/2018/TT-BXD

 Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2018

  

 THÔNG TƯ

 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG, CHỨNG CHỈ NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM

 Căn cứ Luật Xây dựng s 50/2014/QH13;

 Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

 Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

 Căn cứ Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

 Căn cứ Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (sau đây viết là Nghị định số 100/2018/NĐ-CP);

 Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng,

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

 1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

 2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

 Điều 2. Chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

 Chuyên môn đào tạo của cá nhân được xác định là phù hợp khi chuyên ngành hoặc nội dung chương trình đào tạo của cá nhân đó phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cụ thể như sau:

 1. Đối với lĩnh vực khảo sát xây dựng

 a) Khảo sát địa hình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, trắc địa, bản đồ, xây dựng công trình;

 b) Khảo sát địa chất công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, xây dựng công trình.

 2. Đối với lĩnh vực hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: kiến trúc, quy hoạch xây dựng, kinh tế đô thị, hạ tầng kỹ thuật hoặc các chuyên ngành có liên quan đến yêu cầu của việc lập đồ án quy hoạch xây dựng.

 3. Đối với lĩnh vực hành nghề thiết kế xây dựng công trình

 a) Thiết kế kiến trúc công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kiến trúc;

 b) Thiết kế kết cấu công trình dân dụng – công nghiệp: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành xây dựng công trình mà trong nội dung chương trình đào tạo có môn học về các loại kết cấu công trình dân dụng – công nghiệp;

 c) Thiết kế cơ – điện công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến thiết kế các hệ thống kỹ thuật điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt;

 d) Thiết kế cấp – thoát nước công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến thiết kế cấp – thoát nước;

 đ) Thiết kế xây dựng công trình giao thông: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành xây dựng công trình giao thông;

 e) Thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành xây dựng công trình có liên quan đến thiết kế các loại công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;

 g) Thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến thiết kế các loại công trình hạ tầng kỹ thuật.

 4. Đối với lĩnh vực hành nghề giám sát thi công xây dựng

 a) Giám sát công tác xây dựng công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: xây dựng công trình, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng khác có liên quan đến xây dựng công trình;

 b) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật khác có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.

 5. Đối với lĩnh vực hành nghề định giá xây dựng: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kinh tế kỹ thuật hoặc chuyên ngành kỹ thuật khác có liên quan đến xây dựng công trình.

 6. Đối với lĩnh vực hành nghề quản lý dự án: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: xây dựng công trình, kiến trúc, kinh tế xây dựng, chuyên ngành kỹ thuật khác có liên quan đến loại dự án, công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

 Điều 3. Tổ chức thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

 1. Trường hợp cá nhân đề nghị cấp mới, cấp lại đối với chứng chỉ hành nghề đã hết hạn sử dụng, điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực, nâng hạng chứng chỉ hành nghề thì đề sát hạch bao gồm 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật và 20 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp (kiến thức chuyên môn) có liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Thời gian sát hạch tối đa là 30 phút, số điểm tối đa cho mỗi đề sát hạch là 100 điểm, trong đó điểm tối đa cho phần kinh nghiệm nghề nghiệp là 80 điểm, điểm tối đa cho phần kiến thức pháp luật là 20 điểm. Cá nhân có kết quả sát hạch phần kiến thức pháp luật tối thiểu 16 điểm và tổng điểm từ 80 điểm trở lên thì đạt yêu cầu để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề.

 2. Trường hợp cá nhân được miễn sát hạch về kiến thức chuyên môn thì đề sát hạch bao gồm 10 câu về kiến thức pháp luật. Thời gian sát hạch tối đa là 12 phút. Số điểm tối đa cho mỗi đề sát hạch là 40 điểm. Cá nhân có kết quả sát hạch từ 32 điểm trở lên thì đạt yêu cầu để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề.

 3. Cá nhân đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì không yêu cầu sát hạch.

 4. Đối với cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nhưng chưa có kết quả sát hạch thì thời hạn xét cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP được tính kể từ thời điểm có kết quả sát hạch.

 5. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thông báo thời gian, địa điểm và danh sách cá nhân đủ/không đủ điều kiện sát hạch trước thời gian tổ chức sát hạch ít nhất 03 ngày.

 Điều 4. Đánh giá cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

 1. Hội đồng xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có trách nhiệm đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức theo các điều kiện tương ứng với từng hạng và lĩnh vực hoạt động xây dựng được quy định tại Nghị định số 100/2018/NĐ-CP và Điều này. Tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng khi các điều kiện được đánh giá là đạt yêu cầu.

 2. Tương ứng với từng hạng và lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, tổ chức phải có cá nhân đảm nhận các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; cá nhân tham gia thực hiện công việc có chuyên môn phù hợp theo quy định. Mỗi cá nhân thuộc tổ chức có thể đảm nhận một hoặc nhiều chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, tham gia thực hiện các công việc khi đáp ứng được điều kiện năng lực tương ứng theo quy định.

 Cá nhân tham gia thực hiện công việc của tổ chức được xác định là phù hợp với lĩnh vực hoặc loại hình đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khi có trình độ chuyên môn được đào tạo tương ứng theo quy định tại Điều 2 Thông tư này phù hợp với công việc đảm nhận. Riêng trường hợp cá nhân phụ trách thi công phải có trình độ chuyên môn được đào tạo tương ứng với trình độ chuyên môn được đào tạo của cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng.

 3. Trường hợp tổ chức chỉ có cá nhân đảm nhận các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số lĩnh vực, loại hình, bộ môn thì việc đánh giá được thực hiện như sau:

 a) Đối với tổ chức khảo sát xây dựng: Trường hợp tổ chức kê khai cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm khảo sát xây dựng đối với một loại hình khảo sát xây dựng thì chỉ xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với loại hình khảo sát xây dựng đó;

 b) Đối với tổ chức lập quy hoạch xây dựng: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế các bộ môn kiến trúc – quy hoạch, kinh tế đô thị, hạ tng kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng phù hợp với hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức;

 c) Đối với tổ chức thiết kế xây dựng công trình

 Đối với lĩnh vực thiết kế xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế các bộ môn của thiết kế xây dựng của tổ chức phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình bao gồm: thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế kết cấu công trình dân dụng – công nghiệp, thiết kế cơ – điện công trình, thiết kế cấp – thoát nước công trình phù hợp với công việc đảm nhận và hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức. Trường hợp tổ chức kê khai các cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì đối với một hoặc một số bộ môn của thiết kế xây dựng công trình thì chỉ xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với nội dung thiết kế xây dựng công trình của bộ môn đó.

 Đối với lĩnh vực thiết kế xây dựng công trình giao thông: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế xây dựng của tổ chức phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình giao thông phù hợp với loại công trình và hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức.

 Đối với lĩnh vực thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế xây dựng của tổ chức phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn phù hợp với loại công trình và hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức.

 Đối với lĩnh vực thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế xây dựng của tổ chức phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với loại công trình và hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức.

 d) Đối với tổ chức tư vấn quản lý dự án: Cá nhân phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của tổ chức phải chứng chỉ hành nghề: giám sát thi công xây dựng, định giá xây dựng phù hợp với công việc đảm nhận và hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức;

 đ) Đối với tổ chức giám sát thi công xây dựng: Trường hợp tổ chức kê khai cá nhân đảm nhận chức danh giám sát trưởng, giám sát viên chỉ có chứng chỉ hành nghề đối với một lĩnh vực giám sát thi công xây dựng theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP thì chỉ được xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với lĩnh vực giám sát thi công xây dựng đó.

 4. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực quyết định việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng sau khi có kết quả đánh giá của Hội đồng xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Trường hợp tổ chức đề nghị cấp nâng hạng, điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực thì thời hạn hiệu lực của chứng chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP.

 5. Tổ chức nước ngoài không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định tại Thông tư này khi hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

 Điều 5. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam

 1. Bãi bỏ Điều 2, Điều 3, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (sau đây viết là Thông tư số 14/2016/TT-BXD).

 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư số 14/2016/TT-BXD như sau:

 “Điều 8. Quy định về báo cáo

 1. Định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm gửi báo cáo tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án, về tình hình thực hiện hợp đồng theo mẫu tại Phụ lục số 9 của Thông tư này.

 2. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Sở Xây dựng báo cáo Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng về tình hình cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng và hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại địa phương theo mẫu tại Phụ lục số 10 của Thông tư này.”

 Điều 6. Hiệu lực thi hành

 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 11 năm 2018.

 2. Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và Điều 1, Điều 2 Thông tư số 24/2016/TT-BXD ngày 01/9/2016 của Bộ trưng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

 3. Các B, cơ quan ngang B, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.

  


Nơi nhận:
– Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính ph
ủ;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án NDTC;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
– Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
– Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Công báo, Website của CP, Website của Bộ XD;
– Lưu: VT, PC, HĐXD.

 KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 Lê Quang Hùng

  

  

  

  

  

 Tag: 08/2018