Thủ tục thành lập công đoàn của công ty
 Luật Ngô Gia xin chia sẻ một số quy định của pháp luật về điều kiện thành lập công đoàn công ty, quy trình thực hiện thủ tục thành lập công đoàn công ty để các daonh nghiệp tham khảo.
 Văn bản quy định về thành lập công đoàn của công ty
 -Luật công đoàn
 -Nghị định 98/2014/NĐ-CP
 -Điều lệ công đoàn Việt Nam
 Tổ chức công đoàn là gì ?
 Khoản 1 Điều 5 Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức công đoàn như sau:
 – Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
 – Chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
 – Sau thời gian sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
 Quy trình thành lập Công đoàn cơ sở
 Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban vận động):
 – Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
 – Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.
 – Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
 Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
 – Nội dung hội nghị gồm:
 – Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;
 – Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);
 – Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;
 – Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
 – Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.
 – Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
 Bước 3: Ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở
 – Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:
 Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sở gửi hồ sơ, đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên – Công đoàn cơ sở – Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:
 + Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
 + Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;
 + Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;
 + Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
 – Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở:
 Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.
 + Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.
 + Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.
 Trên đây là một số quy định về thành lập công đoàn công ty để các doanh nghiệp tham khảo.