Thừa kế theo pháp luật

 Thừa kế là gì

 Thừa kế là sự dịch chuyển tài sản, quyền và nghĩa vụ của người chết cho người còn sống thuộc hàng thừa kế của người đã chết.

 Thừa kế theo pháp luật là gì

 Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

 Cách chia tài sản thừa kế pháp luật đại cương

 Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật như sau:

 Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật

 1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

 2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

 Tình huống thừa kế theo pháp luật

 Ông A và bà B kết hôn với nhau vào năm 1990, năm 2019 ông A chết không để lại di chúc. Ông A có tài sản là căn nhà nằm trên mảnh đất 300m2 đất mang tên hai vợ chồng Ông A và Bà B. Ông A có hai người con là C và D. Vậy di sản của Ông A sẽ được chia như thế nào.

 Vì Ông A chết không để lại di chúc nên di sản của Ông A để lại sẽ được chia theo pháp luật. Di sản của Ông A sẽ được xác định là 1/2 nhà đất thuộc khối tài sản chung của vợ chồng Ông A và Bà B. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của Ông A bao gồm có bà B, và hai con C, D. Mỗi người sẽ nhận được phần di sản bằng nhau trong phần di sản mà ông A để lại.

 So sánh thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật

  Thừa kế theo di chúc Thừa kế theo pháp luật
Khái niệm Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí nguyện vọng của người để lại di sản trước khi chết. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 BLDS 2015)
Đối tượng được thừa kế Những cá nhân, tổ chức được người lập di chúc đề cập là người nhận di sản trong di chúc và đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật – Các cá nhân có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản (Điều 651 BLDS)– Cha mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động được pháp luật bảo vệ quyền thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 BLDS)

 – Con riêng và bố dượng, mẹ kế (Điều 654 BLDS)

Hình thức Phải được lập bằng văn bản, nếu không lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng (Điều 627 BLDS) – Văn bản thỏa thuận có công chứng về việc phân chia di sản của các đồng thừa kế– Nếu có tranh chấp thừa kế thì theo quyết định của tòa án về phân chia di sản
Trường hợp được thừa kế Theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân khi lập di chúc, người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Điều 613 BLDS) – Không có di chúc;– Di chúc không hợp pháp;

 – Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 – Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 (Điều 650 BLDS)

Thừa kế thế vị Không có thừa kế thế vị Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (Điều 652 BLDS)
Phân chia di sản Điều 659 BLDS 2015 Điều 660 BLDS 2015
Thứ tự áp dụng Thừa kế theo di chúc được ưu tiên áp dụng trước. Thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi rơi vào các trường hợp như phân tích ở trên.

 

 Bài tập chia thừa kế pháp luật đại cương

 Bài tập 1:

 Ông A kết hôn với bà B và có hai người con chung là C sinh năm 1976 và D sinh năm 1980. C bị tâm thần từ nhỏ, D có vợ là E và có con là F,G,H. Vợ chồng D không có tài sản gì và sống nhờ nhà của ông bà A – B. Năm 2015, bà B lập di chúc để lại cho D 1/3 tài sản của bà. Tháng 10/2016, D chết. Tháng 01/2017, bà B chết.

 Chia di sản của bà B biết rằng, căn nhà là tài sản chung của ông A, bà B trị giá 1 tỷ đồng. Biết rằng, mẹ bà B là cụ G còn sống.

 Gợi ý trả lời:

 Di sản của Bà B là 500 triệu (trong khối tài chung với ông A). Năm 2015, B lập di chúc để lại cho D 1/3 di sản của bà.

 Do D chết (tháng 10/2016) trước bà B (tháng 1/2017) nên di chúc bà B để lại cho D hưởng 1/3 di sản của bà không có hiệu lực (điểm a, khoản 2 điều 643 Bộ luật Dân sự 2015).

 Khi đó, di sản bà B để lại được chia theo pháp luật (điều 650 Bộ luật Dân sự 2015). Khi đó, cụ G (mẹ bà B), ông A (chồng), C (con), D (con bà B nhưng đã chết nên F+G+H được hưởng thừa kế thế vị của D theo điều 652 Bộ luật Dân sự 2015) được hưởng thừa kế theo pháp luật của bà B (theo điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).

 Bài tập 2:

 Ông A có khối tài sản riêng trị giá 3,6 tỷ đồng. Ông A làm di chúc chia cho bà B (vợ ông) và 3 con là C,D,E mỗi người 400 triệu; còn lại 2 tỷ đồng để cho Hội chữ thập đỏ. Năm 2017, ông A chết chia di sản của ông A.

 Chia di sản của ông A. Biết, ông A và bà B không có tài sản chung nào.

 Gợi ý trả lời:

 A có tài sản là 3,6 tỷ đồng. Năm 2017, A chết để lại di chúc cho B (vợ) = C = D = E = 400 triệu đồng;  phần còn lại 2 tỷ đồng được dùng để quyên góp.

 B được A để lại di chúc cho hưởng 400 triệu di sản; nhưng 400 triệu chưa đủ 2/3 suất thừa kế theo pháp luật (điều 644 Bộ luật Dân sự 2015) vì B (vợ A) phải được hưởng ít nhất 2/3 suất thừa kế theo pháp luật (là 600 triệu). Phần còn lại sẽ được thực hiện theo di chúc.

 Bài tập 3:

 Ông A, bà B có con chung là C, D (đều đã thành niên và có khả năng lao động). C có vợ là M có con X,Y. D có chồng là N có một con là K. Di sản của A là 900 triệu. Chia thừa kế trong các trường hợp riêng biệt sau:

 1. C chết trước A. A di chúc hợp pháp để lại toàn bộ di sản cho X .

 2. C chết trước A . D chết sau A (chưa kịp nhận di sản )

 3. A chết cùng thời điểm với C. A di chúc để lại cho K ½ di sản

 Gợi ý trả lời:

 Di sản ông A để lại là 900 triệu.

 – Trường hợp 1: C chết trước A. A di chúc để lại toàn bộ di sản cho X.

 A làm di chúc để lại toàn bộ di sản cho X. Tuy nhiên, bà B (vợ ông A) là người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 BLDS 2015). Theo đó, bà B phải được hưởng ít nhất 2/3 suất thừa kế theo pháp luật (là 200 triệu). Theo đó, bà B sẽ được hưởng 200 triệu và phần còn lại sẽ được thực hiện theo nội dung di chúc (X được hưởng thừa kế của ông A là 700 triệu).

 – Trường hợp 2: C chết trước A, D chết sau A. A chết không để lại di chúc.

 A chết không để lại di chúc thì di sản của A sẽ được chia theo pháp luật. Khi đó, bà B, D, C là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của A (Điều 651 BLDS 2015) nên mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau là 300 triệu.

 Do C chết trước A nên con của C là X, Y sẽ được hưởng thừa kế thế vị của C (theo điều 652 BLDS 2015).

 D chết sau A, nếu A để lại di chúc thì sẽ được thực hiện theo nội dung di chúc. Còn nếu A chết không để lại di chúc (hoặc phần tài sản mà D được nhận từ di sản của ông A không được định đoạt trong di chúc) thì di sản A để lại sẽ được chia theo pháp luật. Khi đó, bà B (mẹ D), anh N (chồng D), K (con D) sẽ được chia theo pháp luật mỗi người một phần bằng nhau.

 – Trường hợp 3: A chết cùng thời điểm với C. A di chúc để lại cho K ½ di sản.

 Ông A chết cùng thời điểm với anh C nên ông A sẽ không được hưởng thừa kế từ di sản của anh C để lại (theo điều 619 BLDS 2015).

 Ông A chết để lại di chúc cho K hưởng ½ di sản của ông. Theo đó, K được thừa kế 450 triệu của ông A. Phần di sản không được ông A định đoạt trong di chúc (450 triệu) được chia theo pháp luật (điều 650, 651 BLDS 2015).

 Theo đó, phần di sản này sẽ được chia cho bà B = C = D = 150 triệu. Anh C đã chết nên con anh C là X, Y sẽ được hưởng thừa kế thế vị phần của anh C.

 Khi chia thừa kế trong trường hợp này, bà B là người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (theo điều 644 BLDS 2015). Phần di sản không được ông A định đoạt trong di chúc khi chia theo pháp luật không đảm bảo cho bảo cho bà B được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật nên phần thiếu (50 triệu) sẽ được lấy từ phần mà K được hưởng theo nội dung di chúc.

  

  

  

 tag: luat mới 2018 chế ngành gia đình 2020 sư bày công thức môn hệ yếu tố nước ngoài đai sử 2013 1995