Tìm Hiểu Địa Danh Dinh Độc Lập

 Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia bằng Quyết định số 77A/VHQĐ ngày 25/6/1976 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Ngày 12 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước.

 Cơ quan quản lý Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là Hội trường Thống Nhất. Căn cứ Quyết định số 709/QĐ-VPCP ngày 14 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội trường Thống Nhất, thì Hội trường Thống Nhất là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ có chức năng quản lý, bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Dinh Độc Lập; phục vụ đại biểu, khách tham dự các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ; các hội nghị và hoạt động khác của Đảng, Nhà nước, Quốc hội khi có yêu cầu; được tận dụng cơ sở vật chất, lao động để kinh doanh dịch vụ theo qui định của pháp luật.

 Lịch sử Dinh Độc Lập

 Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Ðà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1867, Pháp chiếm xong lục tỉnh Nam kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom.

 Công trình do viên thống đốc Pháp tại miền Nam Việt Nam là La Grandière đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng ngày 23/2/1868 và hoàn tất vào năm 1871. Từ 1887 – 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Ðông Dương, Dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam.

 Tháng 9/1945, Nhật thất bại trong chiến tranh thế giới thứ II, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, Dinh Norodom là trụ sở làm việc của bộ máy chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam.

 Ngày 07/5/1954, thực dân Pháp thất bại nặng nề trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ buộc phải ký Hiệp định Gienève và rút khỏi Việt Nam. Mỹ tìm cách nhảy vào thực hiện ý đồ xâm chiếm miền Nam, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn miền Nam là Quốc gia Việt Nam.

 Ngày 07/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện chính phủ Pháp, Ðại tướng Paul Ely với đại diện chính quyền Sài Gòn Thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Ngô Ðình Diệm đã quyết định đổi tên Dinh thành Dinh Ðộc Lập. Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống. Từ đó Dinh Ðộc Lập trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Ngô Ðình Diệm đã duy trì chế độ độc tài gia đình trị, dồn dân vào ấp chiến lược, thi hành luật 10/59, không những gây phẫn uất trong nhân dân mà còn gây ra sự bất bình trong nội các chính quyền Sài Gòn.

 Ngày 27/02/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh. Do không thể khôi phục lại, Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

 Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng Dinh ngày 01/7/1962. Trong thời gian xây dựng Dinh mới, gia đình Ngô Ðình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết ngày 02/11/1963. Do vậy, ngày khánh thành Dinh 31/10/1966, người chủ tọa buổi lễ là Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia. Ngô Ðình Diệm là người khởi xướng xây dựng Dinh Ðộc Lập nhưng ông ta không được sống ở đây một ngày nào, mà người có thời gian sống ở Dinh thự này lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).

 Nhưng điều gì phải đến đã đến.

 Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. 11h30’ cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận – Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân 2 miền Nam – Bắc sum họp một nhà. Tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã toàn thắng.

 Ngày nay, Dinh Ðộc Lập là di tích quốc gia đặc biệt được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố.

  

  

  

  

 Tag: hcm quảng hải thcs thái địa danh