Tìm hiểu về trúc lâm yên tử

Trúc lâm yên tử

 Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hiện nay nằm trên núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh. Thiền viện còn gọi là chùa Lân, được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Vào năm 1293 ngài đã cho sửa sang lại tổng thể chùa Lân thêm trang trọng và uy nghiêm. Nơi đây vị Phật hoàng thường tụng kinh, giảng đạo cho chư tôn, tăng ni đến nghe.

 Chùa còn có tên gọi khác là chùa Lân (Ảnh: ST)

 Trần Nhân Tông kế vị vua Trần Thánh Tông lên ngôi năm 1278, ngay sau đó ông phải đối với sự hung hãn của quân phương Bắc do Hốt Tất Liệt thống lĩnh tấn công xâm lược Đại Việt. Dưới sự chỉ đạo của hai vị vua Trần và sự cầm quân tài ba của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên – Mông đã bị đẩy lui. Đến năm 1287, quân Nguyên – Mông quay lại xâm lược lại một lần nữa hai vua Trần cùng Trần Quốc Tuấn tiếp tục lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại một trong những đội quân mạnh nhất thế giới nhất bấy giờ. Sau khi dẹp giặc, an dân vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, lên làm Thái Thượng Hoàng và bắt đầu đi tìm con đường chính đạo tu hành. Ông chính là vị tổ sáng tạo và xây dựng lên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử linh thiêng mang đậm chất văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.

 Nhà Trần 3 lần đánh tan giặc Nguyên – Mông (Ảnh: ST)

 Cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông còn có hai vị thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang là môn đệ cũng như người cùng sáng lập ra thiền phái. Năm 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp mọi miền đất nước để thuyết giảng đạo, có chủ ý tìm truyền nhân cho tông phái của mình. Đúng lúc đó gặp được một cậu bé và nói “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí” nên ngài đã thu nạp chỉ dẫn cho con đường tu tập. Đó chính là thiền sư Pháp Loa.

 Thiền sư Pháp Loa là môn đệ của Phật hoàng (Ảnh: ST)

 Còn đại thiền sư Huyền Quang là người học hành đỗ đạt cao, đỗ Trạng Nguyên và làm đến chức quan Hàn Lâm, được Phật hoàng Trần Nhân Tông dẫn đến nghe Pháp Loa giảng kinh mà nhớ lại duyên xưa với cửa phật nên ông chủ tâm xin xuất gia tu hành.

 Đại thiền sư Huyền Quang (Ảnh: ST)

 Sau khi đức Phật hoàng quy tiên tại non Yên Tử linh thiêng, hai vị Đại thiền sư Pháp Loa và Đại thiền sư Huyền Quang đã tiếp nối và xây dựng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ngày một phát triển. Thiền phái như một sợi chỉ đỏ chạy dọc chiều dài lịch sử triều đại nhà Trần, làm phong phú đời sống văn hóa tâm linh của người dân, khiến Phật giáo ngày càng hưng thịnh.

 Thời gian con tạo xoay vần, một số kiến trúc nằm trong khuôn viên Trúc Lâm Yên Tử bị phá hủy vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại mộ tháp của các thiền sư. Tuy nhiên phải đến tận năm 2002 chùa Lân mới được xây dựng lại. Những viên đá, viên ngói, khối gỗ đầu tiên được bàn tay của những nghệ nhân kiến trúc cổ đặt trên nền đất diện tích gần 180.000 m2 đánh dấu một sự khôi phục quy mô lớn Trúc Lâm Yên Tử.

 Chùa Yên Tử từng là tàn tích một thời (Ảnh: ST)

 Nay chùa đã được tôn tạo lại khang trang lộng lẫy hơn (Ảnh: ST)

 Hiện nay quần thể khu di tích thắng cảnh Trúc Lâm Yên Tử là một địa điểm tâm linh lớn nổi tiếng trong cả nước. Hằng năm đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, lễ phật, tìm về cõi linh thiêng thư thái.

 Quần thể di tích tâm linh lớn của cả nước (Ảnh: ST)

Nên du lịch Yên Tử vào thời gian nào?

 Đi vào mùa lễ hội thì các bạn nhớ xác định tâm lý chen chúc khi đến với Yên Tử nhé (Ảnh – phuongbim1612)

 Lễ hội Yên Tử hàng năm thường khai hội vào ngày 10/1 (Âm lịch) và kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân Sau nghi lễ được tổ chức dưới chân núi, sẽ là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với non thiêng Yên Tử.

  • Nếu muốn đi trảy hội xuân Yên Tử và không ngại vất vả, các bạn có thể đi luôn sau ngày khai mạc. Trong dịp này, lượng người đổ về Yên Tử rất đông, các dịch vụ hàng quán có thể nói đều trong tình trạng hoạt động hết công suất, thậm chí muốn đi cáp treo chắc cũng phải xếp hàng dài. Nếu có người già và trẻ nhỏ, tốt nhất dịp này không nên đi.
  • Khoảng thời gian tháng 3 lúc này thời tiết đã tương đối khô ráo, mát mẻ, lượng người đi hội cũng không nhiều như tháng Giêng là thời điểm thích hợp để vẫn có thể đi Yên Tử trong mùa lễ nhưng không quá mệt mỏi do người đông.
  • Ngoài ra, nếu chỉ có ý định đi vãn cảnh chùa, các bạn có thể đi bất cứ lúc nào rảnh. Miễn là theo dõi thời tiết để tránh đi vào lúc mưa bão hay quá lạnh, dễ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Hướng dẫn đi tới Yên Tử

Phương tiện cá nhân

Hướng dẫn đi Đông Yên Tử

 Từ Hà Nội, các bạn có thể lựa chọn nhiều đường để đi tới Tp Uông Bí. Đi QL1 đến Tp Bắc Ninh thì rẽ sang QL18, cứ đi thẳng theo tuyến QL này sẽ tới được Tp Uông Bí. Một phương án khác là đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đến nút giao với QL10 (An Lão, Hải Phòng) thì các bạn thoát ra khỏi cao tốc rồi rẽ trái (rẽ phải đi Thái Bình nhé). Thẳng QL10 (cứ đi thẳng qua Quán Toan, Cầu Kiền, Cầu Giá, không cần đi vào trung tâm Tp Hải Phòng) này đi xuyên qua huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng sẽ tới Tp Uông Bí. Lúc này cứ lần theo Google Maps để tới Chùa Trình Yên Tử rồi từ đó bắt đầu hành trình.

Hướng dẫn đi Tây Yên Tử

 Thường khi nhắc tới Tây Yên Tử thường mặc định chúng ta sẽ hiểu đích đến cuối cùng là Am Ngọa Vân. Trước kia khi khu vực này chưa được mấy đầu tư, đường đi tới đây khá vất vả. Một vài năm trước thì hệ thống cáp treo được hoàn thành, cùng với chùa Ngọa Vân được xây dựng mới nên về cơ bản hiện giờ lên đây không còn quá vất vả.

 Ga cáp treo lên Ngọa Vân xuất phát từ Trại Lốc (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh). Từ Hà Nội các bạn có thể đi theo QL1 đi Bắc Ninh, rẽ sang QL18 đi Chí Linh, Sao Đỏ, Đông Triều. Đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông để tới đền An Sinh. Từ đây tiếp tục đi đến hồ Trại Lốc, men theo hồ đến khu di tích Nhà Trần rồi tiếp theo sẽ đến được ga cáp treo đi Ngọa Vân.

 Nếu các bạn muốn đi bộ, có nhiều cách để chinh phục Tây Yên Tử. Xuất phát từ chính con đường cáp treo đi Ngọa Vân là một lựa chọn, ngoài ra còn một đường khác các bạn có thể đi từ Hồ Bến Châu, chỗ này có một bến thuyền của người dân, gửi các phương tiện xe máy ô tô ở đấy rồi thuê thuyền chở qua phía bên kia hồ, sẽ có một con đường mòn đi thẳng lên Am Ngọa Vân và đi qua Bãi Đá Chồng. Thường các đội đi trek Tây Yên Tử sẽ đi theo đường này và xuống bằng đường Trại Lốc.

Phương tiện công cộng

 Đối với cả 2 chặng Đông Yên Tử và Tây Yên Tử, do đều nằm trên trục đường QL18 nên các bạn chỉ cần bắt các tuyến xe đi Quảng Ninh (Hạ Long, Móng Cái) và xuống ở các điểm tương ứng.

  • Với chặng Tây Yên Tử các bạn xuống ở Thị xã Đông Triều, đoạn giữa phố Trần Nhân Tông cắt với QL18. Từ đây tới ga cáp treo Ngọa Vân còn khoảng hơn 10km, các bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi.
  • Với chặng Đông Yên Tử, các bạn xuống ở Tp Uông Bí đoạn chùa Trình, từ đây vào tới trong bến xe Hạ Kiệu còn khoảng 15km.
Đi từ QL18 vào bến xe Hạ Kiệu

 Sau khi xuống xe tại chùa Trình, các bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe ôm, taxi. Nếu đi vào mùa lễ hội sẽ có xe buýt hỗ trợ đưa khách từ ngoài đường vào bến xe Hạ Kiệu.

Đi từ bến xe Hạ Kiệu vào ga cáp treo

 Xe điện đưa du khách vào ga cáp treo đi Yên Tử (Ảnh – liln_h)

 Từ chỗ gửi xe đi vào tới ga cáp treo khoảng 1km, các bạn có thể lựa chọn đi bộ cho khỏe chân hoặc đi xe điện cho nhàn. Giá vé xe điện 15k nếu đi 1 lượt và 20k/ khứ hồi.

Cáp treo lên Yên Tử

 Có 2 tuyến cáp treo đưa du khách lên Yên Tử (Ảnh – lin.dino)

 Hiện cáp treo lên Yên Tử sẽ có 2 tuyến.

  • Tuyến 1: Giải Oan – Hoa Yên
  • Tuyến 2: Một Mái – An Kỳ Sinh

 Giá vé 1 chiều của cả 2 chặng này là 150k (1 lượt), khứ hồi 1 chặng là 250k (1 lượt lên 1 lượt xuống) và nếu mua khứ hồi cả 2 chặng sẽ là 300k (2 lượt lên 2 lượt xuống). Nếu xác định đi cáp treo thì nên mua khứ hồi cả 2 chặng cho rẻ nhé.

Cáp treo lên Ngọa Vân

 Tuyến cáp treo Ngọa Vân sẽ đưa các bạn lên tới chùa Ngọa Vân một cách nhanh chóng (so với việc leo bộ vài tiếng). Giá vé cáp treo là 100k/1 lượt và 180k/khứ hồi.

Lưu trú ở Yên Tử

 Legacy Yen Tu MGallery là tổ hợp khách sạn 5 sao mới được khai trương trên đỉnh Yên Tử (Ảnh – Legacy Yen Tu)

Đông Yên Tử

 Với khu vực bên Đông Tử, nếu đi vào dịp vắng các bạn có thể hoàn thành chuyến đi trong vòng một ngày và trở về Hà Nội. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn kéo dài lịch trình thành 2 ngày, hoàn toàn có thể ngủ tại Tp Uông Bí tối hôm trước để hôm sau lên Yên Tử thật sớm (lựa chọn 1 chiều leo bộ 1 chiều cáp treo). Trong danh sách nhà nghỉ ở Uông Bí, các bạn chỉ cần chọn những nhà nghỉ ở khu vực Thượng Yên Công, đây là nơi sẽ gần với Yên Tử nhất.

 Nếu bạn nào có điều kiện thì trên chỗ nhà ga cáp treo tuyến 2 có cái khách sạn 5 sao Legacy Yen Tu – MGallery by Sofitel 0203 6259888 mà các bạn có thể nghỉ ở đấy hôm sau xuống.

Tây Yên Tử

Các địa điểm du lịch Yên Tử

Đông Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)

 Khu di tích lịch sử và danh thắng Đông Yên Tử có diện tích khoảng 9.295 ha, gồm các công trình kiến trúc tôn giáo: chùa, am, tháp được xây dựng từ thời Lý, theo tuyến đường trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử thuộc phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công (thành phố Uông Bí) và xã Hồng Thái Đông (thị xã Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Trình

 Chùa Trình, nơi du khách thường đến đầu tiên trước khi bước vào hành trình lên Yên Tử (Ảnh – Trung ydan)

 Chùa Trình, tên gọi khác là Chùa Bí Thượng vì Chùa toạ lạc trên một sườn đồi ở làng Bí Thượng nay là khu Bí Thượng thuộc Phường Phương Đông, thành phố Uông Bí. Chùa Bí Thượng xưa được xây dựng vào thời Hậu Lê. Chùa hướng Tây Nam, quy mô kiến trúc kiểu chữ Nhất (-), với diện tích gần 20m 2

 Đến đầu thế kỷ XIX chùa được dựng lại với kiến trúc chữ Nhất trên nền chùa cũ nhưng quy mô nhỏ hơn. Đầu thế kỷ XX, Chùa bị hoả hoạn, có bà Phật tử họ Bùi đã phát tâm công đức phục dựng lại ngôi chùa theo kiến trúc hình chữ Đinh rộng hơn chùa cũ với kiến trúc 03 gian tiền đường, một gian hậu cung. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp chùa bị phá huỷ. Vào năm 1993 bằng nguồn công đức của nhân dân trong vùng, chùa được xây dựng lại với kiểu kiến trúc nhà cấp 4, có 03 gian. Đến năm 1999 chùa được tu sửa khang trang.

Chùa Suối Tắm

 Chùa Suối Tắm (Ảnh – Trần Quốc Thịnh)

 Chùa Suối Tắm toạ lạc ở thế đất tựa đầu Rùa thiêng (linh quy) bên sườn dốc cửa Ngăn thuộc dãy núi Kim Cương. Từ Chùa Trình đi vào khoảng 5km sẽ tới đây.

Chùa Cầm Thực

 Chùa Cầm Thực Yên Tử (Ảnh – Nguyễn Xuân Hùng)

 Chùa Cầm Thực toạ lạc trên một đỉnh núi tròn như “mâm xôi”. Tương truyền hơn 700 năm trước vua Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi xuống Suối Tắm gột sạch bụi trần tiếp tục lộ trình vào Yên Tử.

 Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay mời thầy dùng bữa mới sực nhớ xuất ăn của hai thầy trò đã bố thí cho người hành khất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi này. Để ghi lại sự tích trên người xưa dựng chùa đặt tên là Cầm Thực (có nghĩa là “không ăn”) như thể khắc ghi đức hạnh bố thí cứu độ chúng sinh của vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái.

Chùa Lân – Thiền viện Trúc lâm Yên Tử

 Cổng chính Thiền viện Trúc lâm Yên Tử (Ảnh – son bachvan)

 Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Chùa Lân hay tên chữ là Long Động Tự là một ngôi chùa trên núi Yên Tử, thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công. Năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng. Ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh. Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm.

Chùa Giải Oan

 Chùa Giải Oan (Ảnh – Vũ Tú Linh)

 Chùa Giải Oan được xây dựng dưới thời Pháp Loa – vị tổ thứ 2 của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa ngày nay được xây dựng trên nền móng cũ đã trải qua nhiều lần trùng tu.

 Năm 2010, nhà thờ Tổ được khởi công xây dựng phía trái chùa Giải Oan. Kiến trúc hình chữ Nhất, bên trong bài trí thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Tổ chùa. Điều đặc biệt bên cạnh chùa Giải Oan là điện thờ thân mẫu (Đức mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu – Trần Thị Thiều) và Quốc trương (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Am Lò Rèn

 Từ chùa Giải Oan, đi theo đường hành hương lên núi khoảng 800 mét, rẽ vào phía trái cách đường hành hương 20 mét, du khách sẽ đến am Lò Rèn. Am xưa nay chỉ còn dấu tích. Đây là nơi rèn đúc các dụng cụ cuốc, xẻng, dao, kéo và các đồ dùng khác phục vụ cho lao động trồng dược liệu, trồng hoa, chế biến thuốc… và cho đời sống sinh hoạt của các Thiền sư và Phật tử ở đây.

Đường Tùng

 Đường tùng tuổi hơn 700 năm, rễ tùng đan thành lối đi đưa du khách lên chùa (Ảnh – Hải Nguyên Trần)

 Đường Tùng ngày nay là một đoạn đường dài hơn trăm mét, người xưa trồng tùng ở hai bên vệ đường, tuổi tùng đã đến vài trăm năm, thân gốc cây đã thành cổ thụ. Đường Tùng là trục đường chính hành hương lên Cõi Phật. Các nhà khoa học thời nay coi Đường Tùng Yên Tử là hàng cây trồng cổ nhất ở Việt Nam. Nhiều người tin Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử của Ngài và các thế hệ tu hành của Thiền Phái Trúc Lâm đã trồng tùng ở đây và nhiều nơi trên núi Yên Tử, năm 2014 còn 247 cây. Cây Tùng biểu trưng sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của bậc quân tử. Đường Tùng là di sản quý, vừa là chứng tích lịch sử, vừa là biểu tượng văn hóa; thể hiện tình yêu sự sống, tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên – một giá trị cốt lõi của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Rừng Trúc

 Kề bên Đường Tùng là rừng trúc (chữ cổ là “trúc lâm”). Trúc trải khắp núi rừng Yên Tử, suốt từ chân núi lên đỉnh núi. Loài trúc mọc thẳng, sống quần tụ thành rừng, biểu trưng cho sự đoàn kết, kiên cường và sức sống trường tồn. Tên gọi “Trúc Lâm” xuất hiện nhiều trong lịch sử Phật giáo: Tịnh xá Trúc Lâm là nơi Đức Phật Thích-ca từng thuyết pháp. Trúc Lâm Đại Sỹ là hiệu của Trần Nhân Tông. Thiền phái do Ngài sáng lập mang tên Trúc Lâm…

Vườn tháp Huệ Quang

 Vườn tháp Huệ Quang (Ảnh – Thủy Văn)

 Vườn Tháp Huệ Quang (Huệ Quang Kim tháp)  là nơi lưu giữ ngọc cốt của các nhà sư đã từng tu hành tại Yên Tử. Toàn bộ Vườn tháp hiện nay còn lưu giữ 97 ngôi tháp mộ. Mỗi một tháp mộ đều có kích thước và độ cao thấp khác nhau, điều đó thể hiện vị trí, chức sắc của các nhà sư tu hành tại nơi đây.

 Tọa lạc nơi đây có nhiều tháp mộ thờ xá lợi các Thiền sư thuộc nhiều thế hệ tu hành ở chùa Hoa Yên từ thời Hậu Lê: Tháp Tự Tuệ thờ Thiền sư Giác Liễu dựng năm 1758, tháp Chân Bảo thờ Thiền sư Diệu Tường dựng năm 1770, tháp Tĩnh Trú thờ thiền sư Thanh Hát…

Chùa Hoa Yên

 Chùa Hoa Yên (Ảnh – tianatravel)

 Ở độ cao 534m so với mực nước biển, từ xưa, chùa Hoa Yên giữ vị thế là chùa trung tâm của cả hệ thống chùa Yên Tử. Tên cũ của chùa là Vân Yên, dân gian thường gọi là Chùa Cả, Chùa Chính, Chùa Yên Tử. Chùa từng có gác chuông, lầu trống, nhà tăng, viện Phù Đồ… Đến thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên vãng cảnh chùa, thấy cảnh trí tốt tươi, trăm hoa đua nở, bèn đổi tên chùa thành Hoa Yên.

 Chùa là nơi tu hành, thành đạo, truyền thừa của các thế hệ Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử: Thời Lý có Thiền sư Hiện Quang khai sơn chùa Vân Yên từ trước năm 1220. Thời Trần có Quốc sư Đạo Viên, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Thiền sư Huệ Tuệ. Tại chùa Hoa Yên, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa, Huyền Quang kế thừa và phát triển dòng Thiền Yên Tử lập nên Thiền Phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế và hộ quốc an dân.

 Hơn 700 năm, chùa Hoa Yên qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa ngày nay được phục dựng vào năm 2002, phía dưới nền chùa còn lưu giữ móng nền chùa thời Trần được khảo cổ và phát lộ trước khi phục dựng chùa này. Ngôi chùa kiến trúc hình chữ công (工) gồm Tiền đường có ba gian hai trái, Trung đường (Thiêu hương), Hậu cung (Thượng điện) có ba gian. Chùa thờ tượng Phật theo cách thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam.

 Sau chùa là Nhà Tổ kiến trúc hình chữ nhất (一), gồm năm gian hai chái, thờ tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tượng Tam Tổ Trúc Lâm, tượng Tam Vương, tượng Đức Thánh Trần, tượng Tam Tòa Thánh Mẫu. Hai bên chùa là nhà tả vu và hữu vu, kiến trúc giống nhau, gồm năm gian, hai tầng tám mái, làm lầu chuông, lầu khánh. Phía trước sân chùa có ba cây đại cổ, tuổi vài trăm năm. Hai phía hồi chùa còn hai cây sung cổ. Phía Đông sân chùa dựng bia Hậu Phật khắc ghi công đức của bà Vũ Thị Phương đã xuất tiền của cứu trợ dân nghèo vùng Nam Mẫu, Trung Lương, Nội Hoàng.

Chùa Một Mái

 Chùa Một Mái (Ảnh – Phan Le Thanh Toan)

 Chùa xưa vốn là động Thanh Long, tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, ngày nay gọi là chùa Một Mái.

 Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng rất độc đáo bởi chùa là nơi duy nhất của Yên Tử ngày nay vẫn giữ nguyên hệ thống tượng thờ và đồ thờ trong chùa toàn bằng đá trắng có niên đại cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Bát hương bằng đá trắng khắc chữ “Phật, Pháp, Tăng – tam bảo kim cương” (Phật, Pháp, Tăng – ba ngôi tôn quý) và câu thần chú Mật tông “Úm ma ni bát mê hồng”  khắc vào năm 1853. Một số bia đá ghi lại hành trạng của các Thiền sư tu ở chùa Bồ Đà, ghi danh Phật tử hảo tâm công đức trùng tu chùa.

Chùa Vân Tiêu

 Chùa Vân Tiêu (Ảnh – Đi Đến)

 Vân Tiêu ở đây tức là tầng mây, Chùa có ý nghĩa là Chùa trong tầng mây. Chùa tọa lạc ở phía tây dãy núi Yên Tử. Dãy núi như tường thành chắn ngang luồng gió biển thổi vào, hơi nước ngưng đọng lại thành tầng tầng, lớp lớp mây bao phủ, nhè nhẹ trôi. Ngôi Chùa lúc ẩn, lúc hiện trong những tầng mây ấy.

 Xưa kia Chùa chỉ là am thất nhỏ, gọi tên là am Tử Tiêu. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hiển phật, đệ nhị tổ Pháp Loa đã cho xây dựng nơi đây thành chùa lớn. Năm 2001, trung tâm Unesco nghiên cứu, ứng dụng phật học Việt Nam đã vận động phật tử công đức xây dựng chùa.

 Trước cửa Chùa Vân Tiêu có Vườn tháp vọng tiên cung (nghĩa là nhìn thấu suốt tới tiên cung). Cụm tháp gồm 06 ngọn tháp xây bằng đá và gạch. Ngọn tháp chính giữa cao 09 tầng gọi là cửu trùng đài, xây vào thời Nguyễn, được xây bằng đá núi, hình lăng trụ bát giác, tám mặt tháp tượng trưng cho bát chính đạo. Vườn tháp “Vọng Tiên Cung” giống như Hòn ngọc quý cùng hai cây Tùng tươi tốt cành lá sum xuê đứng ở hai bên nổi bật trên nên xanh biếc của núi rừng Yên Tử. Đây không phải là tháp mộ nhà sư, mà chỉ là một ngôi tháp thờ phụng chung cho tất cả các chư liệt, tiền tổ. 05 ngôi tháp còn lại, tất cả đều nhỏ bé, khiêm cung, đó là 5 tháp mộ của các thiền sư đức cao, đạo trọng, tu hành ở Vân Tiêu và viên tịch ở đây.

Chùa Bảo Sái

 Chùa Bảo Sái nhìn từ cáp treo Yên Tử (Ảnh – Huỳnh Hồng Giang)

 Chùa mang tên vị đệ tử thân tín nhất của Vua Trần đã từng tu hành tại đây. Chùa Bảo Sái ở độ cao trên 700 m so với mực nước biển. Thời kỳ Vua Trần tu hành, nơi đây chỉ có am trong động.

 Am có tên là Ngộ Ngữ Viện, ở sau chùa Bảo Sái hiện nay là nơi biên soạn, lưu trữ kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và thiền sư Bảo Sái được vua Trần giao cho việc biên tập và ấn tống kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử rồi chuyển xuống các Chùa để truyền giảng thiền Tông cho các tăng ni và phật tử trong cả nước Đại Việt. Trên vách đá Ngộ Ngữ Viện nay vẫn còn câu đối:

 “Thạch hoá Trúc Lâm lưu điển tích
Sơn cao Bảo toà kết lâu đài”

 Dịch nghĩa:

 “Nơi đá núi sáng lập phái Trúc Lâm, điển tích còn lưu lại.
Trên non cao toà báu Thiền môn đã kết thành lâu đài”

Thác Ngự Dội

 Thác Ngự Dội, là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thường ra tắm gội, sau đó Ngài lên Am Thiền Định kế bên để tọa thiền.

Am Thiền Định

 Am Thiền Định nằm cách chùa Hoa Yên khoảng 500m về phía Tây. Ngày nay, dấu vết Am Thiền Định nằm bên cạnh con đường dẫn ra thác Ngự Dội và Thác Vàng, cách Thác Ngự Dội khoảng 20m, cách Thác Vàng 180m.

Thác Vàng

 Thác Vàng bắt nguồn từ dãy núi Bạch Hổ tạo thành dòng chảy ánh kim gọi là Khê Hổ cùng với Thác Bạc tuôn chảy, vươn dài xuôi về phía Nam, ôm lấy thung lũng Giải Oan tạo thành một minh đường tụ thủy lưu giữ khí thiêng.

Tượng An Kỳ Sinh

 Tượng An Kỳ Sinh (Ảnh – 안완식)

 Truyền thuyết kể lại rằng: Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, ở phương Bắc có một đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh đã đến đây tu pháp Đạo Tiên. Ngài hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện đan sa, thần sa thành thuốc trường sinh và ban pháp dược chữa bệnh cứu người.

 Người đời tỏ lòng tôn kính gọi ông là An Tử (nghĩa là thày An), và gọi núi này là An Tử Sơn (nghĩa là núi thày An). Sau này, để tránh gọi tên húy của Ngài, dân gian đổi tên gọi núi An Tử thành Yên Tử và dựng tượng Ngài để thờ cúng. Tượng An Kỳ Sinh là một tảng đá tự nhiên, trông giống hình đạo sỹ đứng chắp tay cung kính quay về Tây phương, áo dài thướt tha. Tượng cao 2,2m. Thân tượng có tạc chữ hán dã bị mờ nét.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

 Tượng Phật Hoàng Trần Nhân trên đỉnh Yên Tử (Ảnh – tiendat4696)

 Để tôn vinh những công đức của Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp. Năm 2009, Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh là chủ đầu tư đã tổ chức lễ khởi công đúc Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

 Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc liền khối bằng đồng nguyên chất. Tượng đúc ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao 2,7 mét, phần đài sen và tượng cao 9,9 mét. Tổng thể tượng cao 12,6m, trọng lượng nặng 138 tấn. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2, có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Cổng trời Bia Phật

 Bia Phật trên đường lên Chùa Đồng (Ảnh – Uyen Do Thanh‎)

 Do quá trình biến động địa chất, bãi đá Chùa Đồng trông như hàng nghìn “linh quy” (Rùa thiêng) chầu về đỉnh thiêng Yên Tử. Trong đá trầm tích biển có những con ốc, con sò biển hoá thạch và có những thực vật biển sống ở đây như cây sú, cây vẹt.

 Phía trước dưới cổng trời có một phiến đá trầm tích cát sỏi biển, mỏng, cao hơn 5m, bề rộng khoảng 2m. Mặt đá chính diện giống như hình chiếc oản dâng lên cúng Phật. Phiến đá đó gọi là “Bia Phật”. Mặt trước của bia được tạc một hàng chữ Hán lớn theo chiều dọc, ba chữ trên nay đã mờ, chỉ còn lại một chữ cuối cùng khá rõ nét nằm gọn trong vòng tròn, đó là chữ “Phật”. Phía dưới chữ Phật có một hàng ngang gồm 04 chữ Hán “Tứ Tự Hồng Danh”.

Chùa Đồng

 Chùa Đồng trong mây (Ảnh – huongtram2102)

 Chùa Đồng – Tên chữ là Thiên Trúc Tự, toạ lạc trên đỉnh Non thiêng Yên Tử ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Nơi đây có không gian thiên nhiên bao la hùng vĩ, quanh năm mây trắng, sương mù che phủ đan xen lúc nắng, lúc mưa, khí hậu ẩm ướt. Những Cây Trúc, cây Sú, cây Vẹt,…mọc thành rừng, trên những triền núi đá còn dấu tích những vỏ Sò, vỏ Ốc. Tam Tổ Trúc Lâm và các Thiền sư thường ngồi thiền để “Thân hoà đồng trụ, giới hoà đồng tu”.

 Chùa Đồng được trùng tu năm 2006 và khánh thành ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (30/01/2007), được đúc bằng đồng nguyên chất nặng trên 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, chiều cao 3,35m, hình dáng Chùa như một Đài sen, trong Chùa thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo và lớn nhất Đông Nam Á được làm hoàn toàn bằng chất liệu đồng.

Tây Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh)

 Quần thể khu di tích nhà Trần ở Đông Triều ở phía Nam dãy núi Đông Triều thuộc địa bàn 4 xã: An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An đã được Nhà nước đặc cách xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Quy hoạch khu di tích nhà Trần bao gồm 14 điểm di tích: Đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.

 Đông Triều có nghĩa là “Triều đình phía Đông”, vùng đất cổ Đông Triều trước đó có tên gọi An Sinh hay Yên Sinh. An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần trước khi dời đến Thái Bình và Nam Định. Đây là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều các di sản văn hóa đặc sắc của thời Trần với tính chất của khu di tích này là quê gốc nhà Trần so với các di tích Nhà Trần khác ở Thăng Long (Hà Nội), Long Hưng (Thái Bình), Thiên Trường (Nam Định).

Đền An Sinh

 Đền An Sinh trong quần thể di tích Nhà Trần ở Đông Triều (Ảnh – pham hung)

 Khu di tích Đền An Sinh ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ quốc lộ 18A đến trung tâm phường Đông Triều, rẽ trái (nếu đi từ Hà Nội) khoảng 5 km là vào tới đền. Khu di tích bao gồm một ngôi đền và lăng mộ của các vị vua Trần, nằm rải rác trong một khuôn viên khá rộng lớn có bán kính 20 km để thờ “Bát vị Hoàng Ðế” thời Trần. Di tích được xây dựng thời Trần, trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

 Khu lăng mộ An Sinh thờ các vị vua Trần Thái Tông (1225-1258), Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Nhân Tông (, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông. Trần Giản Định, tức là Giản Định Đế, là vị vua nhà Hậu Trần, con trai của Trần Nghệ Tông, xưng đế năm 1407, cũng được thờ tại đây. Trong bán kính 4 km là rải rác các lăng mộ và cũng có 175 đời nhà Trần

 Khu vực đền có diện tích khá rộng, khoảng 80.000 m2. Cổng đền có những hàng nhãn cổ thụ làm cho cảnh quan đền thêm cổ kính. Quanh đền có 14 cây đại thụ, biểu hiện cho 14 đời vua nhà Trần. Trước đền có tám cây vạn tuế biểu hiện cho tám vị vua được thờ ở đây.

Di tích Đô Kiệu (Đỗ Kiệu)

 Trước kia đoạn dốc này luôn khá khó nhằn với người hành hương về Tây Yên Tử, hiện nay đoạn đường này đã được làm thành bậc thang nên đã dễ dàng đi hơn rất nhiều (Ảnh – cungphuot.info)

 Dốc dựng đứng và không có bậc, xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này, đến đây Kiệu cũng đành dừng lại nên từ đó mới có tên là Dốc Đỗ Kiệu.

Khu di tích Đá Chồng

 Nếu leo Tây Yên Tử từ đường đập Bến Châu sẽ đi qua Bãi Đá Chồng này (Ảnh – Ngô Phi Hùng)

 Đá Chồng là một cụm công trình kiến trúc nằm ở phía sườn Đông Nam của khu vực Đèo Voi thuộc phía đông nam của quần thể di tích Ngọa Vân, cách am Ngọa Vân khoảng 3km. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt các dấu vệt nền móng kiến trúc chùa tháp tại Ngọa Vân cùng với các di tích hiện còn cho thấy Đá Chồng gồm hai khu 1 và 2, trong đó Đá Chồng 1 là một quần thể gồm chùa tháp, sân vườn và hồ.

Chùa Hồ Thiên

 Tháp bảy tầng ở chùa Hồ Thiên (Ảnh – Mất Trâu)

 Hồ Thiên là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời phong kiến. Chùa nằm ở phía Tây Yên Tử ở độ cao trên 500m so với mặt biển giữa vùng rừng núi hoang sơ mênh mang, là một kiến trúc có giá trị trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hoá dân tộc. Chùa được khởi dựng dưới triều Trần. Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (tức đệ nhất tổ phái Trúc Lâm) từng đăng đàn thuyết pháp tại đây. Ban ngày, Ngài thuyết pháp, tối đến lại về Am Ngọa Vân để nghỉ ngơi. Sau khi ngài mất, đệ tử chùa Hồ Thiên đã tạc tượng thờ ngài.

 Theo thầy Thích Trí Thông Đạt Ma, người đời vẫn tưởng Hồ Thiên có nghĩa là hồ nước trên trời, nhưng thực ra, chữ “hồ” ở đây không phải ao hồ, mà là “quần tụ”. Hồ Thiên chính là nơi quần tụ của chư Thiên.

Am Ngọa Vân

 Di tích Am Ngọa Vân cũ (Ảnh – Lam Hoàng Ngọc)

 Tháng 8 năm 1299 vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung Trùng Quang Phủ Thiên Trường (Nam Định) xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo đỉnh núi nơi dựng am từ là am Ngọa Vân. Ngày 1 tháng 11 năm 1308 (Mậu Thân) Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm tại am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Ngài hóa Phật, các đệ tử đã hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ xá lỵ của Ngài tại đỉnh và gọi tên là Phật Hoàng tháp.

 Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa Vân là nơi thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm. Ngay sau khi ngài hóa, Pháp Loa (tổ thức hai của Thiền phái Trúc Lâm) đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Nếu trước đó, Ngọa Vân chỉ có một am nhỏ làm nơi tu thiền của Phật Hoàng thì đến đây Ngọa Vân đã trở thành một quần thể Chùa – Am với nhiều công trình kiến trúc chùa, tháp. Trong đó, am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

 Trải qua một thời gian dài suy vong của Phật giáo, các công trình kiến trúc ở Ngọa Vân xây dựng dưới thời Trần đều bị phá hủy hoặc xuống cấp. Đầu thế kỷ 18, thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Ngọa Vân. Ông cho xây dựng lại Phật Hoàng tháp, nhà Tổ làm nơi thờ Tam Tổ Trúc Lâm cũng như xây mới một số công trình khác.

 Và quần thể chùa Ngọa Vân được xây mới kể từ khi tuyến cáp treo đi vào hoạt động (Ảnh – Mike Tan)

 Đầu thế kỷ 20, các kiến trúc xây dựng thời Lê Trung Hưng phần lớn đã bị đổ nát, nhân dân làng Đốc Trại (ngay là làng Trại Lốc), làng được triều đình ngà Nguyễn giao cho việc trông coi thờ phụng lăng tẩm các vị vua Trần và chùa Ngọa Vân đã trùng tu, tôn tạo các công trình cũ còn lại và xây mới nhà Tổ, am Ngọa Vân và am Sơn Thần.

 Trải suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm, am Ngọa Vân từ lúc ban đầu chỉ là một “thảo am” nơi Trúc Lâm Đại Sĩ tu hành và đắc đạo, trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tây Yên Tử (Bắc Giang)

 Theo thống kê hiện nay, hệ thống Tây Yên Tử có hàng chục di tích, danh thắng có giá trị nổi bật. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông… Mỗi ngôi chùa có những nét kiến trúc riêng và được xây dựng theo luật phong thủy, địa lý đẹp… ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý – Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa là một trung tâm, là chốn tổ, có hệ thống tượng phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật giá trị nổi bật.

Chùa Vĩnh Nghiêm

 Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này.

 Nơi đây là vùng đất tụ thủy, tụ nhân, địa linh nhân kiệt, được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi khai tràng thuyết pháp, đồng thời làm trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo của nước Đại Việt. Như vậy, chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa lớn, một đại danh lam được lưu truyền trong sử sách mà còn là chốn tổ của một dòng thiền lớn Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 Chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc… Đặc biệt kho Mộc bản với hơn 3 nghìn bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 15 tháng 5 năm 2012.

Chùa Am Vãi

 Thuộc địa phận xã Nam Dương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, di tích chùa Am Vãi tọa lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời. Tương truyền chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo Phật ở vào giai đoạn cực thịnh.

Khu di tích – danh thắng Suối Mỡ

 Suối Mỡ là tên một con suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hồ Chuối chảy xuôi dòng theo núi Huyền Đinh – Yên Tử, tạo ra nhiều thác và những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Dọc theo ven suối có đền Thượng, đền Trung, đền Hạ phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương, được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu. Khu vực rừng suối nước Vàng nằm trên dãy Phật Sơn – Yên Tử, có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, dòng suối độc đáo với 24 ngọn thác là một điểm tham quan kỳ thú. Quanh khu vực này có nhiều di tích lịch sử như: chùa Đồng Vành, đền Bản Phủ thờ vua Trần và các hoàng hậu, công chúa thời Trần…

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử

 Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nằm ở vị trí sườn Tây núi Yên Tử, chiếm phần lớn diện tích rừng tự nhiên trong quần thể các dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều. Đây là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, nối liền với diện tích rừng thường xanh của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc sản quà du lịch yên tử

1. Măng trúc tươi 
Măng trúc tươi là đặc sản nổi tiếng của Yên Tử, ai đến Yên Tử cũng muốn mua măng trúc tươi về làm quà. Món đặc sản này được mọc tự nhiên trên các dãy núi Yên Tử và có hình dáng hoàn toàn khác so với măng ở các khu vực khác. Măng trúc ở đây không to mập mà thon dài rất chắc. Măng trúc có thể chế biến nhiều cách: luộc, xào, tẩm bột chiên nhưng thu hút nhất có lẽ vẫn là món măng trúc để cả vỏ luộc chấm muối lạc vừng, vừa thơm lại vừa bùi, rất ngon.
 
 
 
 
2. Trầu một lá
Trầu một lá được coi là một loại thuốc quý không thể thiếu trong dịp lễ hội Yên Tử, trầu một lá là một đặc sản luôn được du khách tìm mua khi có dịp đặt chân đến đây. Trầu một lá có rất nhiều công dụng. Bạn nên tìm mua những chỗ bán có địa chỉ rõ ràng để đảm bảo chất lượng, có một loại do Hội chữ thập đỏ Uông Bí làm rất có tín nhiệm mà dùng được ngay, nếu cần với số lượng lớn bạn có thể mua ở cáp treo – điểm bán chính thức của hội chữ thập đỏ.
 
 
3. Canh gà rượu Bâu 
Rượu Bâu là loại rượu được lên men bằng lá cây rừng của người dân tộc quanh núi Yên Tử. Canh gà được nấu với gừng và rượu Bâu, thơm phức, nóng hổi và khói nghi ngút. Cảm giác thật tuyệt vời để thưởng thức khi bạn vừa qua một chặng đường mệt và lạnh cóng từ trên núi xuống.
 
 
 
4. Rượu mơ Yên Tử 
Rượu mơ Yên Tử được sản xuất bởi công ty bia Thăng Long 2006. Rượu có màu hổ phách với hương vị nồng ấm, men say thấm nhuần chất núi rừng Yên Tử. Thưởng thức rượu mơ nơi đây bạn sẽ cảm nhận thấy vị chua ngọt dễ chịu, mang đậm tính dân dã nhưng không hề thua kém so với rượu ngoại. Rượu mơ có rất nhiều tác dụng khác nhau: cải thiện tình trạng dạ dày bởi hàm lượng axit acid khá cao (51-58%), gấp 10 lần chanh, hàm lượng này có thể chuyển hóa các chất dinh dưỡng thừa thành nhiệt lượng đồng thời phân giải các chất không cần thiết ra ngoài cơ thể. Ngoài tác dụng thanh nhiệt giải độc, rượu mơ còn có thể cải thiện tình trạng đau bụng hay táo bón, đánh tan mệt mỏi, điều hòa và lưu thông khí huyết.

 

  

  

  

  

  

  

 Tag: đâu tour mai quyên nhiêu nghiệm phim xa resort cư thiệu đứt gì thơ dự báo