Tìm hiểu lịch sử nhà Đinh

 Nhà Đinh thành lập năm nào, như thế nào

 Nhà Đinh (968-980) là triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam bắt đầu năm 968, sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước và kết thúc năm 980 khi con của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Phế Đế nhường cho Lê Hoàn.

 Nhà Đinh là triều đại mở đầu chế độ phong kiến tập quyền và thời kỳ tự chủ với một chế độ đứng đầu bởi một Hoàng đế của nước Việt Nam. Vương triều nhà Đinh đã mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập nên trong các bộ chính sử kể từ Đại Việt sử ký toàn thư thế kỷ XV, Đại Việt sử ký tiền biên thế kỷ XVIII đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục thế kỷ XIX; triều đại này đều được các tác giả lấy làm mốc mở đầu phần Bản kỷ hoặc Chính biên.

 Tiếp đến, việc xưng đế hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng mang ý thức lớn về sự tự tôn của nước Việt, có hàm ý so sánh với các Hoàng đế Trung Hoa.

 Nhà Đinh thành lập trong hoàn cảnh nào

 Năm 944, Ngô Quyền mất, anh/em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi của nhà Ngô, xưng Dương Bình Vương. Các nơi không chịu thuần phục, nhiều thủ lĩnh nổi lên cát cứ các vùng thường đem quân đánh lẫn nhau.

 Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập bỏ trốn. Dương Tam Kha nhận Ngô Xương Văn – con thứ của Ngô Quyền – làm con nuôi. Năm 950, Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha, trở thành Nam Tấn Vương. Ngô Xương Ngập được đưa về, cũng làm vua, là Thiên Sách Vương. Đó là thời Hậu Ngô Vương.

 Năm 954, Ngô Xương Ngập chết. Đến năm 965, Ngô Xương Văn chết, con Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp. Nhưng vì thế lực suy yếu nên lui về giữ đất Bình Kiều. Quý tộc nhà Ngô, các tướng nhà Ngô cùng các thủ lĩnh địa phương đều nổi dậy chiếm cứ một vùng. Bắt đầu từ đó hình thành thế mà sử sách gọi là loạn 12 sứ quân.

 Trong số các lực lượng nổi dậy chống triều đình, nổi lên Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Hoàn). Ông là người Hoa Lư, châu Đại Hoàng. Cha là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Châu Hoan.

 Thời kỳ đó Đinh Bộ Lĩnh cũng tập hợp dân chúng ở Hoa Lư. Sau vì bất đồng với người chú, Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai Đinh Liễn sang đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm) ở Bố Hải Khẩu. Sau khi Trần Minh Công chết [1], Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính, chống nhà Ngô và các sứ quân khác.

 Trong hơn 3 năm, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

 Bi kịch huynh đệ tương tàn nhà Đinh

 Oanh liệt, mưu lược trên chiến trường, lập lại trật tự xã tắc vẹn tròn. Thế nhưng, Đinh Tiên Hoàng đã làm một việc là đến bây giờ sử sách gọi là sai lầm lịch sử. Đinh Tiên Hoàng có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Trong đó, con cả Đinh Liễn là người cùng vua cha đánh dẹp 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh. Năm Mậu Thìn 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi thì Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.

 Năm Nhâm Thân (972), Nam Việt Vương Liễn được cử đi sứ sang nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương, còn Nam Việt Vương Liễn thì được nhà Tống phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Đến năm Ất Hợi (975), nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương.

 Kể từ đó, mọi việc giao tiếp với sứ giả Trung Quốc, Đinh Tiên Hoàng đều ủy thác hết cho Đinh Liễn. Tóm lại, Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín. Quyền kế vị ngôi Hoàng đế của Đinh Liễn kể như đã rất rõ ràng.
Tuy nhiên, mọi chuyện đang bình thường bỗng trở nên rắc rối bởi sự kiện xảy ra vào đầu mùa xuân năm Mậu Dần (978), Đinh Tiên Hoàng bỗng dưng quyết định lập người con trai còn nhỏ là Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn làm Vệ Vương. Điều này cũng có nghĩa là quyền kế vị ngôi vua của Đinh Liễn không còn nữa. Cơn thịnh nộ của Liễn bắt đầu.

 Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Mùa xuân năm Kỷ Mão (979), Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Hoàng Thái tử Hạng Lang. Đinh Liễn là con trưởng của Nhà Vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý Vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương.

 Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho. Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi”.

 Cũng theo sử sách, sau tội ác tày trời này, Đinh Liễn được vua cha khoan hồng, nhưng để chuộc lại phần nào lỗi lầm, Nam Việt Vương đã dựng nhiều cột viết những bài tụng kinh Phật ở kinh đô Hoa Lư tỏ ý ân hận. Phần lạc khoản trên các cột kinh là những lời sám hối của ông.

 Lạc khoản có đoạn: “… Cơ sự đã đến nông nỗi chém giết nhau này, thật hối hận, bèn xin dựng một trăm tòa kinh báu dâng Phật cầu cho vong hồn em trai đã mất và các vong linh gia tiên được giải thoát khỏi sự bắt bớ tra hỏi nơi địa ngục…”.

 Nhiều nhà sử học sau này nhận định cái sai của Đinh Tiên Hoàng là gốc của mọi sự sai, nhưng chẳng phải vì thế mà có ai đồng tình với hành động tàn bạo của Đinh Liễn. Công một thời chẳng thể bù cho tội một lúc…

 Trước đó, sử thần Ngô Sĩ Liên từng nhận xét: “Truyền ngôi cho con trưởng là đạo thường của muôn đời, bỏ đạo ấy mà không có biến loạn thì quả là chưa bao giờ nghe vậy. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, nhưng trước hết phải chọn người có công, nếu con trưởng ác đức thì phải phế bỏ đi rồi sau mới lập con thứ.

 Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng, người xưa cũng từng làm. Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con…”.

 Năm Kỷ Mão 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Đến bây giờ vẫn còn nhiều tư liệu khác nhau nói về lý do Đỗ Thích giết cha con họ Đinh. Quan thần sau đó bắt và giết Đỗ Thích, tôn Đinh Toàn lên làm vua.

 Đinh Toàn lên ngôi, lấy hiệu là Đinh Phế Đế. Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi. Quyền lực thực tế nằm trong tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, là nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy vậy, lại nghi Lê Hoàn tư thông cùng Thái hậu Dương Vân Nga nên cử binh đến đánh.

 Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết chết. Phò mã Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam sang Chăm Pa, sau đó cùng Vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão chết.

 Năm 980, nhà Tống rục rịch điều quân sang đánh Đại Cồ Việt, Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức Vua Lê Đại Hành. Nhà Đinh kết thúc, truyền được đến đời thứ hai, trị vì 12 năm (968-980).

 Lê Hoàn sau khi lên ngôi lập ra nhà Tiền Lê đã đánh thắng quân Tống (tháng 4 năm 981). Đinh Toàn trở thành Vệ Vương có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm 1001, trong lần cùng Vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn vùng Cầm Thuỷ Thanh Hoá, Đinh Toàn bị trúng tên chết.

 Hiện, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các con Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang được thờ ở đền Vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, Ninh Bình