Tìm Hiểu Về Ban Hộ Tự

 Vào những năm đầu của thập niên 30, do cuộc vận động chấn hưng Phật giáo cả nước nói chung, và xứ Huế nói riêng ngày một lan rộng và sâu trong lòng quần chúng Phật tử, Phật học Hội được thành lập, các chi hội, các Tỉnh hội, các khuôn hội lần lược ra đời. Tinh thần Phật học lan rộng xuống các tầng lớp dân nghèo, làng sớm, vậy nên mỗi Khuôn hội đều cần có một nơi để những hội viên của An Nam Phật học Hội sinh hoạt, tìm hiểu, học hỏi, tu tập chánh pháp và phát triển đạo Phật. Người đứng đầu của một Khuôn hội là bác Khuôn Trưởng và các ủy viên ngày nay gọi là Ban hộ tự.

 I. Vai trò và trách nhiệm của Ban hộ tự trong các sinh hoạt và hướng dẫn Phật tử tu học

 Với nhu cầu học Phật và tu tập chánh pháp của đông đảo Phật tử tại các Niệm Phật đường, với mục đích và nền tảng của đạo Phật là đánh thức những yếu tố nhân bản, khơi dậy Phật tánh tiềm năng, giáo dục và chuyển hóa tam độc để đưa con người đến gần với chân lý, với cái đẹp và cái thiện, Ban hộ tự được xem là nơi tụ hội các tâm tư, nguyện vọng của đông đảo Phật tử quanh vùng. Họ đã từng cùng sống cùng học và cùng tu. Hơn ai, hết Ban hộ tự cần phải tự thấy rõ trọng trách của mình đối với sự tồn vong của đạo pháp. Họ đảm trách phần trách nhiệm làm một chất keo dính trong mối dây gắn kết tình thân của các thành phần Phật tử để xúc tiến công tác tu học và trang trải được các khoản phí sinh hoạt. Song, họ cần phải tâm niệm việc tu học là vấn đề tiên quyết không phút dây lơi lỏng. Phần tài chánh sinh hoạt tại các Niệm Phật đường là cần thiết nhưng chưa phải là đủ. Lắm lúc chúng ta vì sự bức bách này mà đánh mất tình thân, niềm tin và sự tôn kính nói chung là điều đáng tiếc. Họ luôn luôn trăn trở để tìm ra giải pháp tối ưu cho những vấn đề còn tồn tại trong công việc hướng dẫn Phật tử cùng nhau tu học theo đúng chánh pháp.

 Trước hiện trạng làng sống văn minh vật chất, con người bị lâm vào cảnh cám dỗ, đạo đức phân hóa, tệ nạn xã hội tăng nhanh, lòng tin giữa con người với con người bị xói mòn, nhân văn tha hóa, nhân tính xuống cấp. Vậy, là một thành viên trong Ban hộ tự, chúng ta có trăn trở gì trong vai trò của mình? Xây dựng được một cộng đồng hưng thịnh, không bị tha hóa về đạo đức đó là cái đích tối hậu của xã hội con người. Hơn nữa, do Phật giáo là một tôn giáo vốn mang tính tự cứu, tự giải thoát nên bổn phận trên hết và trước hết của một Phật tử chính là hiểu được địa vị tối thượng lẫn trách nhiệm đối với chính mình và đối với quần sinh. Nói cách khác, địa vị của con người là tối thượng. Con người chính là chủ nhân của chính mình từ những quan tâm vật chất thế tục cho đến những thành tựu tâm linh cao quý.

 Các thành viên của Ban hộ tự cần thiết phải có tấm lòng yêu mến tuổi trẻ, quan tâm với trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng và lấy điều đó làm nền tảng để xây dựng niềm tin, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

 II. Ban hộ tự và vị trụ trì cần phải làm gì để hỗ trợ trong các sinh hoạt và giúp đỡ Phật tử tu học tại các Niệm Phật đường:

 Hiện nay, tại một số Niệm Phật đường sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban hộ tự và vị trụ trì đã đưa sinh hoạt và tu tập của quần chúng Phật tử lên rất cao, như ở Niệm Phật đường Phú Hậu, Tây Linh, Long Thọ…. Điều đó cho thấy rằng Ban hộ tự đã làm tốt chức năng của mình trước quần chúng Phật tử và đạo pháp. Họ đã chu toàn trong vai trò của mình mà không lấn lước vai trò của vị trụ trì. Họ đã thể hiện được nhu cầu tu học, chuyển hóa suy nghĩ, chuyển hóa lời nói và việc làm của mình. Ý nguyện của họ là hướng thiện, là vươn lên cái chân thiện mỹ của cuộc sống. Họ đã làm tròn chức năng môi giới giữa quần chúng và vị trụ trì.

 Mặc khác, vị trụ trì cũng phải làm tròn trách nhiệm vai trò đồng thời của một người thầy dạy đạo, là người cố vấn cho cư sĩ Phật tử trong việc thực hiện đường lối chung của Giáo hội và giáo lý đạo Phật. Chính họ luôn luôn tu dưỡng bản thân, hoàn chỉnh nhân cách của chính mình và hoàn chỉnh nhân cách của các thành viên trong cùng Ban hộ tự để làm mô phạm cho những người xung quanh. Muốn cho Ban hộ gắn kết với mình, với Niệm Phật đường, với đạo Phật thì trước tiên người tu sĩ “tri hành hợp nhất” trong ý nghĩ lời nói và việc làm để làm khuôn mẫu trong việc thực hành giáo lý.
Trong việc đối nhân xử thế vị trụ trì cần phải tránh xa kiểu cách làm việc bằng cảm tính, bằng sự độc tài và phe cánh. Mà nên “dụng nhân như dụng mộc” bằng thái độ dung hòa và vị tha. Nếu cần thiết trong các sinh hoạt Phật sự Ban hộ tự và vị trụ trì cần phải nghĩ cách tổ chức có khoa học và sự sáng tạo, cố gắng xoay sở tự làm mới mình về mọi phương diện để có thể thu hút ngày càng nhiều Phật tử tham gia. Bời rằng chúng ta không tự thích nghi để tự hòa nhập và phát triển tức là chúng ta tự làm cho mình tụt hậu và tự đào thảy là đều khó tránh khỏi.

 Vị trụ trì và Ban hộ cùng lăn xả vào thể nghiệm các phương thức sinh hoạt mới và đánh giá trên tình hình thực tế xem có hiệu quả hay không chư không phải ngồi trên bàn giấy để chỉ trích, bàn bạc suông. Nên chăng chúng ta làm một cuộc khảo sát cho Phật tử nói lên ý muốn về việc sinh hoạt và tu tập của họ để chúng ta có phương pháp cụ thể và phù hợp. Đôi khi mình chủ quan cung cấp những phương tiện tu học mà mình đang có, chứ không tìm hiểu cái Phật tử đang cần. Những hiểu biết còn hạn chế trong cách thức sáng tạo sinh hoạt, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu hiểu biết xã hội, văn hóa và du lịch cũng là những trở ngại không nhỏ để đáp ứng được khả năng khám phá mong muốn hiểu biết với nhu cầu ngày càng cao của quần chúng Phật tử trong xã hội không ngừng phát triển như hiện nay.

 Đề ra một hướng đi mới cho sinh hoạt và tu học chánh pháp là cần thiết và bức bách để cho Phật tử trong mọi lứa tuổi vừa có kiến thức về giào lý Phật học vừa có kiến thức về xã hội hiện đại chứ không bảo thủ. Nếu bảo thủ thì việc tự đánh mất dần tín đồ là việc không thể tránh khỏi.
Việc sinh hoạt và tu học của Phật tử tại các Niệm Phật đường vừa là một nhiệm vụ vinh quang vừa là một gánh nặng trên vai của Ban hộ tự và vị trụ trì, nhất là vào độ tuổi cao niên, độ tuổi mà phần lớn những người đời thường nghĩ ngơi an nhàn, thì những bậc cao niên trong Ban hộ tự và trưởng thượng trong hàng Tăng già đều phải thầm lặng phục vụ cho lợi ích tha nhân, nhưng mấy ai hiểu được! Ôi thôi, lắm khi cũng vì một điều bất như ý mà họ quên cả tuổi tác, quên cả lớn nhỏ, quên cả Tăng tục nên họ đã buôn ra những lời lẽ có những ý nghĩ và hành động khiếm nhã. Đạo tràng thiếu đi tinh thần nhất quán, trở nên rời rạt. Ban hộ tự có thái độ bất mãn, cho rằng vai trò của mình là quan trọng, thiếu mình không ai làm được gì cả. Vị trụ trì lúc này sẽ nghĩ gì, hoặc tự cho mình là bất tài, thiếu chủ động trong công việc hoằng truyền chánh pháp… Thử nghĩ đang trong một xã hội đầy dẫy những bạo lực, dối trá, lường gạt, tham nhũng, mại dâm, hút chích… như hiện nay, người ta cần gì ở ngôi chùa, người ta cần gì ở một người con Phật, ở nơi một tôn giáo? Một sự cúng bái cầu xin hay một phương cách để thoát khổ. Giáo lý nhà Phật thì vô hạn, nhưng chúng ta chưa làm cho giáo lý được hiện hữu trong cuộc sống. Hay nói cách khác chúng ta học theo Phật pháp thì nhiều nhưng chúng ta chưa thực sự sống theo Phật pháp. Giáo lý đó còn nằm trên trang kinh, tượng Phật chứ chưa nằm ngay trong ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Trách nhiệm này cần phải có một sự phối hợp đồng bộ giữa quần chúng Phật tử, Ban hộ tự và Trụ trì. Chính những thành phần này cần phải xiển dương giáo lý chứ không phải lý thuyết suông mà phải bằng chất Phật trong khi làm Phật sự. Chất đó là gì chính là lòng từ bi và trí tuệ. Khi trong tâm chúng ta đã đượm nhuần hai chất tố này, mọi Phật sự tự nó mỹ mãn.

  

  

  

  

 Tag: kiện quy trình