Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng

 Thực hiện Văn bản số 362/TTr-P4, ngày 29/5/2020 của Thanh tra tỉnh về việc báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng. Ngày 11/6/2020 Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh có báo cáo số 158/BC-BQLKKT về tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng nội dung như sau:

 I. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ

 1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN):

 BQLKKT tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện đầy đủ các kế hoạch hàng năm và giai đoạn theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên về chuyên đề phòng, chống tham nhũng[1]; cử công chức tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan có thẩm quyền tại BQLKKT tỉnh, không để tồn đọng; thường xuyên theo dõi, giám sát, tự kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, không để phát sinh tham nhũng; chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được giao quản lý theo đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

 2. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN:

 – Công tác xây dựng, ban hành hoặc đề xuất, kiến nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN hoặc liên quan đến PCTN: Không.

 – Đề xuất, kiến nghị khắc phục sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và trong quá trình tổ chức thực hiện; kết quả thực hiện các đề xuất, kiến nghị: Không.

 3. Kết quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, tuyên truyền trong PCTN:

 BQLKKT tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đầy đủ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể công chức, viên chức, lao động trong cơ quan bằng nhiều hình thức phù hợp như đã lồng ghép trong các hội nghị cơ quan, sinh hoạt đảng, đoàn thể và tổ chức hội nghị tập trung, mời báo cáo viên pháp luật của tỉnh báo cáo pháp luật chuyên đề về phòng, chống tham nhũng cho toàn thể công chức, viên chức, lao động trong cơ quan (với tổng số 107 người tham dự – tháng 11/2013).

 4. Kết quả thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước:

 4.1 Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ:

 – BQLKKT tỉnh công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung thuộc trường hợp phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Hình thức công khai theo quy định, trong đó có hình thức công khai minh bạch tại Hội nghị công chức, viên chức hàng năm.

  – Đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và hàng năm có sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Qua công tác kiểm tra nội bộ về chế độ, định mức, tiêu chuẩn về công tác phí, xăng xe, hội nghị, tiếp khách, mua sắm, sửa chữa tài sản công…không phát hiện có trường hợp nào vi phạm phải xử lý.

 4.2 Việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: BQLKKT tỉnh đã xây dựng và thực hiện Quy định về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức công chức, viên chức[2]..

 4.3 Việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn:

  Hàng năm, BQLKKT tỉnh đều ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Tính từ 2013 đến nay, BQLKKT tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 9 trường hợp công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

 4.4 Công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt:

 – BQLKKT tỉnh thường xuyên chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục trực tiếp tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi giải quyết công việc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đã xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm của BQLKKT tỉnh; thực hiện tốt các nhiệm vụ khác về cải cách hành chính.

 – Quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị.

 – Thực hiện quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt: Chi trả tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp lương; chi bổ sung thu nhập; tiền điện thoại đối với các chức danh có tiêu chuẩn; các khoản thanh toán cho cá nhân thực hiện chế độ giao khoán kinh phí theo quy định và các khoản chi thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.

 4.5 Công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: 100% CBCC, VC của BQLKKT tỉnh (thuộc đối tượng kê khai) đã hoàn thành việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định. Đồng thời tiến hành công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của CBCC, VC bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, các đơn vị trực thuộc. Thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục. Thực hiện việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng thuộc diện chịu thuế tại cơ quan quản lý thuế theo đúng quy định.

 5. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN; việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách:

 – Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN: Chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng (nếu có); xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng (nếu có); cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng (nếu có); gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác khi có căn cứ vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng (nếu có).

 – Việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách: Không.

 6. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng

 6.1. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Hàng năm Đảng ủy BQLKKT tỉnh đều tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/2/2012 của Ban Chấp hành Trung ương “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ[3]. Kết quả kiểm tra tại các đơn vị thuộc BQLKKT tỉnh không phát hiện trường hợp tham nhũng.

 6.2. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng: Qua công tác kiểm tra, giám sát không phát hiện trường hợp tham nhũng.

 6.3. Công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo: Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không phát hiện trường hợp tham nhũng.

 6.4. Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; qua công tác điều tra, truy tố, xét xử: Không có tin báo, tố giác tham nhũng.

 6.5. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng: Không.

 6.6. Qua rà soát các cuộc Thanh tra kinh tế – xã hội: Qua rà soát không phát hiện tham nhũng.

 7. Kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương và của địa phương: Từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, kiểm tra[4] có liên quan đến BQLKKT tỉnh. Ngoài ra, BQLKKT tỉnh thực hiện 03 cuộc kiểm tra nội bộ[5]. Kết quả thanh tra, kiểm tra không phát hiện hành vi tham nhũng. BQLKKT tỉnh đã thực hiện hoàn thành các kiến nghị có liên quan nêu trong các kết luận thanh tra, báo cáo kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Riêng đối với kết luận số 02/KL-STNMT ngày 15/3/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường, BQLKKT tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện 3 nội dung kiến nghị có liên quan.

 8. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đoàn thể và nhân dân trong việc phòng, chống tham nhũng:

 – Các cấp ủy, tổ chức đảng trong BQLKKT tỉnh đã lãnh đạo, giáo dục chính trị tử tưởng, giám sát đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

 – Các đoàn thể trong cơ quan (Công đoàn, Đoàn thanh niên) tuyên tuyền, giáo dục các thành viên tổ chức mình thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng, chống tham nhũng; động viên quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố cáo tham nhũng.

 9. Nguyên nhân của những kết quả đạt được: Nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong BQLKKT tỉnh có nhận thức và ý thức tốt về công tác phòng, chống tham nhũng, luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu và sâu sát trong công tác phòng, chống tham nhũng; Cán bộ, CCVC và người lao động nêu cao tinh thần thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng chống tham nhũng.

 II. HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN

 Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN: Không.

 III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG

 1. Về tình hình tham nhũng: Tại BQLKKT tỉnh không xảy ra tham nhũng.

 2. Về công tác PCTN: BQLKKT tỉnh đã bám sát, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định.

 IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM, NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG CÔNG TÁC PCTN:

 – Phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, suy thoái đạo đức, yếu kỷ luật.

 – Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm.

 V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

 1. Về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác PCTN:

 – Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền Luật phòng chống tham nhũng; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng và các Kế hoạch, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

 – Tăng cường tuyên truyền, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về PCTN theo hướng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao ý thức trách nhiệm của CC, VC, LĐ về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng.

 – Tiếp tục chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ của Chính phủ; giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của CCVC theo đúng quy định của Chính phủ. Công khai, minh bạch hoạt động của CCVC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, như: mua sắm tài sản công, quản lý đất đai, quản lý đầu tư công… ; thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý xã hội, chống tiêu cực, sách nhiễu. Tăng cường giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của CB, CCVC.

 – Tiếp tục chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tự kiểm tra, giám sát tham nhũng trong nội bộ; gắn công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với việc phát hiện những sơ hở, thiếu sót để khắc phục, coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và đưa vào chương trình công tác của cấp ủy, cơ quan để đánh giá kiểm điểm việc thực hiện theo định kỳ công tác (tháng, quý, năm).

 2. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: Trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm, giai đoạn do UBND tỉnh ban hành và tình hình thực tế của BQLKKT tỉnh, BQLKKT tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai thực có hiệu quả các kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm, giai đoạn; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định.

 3. Công tác phát hiện xử lý tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự giám sát của các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên rà soát, thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

 4. Các giải pháp khác về PCTN: Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, tổ chức về công tác phòng, chống tham nhũng.

 Tải báo cáo tại đây

 BBT trang thông tin điện tử


[1] Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nêu tại phụ lục kèm theo Báo cáo này.

[2] Quyết định số 94/QĐ-BQLKKT, ngày 13/5/2013 và Quyết định số 113/QĐ-BQLKKT, ngày 30/11/2018 của BQLKKT tỉnh về việc ban hành Quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ của CBCC, VC, LĐ thuộc BQLKKT tỉnh.

[3] Kế hoạch số 446-KH/ĐU, ngày 11/10/2017; Quyết định số 548-QĐ/ĐU, ngày 25/7/2018; Quyết định số 717-QĐ/ĐU, ngày 12/9/2019 của Đảng ủy BQLKKT tỉnh…

[4] Năm 2013: Kiểm tra tra về việc thực hiện công tác đấu thầu tại BQLKKT tỉnh năm 2011 – 2012. Kết luận số 2419/KL-SKHĐT, ngày 312/2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra các dự án đầu tư do BQLKKT tỉnh làm chủ đầu tư từ năm 2010 đến năm 2013. Kết luận số 861/KLThT-SXD, ngày 3/12/2013 của Sở Xây dựng.

 Năm 2014: Báo cáo số 675/BC-STNMT, ngày 28/11/2014 về kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại Khu KTCKQT Bờ Y và lĩnh vực TNMT tại các KCN do BQLKKT tỉnh quản lý.

 Năm 2015: Kết luận số 570/KLTT-TCMT, ngày 08/10/2015 của Tổng cục Môi trường-Bộ TNMT về bảo vệ môi trường đối với BQLKKT tỉnh Kon Tum; Kết luận số 561/KL-TT, ngày 08/10/2015 của Tổng cục Môi trường thanh tra về bảo vệ môi trường tại KCN Hoà Bình-TP. Kon Tum.

 Năm 2016: Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo về môi trường và tài nguyên nước tại các dự án, cơ sơ có xả thải tại các tỉnh (theo Quyết định số 2031/QĐ-BTNMT, ngày 05/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công văn số 2200/UBND-NNNT, ngày 12/9/2016 của UBND tỉnh về việc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước); Thanh tra Sở Nội vụ thanh tra công tác nội vụ tại BQLKKT tỉnh theo Quyết định số 62/QĐ-SNV, ngày 26/02/2016 của Giám đốc Sở Nội vụ. Kết luận thanh tra số 537/SNV-KLTTr ngày 6/4/2016 của Sở Nội vụ; Thanh tra Chính phủ thanh tra việcthực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (việc công khai minh bạch trong mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, tài chính ngân sách) theo Thông báo số 1132/VPUB-NC, ngày 05/8/2016 của Văn phòng UBND tỉnh về việc thông báo lịch làm việc của Đoàn Thanh tra Chính phủ theo Quyết định số 1357/QĐ-TTCP;

 Năm 2017: Quyết định thanh tra số 83/QĐ-TTr ngày 19/10/2017 của Chánh thanh tra tỉnh. Đã có Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr ngày 22/01/2018 về kết quả thanh tra tại BQLKKT tỉnh và các đơn vị trực thuộc về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm trang thiết bị; quản lý, sử dụng tài sản công; nguồn chi phí thường xuyên và nguồn chi phí khác; phòng, chống tham nhũng từ năm 20124 – 2016.

 Năm 2018, các cơ quan có thẩm quyền không thanh tra, kiểm tra tại BQLKKT tỉnh.

 Năm 2019, các cơ quan có thẩm quyền không thanh tra, kiểm tra tại BQLKKT tỉnh.

 6 tháng đầu năm 2020, có 1 cuộc thanh tra theo Quyết định 01/QĐ-STNMT ngày 02/01/2019 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện nguồn gốc sử dụng đất, việc lấn chiếm đất đai và việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực Sao Mai, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Đã có kết luận số 02/KL-STNMT ngày 15/3/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

 [5] Năm 2016: Kiểm tra nội bộ theo Quyết định số 152/QĐ-BQLKKT, ngày 28/8/2015 của Trưởng ban BQLKKT tỉnh về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra tình hình hoạt động tại Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh. Báo cáo số 02/BC-THT ngày 07/4/2016 của Tổ kiểm tra về kết quả kiểm tra tình hình hoạt động tại Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế;

 Năm 2018, 2019: Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/2/2012 của Ban Chấp hành Trung ương “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ theo Quyết định số 548-QĐ/ĐU, ngày 25/7/2018; Quyết định số 717-QĐ/ĐU, ngày 12/9/2019 của Đảng ủy BQLKKT tỉnh.

 Nguồn: http://kkt.kontum.gov.vn/bao-cao-tong-ket-cong-tac-phong-chong-tham-nhung.p-2175.html

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: 10-kl/tw 2017