Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 101/2015/QH13

 Chương IV

 NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG

 Điều 55. Người tham gia tố tụng

 1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

 3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

 4. Người bị bắt.

 5. Người bị tạm giữ.

 6. Bị can.

 7. Bị cáo.

 8. Bị hại.

 9. Nguyên đơn dân sự.

 10. Bị đơn dân sự.

 11. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

 12. Người làm chứng.

 13. Người chứng kiến.

 14. Người giám định.

 15. Người định giá tài sản.

 16. Người phiên dịch, người dịch thuật.

 17. Người bào chữa.

 18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

 19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

 20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

 Điều 56. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 1. Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền:

 a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;

 b) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

 c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạmtrình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

 Điều 57. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

 1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

 a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

 b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

 d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

 g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

 h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

 Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt

 1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:

 a) Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã;

 b) Được biết lý do mình bị giữ, bị bắt;

 c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

 đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

 h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người.

 2. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người, lệnh bắt người và yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của Bộ luật này.

 Điều 59. Người bị tạm giữ

 1. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

 2. Người bị tạm giữ có quyền:

 a) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

 b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

 d) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

 đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 g) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.

 3. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Bộ luật này và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

 Điều 60. Bị can

 1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

 2. Bị can có quyền:

 a) Được biết lý do mình bị khởi tố;

 b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 c) Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

 d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

 đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 g) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

 h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

 i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;

 k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 3. Bị can có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

 b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 4. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị can có yêu cầu quy định tại điểm i khoản 2 Điều này.

 Điều 61. Bị cáo

 1. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

 2. Bị cáo có quyền:

 a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

 b) Tham gia phiên tòa;

 c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

 đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 eTrình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

 h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

 i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

 k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

 l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

 m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

 n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 3. Bị cáo có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

 b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.

 Điều 62. Bị hại

 1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

 2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

 đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

 e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

 g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

 h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

 i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

 k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;

 l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

 m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

 n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 3. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

 4. Bị hại có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

 b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.

 Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này.

 Điều 63. Nguyên đơn dân sự

 1. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 2. Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 d) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

 đ) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

 e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

 g) Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

 h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên tòa;

 i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

 k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 l) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;

 m) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 3. Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;

 c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 Điều 64. Bị đơn dân sự

 1. Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 2. Bị đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự;

 c) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 d) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 đ) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

 e) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án có liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại;

 g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

 h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn; xem biên bản phiên tòa;

 i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

 k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 l) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;

 m) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 3. Bị đơn dân sự có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;

 c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 Điều 65. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

 1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

 2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

 d) Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

 đ) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

 e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

 g) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình;

 h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình;

 c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 Điều 66. Người làm chứng

 1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

 2. Những người sau đây không được làm chứng:

 a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

 b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

 3. Người làm chứng có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

 c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

 d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

 4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

 b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

 5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

 6. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

 Điều 67. Người chứng kiến

 1. Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

 2. Những người sau đây không được làm người chứng kiến:

 a) Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;

 c) Người dưới 18 tuổi;

 d) Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.

 3. Người chứng kiến có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

 c) Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến;

 d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến;

 đ) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.

 4. Người chứng kiến có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu;

 c) Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến;

 d) Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến;

 đ) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 Điều 68. Người giám định

 1. Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

 2. Người giám định có quyền:

 a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định;

 b) Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận;

 c) Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;

 d) Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

 đ) Ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành;

 e) Các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

 3. Người giám định có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định;

 c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

 4. Người giám định kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

 5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

 a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

 b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;

 c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

 6. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu giám định quyết định.

 Điều 69. Người định giá tài sản

 1. Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

 2. Người định giá tài sản có quyền:

 a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá;

 b) Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá;

 c) Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

 d) Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản;

 đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

 3. Người định giá tài sản có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;

 c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.

 4. Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

 5. Người định giá tài sản phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

 a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

 b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

 c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

 6. Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ quan yêu cầu định giá tài sản quyết định.

 Điều 70. Người phiên dịch, người dịch thuật

 1. Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

 2. Người phiên dịch, người dịch thuật có quyền:

 a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 b) Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

 c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;

 d) Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

 3. Người phiên dịch, người dịch thuật có nghĩa vụ:

 a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

 b) Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;

 c) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;

 d) Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

 4. Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

 a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

 b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

 c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

 5. Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.

 6. Những quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù.

 Điều 71. Trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng

 1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

 Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

 2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản.