Công ty XKLĐ OLECO vẫn bất chấp các quy định của Nhà nước

 Công ty xuất khẩu lao động OLECO vẫn “vô tư” vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, bất chấp quy định của Nhà nước.

 Ngày 18/01, chúng tôi đã có bài phản ánh về các dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của Công ty cổ phần xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động OLECO (Công ty xuất khẩu lao động OLECO). Vàtrong thời gian gần đây, nhiều bạn đọc thông tin về việc Công ty xuất khẩu lao động OLECO (có địa chỉ tại Km số 10, đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, thành phố Hà Nội, nay đã chuyển về địa chỉ tại Km số 16,500, đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, thành phố Hà Nội) có nhiều vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

 Anh Nguyễn Văn H cho biết, mức phí mà Công ty xuất khẩu lao động OLECO thu của người lao động để đi xuất khẩu lao động sang Nhật lên tới 6.500 – 7.000 USD/1 người với hợp đồng 3 năm.Theo phản ánh của học sinh, thực tập sinh, người lao động do Công ty xuất khẩu lao động OLECO tuyển dụng, đào tạo để đi xuất khẩu lao động thì mức phí mà công ty này thu của người lao động là vượt quá mức quy định của Nhà nước rất nhiều.

 Để tìm hiểu và xác minh thông tin do bạn đọc cung cấp, phóng viên trong vai là người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và được nhân viên tuyển dụng tự xưng là nhân viên của Công ty xuất khẩu lao động OLECO, đưa ra mức phí lên tới 7.000 USD/1 người cho hợp đồng lao động 3 năm đi Nhật.

 Phóng viên đã đến địa chỉ của Công ty xuất khẩu lao động OLECO ở địa chỉ Km số 16,500, Thanh Trì, Hà Nội nhưng sau nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc, lãnh đạo Công ty vẫn chưa sắp xếp thời gian gặp PV, có biểu hiện “né tránh” báo chí.

 Đến ngày 25/02/2019, PV liên hệ qua điện thoại tới ông Dũng – Tổng Giám đốc Công ty xuất khẩu lao động OLECO và ông Dũng đã thừa nhận Công ty xuất khẩu lao động OLECO chuyển về địa chỉ mới hoạt động nhưng chưa xin lại giấy phép hoạt động theo địa chỉ mới. Như vậy, tức là Công ty xuất khẩu lao động OLECO hoạt động tại địa chỉ Km số 16,500 đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội là chưa có giấy phép hoạt động tại đây và được coi là hoạt động không phép.

 Cùng ngày, PV tiếp tục tìm hiểu, xác minh thông tin về hoạt động xuất khẩu lao động của Công ty OLECO và vẫn được nhân viên tư vấn mức phí đi XKLĐ tại Nhật Bản lên tới 7.000 USD, bất chấp các qui định của Nhà nước.

 Vì vậy, để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đề nghị các cơ quan chức năng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.

 Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra rất nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực du học, xuất khẩu lao động. Nhiều công ty “ma” được thành lập, họ thuê nhà và hoạt động mang tính thời vụ, chộp giật, lừa đảo, nhanh chóng thu tiền của học sinh và nhanh chóng bỏ trốn, để lại hậu quả cho cơ quan chức năng và những người bị hại. Cơ quan công an và các cơ quan báo chí cũng đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo, phản ánh về tình trạng này, nhiều vụ việc lừa đảo cũng đã được phanh phui và xử lý trước pháp luật. Nhưng, sự lộn xộn, khuất tất vẫn diễn ra hàng ngày, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và gây hoang mang cho người lao động.

 Do đó, các cơ quan chức năng như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và  Đào tạo cũng đã ban hành nhiều quy định để siết chặt quản lý trong lĩnh vực du học và xuất khẩu lao động, nhằm ngăn chặn và phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo, phạm pháp, trục lợi trên mồ hôi xương máu của người lao động.

 Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Tại Điều 4 có qui định mức phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thu phí dịch vụ việc làm vượt quá mức qui định.

 Trước đó, vào tháng 4/2016, Bộ LĐ-TB&XH đã có Văn bản 1123/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Bộ LĐ-TB&XH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Trong văn bản này đã quy định rõ, các khoản phí doanh nghiệp thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Nhật.

 Nguồn: https://giadinhvaphapluat.vn/cong-ty-xkld-oleco-van-bat-chap-cac-quy-dinh-cua-nha-nuoc-p65256.html

 Tag: tnhh động-thương mại