BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2447/LĐTBXH-BHXH V/v hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH |
 Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2011 |
 Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
 Trả lời Công văn số 2409/BHXH-BT ngày 13/6/2011 của quý cơ quan đề nghị cho ý kiến về một số vấn đề vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
 1. Về thực hiện quy định tại khoản 6 mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây được viết là Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH):
 – Đối với Công ty nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên để được áp dụng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 4 Mục IV Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH thì phải thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 6 mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH từ khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp. Riêng thời hạn đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho đến khi có quy định mới.
 – Các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ Công ty nhà nước áp dụng đầy đủ các quy định tại khoản 6 mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH và xếp hạng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/8/2005 của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Tài chính cho đến khi có quy định mới thì người lao động làm việc trong các công ty này được áp dụng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 4 Mục IV Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH.
 – Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ Công ty nhà nước, sau đó thành lập các Công ty cổ phần hạch toán độc lập thì các Công ty cổ phần hạch toán độc lập này không được áp dụng quy định tại khoản 6 mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH.
 – Các Công ty nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên; Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên, nhưng không thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 6 mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH thì người lao động thuộc các công ty đó áp dụng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 6 Mục IV Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
 2. Về thu BHXH:
 – Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội. Như vậy, tổ chức bảo hiểm xã hội có thẩm quyền và trách nhiệm truy thu bảo hiểm xã hội đối với tất cả các trường hợp thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.
 – Mức truy thu bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bằng tổng số tiền chưa đóng, chậm đóng và số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội trong năm. Tỷ lệ % thu bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội từng thời kỳ.
 3. Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
 4. Người lao động nếu ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội phụ thuộc vào chế độ tiền lương mà cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước thực hiện đối với người lao động được thể hiện trong hợp đồng lao động.
 Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện.
 Nơi nhận: |
 KT. BỘ TRƯỞNG  Phạm Minh Huân |