Giới thiệu về báo nông nghiệp Việt Nam

 Báo Nông nghiệp Việt Nam có tiền thân là Báo Tấc Đất – Cơ quan cổ động sản xuất của Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập theo Nghị định số 129 ngày 4/12/1945 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, thông qua nội dung của tờ báo và viết bài: “GỬI NÔNG GIA VIỆT – NAM” giao nhiệm vụ, giới thiệu về Báo Tấc Đất trên số báo đầu tiên, phát hành ngày 7/12/1945.

 Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cơ quan cổ động sản xuất – tờ báo đầu tiên của Bộ Canh nông, là vinh dự lớn không chỉ riêng của Báo Tấc Đất (nay là Báo Nông nghiệp Việt Nam) mà còn của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.

 Trong suốt chiều dài lịch sử, để phù hợp với từng giai đoạn của Cách mạng, Bộ Canh nông đã nhiều lần được đổi tên. Vì vậy Báo Tấc Đất cũng được đổi thành nhiều tên gọi khác nhau (trên cơ sở tách, sáp nhập các tờ báo) để thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, như: Tập San Canh Nông, Báo Toàn Dân Canh Tác, Báo Nông Lâm, Báo Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, Báo Nông nghiệp.

 Sau khi Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được thành lập tháng 2/1987 trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn ký Quyết định số 89/NN-CNTP/QĐ ngày 30/5/1987 thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Báo Nông nghiệp (của Bộ Nông nghiệp cũ) và Báo Lương thực (của Bộ Lương thực cũ).

 Ngày 10/10/1987, phát hành số đầu tiên với tên gọi Báo Nông nghiệp Việt Nam và được duy trì cho đến nay.

 Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển 70 năm, dù với tên gọi nào, ở thời kỳ lịch sử nào, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn là cơ quan tuyên truyền tích cực nông nghiệp, nông thôn nước nhà.

Báo Tấc Đất

 

 Ngày 14/11/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) thành lập Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện 2 nhiệm vụ: I)- Thực hiện chương trình tăng gia sản xuất cấp tốc ở Bắc bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe dọa đồng bào. II)- Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này.

 Ngay sau khi thành lập Bộ Canh nông, Bộ trưởng Cù Huy Cận đã đến Bắc Bộ phủ, báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xin xuất bản tờ báo làm cơ quan cổ động, vận động sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất của Bộ Canh nông cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý ngay và Người duyệt nội dung của tờ báo, đặt tên cho tờ báo đầu tiên của Bộ Canh nông là: Báo Tấc Đất.

 Ngày 4/12/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Nghị định số 129 thành lập Báo Tấc Đất – Cơ quan cổ động sản xuất của Bộ Canh nông, giao cho ông Hoàng Văn Đức, kỹ sư nông học, Tổng Giám đốc Nha Nông chính thuộc Bộ Canh nông làm Chủ nhiệm. Trụ sở của Báo Tấc Đất đặt tại số 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Báo phát hành 1 kỳ/tuần. Khuôn khổ 30×42. 4 trang. In 2 màu tại Nhà in Lê Văn Tân. Giá bán: 7 hào. Phát hành đến Ủy ban Hành chính, các Ban Tăng gia sản xuất tỉnh, huyện, xã và các cơ sở canh nông.

 Ngày 7/12/1945 Báo Tấc Đất xuất bản số đầu tiên (số 1). Trong số báo đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết bài: “GỬI NÔNG GIA VIỆT – NAM” giao nhiệm vụ và giới thiệu về Báo Tấc Đất.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

 Câu tục ngữ: “Tấc đất tấc vàng” ngày nay có hai ý nghĩa:

 1. Báo “Tấc đất” sẽ chỉ bảo cho anh chị em nhà nông làm thế nào cho nông nghiệp mau chóng tiến bộ. Sự chỉ bảo của báo Tấc đất cũng quý hóa như tấc vàng.

 2. Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ǎn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ǎn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng.

 Vì cứu quốc, các chiến sĩ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc, nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng.

 Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc thì binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất, tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó.

 Tǎng gia sản xuất! Tǎng gia sản xuất ngay! Tǎng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập.

 Hỡi anh em nhà nông, tiến lên! tiến lên!

 Giấy phép hoạt động Báo điện tử số: 167/GB – BTTTT. Bộ trưởng Bộ TTTT cấp ngày 20/4/2017

 Tòa soạn và trị sự:

 14 Ngô Quyền – Hoàn Kiếm – Hà Nội

 024.38256492 – Fax: 024.38252923

 

  

  

  

  

 Tag: hôm mới nai vn so moi nhat đọc nghệ an giang tĩnh